Nhà nuôi hai người ở, bà giúp việc chắc đang dưới bếp nấu nướng nên không nghe, còn một cô sáng nay theo vợ anh cùng con gái đi siêu thị. Thương bà giúp việc già nên Tuấn quyết định xuống nhà mở cửa.

- Ba...

Một thằng nhỏ nhà quê rặt từ cách ăn mặc cho đến gương mặt, tuổi chừng lên mười, thốt lên khi thấy Tuấn. Cục yết hầu nhảy lên nhảy xuống và gương mặt đỏ ửng cho thấy cậu ta rất xúc động.

Nghĩ mình nghe nhầm, Tuấn cất giọng bệ vệ.

- Cậu kiếm ai?

- Ba... là con đây...

Giờ thì không thể nghe nhầm được, Tuấn ngẩn người nhìn thằng nhóc, thận trọng quan sát. Thời buổi này lừa đảo như rươi, cứ xem báo hay vào mạng là biết ngay.

"Con là Nam, dưới Vĩnh Long đây ba". Nghe đến câu này, Tuấn giật nảy người.

Năm đó Campuchia vừa thoát nạn diệt chủng.

Chàng kỹ sư điện trẻ tuổi được lệnh cùng một đoàn kỹ sư sang Campuchia giúp bạn khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá thời chiến. Má khóc suốt ngày, ba cằn nhằn: "Nó là dân sự, sang làm dân sự sao bà lo quá dzậy". Má rên rỉ: "Tui chỉ có mình nó là con trai thôi. Nghe nói bên đó giờ hỗn loạn lắm". Dù ba má nói thế nào, Tuấn vẫn phải lên đường.

Đoàn xe quân sự phủ bạt, chạy trên những con đường đất đỏ bụi mù của tỉnh Tây Ninh trước khi qua biên giới. Tuấn hồi hộp lắm, lần đầu tiên xa ba má mà lại đi vào vùng còn chiến sự.

Những tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam tương đối yên tĩnh, nhưng từ thủ đô Phnôm Pênh xuống các tỉnh biên giới giáp Thái Lan không yên ổn. Nơi mà Tuấn theo đoàn quân tình nguyện về là tỉnh Kôngpôngthom, vốn là quê hương của tên trùm đồ tể Pol Pot, tuy về cơ bản nơi này đã giải phóng nhưng tình hình vẫn cực kỳ bất ổn bởi hoạt động chống phá của tàn quân Khơ-me đỏ.

Sau thời gian tập huấn ngắn tại Phnôm Pênh, mỗi người được phát một cây AK, một cây Rulo hoặc K54 và hai trái lựu đạn da láng hay còn gọi là mỏ vịt. Dân sự hay quân sự đều như nhau. Phổ biến trong đoàn, khi đi trên đường, nếu tiếng súng nổ, xe dừng, bằng mọi giá phải nhảy khỏi xe ngay nếu không sẽ bị tàn quân núp sau những cây thốt nốt dùng B40 hoặc B41 bắn trúng xe, coi như tiêu.

Những chiếc xe Commăngca nhảy cà tưng qua những hố "voi" trên con đường dài dằng dặc, đằng trước đằng sau, xe bạn dẫn đường. Hàng cây thốt nốt vùn vụt qua trước mắt Tuấn với thi thoảng là những nóc nhà mái nhọn nhô cao, vài gương mặt người nhạt nhòa.

Nơi Tuấn ở là trụ sở của đoàn chuyên gia Việt Nam. Theo lực lượng bảo vệ cho biết, tòa nhà này đã từng bị tàn quân Khơ-me đỏ tập kích mấy lần, thế nên dưới gối anh bao giờ cũng có cây Rulo cụt nòng, còn AK dựng đầu giường. Đi đâu cũng theo nhóm, có bảo vệ, phiên dịch đi cùng.

Có sống xa nhà mới thấu thấm thía nỗi buồn nhớ quê hương. Đêm, không ngủ được, Tuấn ra ngồi tán dóc cùng anh em bảo vệ và nghe những tiếc tạch... tạch... đùng đùng... của những hàng đạn lửa đỏ lừ đuổi nhau trên bầu trời. Khảo sát đo đạc tính toán, công việc cuốn Tuấn đi liên tục nhưng đêm về thật cô đơn.

