Một tuần nhiều tin xấu đến Huawei

Những quyết định trong tuần qua là bước ngoặt ảnh hưởng đến sự hiện diện của Huawei trên bản đồ 5G thế giới.

Ngày 29/5, báo The Times đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn thành lập liên minh gồm 10 quốc gia để tự phát triển mạng 5G thay vì dùng hạ tầng của Huawei. Trước đó, thủ tướng Anh đã tuyên bố xem xét, giảm sự tham gia của Huawei vào hệ thống 5G tại Anh xuống 0% vào năm 2023.

Quyết định trên được cho là điều tồi tệ xảy đến với Huawei trong tuần qua. Tuy nhiên, đó chỉ là bức màn che đậy hàng loạt vụ việc khác, là mấu chốt quyết định sự hiện diện của Huawei trong việc xây dựng mạng 5G trên khắp thế giới.

Một tuần nhiều tin xấu đến Huawei-1
Nước Anh đã khiến Huawei có một tuần tồi tệ. Ảnh: Metro.

Anh "lật mặt" trong 4 tháng, "công chúa" thua cuộc


Chỉ vài tháng trước, chính phủ Anh còn cho phép Huawei triển khai mạng 5G tại nước này, nhưng không quá 35% hệ thống và không được tham gia các phần "cốt lõi nhạy cảm". Tại sao Anh lại thay đổi quyết định nhanh đến thế?

Câu trả lời là chính trị. Hồi đầu năm, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã phản ứng dữ dội khi ông Johnson trao cho Huawei vai trò đáng kể trong dự án phát triển hạ tầng 5G tại Anh. Trước đó, Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cảnh báo thỏa thuận giữa chính phủ Anh và Huawei sẽ tạo lỗ hổng để chính quyền Trung Quốc thu thập thông tin tình báo phương Tây.

Luôn có một nhóm người chống Trung Quốc trong Quốc hội Anh. Đặc biệt sau cách xử lý của Trung Quốc về đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều nghị sĩ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson vào phe chống Huawei, khiến chính phủ khó kiểm soát.

Trước sức ép từ cả trong và ngoài nước, Guardian cho biết thủ tướng Anh sẽ giảm vai trò của Huawei trong dự án phát triển hệ thống 5G, cam kết đưa vai trò của tập đoàn Trung Quốc về 0% vào năm 2023.

Hướng đi của ông Johnson không dừng lại ở đó. Nhiều nguồn tin cho biết ông muốn lập một liên minh với 10 quốc gia (D10), gồm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ để phát triển công nghệ mạng 5G riêng, giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới Huawei.

Còn trên mặt trận pháp lý, Tòa án Tối cao British Columbia hôm 27/5 đã chấp nhận yêu cầu dẫn độ sang Mỹ đối với bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính Huawei. Thay vì được thả về Trung Quốc, con gái của nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi, sẽ đối mặt luật pháp Mỹ với cáo buộc gian lận lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Không nằm ngoài dự đoán, truyền thông Trung Quốc ngay sau đó đưa tin về phản ứng “mạnh mẽ” của giới chức nước này trước quyết định của tòa án Canada, còn đại diện tập đoàn Huawei cho biết “sẽ theo đuổi đến cùng để bảo vệ công lý cho giám đốc Mạnh”, theo China Daily.

Với phán quyết trên, bà Mạnh sẽ phải tiếp tục hầu tòa dự kiến đến cuối năm nay, dù việc kháng án có thể khiến quá trình kéo dài nhiều năm.

Một tuần nhiều tin xấu đến Huawei-2
Bà Mạnh Vãn Châu - giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, từ lâu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Ác mộng dành cho "niềm tự hào"


Tập đoàn viễn thông Huawei luôn là tâm điểm mỗi khi nhắc đến tình hình chính trị Trung Quốc. Năm 2018, Australia đã đồng ý tài trợ 2/3 chi phí dự án cáp quang biển tốc độ cao nối Papua New Guinea và Quần ảo Solomon chỉ để ngăn cản Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng ở Thái Bình Dương (dự án này do Huawei lên kế hoạch). Quan hệ Australia - Trung Quốc đã rạn nứt từ lâu.

Cuối năm ngoái, đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch dọa hủy thỏa thuận thương mại với Quần đảo Faroe (lãnh thổ tự trị của Đan Mạch) nếu nước này không chọn Trung Quốc triển khai 5G. Chính quyền Copenhagen đã đáp trả bằng quy định bảo mật khiến Huawei phải "đầu hàng" rời khỏi đất nước.

