Theo trang web
www.vinacafe.com.vn, Tổng công ty cà phê Việt Nam thành lập năm 1995
trên cơ sở chuyển từ Liên hiệp các xí nghiệp cà phê, đến năm 2010 chuyển
thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty cà phê
Việt Nam, tên gọi tắt là Vinacafe.
Ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinacafe cho
biết, hiện Vinacafe có 58 công ty thành viên và tên mỗi công ty thành
viên đều có chữ Vinacafe, ví dụ CTCP Vinacafe Sơn Thành ở Phú Yên, CTCP
Vinacafe Đà Nẵng ở Đà Nẵng.... Những thông tin này cho thấy, Vinacafe là
tên doanh nghiệp, chỉ Tổng công ty cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp
thành viên.
Thế nhưng, trong một công văn gửi tới báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng,
Phó tổng giám đốc CTCP Vinacafe Biên Hòa, cho biết, Vinacafé là nhãn
hiệu sản phẩm đã được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ từ năm 1993,
thuộc sở hữu của Nhà máy cà phê Biên Hòa, nay là CTCP Vinacafé Biên Hòa.
"Vinacafe đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và khi nhắc đến
Vinacafe khách hàng cũng như độc giả thường nghĩ đến công ty chúng
tôi... Việc dùng tên gọi không chính xác và không chính thức sẽ gây nhầm
lẫn và có thể ảnh hưởng đến thương hiệu Vinacafe cũng như Công ty cổ
phần Vinacafe Biên Hòa", công văn viết.
![]() |
Vinacafé đang là chủ đề tranh cãi của 2 công ty |
Cũng theo ông Thiêm, CTCP Vinacafe Biên Hòa là một doanh nghiệp thành viên của Vinacafe, hình thành trên cơ sở cổ phần hóa Nhà máy cà phê Biên Hòa năm 2004. Lúc đó, Vinacafe nắm 51% cổ phần của CTCP Vinacafe Biên Hòa, con số này hiện nay là 37%.
Nhờ luật pháp phân định?
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Chướng, nguyên Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong luật sở hữu trí tuệ có hai khái niệm: thương hiệu và nhãn hiệu. Thương hiệu là tên thương mại của một công ty, doanh nghiệp xưng danh để hoạt động kinh doanh. Trường hợp Tổng công ty cà phê Việt Nam lấy tên là Vinacafe thì Vinacafe được hiểu là tên thương mại. Còn trong trường hợp CTCP Vinacafe Biên Hòa, Vinacafe là nhãn hiệu, là tên gọi của một mặt hàng kinh doanh trên thị trường.
Nếu CTCP Vinacafé Biên Hòa đã đăng ký nhãn hiệu Vinacafé (dạng in nghiêng) với Cục sở hữu trí tuệ từ năm 1993 và muốn Tổng công ty cà phê Việt Nam không dùng tên Vinacafé để giao dịch trên thị trường để khỏi gây nhầm lẫn thì phải xem Vinacafe có trước hay sau năm 1993.
"Nếu Vinacafé Biên Hòa chứng minh được nhãn hiệu Vinacafé có trước tên gọi thương mại của Tổng công ty cà phê Việt Nam thì có thể nhờ pháp luật để yêu cầu Tổng công ty cà phê Việt Nam dùng tên gọi khác thay cho Vinacafe. Luật sở hữu trí tuệ không căn cứ trên kiểu chữ mà căn cứ bằng phát âm tên gọi", ông Chướng nói.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty cà phê Việt Nam, tên gọi Vinacafe đã được ông đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ vào năm 1982 để làm tên giao dịch của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam khi giao dịch với các đối tác nước ngoài ở thời điểm đó, cụ thể là các công ty xuất nhập khẩu của Liên Xô (cũ).
Ngoài ra, việc nhờ pháp luật phân định ai là chủ sở hữu Vinacafe như ý kiến của ông Chướng nêu trên còn gặp một khó khăn khác: hiện thời Vinacafe vẫn là cổ đông lớn của CTCP Vinacafe Biên Hòa, và Chủ tịch HĐQT của Vinacafe, ông Đoàn Đình Thiêm, cũng chính là Chủ tịch HĐQT của CTCP Vinacafe Biên Hòa và chắc chắn ông Thiêm sẽ rất khó xử nếu hai doanh nghiệp này không tự dàn xếp được với nhau.
Bất đồng về tên gọi Vinacafe giữa tập đoàn Vinacafe và CTCP Vinacafe Biên Hòa cũng đặt ra một kinh nghiệm mà các doanh nghiệp cần tham khảo khi xây dựng và định vị thương hiệu, tránh những nhầm lẫn và tổn thất không đáng có.