Con gà trống xạm mào cất tiếng gáy khi cảnh vật vẫn còn lờ mờ. Cả chuồng gà lục tục kéo nhau tràn qua sân, quanh quẩn kêu một lúc rồi tản ra bới rơm ngoài vườn chuối. Con trâu giậm chân bậm bịch ngoài chuồng. Mùi phân gà xộc vào nồng nồng, hôi hám.

Thằng Thạo đã tỉnh dậy, nó dụi dụi hai bên mắt, chân khua khua tìm đôi dép cuối gầm giường nhưng nhợt nhớ ra tối qua nó lại leo lên giường mà quên béng rửa chân. Nhà ngoài yên ắng, đoán bố đã xuống bếp rang cơm, nó liền ra giếng vục nước rửa mặt rồi chạy xuống bếp xem bố đã rang cơm dưa chín chưa mà thơm điếc mũi thế. Ngó vào bếp, thấy bố cặm cụi nhồi rơm, nó đoán cơm chưa chín liền ra hiên bếp, vớ vội cái liềm đi cắt sọt cỏ cho trâu.

Buổi sáng ở quê nó thật thanh bình. Xe bò lóc cóc chạy trên đường chở cày bừa, phân gio ra đồng, tiếng nghé con gọi mẹ vui rộn. Lòng nó thấy phơi phới, chẳng hiểu vì lẽ gì. Cỏ đã đầy sọt, con trâu thấy bóng nó thấp thoáng dưới bờ ao từ xa đã kêu nghé ọ đòi ăn. Mặt trời bắt đầu lên đỏ như quả bóng bằng len đá trên đồi mỗi buổi.

Bữa sáng được dọn ra, một chảo cơm rang vàng xuộm, thứ cơm rang dưa ngon đứt mọi món trên đời mà nó từng được ăn. Vị chua rua rúa của dưa rang nước mắm, vị giòn tan của cơm rang làm nó muốn ăn mãi, không thấy chán. Bố vẫn thường hớt phần cơm trên mềm hơn vì răng bố yếu, còn cháy cơm là phần của nó. Đối với Thạo, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của một ngày, dù trong bữa cơm nào đi nữa, hai bố con cũng chẳng nói với nhau một lời. Chuyện này đã có từ rất lâu rồi, như thể một thói quen cần thiết.

Ăn sáng xong, bố vác điếu cày, hút vang sòng sọc, phả khói ra cửa. Phía ngoài kia là cổng, cổng dân xuống con đường, con đường dẫn bố ra đồng, dẫn Thạo đến trường hay lên đồi chăn trâu, hái củi.

Tuổi thơ của Thạo thật đơn giản với những công việc hàng ngày chưa bao giờ thay đổi. Nó làm mọi việc như một phản xạ tự nhiên. Buổi sáng, sau khi cắt cỏ, ăn cơm, nó sẽ đạp xe tới trường, cách nhà vài ba cây số. Nó biết đi xe từ rất sớm vì không ai đưa đi học cả, cũng chẳng ai cho nó đi nhờ. Đi bộ thì xa quá, đi từ sáng sớm mà đến lớp, hôm nào nó cũng dính “đứng xó” và bị bọn bạn ném giấy vào người.

Tập xe tưởng dễ mà đến khổ. Nó ngã lên, ngã xuống bao nhiêu lần, sứt sát hết mặt mũi, tay chân, quần áo mà cái xe vẫn không chịu chạy theo ý mình. Có lúc điên tiết, nó quăng xe dưới đường, về úp mặt vào tường khóc tu tu. Những lúc ấy, bố không bao giờ có mặt. Bố ở ngoài đồng, ngoài vườn, hay trong nhà thì vẫn không bao giờ có mặt. Sẽ là một ai đó lạ hoặc ở một làng xa lạ dắt xe lên nhà cho nó hoặc sẽ là nó lại dựng xe lên và tênh tênh bàn đạp cho đến tận xế chiều.