Thế rồi Tuấn quen cô gái ấy trong dịp tình cờ khi cùng cậu Minh, phiên dịch của đoàn đến uống cà-phê tại một quán của người Hoa kiều. Cô gái có đôi mắt to tròn như có lửa mỗi khi bừng cà-phê cho anh.

"Em là người Việt, tên Thương, cha mẹ sang đây sống lâu rồi. Khi xảy ra nạn diệt chủng, cha mẹ đem mấy đứa em về trước, em lần chần ở lại nên kẹt luôn. Lúc đó em được một gia đình người Hoa tốt bụng nhận nuôi nên không bị đem giết nếu nói là người Việt. Tuy nhiên, cuộc sống cũng không dễ thở, gia đình cha mẹ nuôi em cũng bị đưa vào các công xã lao động. Kết quả cha nuôi em chết vì kiệt sức, nay nhà chỉ còn toàn đàn bà".

Âm thầm lén lút những khi gặp gỡ nhưng nồng nàn và say đắm, Tuấn không để ý đến ánh mắt ghen tỵ của cậu phiên dịch Minh. Khi nhận lệnh về Việt Nam, thời gian quá gấp nên Tuấn không kịp nói lời chia tay. Anh đành để lại địa chỉ và nhờ Minh nhắn cô gái nếu có dịp hãy liên lạc với anh. Tuy nhiên, Tuấn không hề thấy Thương hồi âm dù anh có ý chờ.

Về lại Việt Nam, làm việc, lập gia đình, cuộc sống của Tuấn cứ thế êm đềm trôi đi như bao người khác nếu không xảy ra sự kiện bất ngờ.

Một ngày kia, Thương liên lạc với anh bằng một lá thư ngắn ngủn, viết lộn xộn, chữ Việt lẫn chữ Campuchia, cô cho biết đã lập gia đình và đang sống ở Vĩnh Long. Quan trọng hơn, cô cho biết, Tuấn đã có một đứa con trai, năm tuổi.

Tuấn choáng váng, có đúng là anh có một đứa con trai không? Nay cô ấy muốn gì, liệu cô có dùng đứa con này ràng buộc anh? Lúc này vợ anh đang mang thai. Tuấn không trả lời và chờ đợi trong căng thẳng.

Nửa năm sau, nhân chuyến đi công tác Vĩnh Long, sau nhiều lần do dự, cuối cùng Tuấn quyết định tìm đến địa chỉ nhà người đàn bà năm xưa ghi trên lá thư.

Một căn nhà tranh hẹp, mái thấp, nóng rực và lũ trẻ còn lau nhau, bẩn thỉu, sàn sàn nhau, giương mắt tròn xoe nhìn anh. Nàng, cô gái mà anh mê mẩn năm xưa nay là một người đàn bà ốm yếu, xanh xao, tàn tạ đến mức không tưởng. Cũng dễ trả lời thôi, đẻ như thế này lại nghèo nữa.

Điều bất ngờ hơn, chồng nàng chính là Minh. "Tôi yêu cô ấy lâu rồi nhưng không ngờ Thương chọn anh. Sau khi anh về Việt Nam, tôi đã ngỏ lời và đứng tên cha cho con của anh. Gần đây, cha mẹ cô ấy bảo vệ Việt Nam chia đất cho sinh sống. Bên Campuchia chúng tôi cũng nghèo, về đây cũng chả khá hơn, nhất là khi tôi đổ bệnh, trở thành gánh nặng cho vợ con", Minh buồn rầu nói.

Có tiếng chân thình thịch bên ngoài, lũ trẻ đang ngồi quanh cha mẹ và Tuấn, hóng chuyện, đứng bật dậy chạy ùa ra ngoài. Lũ trẻ vây quanh một thằng bé, người ốm nhưng chắc, mái tóc cháy khét. Nó đang móc những con cua, châu chấu ra làm quà cho lũ em.

Không nói ra Tuấn cũng đoán đó là con trai mình. Chao ôi, đứa con mà anh chưa từng biết đến, thừa nhận nó. Đứa con của đói nghèo cùng cực, trong khi cha nó sống sung túc giàu sang. Mắt Tuấn cay cay.

