Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình

Khomjani nuôi cả thảy 4 con đỉa, một trong số đó là Leara thuộc về loài đỉa trâu Châu Á.

Khomjani nuôi cả thảy 4 con đỉa, một trong số đó là Leara thuộc về loài đỉa trâu Châu Á.

Bạn sẽ nghĩ thế nào khi nhìn thấy một người nuôi đỉa, hẳn là những con đỉa trâu to bằng cả cánh tay làm thú cưng? Chúng vắt vẻo bám trên người họ, nhày nhụa và đôi khi vẫn còn đang hút máu "khổ chủ"?

Chắc chắn hình ảnh này sẽ khiến nhiều người đi từ sự ngạc nhiên đến kinh sợ. Nhưng hãy dừng lại một chút. Tìm hiểu về những con đỉa cũng sẽ cho bạn nhiều góc nhìn mới về loài ký sinh thú vị này.

"Chúng là những sinh vật hiếu kỳ đáng kinh ngạc. Những con đỉa lớn lên như điên và sẽ trở thành một loài thú cưng tuyệt vời", Ariane Khomjani, một người nuôi đỉa chia sẻ với ScienceAlert.

Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình-1
Những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình.

Trong quá trình quan sát những con đỉa, Khomjani cho biết loài động vật này cũng có cá tính riêng của mình. Một số con đỉa liều lĩnh hơn, trong khi những con khác tỏ ra nhút nhát.

"Một số con tham ăn hơn những con khác, haha! Nhưng một khi đã no, chúng sẽ chỉ nằm yên một chỗ nghỉ ngơi, và bạn có thể nhấc chúng ra khỏi nước và vuốt ve một cách nhẹ nhàng", ông nói.

Khomjani nuôi cả thảy 4 con đỉa, một trong số đó là Leara trong bức hình phía trên. Những con đỉa này thuộc về một loài có tên là Hirudinaria manillensis, hay còn gọi là đỉa trâu Châu Á.

Thống kê cho thấy trên thế giới có tất cả hơn 600 loài đỉa, hầu hết nhưng không phải tất cả chúng đều là loài hút máu. Một số loài đỉa, ví dụ như đỉa giun (Pharyngobdellida), là loài săn mồi. Chúng ăn động vật không xương sống bằng cách nuốt chửng chúng. Ngược lại có những loài đỉa lại chỉ ăn các mảnh vụn hữu cơ xung quanh môi trường.

Đỉa có thể có tới 8 cặp ocelli, hay còn gọi là đốm mắt. Chúng sử dụng những đốm mắt này để phát hiện bóng của những con mồi tiềm năng. Đỉa không có não tập trung thành một khu vực, nhưng hệ thần kinh của chúng trải đều trên cả 32 đoạn cơ thể.

Và vì là loài lưỡng tính, mỗi con đỉa đều có cả cơ quan sinh sản nam lẫn cơ quan sinh sản nữ. Nghịch lý thay, chúng vẫn cần một người bạn đời mới có thể sinh sản.

Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình-2
Thống kê cho thấy trên thế giới có tất cả hơn 600 loài đỉa.

Bây giờ, hãy tưởng tượng đến cảnh một con đỉa đi săn lùng bạn. Một khi nó cảm nhận được thân nhiệt và nồng độ CO2 mà cơ thể bạn tiết ra, nó sẽ tìm mọi cách để tiếp cận bạn. Và khi con đỉa đã bám được vào da, nó sẽ dùng miệng và cả mông để cắn rồi hút máu vào bụng.

Bạn không đọc nhầm đầu, mông của lũ đỉa cũng dùng để hút máu. Trong quá trình ấy, con đỉa sẽ bơm nước bọt của nó chứa các chất gây tê và chống đông máu vào vết cắn. Hàm răng của chúng chia làm 2-3 dãy, có thể chứa tới 300 chiếc răng.