Bố đã nấu chín cơm, dọn ra giữa sân. Chẳng vội đâu, bao giờ nó tắm rửa xong sẽ ăn, tối mấy cũng được, không bao giờ bố nhắc. Ăn cơm xong, bố vác đèn đi soi đồng, khi trở về lúc nào cung có con mồi để hôm sau ăn cơm, lúc thì túi cua, con rắn để băm viên hay con cò, con vạc. Nhiều đêm mưa to, bố bắt được cả giỏ ếch. Nửa đêm, bố lay nó dậy, bảo: “Ăn cháo ếch thì dậy, nhiều lắm!”.

Hai người quây vào một góc, xì xụp húp, mưa dột lộp độp xung quanh. Ăn xong, bố mới nhớ đến đàn gà ngoài cây chưa bắt vào và cái nhà thì dột gần vào mấy tải lúa rồi. Ấy thế mà trời sáng lúc nào không biết. Tỉnh dậy, mùi ngai ngái sau mưa đã xộc thẳng vào mũi, ám vào quần áo nó tự bao giờ.

Bố không hay nói chuyện với Thạo, kể cả những ngày có việc vui, nhưng bố cũng chẳng bao giờ mắng cả. Mọi thứ chẳng rõ nặng nề hay thoải mái. Tất cả đều phải quen, cũng như nó phải quen với việc chẳng biết mình được sinh ra như thế nào, ai sinh ra và anh em, họ hàng ở tận đâu. Bố không bao giờ nói, nó không bao giờ hỏi, dân làng cũng không ai bàn tán về chuyện đó.

Sao mọi thứ ở cái làng quê này đều lặng lẽ, con người cúi rạp mình quanh năm dưới đồng ruộng, ngẩng mặt lên nhìn nhau, cười rồi lại cúi mặt đi. Trong giấc mơ của nó lại luôn luôn khác, lúc nào cũng rôm rả tiếng cười. Mọi người hay cho nó quà khi đi chợ về như những đứa trẻ khác. Tết, nó được mẹ dẫn đi mua quần áo mới, mua bao nhiêu là bánh kẹo, lại bộ xếp hình Hécman nữa nhé. Thích lắm! Chỉ có điều nó không làm thế nào nhìn rõ khuôn mặt mẹ, chỉ cảm nhận được bàn tay là rõ nhất. Nó vẫn thầm nhủ, chắc mẹ rất hiền…

Những giấc mơ đi qua, tỉnh dậy, nó thấy bóng bố ở nhà ngoài hắt lên bức vách. Chiếc bóng lặng im, thi thoảng nghe rất kỹ mới thấy tiếng thở dài. Hình như đêm nào bố cũng thức, chẳng biết để làm gì…

Buổi chiều không phải đến trường, nó sẽ đi thả trâu bò và tranh thủ hái bó củi, phòng khi mưa gió. Củi dong cành nhỏ ti, cúi nhặt mỏi nhừ lưng vẫn không nắm chặt tay. Hái được bó củi, làm được vài bài toán là nắng đã xuống rồi.

Lũ bạn chơi ô quan, ô nghìn rất vui nhưng đừng hòng bén mảng lại gần vì chắc chắn chúng chẳng bao giờ cho Thạo chơi cả. Chẳng hiểu vì sao nhưng từ nhỏ đã thế rồi. Đôi lúc, nó muốn thắc mắc nhưng vì không có ai trả lời hộ nên lại thôi. Dần dần nó quên hẳn phải hỏi cho ra nhẽ vì sao hầu hết người dân trong làng đều không chơi với hai bố con nó. Tất cả dường như là chuyện vốn có nên không cần phải hỏi.

Thạo chỉ dám đứng từ xa nhìn chúng, trò gì chơi được một mình thì chơi. Dù sao, lũ trẻ cũng chẳng thèm đoái hoài mà lo bị phá nhẵng. Chơi một mình mãi cũng chán, nó nằm vật vạ bất cứ chỗ nào, miễn là có cỏ xanh và bóng cây râm mát.

