* Chia sẻ của một người mẹ trên trang Sohu về hành trình nuôi dạy con gái sau khi ly hôn.

Tôi từng nghĩ chỉ cần lo cho con đủ đầy về vật chất, con sẽ ổn. Nhưng tôi đã sai.

Khi tôi ly hôn, con gái tôi còn rất nhỏ. Tôi lao vào công việc, mở một cửa hàng nhỏ để kiếm sống, cố gắng bù đắp cho con bằng vật chất, nghĩ rằng thế là đủ để con ổn. Nhưng tôi không nhận ra khoảng trống trong lòng con ngày càng lớn. Con bé dần trở nên im lặng, xa cách tôi, việc học hành cũng trở nên sa sút rồi bỏ học.

Một ngày, tôi hoảng hốt khi thấy con ôm chặt chú chó, cuộn tròn ngủ trong chiếc chuồng trên ban công. Tôi cố kéo con vào nhà, nhưng con bé gào lên: "Đừng chạm vào con! Tất cả là lỗi của mẹ". Lòng tôi đau nhói, tự hỏi mình đã làm gì sai.

Mọi thứ ngày càng tệ. Con bé tự làm hại bản thân, nhốt mình trong phòng, chỉ chơi với chú chó. Tôi từng đuổi chú chó đi, hy vọng con sẽ khá hơn, nhưng con chỉ hét lên: "Con ghét mẹ!". Đến khi bác sĩ chẩn đoán con bị trầm cảm nặng, tôi thực sự tuyệt vọng. Nhưng bác sĩ chỉ nhẹ nhàng khuyên với tôi: "Đừng kéo con ra khỏi thế giới của nó, hãy bước vào đó".

Vậy là tối hôm đó, tôi mang chăn ra ban công, nằm cạnh chuồng chó. Tôi không nói gì về con, chỉ kể cho con nghe về tuổi thơ của mình, về những nỗi cô đơn mà tôi từng trải qua. Một lúc lâu sau, tôi cảm nhận được một bàn tay nhỏ chạm vào mình: "Mẹ có buồn không?" – lần đầu tiên sau hai năm, con hỏi tôi điều đó.

Từ ngày ấy, tôi học cách đồng hành cùng con. Tôi không còn áp đặt, không phán xét, chỉ lắng nghe. Khi con tức giận, tôi không vội sửa sai, chỉ nhẹ nhàng nói: "Mẹ thấy con đang buồn, con muốn kể cho mẹ nghe không?". Tôi học cách đặt ranh giới một cách yêu thương, không quá nuông chiều, cũng không quá cứng rắn. Tôi học cách giúp con nhận diện cảm xúc thay vì trấn áp nó. Rồi một ngày mưa, khi tôi che áo cho cả con và chú chó nhỏ, con bé khẽ hỏi: "Mẹ có lạnh không?". Câu nói này khiến tôi bật khóc. Đó là lần đầu tiên sau bao tổn thương, con quan tâm đến tôi.

nguoi me bat khoc vi cach day sai lam gay ra nhieu ton thuong cho con 1
Người mẹ bất khóc vì lần đầu tiên nhận được lời quan tâm từ con gái. (Ảnh minh họa)

Hơn ba tháng sau, con trở lại trường, vết sẹo trên tay mờ dần. Trong vở bài tập, con viết: "Đêm mẹ chen vào chuồng chó với con, con tin mẹ không bỏ rơi con…". Hành trình chữa lành vẫn còn dài, nhưng tôi biết chúng tôi đang đi đúng hướng. Và tôi tin rằng, với tình yêu và sự kiên nhẫn, mọi vết thương đều có thể lành lại – từng chút một.

Chăm sóc con cái không chỉ đơn thuần là việc đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất như ăn uống, quần áo, học hành hay nơi ở, mà quan trọng hơn cả, đó còn là sự đồng hành, thấu hiểu và hỗ trợ con về mặt tinh thần. Trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng bằng thức ăn hay điều kiện sống tốt mà còn cần sự yêu thương, quan tâm và chia sẻ từ cha mẹ để phát triển toàn diện. Việc lắng nghe, trò chuyện, động viên và hướng dẫn con trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ và có được sự tự tin để đối mặt với những thử thách trong tương lai.

Để nuôi dạy con một cách hiệu quả, cha mẹ cần bước vào thế giới của con thay vì ép con sống theo mong muốn của mình. Thay vì trách mắng, hãy giúp con quản lý cảm xúc, hướng dẫn con cách nhận diện và diễn đạt những gì mình đang trải qua. Khi con buồn hay giận, cha mẹ có thể nhẹ nhàng khuyến khích con chia sẻ, chẳng hạn như: "Mẹ thấy con đang buồn, con có muốn kể cho mẹ nghe không?". Điều này giúp con cảm thấy được thấu hiểu thay vì cô lập trong thế giới nội tâm của mình.

ng debate negative effects and impacts of spanking feature 1690030890950710791611 0 0 750 1200 crop
Cha mẹ hãy giúp và hướng dẫn con quản lý cảm xúc.

Bên cạnh sự yêu thương, cha mẹ cũng cần đặt ra những ranh giới rõ ràng trong quá trình nuôi dạy con. Một môi trường giáo dục tốt là môi trường cân bằng giữa sự quan tâm và kỷ luật, giữa sự bao dung và nguyên tắc. Không nên quá nuông chiều để con ỷ lại, nhưng cũng không nên quá cứng rắn khiến con sợ hãi và thu mình lại. Khi con mắc lỗi, thay vì trách phạt nặng nề, hãy để con đối mặt với hậu quả tự nhiên của hành động đó, từ đó giúp con nhận ra bài học và trưởng thành hơn.

Ngoài ra, để có thể đồng hành cùng con một cách trọn vẹn, cha mẹ cũng cần biết cách chăm sóc chính bản thân mình. Một người cha, người mẹ vui vẻ, cân bằng cảm xúc sẽ có thể đem lại nguồn năng lượng tích cực, tạo ra môi trường lành mạnh để con cái phát triển. Hành trình nuôi dạy con cũng chính là một quá trình trưởng thành của cha mẹ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Chữa lành không phải là một việc có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì và tình yêu thương bền bỉ. Đôi khi, chỉ cần một ánh mắt quan tâm, một câu hỏi nhẹ nhàng hay một vòng tay ôm cũng có thể trở thành tia hy vọng giúp con cảm thấy an toàn, được yêu thương và có động lực để vững bước trong cuộc sống.

Theo Đời sống và Pháp luật