
Đây là lời tâm sự của ông Thẩm, 76 tuổi, người Trung Quốc: “Cuộc sống như thế này, sống để làm gì?”
Hiện nay, không ít người cao tuổi vẫn duy trì được cuộc sống ổn định nhờ có tiền tiết kiệm và lương hưu. Họ từng làm việc chăm chỉ suốt hàng chục năm, sống tiết kiệm, tích góp từng đồng với hy vọng khi già đi sẽ có thể tự lo cho bản thân, không trở thành gánh nặng cho ai.
Đối với họ, có một khoản lương hưu và chút tiền tiết kiệm cũng đồng nghĩa với sự an tâm. Ít nhất, họ không cần quá lo lắng mỗi khi đau ốm hay khi tuổi già ập đến. Có người còn được sống trong hạnh phúc, thong thả tận hưởng những năm cuối đời.
Thế nhưng, không phải cứ có tiền là có thể sống yên ổn. Bởi điều khiến người ta khổ tâm nhất đôi khi lại không nằm ở vật chất.
Ông Thẩm là một người như thế.
Ông có lương hưu hàng tháng lên tới 33 triệu, từng có nhà riêng, tiền tiết kiệm kha khá. Nhưng giờ đây, ông lại đang sống lẻ loi, nghèo khổ trong một căn lều tạm, mỗi ngày chỉ mong “đi sớm cho nhẹ thân”.

“Tôi cứ nghĩ mình sẽ được sống yên bình lúc về già…”
“Lúc vừa nghỉ hưu, tôi thấy mình chẳng thiếu thứ gì. Có nhà, có lương hưu, có tiền trong tài khoản. Tôi từng tin rằng mình sẽ có thể sống một tuổi già an nhàn.”- Ông Thẩm nói
Thế nhưng, cuộc đời ông lại rẽ sang một hướng khác chỉ bởi hai người con trai mà ông đã hết lòng nuôi nấng.
Ông kể, vợ chồng ông có hai người con trai sinh đôi, một điều mà cả nhà từng xem như là “phúc lớn”. Ngay từ nhỏ, ông đã dành tất cả cho con: từ đồ ăn ngon, quần áo đẹp đến mọi thứ tốt nhất trong khả năng của mình.
“Tôi từng nghĩ, con cái phải được sống đủ đầy thì sau này mới thành tài, mới biết nghĩ cho cha mẹ. Ai ngờ… tôi đã sai.”
Vì nuông chiều quá mức, hai người con lớn lên mà không hiểu được sự vất vả của cha mẹ. Thay vì biết ơn, họ chỉ biết đòi hỏi. Khi còn trẻ, họ không chịu học hành, cũng chẳng muốn đi làm. Tất cả chỉ dựa vào tiền chu cấp từ cha mẹ.
“Chúng tôi đã cho con tất cả… cuối cùng nhận lại sự vô tâm”
Đến khi con cái đến tuổi kết hôn, ông Thẩm vẫn cố gắng lo toàn bộ: từ tổ chức đám cưới đến mua nhà, sắm xe.
May mắn là sau khi cưới, hai người con bắt đầu đi làm. Ông Thẩm và vợ nhẹ nhõm hơn, nghĩ rằng cuối cùng con cái cũng trưởng thành. Nhưng rồi, vợ ông qua đời. Mất đi người bạn đời, ông sống trong cảnh cô đơn. Hai người con thì hiếm khi về thăm.
“Tôi ốm không ai biết. Tôi buồn cũng chẳng ai hay. Có những lúc, tôi không biết mình còn sống vì điều gì.”
Đến năm 75 tuổi, sức khỏe giảm sút, ông quyết định dùng tiền tiết kiệm để vào viện dưỡng lão. Nhưng đúng lúc đó, hai người con trai lại quay về, khuyên ông “không cần vào viện” mà nên sống cùng con cháu cho ấm cúng.
Ban đầu, ông cảm động. Ông nghĩ: “Có lẽ các con đã thay đổi.”
Ông đồng ý chuyển đến ở cùng con, rồi nghe lời chúng, bán căn nhà cũ nơi chứa đầy kỷ niệm một đời người.
“Tôi bán nhà, chia tiền cho các con… rồi mất tất cả”
Sau khi bán nhà được 3,5 tỷ, ông dự định giữ lại 1,5 tỷ phòng thân, chia mỗi con 1 tỷ. Nhưng hai người con không đồng ý, họ đòi chia đều mỗi người 1 nửa tiền bán nhà.
Vì sợ gia đình lục đục, ông đành chấp nhận.
Ban đầu, hai người con tỏ ra rất hiếu thảo. Họ chăm sóc ông, đối xử tử tế khiến ông cảm thấy mình được yêu thương.
Nhưng rồi, sau 1 thời gian sống cùng thì chiếc mặt nạ hiếu thảo ấy rơi xuống, sự thật bắt đầu hiện rõ…
Họ dần thay đổi. Cộc cằn, lạnh nhạt. Họ liên tục xin tiền, viện đủ lý do: thất nghiệp, khó khăn, bệnh tật. Và ông dù đau lòng thì vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ.
“Tôi cứ tưởng cho con bao nhiêu cũng không sao. Miễn là đổi lại được tình cảm. Nhưng không… tôi càng cho, chúng càng lạnh nhạt.”
Đỉnh điểm là khi họ yêu cầu ông giao thẻ ngân hàng và mật khẩu. Họ nói đó là “vì an toàn” cho ông, “để tránh ông làm mất”. Nhưng sau khi có thẻ, họ kiểm soát toàn bộ lương hưu của ông.
“Cuối cùng, khi tôi bệnh… chúng đuổi tôi ra khỏi nhà”
Sau khi kiểm soát tiền bạc, hai người con dần coi ông như gánh nặng. Mỗi khi ông đau ốm, họ không đưa đi khám, chỉ bảo “uống nước nóng cho khỏe”.
Một thời gian sau, ông bị bệnh nặng. Và rồi, họ đuổi ông ra khỏi nhà, lấy lý do “không thể chăm sóc được”.
Không còn nhà, không còn tiền, không ai giúp đỡ – ông Thẩm trở về quê, dựng tạm một túp lều để sống.
“Tôi sống lay lắt qua ngày, nhặt ve chai, xin ăn hàng xóm. Có ngày đói không chịu được, tôi phải lén lấy thức ăn thừa ngoài chợ.”
Gặp lại bạn cũ, ông chỉ biết cười trừ, nói dối là “đi nhặt rác cho đỡ buồn bực tay chân”. Ai cũng biết ông đang giấu nỗi đau, nhưng chẳng ai dám hỏi sâu.
“Cuộc đời như thế, tôi chỉ mong sớm rời khỏi thế gian này…”
“Tôi từng có tất cả: tiền bạc, nhà cửa, lương hưu nhưng giờ chẳng còn gì. Chỉ vì tôi đã sinh ra… những đứa con không có trái tim.”
Ông Thẩm nói, ông không chỉ trách con mà cũng tự trách chính mình. Vì nuông chiều, vì dạy dỗ sai cách, ông đã tạo ra những đứa con chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
“Tôi sống mà như không sống. Không ai hỏi han. Không ai chăm sóc. Lương hưu mỗi tháng 33 triệu, nhưng tôi không tiêu nổi một đồng. Tất cả đều bị họ lấy đi.”
Giờ đây, mỗi ngày với ông là một cuộc vật lộn: với đói khát, với bệnh tật, và với chính nỗi cô đơn trong lòng.
“Nếu có thể quay lại quá khứ, tôi chỉ mong mình chưa từng sinh con…”

Theo Thương Trường