Thú vui lớn nhất của nó là ngắm những đám mây, đó là điều thật lý thú và kỳ diệu. Những khối mây đủ hình thù, màu sắc cú chụm vào rồi lại tản ra, sum họp rồi lại chia ly, nhanh và thanh thản. Nó thấy ở đấy cả một thế giới, có con vịt màu hồng với cái mỏ khổng lồ, cái đuôi bé xíu, ngúng nguẩy một tí rồi lại thành một cô tiên, váy đẹp cực kỳ nhé, dài đến tận cuối chân trời. Cô cười rất hiền, hiền như bồ tát, hay là bồ tát cũng nên. Thế mà nó chỉ ngáp ngủ một cái là cô đã trở nên xấu xí chưa từng thấy, miệng banh ra, váy rách tả tơi. Nó tiếc mãi, biết thế chẳng ngáp ngủ…

Nó thấy mọi thứ đều tránh xa nó, kể cả đám mây bay vô định trên trời. Tự nhiên nó cảm thấy thật buồn, buồn lắm. Và nó khóc, miệng cứ liên hồi gọi mẹ. Nó vẫn tin rằng mẹ còn sống, chẳng qua vì một lý do nào đấy mà mẹ đi xa.

Có ai đi xa được mãi đâu, chắc là mẹ sẽ về thôi, vào một buổi chiều nào đấy, có thể hôm nay, ngày mai hay khi nó lớn rồi cũng được. Cốt là mẹ sẽ trở về và đừng để cuộc sống của nó cô độc như thế này mãi cho đến lúc già là được. Tất cả là tại mẹ hết. Nếu có mẹ, mọi thứ đã không như thế này, bố sẽ nói cười với nó. Trung thu, bố chắc sẽ làm cho nó thật nhiều đèn ông sao hay đục hộp xà phòng làm đèn cũng được. Nó chẳng cần phải thật đẹp, miễn là bố bỏ công ra làm cho nó là được. hay chỉ cần mỗi hôm nó đi học về, mồ hôi ướt áo, bố cởi hộ chiếc cặp nặng trịch sau lưng và nói: “Con ra rửa mặt cho mát rồi vào ăn cơm”. Chắc ông bố nào chẳng làm thế, trừ bố nó. Sau này thành bố, nó cũng sẽ làm mọi thứ cho con, dù là trai hay gái, dù nó bao nhiêu tuổi.

Thạo khóc, nó lật mình, úp mặt xuống cỏ. Cỏ chọc vào mắt nhói buốt, nước mắt càng chảy nhiều. Phía dưới cỏ là cát, là sỏi. Cát sỏi cũng biết nó khóc, còn bố lại không, mẹ càng không và chẳng ai biết cả. Thạo khóc nấc lên, mấy đứa trẻ xúm lại xem rồi lấy bãi cứt trâu khô ném vào nó. Chúng cười khúc khích rồi lại tản ra chơi đùa.

Thạo mặc kệ con bò đực cứ dụi dụi mõm vào lưng, chẳng chịu đi. Nó ngoảnh lại vuốt ve mõm con đực. Mắt Thạo đỏ hoe, bám đầy lá bạch đàn mục vương vãi dưới cỏ. Con đực dụi thêm mấy cái vào mặt Thạo, mùi hôi từ mũi nó làm Thạo ho sặc sụa, phì cười: “Cái con quỷ này, không lo đi ăn, tối rồi đấy, đói thì khổ thân. Ở nhà có cái gì cho mày ăn thêm đâu?”.

Lại một buổi chiều nữa nó trở về nhà trong thấp thỏm, mong đợi, lo âu. Cứ bước ra khỏi cổng và đi đâu đó là nó tự cho mình cái quyền chờ đợi như thế. Biết đâu khi nó trở về, mẹ chẳng đứng ở cổng chờ nó. Khi nó chưa hiểu ra mọi chuyện thì bố vui vẻ từ bếp ra, mặt vẫn còn nhọ, tươi cười giải thích: “Ơ! Cái thằng này, mẹ mà cũng không nhận ra à? Chào mẹ rồi đi tắm giặt, mặc thử mấy bộ quần áo mới mẹ vừa mua xem có vừa không. Mà mẹ mày mua thì làm gì có chuyện không đẹp, không vừa”.

