Bị kiện vì tính giá nhà bằng USD
Sau
khi hàng loạt vụ mua bán USD chợ đen, niêm yết giá bằng USD bị xử phạt,
nhiều người dân phải mua chung cư bằng USD trước đây nay làm thủ tục
kiện chủ đầu tư ra toà. Năm 2012, TAND quận Hà Đông, TP Hà Nội thụ lý
đơn kiện của người dân đã nộp tiền đặt cọc căn hộ chung cư cao cấp
Mulberry Lane tại khu đất Cổ Ngựa, khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Nội.
Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư cá nhân tại Dự án Mulberry Lane tính
chuyện khởi kiện Công ty TNHH CapitaLand - Hoàng Thành là công ty này đã
vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi quy
định giá bán căn hộ tại Dự án theo giá USD.
Tương tự, hàng trăm khách hàng dự án chung cư Euro Land thuộc dự án Làng
Việt kiều châu Âu (Mỗ Lao, Hà Đông) do công ty TSQ làm đơn tố cáo chủ
đầu tư bán nhà bằng USD và áp dụng lãi suất khủng. Sau hợp đồng góp vốn,
quý III/2009, công ty TSQ ký hợp đồng mua bán căn hộ với các khách
hàng, giá bán căn hộ đã được quy đổi ra VND, quy đổi tỷ giá USD/VND tại
thời điểm ký hợp đồng mua bán khiến khách hàng phải nộp thêm từ 80-100
triệu đồng tuỳ vào diện tích căn hộ.
Liên
tiếp trong một thời gian ngắn, khách hàng tại các dự án như: Hill State
(Tô Hiệu, Hà Đông) do Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây làm chủ đầu tư,
dự án chung cư Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường đồng loạt tố cáo bán nhà
theo giá USD.
Nhà thầu lôi chủ đầu tư ra tòa
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang đã chính thức gửi đơn
lên Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội, kiện Công ty CP BĐS AZ. Tháng
7/2011, Long Giang ký hợp đồng thi công khoan nhồi thí nghiệm và cọc
khoan nhồi đại trà thuộc dự án chung cư AZ Vân Canh với AZ Land, tổng
giá trị lên tới hơn 1,8 tỷ đồng.
Cũng lý do chậm thanh toán theo tiến độ, Trung tâm trọng tài quốc tế
Việt Nam (VIAC) đã xử cho Công ty cổ phần xây dựng Cotec (Coteccons) -
nguyên đơn, thắng kiện chủ đầu tư dự án Tricon Towers là Công ty Minh
Việt vì không thực hiện đúng hợp đồng thi công xây dựng dự án đã ký.
Nhưng Minh Việt đã kiện ra tòa án Hà Nội để yêu cầu hủy phán quyết này.
Minh Việt ký hợp đồng thuê Coteccons thi công các tầng hầm của công
trình Tricon Towers (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với tổng giá trị hợp đồng
là 233 tỉ đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Yêu cầu thanh toán là
171 tỉ đồng, nhưng Minh Việt mới chỉ thanh toán cho Coteccons hơn 73 tỉ
đồng và ba lần gửi đơn xin khất nợ. Tính tổng các khoản cần thanh toán,
kể cả lãi, Coteccons khởi kiện đòi Minh Việt thanh toán 180 tỉ đồng.
Tại Hải Dương, TAND thị xã Chí Linh đưa vụ án ra xét xử vụ tranh chấp giữa Công ty cổ phần phát triển và đầu tư Đại Sơn và Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico). Công ty Đại Sơn và Handico ký hợp đồng xây lắp số 3 về gói thầu xây dựng trường Trung cấp huấn nghệ Việt - Mỹ tại P.Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Trong
quá trình xây dựng, lo ngại bị làm hỏng kế hoạch kinh doanh nên Công ty
Đại Sơn đã chấm dứt hợp đồng, trục xuất nhà thầu ra khỏi công trường và
thuê một nhà thầu khác để hoàn thiện nốt 66% khối lượng công trình còn
lại; đồng thời khởi kiện Handico ra TAND thị xã Chí Linh đòi bồi thường
số tiền thiệt hại trên 18,8 tỉ đồng.
TAND thị xã Chí Linh đã bác toàn bộ yêu cầu của Công ty Đại Sơn với lý
do “không đủ bằng chứng để quy kết nhà thầu chậm tiến độ”. Tuy nhiên,
phía Đại Sơn lại không đồng tình với phán quyết này, và đã gửi kháng cáo
lên TAND tỉnh Hải Dương yêu cầu xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
Đối tác nội bộ kiện nhau
TAND TP Hà Nội đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty
Cổ phần Sỹ Ngàn, chủ đầu tư dự án Ngọc Viên Islands (hồ Đồng Mô, xã Kim
Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Đây là đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Đầu
tư Trường Phúc, trụ sở tại tòa nhà Vinaconex, Đống Đa, Hà Nội. Vụ việc
đang được dư luận cũng như giới đầu tư địa ốc đang rất quan tâm. Bởi có
thể nói đây là doanh nghiệp BĐS đầu tiên tại Hà Nội bị yêu cầu phá sản.
Tòa yêu cầu Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn trong thời hạn 15 ngày phải nộp báo
cáo tài chính các năm 2010 - 2011, báo cáo tình hình hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh
liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán.
Không chỉ vậy, ngay cả dự án doanh nghiệp BĐS quốc tế tại Việt Nam cũng
dính tới kiện cáo. Mới đây, CEO dự án Hồ Tràm Ship kiện chủ đầu tư lên
tòa án tại New York với lý do bị rút hết quyền điều hành từ tháng 4.
Theo “nguyên đơn”, lãnh đạo của Công ty Asian Coast Development Limited
(ACDL), chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã lấy lại
hết quyền điều hành của ông Nathan tại ACDL mà không đưa ra lý do giải
thích. Dự án Hồ Tràm Ship chưa đi vào hoạt động đã phát sinh nhiều rắc
rối.
Hàng loạt các kiện cáo trong lĩnh vực BĐS phát sinh thời gian gần đây
cho thấy hậu quả của một thời đầu tư nhà đất theo cơn sốt. Các DN BĐS
lẫn người dân mải mê chạy theo lợi nhuận mà quên đi vấn đề phát sinh,
dẫn tới nảy sinh nhiều mâu thuẫn và kiện cáo. Việc này không chỉ ảnh
hưởng tới uy tín DN mà các bên cũng phải mất thời gian dài để xử lý
tranh chấp. Trong khi đó, những quy định của pháp luật về giải quyết
những vấn đề này còn nhiều bất cập, có những tranh chấp không thể giải
quyết một sớm một chiều.
Theo VEF