Sau đó giữa Tuấn và vợ chồng Minh có buổi tranh cãi căng thẳng, Tuấn muốn đem con về thành phố nuôi nấng nhưng vợ chồng Minh không đồng ý. Họ chỉ muốn báo cho anh biết rằng anh có một đứa con trai chứ không hề có ý đồ gì trong chuyện này. Họ rất thương thằng bé và không muốn nó đi đâu cả.

Tranh cãi là vậy chứ Tuấn chưa nghĩ đến chuyện nếu đem con về phải thu xếp sao cho ổn. Cuối cùng đôi bên đi đến thỏa thuận, Tuấn có trách nhiệm chu cấp cho con trai anh hàng tháng một số tiền. Họ phải nuôi nấng nó nên người những giữ bí mật này cho anh.

Sau khi đưa tiền, chả hiểu sao Tuấn cứ muốn nghĩ xấu cho vợ chồng Minh. Anh buồn rầu nhận ra tâm địa mình ngày càng trở nên đen tối.

Nay con trai đột ngột tìm anh trong sự ngạc nhiên của Tuấn, bởi vợ chồng Minh đã hứa giữ bí mật này. Bất giác Tuấn ngó quanh, sợ vợ anh về bất chợt. Thằng bé cũng nhìn theo, anh ngượng ngùng, khó khăn khi thốt nên lời.

- Tạo sao... con... con tìm ba?

- Con nhớ ba - thằng bé nói giọng chắc nịch và nhìn anh bằng ánh mắt thương yêu, đến nỗi trái tim Tuấn cũng nhói đau theo.

Chờ ba một chút, Tuấn vọt vào nhà thay quần áo, lái xe ô tô chở con trai đi. Ngồi trong xe, thằng bé trầm trồ mãi. Đây là lần đầu trong đời nó được ngồi ô tô.

"Ba Minh mất rồi, thằng bé thông báo. Trước khi mất, ba đã cho con biết sự thật. Con hỏi hoài nên má đành nói thật. Con biết, từng đó năm ba là người đã gửi tiền nuôi con lẫn giúp các em con ăn học nên người. Vì thế con rất muốn gặp ba", thằng bé nói thật đơn giản, không có ý gì là trách móc anh cả.

Tuấn đăm đăm nhìn con trai. "Con không trách ba chứ?". "Trách gì ba", thằng nhóc nhoẻn cười vẻ sung sướng. "Con có ba nè, ba có nhà to xe đẹp, vậy là hạnh phúc rồi, sao lại trách ba". Suýt nữa Tuấn bật khóc, tiếc rằng từ ngày bước vào thương trường anh không còn nước mắt nữa.

Tuấn đưa con trai đi chơi một vòng, dẫn nó vào siêu thị. Thằng bé đi vòng quanh, cái gì cũng trầm trồ khen đẹp nhưng khi anh bảo mua, nó lắc đầu. Thấy nó từ chối hoài, anh cũng sốt ruột. "Sao con không mua gì hết vậy?". Bây giờ nó mới chịu thanh minh. "Mắc quá, ba coi nè bộ đồ này bằng con làm mấy mùa lúa mới sắm nổi đó ba. Thôi, mua làm gì, xem là thích rồi, mấy đứa em con chẳng có đồ mới mặc nữa, đồ cũ của đứa lớn để lại cho đứa bé". Lần này Tuấn rơi nước mắt thật sự.

Chất một đống đồ và dúi phong bì tiền dày cộp vào túi áo, mặc cho con trai phản đối, đưa cho nó số điện thoại và địa chỉ riêng, Tuấn dặn, về có gì nhớ liên lạc với ba theo địa chỉ này, đừng có...

- Con biết mà ba, ba yên tâm đi...

Tuấn đỏ mặt. Anh buồn rầu nhìn chiếc xe khách xa dần, tự hỏi, sao mình có một đứa con trai dễ thương như vậy mà không dám nhận.

Tối đó mặc cho vợ anh lồng lộn vì đi đâu cả ngày, tắt điện thoại không liên lạc được. Tuấn đi ngủ sớm, để lại một dấu hỏi to tướng trong mắt vợ.