Và thế là nó sẽ ôm chầm lấy mẹ mà khóc, mà trách yêu: “Mẹ đi đâu mãi đến bây giờ mới về? Mẹ có biết hai bố con buồn lắm không? Chẳng ai chơi với con, mẹ ạ. Chẳng ai hết…”. Thế nào mẹ cũng sẽ ôm nó thật chặt vào lòng mà xuýt xoa, mà nựng, mà xin lỗi, bảo với nó rằng từ giờ mẹ sẽ chẳng bao giờ xa nó cả. Rồi nó sẽ mặc vội bộ quần áo mới, không kịp ăn cơm, đi khoe với thằng Tính, thằng Khoa rằng ai bảo nó không có mẹ? Mẹ nó vừa về đấy. Không tin à? Sang nhà nó mà xem. Cứ sang đi, nhà nó không có chó canh cổng. Sang là có kẹo ăn, mẹ nó mua nhiều lắm. Nó cũng thích kẹo nhưng nếu bọn bạn thích thì nó sẵn sàng nhường hết. Vẫn không tin à? Thì áo mới đây này. Bố nó cả năm có bao giờ mua cho nó bộ quần áo nào đâu. Chẳng mẹ nó thì làm gì có ai thương mà mua áo cho nó chứ?

Chắc nó sẽ vui lắm, cười suốt tối. Đêm đấy, nó sẽ rúc vào ngủ giữa mẹ và bố. Nó sẽ khúc khích cười vì không còn phải mơ gặp mẹ mà không rõ mặt.

Nhưng không, tất cả đều không phải. Ngõ vắng tanh. Nhà không có chó, chó hàng xóm nằm ngay cạnh bờ rào cũng chẳng thèm lên tiếng. Lá xoan rụng từ cổng vào đến sân. Bố nó vẫn đợi sẵn bên mâm cơm ngoài sân mà chẳng nói câu nào.

Mỗi khi về đến cổng, nó vẫn thường dừng chân một lúc, cứ nhìn thấy bố là lại muốn khóc rồi. Nhưng không biết bố thấy nó khóc thì sẽ ra sao nhỉ? Chắc bố không quát đâu, nhưng chẳng biết bố có hỏi han xem có đánh nhau không, có bị đứa nào bắt nạt không hay là bị đau ở đâu mà khóc như con gái thế?

Chắc bố chẳng hỏi thế đâu. Nhiều lúc, nó muốn khóc thử nhưng cứ nghĩ đến cảnh khóc tu tu mà bố quay đi rít thuốc lào, nó sợ, không còn nghĩ gì đến việc khóc trước mặt bố nữa, tuyệt nhiên không bao giờ dám nghĩ.

Hôm nay là một ngày bình thường. Nó đến lớp, vẫn ngồi một mình bàn cuối, vẫn ngóng ra cửa sổ mặc dù tai lắng nghe bài giảng của thầy. Hôm nay học môn Toán, một môn nó chẳng thích cũng chẳng ghét. Chiều về, nó vẫn đi thả một con trâu và hai con bò bướng bỉnh. Ngày nào cũng thả mà chúng gầy rộc, nhìn thấy chán nhưng mà thương. Con gì gầy, ai gầy, Thạo cũng đều thương hết.

Những đám mây lại dồn đuổi nhau, những khuôn hình di động chơi trò trốn tìm khiến Thạo mê mẩn dõi xem. Đến khi thấy mấy con bò đòi về, nó mới nhận ra bụng mình đang sôi ùng ục kêu đói.

