Bệnh phong bì ở Trung Quốc

Một bệnh nhân lót tay bác sĩ 300 USD cho một ca mổ. Một nhân viên kinh doanh hối lộ 1.000 USD để thuốc của anh ta được bày trong bệnh viện. Phong bì và lại quả là chất bôi trơn không thể thiếu trong hoạt động của các bệnh viện ở Trung Quốc.

Một bệnh nhân lót tay bác sĩ 300 USD cho một ca mổ. Một nhân viên kinh doanh hối lộ 1.000 USD để thuốc của anh ta được bày trong bệnh viện. Phong bì và lại quả là chất bôi trơn không thể thiếu trong hoạt động của các bệnh viện ở Trung Quốc.

Các bác sĩ, y tá cũng như chuyên gia trong ngành y tế đều thống nhất ý kiến rằng chính mức lương thấp là lý do khiến người ta nhận hối lộ của bệnh nhân và khoản “lại quả” của các hãng dược và thiết bị y tế.

Trung Quốc là thị trường vô cùng béo bở cho ngành dược và thiết bị y tế, với tổng chi tăng dự kiến gấp ba lần kể từ năm 2011 đến 2020, lên đến 1 nghìn tỷ USD.

Lương của các y bác sĩ Trung Quốc được quy định theo bảng lương chính thức của chính phủ. Các bệnh viện cũng có những khoản thu riêng và chia cho nhân viên, nhưng tổng các khoản này, theo giới trong ngành, vẫn là nhỏ bé. Một bác sĩ mới ra trường ở Bắc Kinh kiếm được 3.000 tệ (490 USD) kể cả tiền thưởng mỗi tháng – mức thu nhập bằng với của lái xe taxi. Bác sĩ 10 năm kinh nghiệm có thể kiếm 10.000 tệ, theo Peter Chen, giám đốc điều hành bệnh viện quốc tế Oasis ở Bắc Kinh.

“Nếu không có tiền mờ ám, các bác sĩ lấy đâu động lực mà làm việc?”, Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu chính sách y tế, nói.

Shanghai-doctor-1376536527_500x0.jpg

Một bác sĩ lấy máu cho bệnh nhân trong phòng cấp cứu một bệnh viện ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Trong 30 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã đưa ngành y tế nước này theo hướng thị trường hơn. Hơn 13.500 bệnh viện công đã tự hạch toán thu chi. Khoản tiền từ ngân sách hỗ trợ ngày càng giảm kể từ những năm 1980. Ban quản lý các bệnh viện được quyền ấn định chi phí thu từ bệnh nhân nội trú, điều dưỡng và xét nghiệm. Tuy nhiên nhà nước giữ quyền quyết định chi phí phẫu thuật, để mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ này. Chính phủ cũng tìm cách ngăn chặn việc tăng chi phí y tế bằng cách quy định mức giá tối đa cho nhiều loại thuốc. Các bệnh viện không có nhiều cửa để tăng thu và tăng lương, và thực tế này trở thành điều kiện màu mỡ cho “lại quả” và “phong bì” hoành hành.

Một người làm trong ngành y tế Trung Quốc 15 năm qua nói rằng việc hối lộ và tham nhũng diễn ra khắp nơi, mọi cấp trong hệ thống y tế công. “Nó được coi là không thể thiếu trong hệ thống y tế”.

Một nhân viên bán hàng của công ty dược cho biết anh ta đã trả 1.000 USD để sản phẩm của hãng được bày lên kệ thuốc của một bệnh viện. “Nếu không chi khoản này, chúng tôi còn tốn hơn ấy chứ. Không đút lót thì sẽ mất rất nhiều tiền và sức lực… vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp. Chúng tôi muốn tìm cách ngắn gọn thôi”.

Lời thú nhận của những người như nhân viên bán hàng này được đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc tố GlaxoSmithKline  có “hành vi như của mafia”. GSK bị tố cáo hối lộ hàng trăm triệu USD, thông qua các công ty du lịch, đến tay các bác sĩ và giới chức y tế Trung Quốc. Một trong các nhân viên cao cấp của GSK, đã bị bắt, thú nhận rằng các khoản hối lộ khiến giá thuốc tăng lên 30%.

Phong bì

Một bác sĩ giỏi từng làm việc ở bệnh viện công tại Bắc Kinh cho biết 80% thu nhập của ông là từ phong bì. Nếu không nhận hối lộ, thu nhập hàng tháng của ông chỉ là 600 USD.

“Món phong bì quan trọng lắm. Anh không thể sống bằng lương được”, vị bác sĩ 50 tuổi đã di cư sang Anh, nói.

Lương thấp là di sản của hệ thống kinh tế kế hoạch trước đây, Jia Xijin, giáo sư trường Quản lý và Chính sách Công của đại học Thanh Hoa, giải thích. Trung Quốc cam kết mỗi trong số 1,37 tỷ người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe, nhưng chính phủ chi 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (358 tỷ USD) cho  hệ thống này (năm 2009), trong đó 680 tỷ tệ dành cho bảo hiểm y tế diện rộng.

Các bệnh viện công cho biết việc tuyển bác sĩ trẻ ngày càng khó do mức lương thấp trong khi số bệnh nhân phải phục vụ tăng lên. Theo bộ Y tế nước này, số bác sĩ tăng 13% trong khi số bệnh nhân tăng 28% trong ba năm từ 2008.

“Không đủ bác sĩ trẻ để bù số bác sĩ nghỉ hưu”, giám đốc một bệnh viện ở Thượng Hải nói.

Trong các bệnh viện, sự xuất hiện của phong bì trở thành đương nhiên. Các “hồng bao” – từ để chỉ tiền mừng tuổi cho trẻ con dịp Tết - ấy chứa tiền của bệnh nhân đút lót cho y bác sĩ. Với một phong bì tiền mặt, người ta làm được nhiều điều – từ chen ngang cho đến bồi dưỡng các bác sĩ phẫu thuật.

Bob Wang, doanh nhân 35 tuổi người Bắc Kinh, kể rằng anh ta “lót tay” cho bác sĩ phẫu thuật chính 5.000 tệ, ngoài món 10.000 tệ trả cho bệnh viện năm ngoái, khi dì của anh phải mổ xương. Wang nói nếu không đưa tiền, anh sợ các bác sĩ làm không tốt, và rằng có cả một hệ thống hướng dẫn không lời cho người nhà bệnh nhân, xem mổ gì thì “đút lót” bao nhiêu tiền. Theo bác sĩ 50 tuổi nói trên trên, số tiền “hồng bao” có khi nhiều gấp 2 hoặc 3 lần tiền viện phí

“Nếu chẳng may tôi hoặc người nhà bị ốm, chúng tôi không chỉ vác cái thân đến bệnh viện đâu. Cái gì cũng sẽ phải chờ đợi dài dằng dặc – từ đăng ký khám đến chờ có giường nằm, rồi chờ để bác sĩ khám cho, rồi lại chờ được mổ”, anh Wang nói.  

Một bác sĩ giỏi ở bệnh viện tim tại Bắc Kinh bình luận rằng dù những lời kêu gọi chống tham nhũng được đưa ra khắp nơi, trên thực tế việc đó là không thể.

“Nếu thực sự muốn điều tra người nào nhận tiền của bệnh nhân? Dễ thôi. Nhưng thế thì ai cũng phạm tội hết. Lấy ai ra mà làm việc?”.

Theo Vnexpress.


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.