
Ngày 4/4, dư luận xôn xao thông tin Phạm Quang Linh (thường được gọi là Quang Linh Vlogs ) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt về tội Lừa dối khách hàng theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Sau khi hai "chiến thần livestream" bị khởi tố do sai phạm ở sản phẩm kẹo rau củ, mạng xã hội bùng nổ làn sóng chế nhạo, chỉ trích "Chị em rọt". Việc Quang Linh và Hằng Du Mục phải chịu trách nhiệm hình sự được cho là đòn giáng vào ngành livestream bán hàng sản phẩm "gia công trong nước".
Để nhìn nhận khách quan, Thạc sĩ, Nhà báo Thanh Huyền (hiện công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam VTV8) gửi đến độc giả báo Tiền Phong bài góc nhìn toàn cảnh vụ việc, kèm phân tích sâu về hệ lụy, bản chất vụ việc khiến Quang Linh trượt dài.
Thạc sĩ Lý luận văn học Thanh Huyền đang là MC, BTV của VTV8. Ngoài công việc tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam, nhà báo thường xuyên được mời làm diễn giả, đứng lớp giảng dạy bộ môn liên quan truyền thông, xây dựng thương hiệu cá nhân tại các đại học ở Đà Nẵng.
Lời cảnh tỉnh từ trường hợp Quang Linh Vlogs
Quang Linh từng là biểu tượng của sự tử tế, người đem hy vọng đến vùng đất khô cằn nhất ở Angola, phát gạo cho người dân bản địa, dạy họ trồng trọt, xây giếng nước cho người dân, xây trường học cho trẻ em.
Quang Linh chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả sau những việc làm tốt đẹp. Nhưng khi anh bước vào thế giới kinh doanh và quảng cáo, tiêu chuẩn không chỉ ở "thiện chí" hay "tấm lòng", mà còn là độ chính xác của thông tin và độ tin cậy về pháp lý.
Nghệ sĩ hay KOLs không thể viện lý do “không phải chuyên gia dinh dưỡng” hay “tin vào đối tác” để thoát trách nhiệm. Khán giả mua hàng dựa trên niềm tin vào người giới thiệu, lúc này niềm tin buộc nghệ sĩ phải có nghĩa vụ kiểm chứng, minh bạch và từ chối nếu sản phẩm không đảm bảo.
Càng có ảnh hưởng, trách nhiệm càng lớn. Và sai lầm - dù là do thiếu hiểu biết - vẫn có thể phải trả giá bằng cả sự nghiệp, như Quang Linh đã và đang trải qua.
Sau cú trượt dài của Quang Linh Vlogs, người làm "nghề ảnh hưởng" phải học cách kiểm tra, từ chối và lên tiếng đúng lúc, thay vì chạy theo "lượng chốt đơn", hợp đồng bạc tỷ, dẫn đến niềm tin mơ hồ "tôi làm việc tốt nên tôi bán gì cũng tốt".
Cú ngã của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là lời cảnh tỉnh cho những người có sức ảnh hưởng.
Trong thời đại "mua cả thế giới chỉ bằng smartphone", nghệ sĩ không được mơ hồ về trách nhiệm và đạo đức khi quảng bá sản phẩm. Chúng ta đang sống ở thời đại sức ảnh hưởng của một phát ngôn có thể dẫn dắt hành vi tiêu dùng hàng triệu người. Nghệ sĩ và người có sức ảnh hưởng buộc phải ý thức đầy đủ quyền lực mềm họ đang có, đi kèm là trách nhiệm pháp lý, đạo đức tương xứng.
Trách nhiệm ở đây không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu đúng công dụng, mà còn là chủ động kiểm định tính xác thực của thông tin, hiểu rõ thành phần, công dụng, rủi ro của sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay thuốc hỗ trợ.
Nếu sơ suất, người bị ảnh hưởng trực tiếp không chỉ là người tiêu dùng. Đó còn là danh tiếng và sự nghiệp của nghệ sĩ, người đứng ra trực tiếp quảng bá.
Tiếc cho Quang Linh vì anh không vượt qua được bài kiểm tra tối thiểu của đạo đức nghề nghiệp, ý thức pháp lý. Việc phát ngôn "một viên kẹo tương đương một đĩa rau" trong bối cảnh livestream thương mại không còn là câu nói vô thưởng vô phạt. Đó còn là hành vi quảng cáo có chủ đích.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, Quang Linh, Hằng Du Mục bị khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đó là cái kết của việc vi phạm Luật quảng cáo và quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bàn rộng hơn, nghệ sĩ không còn "đứng ngoài cuộc" khi sự cố xảy ra. Họ không chỉ chịu trách nhiệm về phát ngôn, mà còn có thể liên đới hình sự nếu tham gia vào quá trình sản xuất, quản trị hoặc quảng bá sản phẩm sai lệch một cách hệ thống.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả người làm nghề. Đừng nghĩ rằng "chỉ nói giúp" hay "livestream cho vui". Trong thời đại khán giả tin vào nghệ sĩ hơn cả nhãn hàng, người phát ngôn đôi khi phải trả giá đắt hơn cả người sản xuất.
Chúng ta đang sống ở thời đại mà mỗi phát ngôn, phiên livestream có thể làm nên sự nghiệp, nhưng cũng có thể phá tan tất cả chỉ trong tích tắc. Bài học lớn nhất không còn là "cẩn trọng khi quảng cáo sản phẩm", mà là trang bị nhận thức đầy đủ về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong từng hợp đồng quảng bá.