Cũng từ đó Nam con trai anh không bao giờ lên thành phố kiếm ba nữa. Nhiều lúc nhớ quá Tuấn cũng tìm cách nhắn con nhưng nó không lên.

Một lần Tuấn đi công tác Cần Thơ và kêu con trai qua. Thằng nhóc nhổ giò cao lêu nghêu, giọng ồm ồm.

- Sao con tránh mặt ba?

- Có gì đâu ba, mần ruộng lúc này lu bu lắm.

- Lu bu... ba cảm giác con không thích gặp ba.

- Sao ba nói vậy? Nam nhìn anh buồn rầu. Con biết ba thương con nhưng ba còn có gia đình của mình. Con... Nó nuốt nước bọt giọng nghẹn lại. Lúc nào con cũng muốn có ba bên cạnh, nhưng như vậy chỉ làm khó cho ba.

Tuấn ôm con trai, lòng nghẹn ngào. Nó biết lo cho cha nó, chỉ có anh vô tâm, cứ tưởng quẳng cho con cục tiền là xong phận làm cha.

Con trai anh nói, học xong lớp mười hai sẽ nghỉ ở nhà làm ruộng phụ má nuôi em. Tuấn không đồng ý, anh bảo con đi học, có gì sẽ giúp tiền nuôi mấy má con.

Thằng nhóc nhìn anh vẻ chua chát: "Có cảm giác như mấy má con đang "làm tiền" ba vậy đó". "Nói bậy", Tuấn nạt ngang, ba là ba của con nên phải có trách nhiệm, tiền bạc có đáng là bao". Nó vẫn không chịu. Anh phải nhiều lần thuyết phục, cuối cùng thằng Nam hứa sẽ lên thành phố thi đại học. Nó giữ lời hứa, thi đậu đại học làm anh mừng hết biết.

Lấy cớ có công chuyện, Tuấn về Vĩnh Long từ sớm, hôm nay anh đứng ra tổ chức bữa tiệc nhỏ nhân dịp con trai tốt nghiệp đại học.

Nhìn thằng Nam ăn nói chững chạc ra dáng đàn ông, Tuấn tự hào quá đỗi, đâu có ngờ mình lại có cậu con trai ngoan hiền, biết suy nghĩ như thế. Trong bữa cơm, Tuấn nói với Thương anh sẽ thu xếp cho thằng Nam một danh phận chính thức trong gia đình, để sau này có gì còn cho nó quyền thừa kế.

Thương nhìn anh e ngại, cô nói, cám ơn anh đã chăm sóc thằng Nam, thậm chí còn giúp cả gia đình cô, như vậy là đủ rồi, không dám đòi hỏi gì thêm. Tuấn ngạc nhiên: "Thằng Nam là con trai của anh, quan tâm lo lắng cho nó là trách nhiệm của anh, sao gọi là đòi hỏi".

Thằng Nam nhìn anh, hạnh phúc. Tuấn buồn rầu nói với con: "Ba sống trong giàu có mà mỗi tháng quẳng cho con mấy triệu gọi là giúp đỡ, thật thẹn với danh phận làm cha". Thằng Nam siết chặt tay anh, tha thiết: "Con cám ơn ba nhiều lắm, với con vầy là đủ rồi, quan trọng ba là ba của con". Tuấn rớm nước mắt.

Có tiếng chân thình thịch ngoài cửa và Hạnh, vợ anh xuất hiện thật bất ngờ. Nhìn cảnh Thương ngồi một bên, thằng Nam một bên nắm chặt tay Tuấn và cả lũ trẻ con lớn bé xung quanh bàn tiệc. Cô cười gàn, giọng mỉa mai: "Hạnh phúc quá ta".

Mọi người ngỡ ngàng, Tuấn đứng bật dậy. Thương khép nép vẻ mất bình tĩnh, còn thằng Nam ngẩn ngơ nhìn người vợ chưa từng gặp mặt của ba.

