Cuộc đàm phán đầu tiên trong năm 2015 về chủ đề “Chống biến đổi khí hậu toàn cầu” do Liên hiệp quốc chủ trương đã khai mạc vào ngày 8/2/2015 ở thành phố Genève (Thụy Sĩ), bắt đầu giai đoạn chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng thường niên các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) ở Paris vào tháng 12 năm 2015 (còn gọi là Hội nghị COP21).
Đây là giai đoạn cuối với nhiệm vụ chủ yếu: thỏa thuận để hoàn chỉnh bản dự thảo chống biến đổi khí hậu mới nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn để thông qua ở Hội nghị Paris.
Biến đổi khí hậu trên Trái Đất do khí thải từ nhà máy. Ảnh: Guardianlv |
Hội nghị bộ trưởng thường niên (tức COP20) vừa qua tại Lima (Peru) vào tháng 12 năm 2014, chưa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng bản dự thảo thỏa thuận đó nên nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2015 còn rất nặng nề. Văn kiện được thông qua ở Lima cuối năm 2014 mới chỉ là một thỏa thuận khung chứ không phải là văn kiện chính thức hay một Hiệp định hoàn chỉnh có thể đưa ra thông qua ngay ở Paris. Và như dự đoán trước đây của người viết bài này thì đây không phải là việc dễ dàng, hay nói một cách hình ảnh thì “con đường vượt đại dương từ Lima sang Paris hẳn phải vượt qua nhiều giông gió”.
Dĩ nhiên, cuộc đàm phán ở Genève dự kiến sẽ kéo dài 6
ngày đang diễn ra chỉ là bước khởi đầu cho một chuỗi hoạt động dồn dập
và căng thẳng kéo dài khác trong cả năm 2015 để hoàn thành các bước đi
chưa kết thúc trọn vẹn ở Lima. Ở thủ đô của Peru, dù đã phải kéo dài
thời gian thương lượng thêm gần hai ngày, nhưng các nhà đàm phán đến từ
hơn 190 quốc gia chỉ mới thông qua được một dự thảo thỏa thuận có thể
tạm gọi là “Lời kêu gọi cho hành động về khí hậu”. Văn bản thỏa hiệp này
xem như một bản phác thảo với nhiều công đoạn hướng tới việc hình thành
một thỏa thuận lịch sử về chống biến đổi khí hậu toàn cầu cần được
thông qua tại Paris vào tháng 12 năm 2015 để thay thế cho Nghị định thư
Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
>> Bí quyết sống thọ đến quên chết của người dân đảo Ikaria
Có thể nói rằng mục tiêu của cuộc gặp gỡ Geneva đang diễn ra là bắt đầu công việc rút ngắn văn kiện dài 37 trang mà các nhà đàm phán đạt được tại Hội nghị bộ trưởng thường niên Lima tháng 12 năm 2014 thành một "văn bản thương lượng" súc tích làm đường hướng cho các cuộc đàm phán từ nay đến tháng 12/2015, thời điểm ký thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới đã được các nước nhất trí từ năm 2011.
Một nội dung quan trọng trong văn bản dự thảo 2014 (tức “Lời kêu gọi”) là yêu cầu các nước trước ngày 31/3/2015 phải đệ trình bản kế hoạch quốc gia về sự đóng góp của nước mình nhằm giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu. Tiếp đến, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức xem xét các kế hoạch mang tính cam kết này, đồng thời đánh giá những tác động phối hợp của mọi quốc gia trong nhiệm vụ chống biến đối khí hậu khả dĩ kiềm chế được nhiệt độ toàn cầu tăng lên dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Cũng theo “Lời kêu gọi” đó, 190 nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC), cho tới thời hạn ngày 31/5/2015 sẽ phải thông qua các chương trình quốc gia nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính và các quốc gia thành viên sẽ phải bổ sung một bản báo cáo vào ngày 1/11/2015 để đánh giá về các nỗ lực của mình nhằm đạt mục tiêu chung toàn cầu, tức là giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất nêu ra ở trên.
Với nhiệm vụ nặng nề và khó khăn ở trên, cuộc đàm phán đang xảy ra ở Genève và các cuộc tranh luận, thỏa thuận tiếp tục sau đó cho đến tháng 12 năm 2015 sẽ còn nhiều gay go, căng thẳng. Rõ ràng, cuộc đàm phán Genève đang diễn ra chỉ mới là “khúc dạo đầu”.
Các hoạt động trên diễn ra trong tình hình khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu. Tổ chức Khí tượng học Thế giới vừa đưa ra kết luận cuối cùng: năm 2014 đúng là năm nóng kỷ lục. Các nhà khoa học cảnh báo rằng: tốc độ thải khí carbon dioxide (CO2) hiện nay đã tăng hiệu ứng nhà kính và làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây ra những tác động lâu dài từ băng tan khiến mực nước biển dâng đến sự mất mát của các loài sinh vật.
Trong lúc đó, dư âm về không khí của Hội nghị Lima vẫn còn đeo đẳng, đặc biệt về sự bất đồng, đặc biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển, về cách thức chống biến đổi khí hậu, chủ yếu là vấn đề hạn ngạch khí thải CO2; trách nhiệm và mức độ đóng góp đối với mỗi nước…
Ở đây, vấn đề tăng “Quỹ Xanh”, tức quỹ hỗ trợ các chương trình chống biến đổi khí hậu giúp các nước nghèo, không dễ đi đến sự thống nhất nhanh chóng. Hiện nay, con số này mới đạt 10 tỷ USA và để tăng lên mức yêu cầu 100 tỷ USD vẫn còn là vấn đề thời gian.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Ảnh: Reuters. |
Trong tình hình nói trên, nhiều nhân vật có trách nhiệm đã lên tiếng, Đối với cuộc đàm phán đang xảy ra ở Thụy sĩ, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhận xét: Khí sắc tại các cuộc đàm phán Genève "rất tích cực", tuy nhiên mục tiêu của đàm phán là một tham vọng không hề dễ thực hiện.
Và ông Bộ trưởng Môi trường Peru, Manuel Pulgar-Vidal, Chủ tịch hiện tại của các cuộc đàm phán, lên tiếng kêu gọi một sự thỏa hiệp. Ông nhận định: có nhiều tín hiệu tốt vì các chính phủ, người dân và cả các doanh nghiệp đều sẵn sàng tiến tới hành động. Vì, theo lời ông: "Đây không phải là một cuộc cạnh tranh giữa chúng ta. Đây là một đội bóng của cả hành tinh".
Đúng là, trong “cuộc chiến” chống với sự tăng lên của nhiệt độ trái đất, đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu - một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự tồn vong của loài người, trách nhiệm là trách nhiệm chung và quyền lợi cũng là quyền lợi chung của tất cả mọi quốc gia và của toàn thể nhân loại đang sống trên hành tinh.
Do vậy, mọi người có thể chờ đợi những kết cục tốt đẹp ở Paris cuối năm 2015 này.
Theo Trần Minh
VietNamNet