Sai lầm khiến "Chị em rọt" Quang Linh Vlogs - Hằng Du Mục chịu trách nhiệm hình sự.
Cần phân minh thiện chí và sai lầm, quá khứ và hiện tại
Sự phát triển của mạng xã hội mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành quảng bá sản phẩm, nơi mà nghệ sĩ, KOLs, KOCs đóng vai trò như những "người bán hàng có sức ảnh hưởng". Đi kèm với sự hấp dẫn về thu nhập và sức lan tỏa là rủi ro không phải ai cũng đủ tỉnh táo, đủ hiểu biết pháp lý để nhận diện và phòng tránh.
Nhìn vào cú ngã của Quang Linh, ta thấy rõ một thực tế ngay cả những gương mặt tưởng như "miễn nhiễm với scandal", có bề dày hình ảnh tích cực và uy tín lớn trong lòng công chúng cũng có thể vướng vòng lao lý.
Trong trường hợp này, câu "một viên kẹo tương đương một đĩa rau" thoạt nghe đơn giản, vô hại, nhưng lại là khởi đầu cho một chuỗi hệ lụy pháp lý lẫn truyền thông khôn lường. Đằng sau sự ngây thơ ấy là khoảng trống kiến thức về trách nhiệm pháp lý và đạo đức quảng cáo không riêng gì Quang Linh mắc phải.
Quang Linh Vlogs từng là biểu tượng của người Việt Nam tử tế tại châu Phi trước khi về nước hợp tác làm ăn cùng Hằng Du Mục.
Hiện nay, nhiều nghệ sĩ và KOLs hợp tác quảng cáo theo bản năng, mối quan hệ hoặc đơn thuần vì lợi ích tài chính. Nhiều người thiếu sự thẩm định thông tin, tư duy phân tích hợp đồng và gần như không được trang bị bất kỳ nền tảng pháp lý nào để tự bảo vệ mình.
Họ có thể đọc bản tóm tắt từ nhãn hàng, quay video, phát ngôn theo kịch bản, nhưng không hề biết liệu những gì mình nói có đang vi phạm quy định quảng cáo, có gây hiểu lầm hay không.
Không ít người nghĩ rằng nếu có vấn đề thì "nhãn hàng chịu", họ chỉ là người quảng bá. Thực tế chứng minh người lan tỏa thông tin sai bị công chúng quy trách nhiệm trước tiên nếu lọt "bẫy".
"Bẫy" ở đây không chỉ là sự thiếu minh bạch của nhãn hàng. Đó còn là sự thiếu kiến thức, cẩn trọng của những người nhận hợp tác. Sự cả tin, cộng với việc đặt lợi ích kinh tế lên trên trách nhiệm nghề nghiệp khiến không ít người vô tình tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng, thậm chí gây hại cho cộng đồng.
Nghệ sĩ và KOLs không thể đợi đến khi scandal xảy ra mới lo học cách bảo vệ mình. Trong thời đại mà mỗi phát ngôn đều có thể trở thành bằng chứng, sự tỉnh táo và hiểu biết phải là hành trang bắt buộc, không còn là lựa chọn.
Trở lại trường hợp của Quang Linh, khán giả đứng ở lằn ranh Quang Linh "có đáng thương, nhưng cũng rất đáng trách". Điều này phản ánh đầy đủ cảm xúc lẫn lộn của công chúng khi nhìn vào vụ việc của Quang Linh.
Một mặt, ai cũng tiếc nuối cho người từng là biểu tượng tích cực, dùng sức ảnh hưởng mang lại nhiều điều tốt đẹp, từ những công trình thiện nguyện ở châu Phi đến việc truyền cảm hứng sống đẹp cho giới trẻ. Khán giả "thương" cho hình tượng sụp đổ quá nhanh, cảm giác tiếc nuối cho những điều đẹp đẽ đã bị che phủ bởi một vết hoen ố.
Mặt khác, Quang Linh vẫn "đáng trách" vì quảng cáo sai sự thật, đồng thuận với vai trò quản lý trong công ty có hành vi bị kết luận là sản xuất hàng giả. Khán giả thất vọng bởi Quang Linh quyết định sai lầm, đánh đổi tất cả.
Từ việc Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và những người liên quan bị chỉ trích, lên án, đó là cảm tính có phần cực đoan của dư luận. Thái độ công bằng nên là phân định rõ ranh giới giữa hành vi sai phạm cần xử lý và những giá trị từng đóng góp cần được ghi nhận.
Chúng ta không thể vì sự sụp đổ này mà phủ định toàn bộ những điều tốt đẹp người khác từng làm, nhưng cũng không thể lấy quá khứ tích cực để bao biện cho lỗi lầm hiện tại.
Điều cần thiết lúc này là giữ "cái đầu lạnh", phân minh giữa thiện chí và sai lầm, quá khứ và hiện tại. Sự cảm thông chỉ nên đến sau khi người trong cuộc sửa sai và có thái độ chịu trách nhiệm rõ ràng. Còn việc lên án cũng cần được đặt trên nền tảng của pháp luật và lý trí, không phải từ cảm xúc phẫn nộ nhất thời.
Sau cùng, vụ ồn ào xung quanh viên kẹo rau củ không chỉ là bi kịch cá nhân, mà là tấm gương cho xã hội. Cần có cách phản ứng đúng đắn để nuôi dưỡng môi trường công bằng, tỉnh táo, hướng thiện cho những người có sức ảnh hưởng sau này.

Theo Tiền Phong