Từ khi nghĩ đến chuyện công khai thằng Nam với vợ, Tuấn đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi, chỉ có điều không phải trong hoàn cảnh này thôi. "Thôi sẵn đã lỡ, anh giới thiệu luôn, đây là Nam, con trai anh". Tuấn nhấn mạnh hai chữ con trai. Ngay lúc này trong đầu anh, một kẻ kinh doanh lọc lõi, đã chuẩn bị những phương án xấu nhất giữa hai vợ chồng, đó là ly dị, miễn thằng Nam là con trai anh.

Hạnh nhìn mọi người, cười nhàn nhạt và nhìn vào khuôn mặt đắc ý của chồng: "Thế cái gì đây?"

Hạnh thảy lên bàn trước mặt Tuấn một xấp giấy tờ, nói giọng khô khan:

- Anh hãy xem hết xấp hồ sơ rồi hãy nói chuyện.

Tuấn ngạc nhiên cầm giấy lên xem, Hạnh đã âm thầm thu thập đầy đủ thông tin về thằng Nam, từ tờ giấy khai sinh làm tại Vĩnh Long đến chuyện học hành, số tiền hàng tháng anh gửi... Chắc chắn vợ anh đã tốn khá nhiều thời gian.

- Anh không nhận ra gì sao? Hạnh rít lên - Ngạc nhiên thay một người kinh doanh như anh lại không phát hiện ra điều gì bất thường.

- Cô muốn gì, nói đi - Tuấn bực bội - Đúng là tôi có lỗi vì đã giấu cô, nhưng cô phải hiểu con trai tôi không có lỗi. Nó ra đời trước khi chúng ta lấy nhau và tôi không hề biết điều đó. Nay tôi giúp mẹ con nó chút ít tiền cũng là trách nhiệm làm cha thôi...

- Tôi không nói điều đó - Hạnh hét lên và cầm tờ giấy khai sinh dí vào mặt Tuấn - Anh xem đi... xem kỹ ngày tháng năm sinh của nó có phải là con anh không?

Thằng Nam sinh ngày... tháng... năm... tại Campuchia... có gì đâu nhỉ? Nhưng chỉ tích tắc anh phát hiện điều bất thường. Anh về Việt Nam hơn một năm sau thằng Nam mới ra đời. Vậy là sao, Tuấn ngã ngồi lên chiếc ghế chết trân.

"Khi biết anh có con riêng, tôi thuê một công ty thám tử tư bí mật theo dõi, lập hồ sơ về sự phản bội. Tôi muốn biết xem anh phản bội mẹ con tôi từ thời gian nào. Anh đi Campuchia năm 1980, một năm sau anh về mà thằng bé này lại sinh năm 1983, vậy đâu phải con trai anh. Chính tôi cũng hoang mang và chỉ có thể đi đến kết luận anh đã bị người ta lừa".

Thật bất ngờ, Thương chạy đến trước vợ chồng anh, quỳ xuống, nước mắt giàn giụa: "Tha tội cho vợ chồng tôi, thằng Nam không hề biết gì cả, nó vô can. Để tôi bán hết ruộng vườn lấy tiền trả lại cho anh, anh Tuấn ơi".

Suốt nãy giờ thằng Nam vẫn ngồi im trố mắt lắng nghe và nó hét lên, giọng lạc đi.

- Vậy là sao... má, má nói đi?

"Đúng là anh có với tôi một đứa con trai, nhưng nó không sống được bao lâu sau khi sinh. Thế rồi tôi lấy Minh, sinh thằng Nam. Anh Minh tình cờ biết anh giờ rất giàu có nên lập luận là anh phải có trách nhiệm với tôi, với đứa con đã chết, tốt nhất là chăm sóc thằng Nam coi như "đền bù". Anh ấy đã thuyết phục tôi. Chúng tôi rất áy náy khi thấy anh và thằng Nam thương nhau nhiều như thế nào. Xin hãy tha lỗi cho tôi".

Thương gục đầu, nước mắt rơi lã chã. "Không", thằng Nam thét lên và lao ra cửa. Thương nhoài theo ôm con trai nhưng Nam đã vùng ra và cắm đầu chạy ra cửa.

Tuấn bật dậy hấp tấp chạy ra ruộng: "Nam ơi, con đâu rồi?".

Theo Bùi Anh Tấn