Nhớ ngày trước, khi còn ở quê, mảnh vườn sau nhà xanh nhất màu mồng tơi, mồng tơi leo giàn kín mít và tươi non. Phần lớn vì kiếm thêm thu nhập, phần nữa vì cả nhà đều thích hương vị canh mồng tơi - đặc biệt là mồng tơi phải nấu với cua đồng, thỉnh thoảng cộng thêm trái mướp, cho nên giữa mảnh vườn đủ các loại rau màu, mồng tơi là nhiều hơn cả.

Nỗi nhớ ngày xưa

Mỗi lần mấy cha con đi ruộng mà bắt được cua đồng, thế nào khi về đến nhà, thằng cu lớn mình mẩy còn dính sình bùn đã tức thì cắp rổ ra ngoài vườn hái lá mồng tơi. Rồi nó giục lũ em xúm vào giúp mẹ, đứa thì cặm cụi rửa và gỡ gạch cua đồng đựng riêng trong cái bát nhỏ, đứa thì lễ mễ bưng cái nồi lưng lưng nước, để lúc mẹ vừa giã hết cua liền có nước mưa mà lọc lấy nước nấu canh.

Thằng cả vừa rửa rổ mồng tơi, vừa để ý xem giàn mướp hương ngoài hè có trái nào ăn được chưa, để nấu canh cùng mồng tơi cho thêm phần hấp dẫn. Cả nhà trong phút chốc rộn ràng cả lên trong một niềm vui chung, chiều nay mâm cơm có bát canh cua.

Cuộc sống ở thôn quê, nhất là nhà nào lại đông con, chắc chắn là không dễ dàng gì. Nhưng lại nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm được bắt nguồn từ những cái cớ thật giản đơn, dung dị. Như là khi lũ trẻ hò reo vì thấy mẹ lúc làm cua đã bớt lại cái càng to, hứa hẹn chốc nữa ngồi vào mâm mỗi đứa sẽ được chia một cái càng đỏ au chắc thịt. Hay là cảm giác vui vui khi mẹ bắc nồi nước cua đồng lên bếp, trong lúc đợi nước sôi thì tranh thủ xắt trái mướp thành những miếng oval xinh xinh.

Thật lạ lùng, cái nước cua đen đục khi bắt lửa bỗng trở nên trong veo, váng thịt cua nổi lên từng lớp, rồi nước chuyển sang màu xanh lơ lơ khi cho rổ mồng tơi và mướp vào. Gạch cua phi riêng trong cái chảo nhỏ, đổ vào nồi canh cua đồng đang lựng khói, khiến nồi canh nổi lên một lớp váng vàng ươm như nắng chiều... Ăn cơm thôi. Cả nhà lúc này chẳng kể lớn bé, tranh nhau múc váng cua đồng, gắp đũa rau mồng tơi ăn kèm với quả cà pháo, ăn đến toát mồ hôi.

Mùa hạ trong bát canh

Bây giờ, nhà chỉ còn 2 ông bà già đi ra đi vào lủi thủi buồn. Bỏ ruộng bỏ vườn theo con cái lên thành phố, để rồi chúng nó cũng lại đi Tây đi Tàu hết, hai vợ chồng ở trong nhà chung cư mà mơ về một dậu mồng tơi. Trong nỗi nhớ bát canh cua đồng hôm nay còn là nỗi nhớ nếp nhà mộc mạc có mâm cơm dọn ngoài hiên, nhớ cảnh vợ chồng con cái nói cười rổn rang, nhớ những chiếc càng cua đỏ au đem lại niềm vui cho con trẻ...

Bây giờ, dù có cầu kỳ mua cua còn nguyên con về tự giã, tìm tận trong góc chợ được trái mướp hương, thì bát canh vẫn không có cảm giác mát đến tận ruột như xưa. Có thể vì mỗi món ăn đều thuộc về một không gian riêng của nó, như là bát canh cua đồng phải được đặt trên mâm cơm trải chiếu, dưới hiên nhà, giữa những cơn gió mát lành và xạc xào tiếng cây lá ngoài vườn. Nhớ thế, ngày xưa.

