Mối nguy do bệnh truyền nhiễm từ động vật
Viện Nghiên cứu y học Bộ Y tế Malaysia công bố trong số 1.400 loài được biết đến của các sinh vật gây bệnh truyền nhiễm cho con người, 61% là bệnh zoonotic. Động vật hoang dã và động vật nuôi là những loài chủ chốt gây ra bệnh Zoonotic từ những sinh vật không rõ trước đây, có thể xuất hiện trong con người.
Chẳng hạn như tại Malaysia, sự kết hợp giữa yếu tố El Nino và sự phá hủy của con người gây cháy rừng, phá hủy hệ sinh thái đã khiến loài dơi và quạ mang virus paramyxo kỳ lạ. Virus Nipal gây ra bệnh viêm não mới tại Malaysia trong ba tháng đã làm 283 trường hợp mắc, 105 người chết.
Tương tự, Hội đồng nghiên cứu Y khoa và Y tế quốc gia Úc cũng cho biết một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường trung gian mang tính chất địa lý đã gia tăng trong những năm gần đây cùng với sự nóng lên trong khu vực như sốt rét ở khu vực cao nguyên Đông châu Phi, viêm não do ve truyền ở Thụy Điển, bệnh Lyme ở Canada, bệnh sán máng ở miền Đông Trung Quốc và châu Âu, bệnh lưỡi xanh do virus ở châu Âu.
Hay mới đây, cả thế giới rung chuyển vì đại dịch Ebola được ví như một cơn cháy rừng phủ bóng đen âm u của nỗi lo lắng và sợ hãi toàn thế giới. WHO cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%. Ebola lây từ động vật sang người và từ người sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả.
Gia tăng bệnh truyền nhiễm và rối loạn cơ thể
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu mà cụ thể là sự nóng lên toàn cầu tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh lạ do biến đổi khí hậu hoành hành, trở thành cơn ác mộng của nhiều nước có khí hậu nhiệt đới.
Các căn bệnh sốt rét, sốt xuất huyết lan truyền do tác nhân truyền bệnh là muỗi - loài sinh vật không thể sống trong điều kiện nhiệt độ thấp như ở nhiều nước phương Tây. Bệnh dịch tả hay nhiều bệnh đường ruột khác cũng vậy, chúng lây lan từ nước uống nhiễm bẩn trong mùa mưa và hoành hành chủ yếu ở những nước đang phát triển.
Diễn biến dịch bệnh Việt Nam phức tạp hơn
Trong khoảng chục năm trở lại đây, ở Việt Nam tình hình dịch bệnh cũng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, có sự liên quan mật thiết giữa một số bệnh dịch phát hiện trên người và các tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây. Trong đó, nổi cộm là các bệnh truyền nhiễm, thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, bệnh do nhiệt độ tăng cao...
Một nghiên cứu về gánh nặng về tăng nhiệt độ đối với con người đã được thực hiện tại Đà Nẵng trong 10 năm cũng cho thấy, hiện tượng sóng nhiệt gia tăng với số ngày nắng nóng trên 35 độ C đã tác động tiêu cực đến sức khỏe con người đặc biệt là cư dân đô thị. Các loại bệnh như: mất ngủ, ăn uống kém, da khô, nóng, khó thở, chóng mặt, nhức đầu ở người dân ghi nhận ngày một nhiều hơn. Nhiệt độ tăng tác động trực tiếp đến những người lao động ngoài trời, làm giảm năng suất công việc, khiến người lao động mất tập trung, tai nạn nghề nghiệp tăng.
Trước thực trạng trên, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo các nguy cơ, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa , để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng nói riêng và nền kinh tế nói chung.