Vụ việc hy hữu xảy ra tại Tế Nam, Sơn Đông, trang 163 đưa tin hôm 3/4. Câu chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước, cô Từ khi đó đang thiếu tiền nên đã vay 300.000 Nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) của anh Lý.

nonantienbac2.jpeg
Ảnh minh họa: Lyng

Thời điểm đó, 300.000 Nhân dân tệ là một khoản tiền khổng lồ nhưng anh Lý là một người bạn hào phóng nên không hề nói nhiều, lập tức đưa tiền cho cô Từ mượn. Nhưng tới thời hạn, cô Từ không trả tiền cho anh Lý.

Anh Lý không còn cách nào khác, quyết định kiện cô Từ. Tòa yêu cầu cô Từ trong 10 ngày phải trả tiền cho anh Lý. Có điều, cô Từ không có bất cứ tài sản nào, tài khoản ngân hàng trống rỗng, nhà cửa cũng không có.

Anh Lý đành trơ mắt nhìn, hy vọng cô Từ một ngày nào đó có thể bất ngờ trúng xổ số giải độc đắc hoặc tự dưng có vàng từ trên trời rơi xuống.

Chớp mắt đã hơn 10 năm trôi qua, anh Lý gần như tuyệt vọng khi nghĩ rằng không bao giờ nhận lại được số tiền đã cho bạn mượn. Nhưng đúng lúc anh chuẩn bị từ bỏ, thì phát hiện ra một bước ngoặt.

Bố mẹ của cô Từ đã qua đời, để lại cho cô một căn nhà có giá trị không nhỏ. Anh Lý vô cùng vui mừng, nếu cô Từ được thừa kế ngôi nhà ấy, thì số tiền 300.000 Nhân dân tệ chỉ là một con số nhỏ.

Tuy nhiên, điều không ai ngờ là, cô Từ lại từ bỏ quyền thừa kế. Chuyện này thực sự gây sốc. Biết chuyện, anh Lý nhảy dựng lên, “rõ ràng cô ta cố ý không trả nợ”. Càng nghĩ càng tức, anh Lý trực tiếp kiện cô Từ ra tòa.

Trên tòa, cô Lý khẳng định: “Kế thừa tài sản là quyền tự do của tôi, tôi có quyền từ chối, không ai có thể ép buộc tôi”.

Tuy nhiên, anh Lý không đồng ý với quan điểm trên của cô Từ. Anh nói, “rõ ràng cô có khả năng trả nợ nhưng lại lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn nợ, đây là hành vi ‘từ bỏ thừa kế để trốn nợ’”.

Theo luật Dân sự của Trung Quốc, người thừa kế có quyền từ chối hoặc nhận thừa kế.

Người thừa kế cần nói rõ ý định từ chối hoặc nhận thừa kế sau khi mở thừa kế. Việc từ chối thừa kế phải được lập thành văn bản trong vòng 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế.

Điều này có nghĩa là, trong tình huống bình thường, quyền thừa kế là quyền tự do chọn lựa của người thừa kế nhưng việc thực hiện quyền này không được vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo "Ý kiến ​​của Tòa án tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc thi hành luật Thừa kế", nếu người thừa kế từ bỏ quyền thừa kế dẫn tới việc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình, thì hành vi từ bỏ quyền thừa kế là vô hiệu.

Điều này cũng tức là, việc từ bỏ thừa kế không thể làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ. Trong trường hợp này, việc cô Từ nợ tiền anh Lý đã được tòa án xác nhận, do vậy cô Từ có nghĩa vụ phải trả nợ.

Sau khi được thừa kế tài sản của cha mẹ, cô Từ đã từ bỏ quyền thừa kế. Hành vi này của cô Từ đã trực tiếp dẫn tới việc cô không thể thực hiện được trách nhiệm trả nợ nên bị tình nghi cố tình trốn nợ.

Do đó, tòa án phán quyết, hành vi từ bỏ quyền thừa kế của cô Từ là cố ý, dẫn tới việc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo phán quyết có hiệu lực của tòa án, nên hành vi từ bỏ thừa kế là vô hiệu.

Hành vi của cô Từ đã cấu thành tội không chấp hành án, nên phải chịu 8 tháng tù.

Theo VietNamNet