Bị đe dọa như cơm bữa, nhân viên YouTube sống trong sợ hãi

Gần hai tuần sau vụ nổ súng tại trụ sở YouTube, nhân viên tại đây vẫn rất lo sợ. Họ lo ngại còn xảy ra những vụ việc tương tự

Gần hai tuần sau vụ nổ súng tại trụ sở YouTube, nhân viên tại đây vẫn rất lo sợ. Họ lo ngại còn xảy ra những vụ việc tương tự.

Thực tế, các đe dọa với YouTube mà cụ thể với nhân viên xảy ra như cơm bữa. Từ khi YouTube siết chặt chính sách kiếm tiền với người tạo nội dung, các đe dọa này diễn ra thường xuyên hơn.

Thế nhưng, những người quản lý YouTube không thể ngờ một ngày nào đó Nasim Aghdam lại xuất hiện tại trụ sở với khẩu súng trên tay, sau đó gây ra vụ nổ súng kinh hoàng nhất trong 13 năm lịch sử của công ty này. 

Nasim Aghdam được cho là đại diện của một  sự bùng phát bạo lực sau thời gian dài dồn nén. Các nhân viên YouTube linh cảm một ngày nào đó sẽ xảy ra thảm kịch này, và nếu sự xung đột hai bên chưa được gỡ bỏ, họ lo sợ sẽ có những vụ tương tự xảy ra.

Bị đe dọa như cơm bữa, nhân viên YouTube sống trong sợ hãi-1
Sau vụ nổ súng tại trụ sở, các nhân viên YouTube luôn phấp phỏng lo sợ. Ảnh: Business Insider.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với Business Insider, 5 cựu nhân viên YouTube nói rằng họ thường xuyên bị đe dọa vũ lực. Thay đổi về chính sách của YouTube khiến những người tạo nội dung ngày càng tức giận vì không thể kiếm tiền như trước.

Bị đe dọa như cơm bữa

Thông thường, các đe dọa này được gửi qua email, nhưng có lần một người sáng tạo nội dung đã tới gặp trực tiếp nhân viên YouTube và đe dọa sẽ “tiêu diệt” anh ta.

Trường hợp khác, một người đàn ông tức giận vì bị khóa tài khoản tuyên bố sẽ làm hại Mia Quagliarello, giám đốc cộng đồng đầu tiên của YouTube, và gia đình cô.

Người này tạo riêng một trang web tràn ngập lời lẽ và hình ảnh đe dọa Quagliarello. Sự việc nghiêm trọng tới mức YouTube phải cử một đội vũ trang túc trực suốt 3 ngày bên ngoài căn hộ của nữ giám đốc này.

“Tôi đã chuyển những lời đe dọa này cho bộ phận an ninh của Google và ngay lập tức họ cử nhân viên vũ trang tới bảo vệ căn hộ 24/24”, Quagliarello kể với Business Insider.

Nữ giám đốc này đã làm việc cho YouTube trong giai đoạn từ năm 2006 tới 2011.

Bị đe dọa như cơm bữa, nhân viên YouTube sống trong sợ hãi-2
Cảnh sát tại hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở YouTube khiến 3 người bị thương, thủ phạm tự sát.

Trước khi xảy ra thảm kịch mang tên Nasim Aghdam, tất cả các đe dọa chỉ được coi là đe dọa. Chỉ khi Aghdam xuất hiện, đe dọa này mới trở thành bạo lực đẫm máu.

Vấn đề này không chỉ xảy ra với YouTube. 3 trong số 6 cựu nhân viên YouTube tham gia phỏng vấn đã từng làm việc tại nhiều công ty mạng xã hội hàng đầu khác. Họ nói rằng các nhân viên tại đó cũng nhận được đe dọa tương tự.

Facebook, YouTube và Snapchat có các công cụ giúp người dùng kiếm tiền bằng chính công sức của họ. Và vấn đề cũng phát sinh từ đó.

