Một bộ phận cư dân mạng có thể "bóp méo" những điều lẽ ra không đáng phải như thế.
Đua nhau ném đá... "con lợn" không cần biết đúng sai
Câu chuyện “con lợn” của nhà văn Trang Hạ đã bắt đầu chìm xuống sau một thời gian gây bão dư luận. Rồi nó cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên trong một thế giới ngồn ngộn thông tin. Tuy nhiên, chúng ta cần lắng lại để suy nghĩ thấu đáo hơn về những gì xảy ra xung quanh chuyện “con lợn” của Trang Hạ bởi đó thực sự không chỉ là chuyện… con lợn.
Sự phát triển của mạng internet đem lại những điều kỳ diệu cho con người. Chỉ cần vào mạng xã hội, tất cả những vấn đề thời sự, những sự kiện nóng vừa xảy ra đâu đó đã xuất hiện và được bàn tán sôi nổi.
Những phát biểu của nhà văn Trang Hạ trong một bài phỏng vấn được đăng cách đây ba năm nhưng chỉ cần một chút khôn khéo và vài “tiểu xảo” trong việc dùng ngôn từ, phút chốc nó trở thành… vấn đề nóng.

Người ta đua nhau chửi bới, đua nhau chỉ trích cách so sánh: “Đàn ông về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ khác gì con lợn” của nhà văn Trang Hạ. Chỉ cần đọc tít bài báo người ta đã sẵn sàng “ném đá” Trang Hạ một cách không thương tiếc. Nhiều đấng mày râu không kiềm chế được cũng chửi bới văng mạ nữ nhà văn bằng những ngôn từ thô tục và cay nghiệt.
Chưa nói đến chuyện đúng sai sau lời phát biểu của nữ nhà văn. Điều mà chúng ta nhận ra đó chính là tư duy đám đông đang thao túng và đầy nguy hiểm trên cộng đồng mạng. Bất chấp đúng sai cư dân mạng hùa nhau vào lăng mạ, ném đá và xúc phạm đối tượng mà họ cho là đang có vấn đề.
Hiệu ứng đám đông cuốn rất nhiều “công dân ảo” vào cuộc chiến “con lợn”. Nhưng thực chất, ngay bản thân họ cũng không hiểu mình đang đấu tranh vì điều gì! Bởi có khi chính họ cũng chưa hề đọc bài cả bài phỏng vấn! Họ tham gia ném đá, lên án ai đó đôi khi chỉ để chứng tỏ mình rất thức thời, rất biết quan tâm đến vấn đề thời sự đang diễn ra. Và nhiều khi ăn theo dư luận họ cũng đang tự đánh bóng mình và câu like trên trang FB cá nhân. Một bộ phận cư dân mạng có thể “bóp méo” những điều lẽ ra không đáng phải như thế. Và hậu quả là sự lan truyền đến chóng mặt những thông tin trở nên lệch pha và ngược chiều..
Thích "tung hô" những hiện tượng "vô bổ"
Với trường hợp Lệ Rơi anh chàng bán ổi- chỉ là những lúc rảnh rỗi canh vườn ổi chàng ta hát nghêu ngao rồi quay clip post lên trang facebook cá nhân. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, chàng trở thành một “hiện tượng của làng nhạc Việt”. Việc tìm nghe Lệ Rơi hát trở thành cơn sốt. Nghe rồi thấy hài hước, rồi phát hoảng vì giọng ca có một không hai này, nhưng họ vẫn nghe bởi đám đông xung quanh họ đang làm thế. Sự chú ý quá mức của cư dân mạng đã đẩy Lệ Rơi từ thế giới ảo ra đời sống thực. Anh được tổ chức “giao lưu trực tuyến” với độc giả một tờ báo lớn. Đặc biệt Lệ Rơi còn được lên sóng truyền hình quốc gia vào khung giờ vàng để nói về ước mơ ca hát của mình.

Lệ Rơi được tung hô như một ... ca sĩ
Tuy nhiên, sẽ là đáng xấu hổ nếu gọi sự nghêu ngao của Lệ Rơi là…hát! Nhưng cư dân mạng vẫn gọi anh là…ca sỹ. Và anh đã trở thành “ca sỹ”, được đi đóng phim, được tổ chức liveshow một cách vô cùng chuyên nghiệp. Cái hiệu ứng đám đông “thích” Lệ Rơi đã vô tình biến một thảm họa âm nhạc trở thành một ngôi sao.
Tương tự Lệ Rơi, nhân vật bà Tưng – Lê Huyền Anh cũng là một sản phẩm “quái thai” của cái gọi là cư dân mạng ấy. Những phát ngôn sốc, cách ăn mặc hở hang, táo bạo của bà Tưng bỗng chốc giúp cô nổi tiếng. Người ta thích thú ngắm, thích thú bàn tán về những điều bà Tưng phát biểu.
Đương nhiên, sự chú ý của cư dân mạng giúp bà Tưng có cơ hội lấn sân vào showbiz, cô được mời đi hát, đóng phim… fanpage của cô tăng lên từng ngày. Ngày càng có nhiều người hâm mộ cô. Nhưng nguy hiểm hơn, ngày càng có những “bà Tưng” khác xuất hiện trên mạng.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn được như "Bà Tưng"
Hiệu ứng đám đông đã biến những hiện tượng lệch chuẩn trở thành những sự kiện đáng được chú ý. Đặc biệt, nó khiến những người chỉ giỏi chiêu trò bỗng chốc trở nên nổi tiếng, trở thành những “ngôi sao”.
Không chỉ vậy, hiệu ứng đám đông của cư dân mạng đã biến những điều bình thường trở nên…bất bình thường. Nụ hôn của Giáo sư Vũ Khiêu dành cho Hoa hậu Kỳ Duyên là hành động rất bình thường như một người ông với cô cháu gái. Vậy mà trong con mắt của đông đảo cư dân mạng bống chốc nụ hôn ấy trở thành một sự kiện ồn ào, thấm đầy vẻ nhục dục. Cộng đồng mạng cho đó là hành động kém văn minh hoặc nặng hơn là sự thiếu đứng đắn. Tuy nhiên, thế nào là văn minh hay kém văn hóa thì chẳng có ai cắt nghĩa được rõ ràng…

Nụ hôn bình thường của GS Vũ Khiêu bị biến thành... bất thường
Nhiều vụ cư dân mạng bỗng trở nên lố bịch và ngây thơ. Một sản phẩm photoshop của một chàng trai ở Vĩnh Phúc bỗng chốc trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng. Những đồn đoán được dịp bùng nổ. Tuy nhiên, sau đó người ta mới tẽn tò nhận ra rằng mình vừa bị… lừa một cách vô cùng ngoạn mục!
Kết
Đã đến lúc chúng ta phải dừng lại. Chúng ta cần có thái độ và chính kiến của mình một cách nghiêm túc và đúng đắn hơn. Trước bất cứ sự việc gì, những “cư dân mạng” đừng nên vội vàng kết luận, thi nhau chửi tục nói phét và hùa theo đám đông để đánh giá một ai đó, một việc gì đó mà chưa hiểu kĩ về nó. Hãy bình tĩnh và quan sát, để khi cần bạn có thể đưa ra những quan điểm của mình một cách khách quan mà không bị đám đông chi phối. Hãy tìm đến chân lí nhưng đừng lợi dụng những ý kiến chủ quan của mình để áp đặt cho người khác.
Đừng biến mình trở thành trò cười của thiên hạ khi cứ cố chạy theo những gì cộng đồng mạng quan tâm ủng hộ hoặc…ném đá.
Thảo Dương/Vietnamnet