Chiều qua, vợ đi chợ về giơ ra khoe một túi nilon nhữn con cua nhỏ nhỏ đang khua chân khua càng loe ngoe. Hai vợ chồng tưởng tượng ra tiếng cười con cháu, trong lúc tỉ mẩn ngồi bóc từng cái yếm cua, khêu gạch. Lọc cua xong đổ luôn bát gạch cua vào, tra chút muối luôn rồi đặt lên bếp vừa lửa khuấy đều nhẹ tay, có hơi nóng bốc lên thì thôi để đóng gạch cua. Nước sủi thì thả rau vào, bớt lửa. Khi nào ngửi thấy hương rau thơm lừng thì nêm nếm cho vừa rồi thả mướp thái vát mỏng tang vào bắc xuống. Cứ để canh trong nồi để mướp chín bằng hơi, khi nào sắp mâm mới múc ra bát.

Bát canh cua nước xanh ngắt, trong như thạch. Canh đã nguội trộn vào bát cơm nóng rất vừa, ăn với quả cà pháo muối giòn tan thì chưa và cơm vào miệng đã thấy trôi xuống dạ dày rồi. Thứ canh cua đồng nấu lá mồng tơi hợp cạ hay sao mà ngọt thỉu. Ngày nóng bức trở nên dịu dàng hơn, trong nỗi mong ước vị ngon và hương thơm của bát canh quê nhà sẽ vẫy gọi đàn con mau trở về...

Canh cua mồng tơi

Nguyên liệu: (cho 4 người ăn) 500 - 700gr cua đồng, 2 quả mướp hương, 1 mớ rau mồng tơi, 2 củ hành khô, hạt nêm, gia vị...

Cách làm:

Cua đồng bỏ mai, yếm cua, để riêng từng loại. Lấy tăm gỡ hết gạch cua ở trong mai. Phần thân cua đã tách bỏ mai và yếm, cho vào cối giã nhuyễn. Cho 700ml - 1lít nước vào cối cua đã giã, dùng tay bóp đều cho cua tan đều với nước. Lọc qua rây vài lần để loại bỏ hết phần xương cứng của cua. Nêm chút gia vị vào nồi nước cua vừa lọc.

Mướp gọt vỏ, rửa sạch, thái vát. Rau mồng tơi nhặt lấy lá, bỏ cuộng cứng, rửa sạch, thái nhỏ nếu cần. Cho phần nước lọc cua lên bếp đun to lửa, quấy vòng tròn, nhẹ đều tay theo một chiều. Khi nào thấy phần thịt cua nổi lên, đông kết lại thì không phải khuấy nữa. Lúc này nồi canh sẽ sôi bùng lên, giảm lửa, nêm gia vị cho vừa ăn, rồi thả mướp và rau mồng tơi vào nồi. Nồi canh sôi bùng lên là được.

Cho một chút dầu ăn vào chảo, hành khô thái nhỏ, cho vào phi vàng rồi cho gạch cua vào đảo đều tay khoảng 2 - 3 phút. Múc một chút nước canh trong nồi, cho vào chảo gạch cua đã xào, lắc đều chảo rồi rót hỗn hợp này lên trên phần cái cua trong nồi canh, để nồi canh sẽ lên màu và ngậy hơn.

Bí quyết: Khi giã cua, cho vào cối vài hạt muối, sẽ không bị bắn. Gia vị phải nêm vừa ăn vào nồi canh trước khi nấu. Nếu nêm sau khi nấu, cái cua không đông kết lại được vì nhạt quá. Nhưng nếu nêm trước mặn quá thì cái cua sẽ đóng lại rắn chắc, ăn không ngon.

Theo Băng Hảo