"Một khi chúng hút máu bạn, bạn thậm chí sẽ không cảm thấy gì cả, ngay cả với những con đỉa trâu lớn", Khomjani giải thích. Mặc dù vết cắn ban đầu có thể gây ra một chút tổn thương, nước bọt của đỉa sẽ xoa dịu toàn bộ bữa ăn ấy.

Một con đỉa khi đã ăn no có thể sống tới 1 năm mà không cần thêm bất kỳ một bữa ăn nào nữa. Nhưng những người nuôi đỉa khuyến cáo nếu bạn muốn thú cưng của mình khỏe mạnh, hãy cho chúng ăn 3-6 tháng một lần.

Nhưng có một điều cần lưu ý, trước khi bạn quyết định sắm cho mình một vài con đỉa và tự mình nuôi chúng bằng dòng máu trong cơ thể, hãy chắc chắn bạn đã tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số người có thể bị dị ứng với nước bọt của đỉa, và luôn có những nguy cơ nhiễm trùng từ vết cắn của chúng.

Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình-3
Một con đỉa khi đã ăn no có thể sống tới 1 năm mà không cần thêm bất kỳ bữa ăn nào nữa.

Khomjani cũng nói rằng, trong khi hầu hết các vết cắn do đỉa gây ra sẽ lành lại mà không để lại sẹo, nhưng bởi có chất chống đông máu trong nước bọt của đỉa, đôi khi các vết thương này sẽ chảy máu trong suốt vài ngày.

Nhưng đó chính xác cũng là một đặc tính mà con người muốn khai thác từ sinh vật hút máu này. "Trong suốt nhiều thế kỷ, đỉa đã gắn liền với văn hóa của con người, đặc biệt là ở Châu Âu", nhà ký sinh trùng Mackenzie Kwak đến từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Con người đã bắt đầu nuôi đỉa vì mục đích y tế từ khoảng 3.000 năm trước. Trong thời đại Victoria (vào những năm 1800), đỉa được các nhà y thuật Châu Âu khuyên dùng để điều trị mọi thứ, từ chứng đau đầu cho đến đau bụng.

Theo tài liệu ghi lại, vào năm 1833, người Pháp đã nhập khẩu khoảng 42 triệu con đỉa để phục vụ mục đích y tế. Cơn sốt này đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà thuốc. Họ liên tục đi tìm bắt đỉa, giới thiệu những hũ đựng đỉa và những phương pháp trị liệu mới tới khách hàng.

Việc sử dụng đỉa phổ biến đến nỗi đã làm quần thể đỉa thuốc (Hirudo hazinalis) trong tự nhiên suy giảm mạnh cả ở Châu Âu lẫn Châu Á. Cho tới tận bây giờ, loài đỉa này vẫn còn ở trong danh sách bảo tồn.

Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình-4
Một lọ sứ bày đỉa luôn có mặt trên quầy các bệnh viện và nhà thuốc tại Châu Âu trong thế kỷ 19.

Liệu pháp dùng đỉa chữa bệnh đạt tới thời kỳ cực thịnh vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19. Vào thời đó, mỗi năm nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa, nước Anh cũng dùng 7-9 triệu con. Lúc bấy giờ tại các bệnh viện và nhà thuốc, người dân Châu Âu đều quen thuộc với một lọ sứ bày đỉa luôn có mặt trên quầy.

Nửa sau thế kỷ 19, Châu Âu đã chứng kiến những thành tựu khoa học được khám phá từ đỉa. Kỹ nghệ nuôi đỉa dùng trong y học phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng.

Nhưng cũng từ thời điểm này, sự ra đời của nhiều loại thuốc hiệu quả, tác dụng nhanh như aspirin, nitroglycerin, kháng sinh và các dược chất khác đã khiến liệu pháp đỉa rơi vào thoái trào.

Tới năm 1910 ở Anh, liệu pháp đỉa đã thực sự đi vào quên lãng, thỉnh thoảng mới bắt gặp ở một số vùng hẻo lánh xa xôi như một giải pháp y học dân gian, thậm chí bị coi là "lang băm".

