Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tại Việt Nam đang gia tăng đáng báo động.

Từ 9h ngày 11/5 đến 6h ngày 12/5, Bệnh viện Nhân dân 115 ghi nhận 50 ca đột quỵ nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhân dưới 50 tuổi.

Đáng chú ý, nữ bệnh nhân H.T.K.V. (21 tuổi) nhập viện lúc 18h ngày 11/5 trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ chẩn đoán cô xuất huyết não từ thuyên tắc hệ thống tĩnh mạch não. Sau hơn một ngày cấp cứu tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn.

Trường hợp khác là người đàn ông 40 tuổi cũng cấp cứu trong tình trạng xuất huyết não. Nguyên nhân do tăng huyết áp không kiểm soát.

Theo PGS.TS Thắng, số liệu năm 2019 tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy tuổi trung bình của 6.601 bệnh nhân đột quỵ là 62 tuổi. Một nghiên cứu khác với trên 2.300 bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tương tự. So với các quốc gia phát triển, độ tuổi trung bình mắc đột quỵ ở Việt Nam ít hơn khoảng 10 năm, cho thấy xu hướng trẻ hóa rõ rệt.

benh nhan dot quy (1).png
Bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: BSCC.

PGS.TS Thắng chỉ ra 7 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này:

Bệnh lý nền gia tăng sớm

Người trẻ ngày càng đối mặt nhiều với các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu ở độ tuổi sớm hơn. Lối sống ít vận động, dùng nhiều đồ ăn nhanh, ít rau củ và tình trạng béo phì là những yếu tố chính thúc đẩy các bệnh lý này.

Lối sống đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã thay đổi thói quen sinh hoạt của người trẻ. Việc ít vận động thể chất, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn giàu muối và đường, cùng với áp lực tâm lý từ công việc và cuộc sống đô thị, đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm không khí tại những thành phố lớn ở các nước đang phát triển đạt mức báo động. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm và nguy cơ đột quỵ gia tăng.

Hạn chế tiếp cận y tế

Hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang phát triển còn thiếu các chương trình tầm soát hiệu quả cho các bệnh lý nền như tăng huyết áp hay tiểu đường. Việc không phát hiện và điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Thói quen sử dụng chất kích thích

Tỷ lệ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích đang gia tăng ở người trẻ. Những thói quen này gây tổn thương mạch máu, đặc biệt khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác.

Yếu tố di truyền và chủng tộc

Một số nhóm dân tộc tại các nước đang phát triển có nguy cơ cao hơn về bệnh lý mạch máu do di truyền. Khi kết hợp với lối sống không lành mạnh, nguy cơ đột quỵ càng trở nên nghiêm trọng.

Thiếu nhận thức về đột quỵ

Nhiều người trẻ chưa nhận thức đầy đủ về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của đột quỵ. Tâm lý chủ quan rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi khiến họ chậm trễ trong việc tìm kiếm chăm sóc y tế, dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng cao hơn.

Phó Giáo sư Thắng nhấn mạnh rằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện lối sống và tăng cường các chương trình tầm soát y tế là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Theo VietNamNet