Những gì diễn ra trong tuần này đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc chiến 5G của Huawei với các nước trên thế giới.

Năm 2013, Anh và Huawei đã hợp tác thành lập Trung tâm Kiểm định An ninh Mạng (CSEC) nhằm đánh giá phần cứng và phần mềm được đưa vào hạ tầng viễn thông của Anh. Do đã có CSEC, việc hạn chế sự có mặt của Huawei trong việc triển khai 5G tại Anh cũng đủ làm hãng này điêu đứng, chưa nói kế hoạch mới đây của ông Johnson nhằm loại bỏ hoàn toàn Huawei khỏi bản đồ 5G nước này.

Đây còn là tín hiệu để những quốc gia khác cân nhắc việc chọn Huawei để triển khai mạng 5G. Nếu trong quá khứ, Huawei chỉ lo đối phó với Mỹ thì hiện nay, một liên minh D10 sẽ khiến hãng này thực sự đau đầu.

Tiếp theo là phán quyết với bà Mạnh. Theo TechCrunch, nó liên quan đến ngoại giao là chính. Các nhà điều tra Mỹ luôn lo rằng Huawei là "cánh tay phải" của chính phủ Trung Quốc, chỉ là chưa có chứng cứ rõ ràng. Vì vậy, sẽ không có lý do nào hoàn hảo hơn việc bà Mạnh vi phạm lệnh cấm Iran mà Mỹ đề ra. Một phán quyết không nghiêng về Mỹ sẽ giáng đòn mạnh lên chính quyền Tổng thống Trump trong việc lan tỏa sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Một tuần nhiều tin xấu đến Huawei-3
Quyết định của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng đến TSMC, một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Ảnh: Nikkei.


Tác động của Mỹ được thể hiện rõ nhất khi TSMC, một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan, ngày 18/5 đã tuyên bố ngừng sản xuất chip mới cho Huawei theo lệnh xuất khẩu mới của Mỹ.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố các nhà sản xuất chip không phải của Mỹ nhưng sử dụng thiết bị sản xuất, tài sản trí tuệ hoặc phần mềm thiết kế của Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn xuất xưởng chip cho Huawei.

Sau quyết định đưa Huawei vào danh sách thực thể năm 2019, đây là cuộc tấn công gây thiệt hại lớn nhất mà Mỹ từng dành cho Huawei. Ngoài ra, nước đi này mang tính chiến lược với mục tiêu gây ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đối với Huawei, đó là cơn ác mộng thực sự bởi TSMC là nhà cung cấp chip cho HiSilicon, được gọi là "niềm tự hào của Huawei".

“Trước những lệnh cấm mới, HiSilicon sẽ rơi vào tình huống không thể sản xuất chip bán dẫn, thậm chí mất đi khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực này”, Stewart Randall, chuyên gia nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc nhận xét.

Theo tờ Korea Economic Daily, Huawei đã đề xuất hợp đồng nhập chip bán dẫn ổn định với lãnh đạo các công ty Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix, nhằm đối phó những đòn tấn công mạnh tay gần đây của chính phủ Mỹ.

Một tuần nhiều tin xấu đến Huawei-4
Đại dịch Covid-19 và cách xử lý của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia trở nên cứng rắn hơn với Huawei. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc sẽ đáp trả thế nào?


Một câu hỏi được đặt ra: Nếu những thứ trên là bước ngoặt với Huawei, tình hình giữa Trung Quốc và thế giới trong tương lai sẽ ra sao?

Không dễ đưa ra câu trả lời bởi chính quyền Tổng thống Trump thường có những quyết định bất ngờ. Rõ ràng bà Mạnh sẽ là đối tượng quan tâm nhất của Mỹ, tiếp theo là áp lực của châu Âu khi hạn chót trình kế hoạch triển khai 5G của các nước Liên minh châu Âu đang gần kề.

Quan trọng không kém là sự đáp trả của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Huawei tại Anh, Đan Mạch rõ ràng đã thất bại. Huawei từng có lợi thế từ cả 2 phía: chính quyền Trung Quốc và sự tin tưởng của một số quốc gia. Tuy nhiên việc toàn thế giới nhắm vào Trung Quốc về cách xử lý đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia phương Tây trở nên cứng rắn hơn với Huawei.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/huawei-vua-co-mot-tuan-toi-te-post1090521.html

Tổng thống Trump

Huawei


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.