Kiêu ngạo
Bạn là người tài năng, năng động, có
tố chất. Nhưng hãy để những ưu điểm đó phát huy tối đa trong công việc.
Và bạn cũng nên nhớ, dù có thành công đến mấy, bạn cũng không nên nhận
hết công về mình. Ngoài ra, tự đắc khi thấy đồng nghiệp không làm được
việc và "tranh công" khi đề nghị sếp làm nốt công việc đó là điều tối
kỵ. Có những công việc bạn phải làm việc nhóm mới có thể hoàn thành. Nếu
chỉ biết khoe khoang hay nhận hết về mình, bạn sẽ khó hoàn thành công
việc một cách tốt nhất.
Đi muộn về sớm
Cho dù công việc của bạn không đòi hỏi
phải ngồi đủ 8 tiếng ở công sở nhưng bạn hãy đề ra cho mình nguyên tắc
là hãy giải quyết công việc càng nhanh càng tốt ở công sở vì ngoài công
sở, bạn sẽ vướng mắc vào nhiều vấn đề khác nên khó mà hoàn thành. Hãy
quý trọng từng giây phút ở công sở và tận dụng nó để làm việc, học hỏi
thêm kỹ năng hay trau dồi kiến thức. Điều đó có ích hơn việc lúc nào
cũng mong ngóng đi muộn về sớm để giải quyết nhu cầu cá nhân.
Buôn dưa lê/ Nói xấu đồng nghiệp
Nói chuyện với đồng nghiệp giúp mối quan hệ của bạn trở nên khăng khít hơn. Tuy nhiên, hãy phân biệt việc nói chuyện về công việc với việc tụm năm tụm ba để tám chuyện trên trời dưới đất.
Ngoài ra, ở công sở cũng có những
người hay đố kỵ và đi nói xấu đồng nghiệp. Nhưng bạn nên nhớ, bạn sẽ gắn
bó 8h/ ngày ở công sở và với đồng nghiệp, nên hãy tạo mối quan hệ gần
gũi, chân thành với mọi người. Trong trường hợp có những bất mãn, bạn
hãy thẳng thắn góp ý với họ chứ đừng biến mình thành "chim lợn".
Đố kỵ
Trong công sở, mỗi người có một thế
mạnh riêng. Có thể đồng nghiệp của bạn thành công hơn bạn ở một lĩnh vực
nào đó nhưng đừng nên ganh ghét. Sự đố kỵ sẽ khiến bạn mất tập trung
trong công việc và không cần phải nói hiệu quả công việc sẽ tệ thế nào.
Thêm vào đó, khi ghen tỵ với đồng
nghiệp, lòng tự trọng của bạn sẽ bị tổn thương và khiến bạn luôn bực
bội, tức tối và không hài lòng với công việc của mình. Thay vì ganh
ghét, đố kỵ với họ, hãy mở lòng với tinh thần cầu tiến. Những thành công
của đồng nghiệp sẽ trở thành động lực giúp bạn để phấn đấu cho công
việc.
Tức giận
Trong công việc, sự điềm tĩnh, cẩn
thận sẽ giúp công việc của bạn hoàn thành tối đa. Trong trường hợp công
việc không được thuận lợi hay có khúc mắc với đồng nghiệp, bạn hãy cố
gắng bình tĩnh giải quyết từng vấn đề một. Sự nóng giận, cáu gắt sẽ phá
hủy công việc của bạn và có thể phá hủy cả các mối quan hệ tốt đẹp với
đồng nghiệp. Hãy nói đùa một câu khi đồng nghiệp của bạn nổi nóng, nó sẽ
giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Cảm xúc là của bạn nhưng hãy biết làm chủ
nó và biến nó thành điểm nhấn của bạn.
Cẩu thả
Không có sếp hay đồng nghiệp nào thích
một nhân viên cẩu thả. Nếu là người có tính bừa bộn, cẩu thả, hãy thận
trọng, kiểm tra kỹ lưỡng từng đầu việc hay tài liệu để đảm bảo mọi thứ
đã chỉn chu. Bạn hãy nhớ, sự thất bại phần lớn là do sự cẩu thả. Chính
vì vậy, hãy luôn đặt mình ở tư thế chủ động, sẵn sàng nhập cuộc và bắt
tay vào làm việc khi có yêu cầu của sếp.
Đứng núi này trông núi nọ
Luôn so sánh công ty cũ với công ty mới, sếp cũ với sếp mới hay đồng nghiệp cũ với đồng nghiệp mới sẽ chẳng giúp ích được gì cho bạn mà còn khiến bạn chán nản công việc mà thôi. Thay vì cứ đứng núi này trông núi nọ, bạn hãy tập trung suy nghĩ theo hướng tích cực rằng nếu có năng lực thì dù trong môi trường nào bạn cũng có thể làm được việc và sớm muộn cấp trên sẽ nhìn nhận ra điều đó.
Nịnh trên, nạt dưới
Kiểu nhân viên nịnh cấp trên, nạt cấp
dưới cũng khá phổ biến ở công sở. Những người này có chút quyền nên hay
ra oai thậm chí hống hách với cấp dưới nhưng khi gặp cấp trên lại tỏ ra e
dè, nịnh bợ. Cho dù bạn có quyền chức đến đâu thì cũng nên nhớ, để được
lòng cấp trên, bạn phải được lòng cấp dưới của mình trước. Sự thành
công của bạn từ họ mà nên.
Thích chê bai
Tính cầu toàn là tốt nhưng quá cầu
toàn và không "vừa mắt" bất cứ việc gì sẽ biến bạn thành người chuyên
chê bai. Đồng nghiệp được trọng dụng hơn thì nói do nịnh sếp. Đồng
nghiệp thất bại thì chê bất tài. Sếp nghiêm khắc thì chê khó tính. Sếp
dễ dãi thì chê nhu mì, không biết quản lý. Điểm yếu của những người này
là chỉ đi tìm điểm yếu của người khác để chê chứ không hề muốn nghe
người khác chê mình.
Hay kêu ca
Chính sách của công ty không tốt, công
việc nhiều áp lực, đồng nghiệp xấu tính,...Có thể những điều đó đúng và
đang diễn ra ngay tại nơi làm việc của bạn nhưng bạn nên nhớ, phàn nàn
chỉ làm bạn thêm mệt mỏi và bất mãn. Thay vì than vãn, kêu ca về công
việc, bạn hãy tập trung làm việc của mình để hoàn thành nhanh và tốt.
Theo Công luận