“Khi bạn có trong tay nền tảng phục vụ mọi người, sẽ có những người tâm lý không ổn định. Khi nền tảng thay đổi, bạn nhận được rất nhiều email phản hồi. Một số tỏ ra thông cảm, số khác thì không”, một cựu nhân viên YouTube bình luận.

“Tao sẽ tiêu diệt mày”

Trong trường hợp YouTube, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới, công ty mẹ Google không lạ gì với mô hình đào tạo ngôi sao. Bất cứ ai có khả năng thu hút người xem đều có cơ hội nổi tiếng và được chia sẻ lợi nhuận quảng cáo.

YouTube cũng được phát triển theo hướng đó, kéo theo ngày càng nhiều người phụ thuộc tài chính và tình cảm vào mô hình này.

Mỗi lần nâng cấp YouTube đều kéo theo thay đổi khiến lượng người xem giảm sút và đương nhiên người tạo nội dung cũng kiếm được ít tiền quảng cáo hơn.

Bị đe dọa như cơm bữa, nhân viên YouTube sống trong sợ hãi-3
Những người tạo nội dung ngày càng kêu ca chính sách của YouTube khiến họ sống chật vật hơn.

Trong suốt 9 năm qua, YouTube từng nhiều lần diễn ra tình trạng này. Năm 2009 khi người quản lý sản phẩm YouTube đăng bài viết trên blog thông báo về những thay đổi với trang chủ, ngay trong phần bình luận đã xuất hiện nhiều chỉ trích giận dữ, thậm chí còn có cả đe dọa giết người.

Các nhân viên YouTube nói rằng họ quá quen với những tình huống như vậy. Khi có thay đổi là ngay lập tức họ nhận được sự tức giận từ phía người tạo nội dung.

Eric Meyerson, người từng phụ trách ban quảng cáo và sáng tạo marketing của YouTube, cho biết một người đàn ông đã tiếp cận anh trong một sự kiện của YouTube tại văn phòng Google ở Santa Monica, California.

Đó là người chuyên tạo video trên YouTube. Người này tiếp cận Eric Meyerson và buông lời đe dọa sẽ tiêu diệt anh nếu làm ảnh hưởng tới kênh video của anh ta.

Trường hợp Eric Meyerson gặp phải tuy hiếm nhưng không phải cá biệt. Đợt thay đổi chính sách gần đây của YouTube càng khiến người tạo nội dung thêm tức giận. Đây cũng chính là nguồn cơ khiến Nasim Aghdam vác súng tới trụ sở YouTube.

Bị đe dọa như cơm bữa, nhân viên YouTube sống trong sợ hãi-4
Các nhân viên YouTube nhận được vô số lời đe dọa trong các năm qua.

Một cựu nhân viên YouTube đề nghị giấu tên cho biết bên ngoài văn phòng công ty thường có nhiều người chờ gặp nhân viên để phàn nàn về những thay đổi với trang chủ hoặc thuật toán ảnh hưởng tới họ.

“Có một lần, một người đàn ông tới từ Los Angeles muốn gặp tôi. Anh ta đã đọc trang LinkedIn của tôi và biết rõ tôi là ai. Anh ta muốn gặp ai đó để phản ánh về kênh video của anh ta. Đó là lần duy nhất tôi cảm thấy sợ hãi bởi có người biết rõ về bản thân mình. Khi vụ nổ súng xảy ra, tôi đã nghĩ ngay tới người đàn ông đó và cảm thấy sởn tóc gáy”, nhân viên YouTube giấu tên giãi bày với Business Insider.

Sau vụ nổ súng của Nasim Aghdam, Alphabet nói chung và Google nói riêng đã tăng cường công tác an ninh tại các tòa nhà văn phòng.

Có thể khó xảy ra một vụ nổ súng tương tự khác tại văn phòng YouTube nhưng chắc chắn các nhân viên tại đây đang chịu rất nhiều áp lực và cảm thấy luôn bị đe dọa.

Theo Zing.vn


YouTube


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.