Thạo vác bó củi, giắt mấy quyển sách vào cạp quần, chạy theo đàn bà xuống dốc. Cái giống bò lúc đi thì thong thả, đánh vào mông lằn roi cũng chẳng buồn đi mà cứ chiều về là phi như tên bắn, chạy đuổi theo bao phen ngã sấp ngã ngửa, tức ơi là tức. Vừa về đến cổng, khác hẳn với mọi khi, Thạo thấy có một người đàn bà đứng phía trước, ra điều đang ngóng ai. Linh tính mách bảo điều gì, nó quăng vội bó củi xuống đất, đứng như trời trồng trước mặt người đàn bà lạ. Bà cũng nhìn nó, đôi mắt buồn buồn.

Nó di di bàn chân xuống nền đất, mặt cúi gằm. Có lẽ nào mẹ nó đây chăng? Thật không giống những giấc mơ gì cả. Trong mơ, mẹ nó đẹp lắm cơ, đôi tay trắng ngần, mái tóc thật dài, tuy không nhìn kỹ cả khuôn mặt nhưng nó vẫn thấy đôi mắt đen lay láy.

Người đàn bà đứng trước mặt nó gầy và đen lắm, lại còn già, ước chừng gần bằng tuổi bố rồi. Chắc không phải mẹ đâu, mẹ là phải đẹp cơ. Nhưng tại sao bà lại đứng đợi nó ở cổng, lại nhìn nó tình cảm thế? Khéo là mẹ nó thật. Mẹ cũng có thể già và xấu lắm chứ. Mẹ thằng Khoa bị bệnh còn nằm liệt giường cơ mà.

Mẹ! Đúng là mẹ rồi! Nó ngẩng lên, túm tay lắc mạnh người đàn bà lạ, nước mắt ròng ròng.

- Mẹ! Đúng là mẹ phải không? Mẹ đi đâu mãi bây giờ mới chịu về thế, hở mẹ?

Người đàn bà im lặng, không khóc nhưng nét mặt co lại, đau đớn.

- Mẹ ác lắm. Mẹ không biết con khổ đâu. Chẳng ai chơi với con hết. Ai cũng xa lánh vì con không có mẹ đấy. Mẹ ác lắm!

Người bố đã đứng sau Thạo tư lúc nào, trông ông tiều tụy như già đi vài tuổi, hai thái dương giật mạnh. Lẽ ra ông nên chạy lại ôm đứa con trai tội nghiệp nhưng ông không quen làm thế, hai bàn tay lóng ngóng, nắm chặt rồi lại duỗi ra.

Ông biết phải nói với nó thế nào đây, cứ im lặng hay nói rằng mẹ nó đã chết rồi, còn người đàn bà đứng kia là em mẹ nó, là dì nó đấy. Trong đầu ông hiện ra hình ảnh người đàn bà bị xóm làng đuổi đánh vì tội rủ rê, bòn mót tài sản của chồng họ, cướp miếng cơm của con họ. Người đàn bà về quỳ dưới chân ông, xin ông hãy nuôi con rồi đi mất tăm, mất tích.

Một năm sau, ông nghe phong thanh bà ấy đã chết. Mọi chuyện tưởng chừng như đã ngủ quên, ai ngờ hôm nay dì Bảy đến đón hai bố con về đổi mả mẹ thằng Thạo. Lòng ông rối như tơ vò giữa ở và đi, giữa việc nói cho con biết về mẹ nó, một người mẹ đầy tội lỗi, hay là sẽ lại lặng im.

Giữa hai người lớn là một đứa trẻ. Nó ngoảnh đi, ngoảnh lại vẫn không thể tìm ra câu trả lời xem người đứng trước mặt nó có phải là mẹ nó hay không. Nó mặc kệ tất cả, người đàn bà xa lạ, người cha lúc nào cũng chỉ biết im lặng, cả đàn bò đang thỏa sức phá phách những bụi chuối non tơ quanh vườn. Chạy. Nó chạy mãi, dồn đuổi theo những đám mây đủ các hình thù bay tận cuối chân trời.

Theo Vũ Thị Huyền Trang