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, những con đỉa bắt đầu được cộng đồng y tế thế giới chú ý trở lại.

Đó là nhờ vào các nghiên cứu sâu hơn, khi các bác sĩ và các nhà nghiên cứu phát hiện những con đỉa và hỗn hợp các hóa chất tìm thấy bên trong nước bọt của chúng có rất nhiều lợi ích.

Nước bọt của đỉa chứa các chất làm loãng máu và các chất chống viêm. Nó đã được ứng dụng để phát triển các phương pháp điều trị bệnh tim mạch và sử dụng trong phẫu thuật. Ví dụ, hóa chất trong cơ thể đỉa có khả năng khôi phục dòng tuần hoàn máu ở các mô ghép, giúp các ngón tay (hay ngón chân) người bị đứt được lành lại sau khi nối.

Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình-5
Trong những năm gần đây, những con đỉa bắt đầu được cộng đồng y tế thế giới chú ý trở lại.

Tại Nga, có nhiều công trình nghiên cứu về việc dùng đỉa để chữa bệnh. Theo tiến sĩ sinh học Genadi Nhikonov, Giám đốc Viện Sinh học Moscow, đỉa có thể phục vụ y học nhờ các đặc điểm: Một là nó luôn cắn vào vùng nhạy cảm để kích thích các vùng này hoạt động khi bị chảy máu. Hai là đỉa có thể giúp điều chỉnh dòng máu chảy và nước bọt của đỉa khi đi vào cơ thể người sẽ mang theo nhiều chất có hoạt tính sinh học cao.

Các hoạt chất này có thể làm tan các tác nhân gây nghẽn mạch, điều chỉnh huyết áp, loại trừ các ổ viêm nhiễm. Ngoài ra, ưu điểm của những con đỉa là chúng không gây phản ứng phụ giống các loại thuốc thường gây ra.

Trong khi đó tại Mỹ, năm 2004, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng đã cấp phép cho một liệu pháp sử dụng đỉa hút máu để điều trị cho các bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật ghép da và phục hồi tuần hoàn.

Đỉa thậm chí được FDA chấp thuận là một "thiết bị y tế". Tuy nhiên, đó phải là những con đỉa được nuôi nhốt trong môi trường có kiểm soát của con người, để đảm bảo giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng khi trị liệu.

Có những người nuôi đỉa như thú cưng, cho chúng ăn bằng máu của mình-6
Tại sao mọi người không thể có cái nhìn thoáng hơn về những sinh vật tuyệt vời này?

Trở lại với những con đỉa được nuôi như thú cưng, trong trường hợp bạn cũng muốn giữ một số sinh vật hút máu này trong nhà, nhưng lại không muốn biến mình thành bữa ăn của chúng, thì bạn có thể cho chúng ăn gan sống hoặc uống máu của động vật.

Đó cũng là cách mà những con đỉa đang được nuôi trong phòng thí nghiệm và các cơ sở y tế. Chỉ cần cung cấp cho chúng một dòng máu tươi, không chứa bất kỳ chất bảo quản nào là chúng sẽ sống khỏe trong nhiều tháng.

Nhưng vẫn còn một điều mà những người nuôi đỉa cần lưu ý, đó là sự dè chừng và sợ hãi khi người khác thấy bạn xuất hiện với một con đỉa. Nhiều người sẽ cho rằng nuôi đỉa như một loài thú cưng là một hành động lập dị và ghê tởm.

Khi được hỏi về phản ứng tiêu cực của mọi người đối với những con đỉa của mình, Khomjani bức xúc: "Bạn cứ thử tưởng tượng nếu ai đó nói về những con chó hoặc những con mèo theo cách họ nói về những con đỉa". Tại sao mọi người không thể có cái nhìn thoáng hơn về những sinh vật tuyệt vời này?

Theo Trí Thức Trẻ


nuôi đỉa

đỉa hút máu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.