Dũng làm công nhân trong nhà chúng tôi thấm thoắt đã hơn một năm. Một năm là khoảng thời gian thử thách đủ cho tôi tin tưởng để Dũng làm chân chạy hàng bỏ mối ở chợ và thu hồi tiền hàng từ tay các chủ sạp.
Vợ chồng tôi có nghề làm túi xách bỏ mối ở chợ và nhận gia công hàng hợp đồng cho các công ty may lớn đã hơn mười năm. Khéo thu vén, chúng tôi cũng mở rộng được quy mô xưởng lên gần hai chục nhân viên, trong đó lo ăn ở cho sáu đứa đều là con em của mấy nhà người quen biết dưới quê gửi lên. Dũng là một trong số đó.
Hồi mới đến, nhìn Dũng thật thảm hại. Cái quần vải cũ nhăn nheo như lò xo vì ngồi xe đường xa, chiếc áo màu cháo lòng, chân đi đôi dép lào mòn vẹt, trông như cây chổi gà xơ xác. Nếu không được cô Mái ở quê điện lên dặn trước có thằng Dũng con ông Thái ở thôn Đông chuẩn bị lên xin vào làm, chắc tôi cũng không dám cho nó vào nhà. Mấy đứa công nhân khác nhận ra ngay thằng bạn dưới quê. Chúng nó đang ăn cơm, bỏ cả bát đũa chạy ra đón. Thằng Dũng cười toe toét, khoe hai hàm răng xỉn vàng do hút thuốc lào lâu ngày.
Ở thành phố một năm, Dũng trông chẳng có gì đổi khác. Nó vẫn bé loắt choắt, hai mươi ba tuổi mà nhìn không to con bằng thằng con tôi mới học lớp bảy. Nhìn sau tưởng thiếu niên, nhưng nhìn trước, mặt nó già chát! Tính Dũng lại lỗ bỗ, lã bã, gặp ai cũng cười nói. Mặc dù mấy bà mấy cô ở chợ khi bị nó trêu thì tru tréo lên mắng, nhưng ai cũng thích nó.
- Này chị ơi, tiền hàng hôm nay này.
Dũng mới đi thu tiền về, vừa nói vừa lôi trong cái cặp của nó ra một cọc tiền toàn tờ năm chục.
- Ừ để chị đếm. Mà sao vô nhà rồi mày còn đội mũ sùm sụp chi cho nóng vậy Dũng?
Dũng cười hề hề, không nói gì, bỏ cái mũ phớt trên đầu ra. Tôi trợn mắt vì ngạc nhiên:
- Mèn ơi, đang yên sao mày cạo trọc lóc cái đầu thế kia?
Nó vuốt vuốt cái đầu nhẵn thín như quả bưởi. Nhỏ người làm mới đi chợ về, nhìn thấy "quả bưởi" tròn vo, bò lăn ra cười. Thằng Dũng đỏ mặt, gắt lên cho đỡ ngượng:
- Ơ hay, mốt đấy, mày cười cái gì? Chị đếm nhanh lên em còn đi tắm cái, nóng quá!
Mấy anh em trong nhà từ lớn đến bé lần lượt có người yêu hết. Chỉ riêng Dũng, gặp cô nào cũng tán tỉnh nhận vơ là "ghệ" thì vẫn "lính phòng không". Nhìn nó như thế, vừa xấu tướng vừa xuề xòa, lại thêm tật ba hoa, tôi nghĩ chả cô nào dám yêu.
Đợt đó, tôi có thuê một cô làm kế toán do có nhiều đơn đặt hàng cần có người quản lý thu chi. So với những công nhân nữ ngồi may lê la, bụi bặm, nhỏ Lành nhìn diện hơn hẳn. Thằng Dũng thích lắm, chưa gì đã nhận là người yêu. Nó đi đâu thì thôi, về tới cửa hàng là oang oang:
- Ơ Lành của tao đi đâu rồi đấy nhỉ?
- Đi đâu cái đầu anh đấy!, con Lành mắng.
Khi mới đến, Lành bị trêu đỏ cả mặt. Riết thành quen, con bé chả thèm phản ứng. Thằng Dũng lại càng thích, tưởng đã "tán" được em. Lành cũng là một đứa đáo để, nó nhân tiện nhờ vả thằng Dũng hết việc này đến việc kia làm thằng bé cứ phải chạy tới chạy lui. Lúc thì đi photo hóa đơn, lúc ngồi tính lại sổ sách, lúc lại nhờ đi sửa cho cái đồng hồ. Việc gì Dũng cũng làm rất nhiệt tình.
Nhưng chỉ được hơn một tháng, thằng Dũng bắt đầu lơ con Lành. Không phải vì chán bị làm chân sai vặt không công cho Lành, mà vì lúc đó xưởng may có thêm vài nhân công nữ tới phụ việc. Mà trong đó có một cô bé rất xinh tên Nga. Thế là Dũng lại khoe loạn lên với mọi người em Nga là người yêu nó. Tuy vậy, Lành nhờ gì nó cũng làm.
Tính thằng Dũng là thế, xuề xòa cả nể, ai nhờ gì cũng không từ chối. Cuối tuần, mấy anh em thợ sửa soạn quần áo, đầu tóc vuốt keo bóng lộn, sau đó xách xe đi đón bạn gái đi chơi hết. Chỉ có Dũng chẳng có ai để đưa đón. Xe máy xe đạp trong nhà cũng không còn cái nào, Dũng cũng không lượn cà-phê cà pháo được. Nó nằm nghêu ngao hát. Nằm chán, nó gom mấy tấm bìa ra ngồi đo đo, cắt cắt.
Tôi đang nấu cháo cho bé con nồi cháo, thấy nó chạy vào bếp hớt hải hỏi:
- Chị ơi, cho em mấy miếng vải hôm qua cắt bóp đầm thừa nhé.
- Còn vài miếng không biết Quân nó để đâu rồi đấy. Mà mày lấy vải thừa làm gì vậy?
- À, thằng Dũng gãi cái đầu trọc giờ tóc đã mọc lên lởm chởm, em đang thiết kế một cái túi.
Nghe nó nói chữ "thiết kế" một cách trang nghiêm, tôi suýt bật cười. Nó suốt ngày ngồi trên xe đưa hàng chứ có may đâu, nói gì đến dựng mẫu với thiết kế.
- À, làm tặng em Nga hả?
- Sao chị biết?
- Sao lại không biết. Ráng cưa cẩm rồi cưới về cho mẹ mày đỡ lo.
Nó gãi đầu cười hì hì.
Vậy mà đùng một cái, thằng Dũng xin tôi cho nghỉ nửa tháng về quê lấy vợ. Cái tin thằng Dũng chuẩn bị lấy vợ giống như một điều gì đó vừa lạ lùng vừa khôi hài đối với tất cả mọi người. Ban đầu nghe xầm xì, tôi tưởng lần này do thằng Dũng tự nhận vơ. Cuối cùng đúng thật.
Buổi tối cơm nước xong, nó lên phòng khách thưa chuyện. Nó mặc chiếc quần tây mới, áo sơ mi trắng, khuôn mặt hân hoan như bắt được vàng, trông trẻ ra đến năm tuổi.
- Sắp lấy vợ có khác nghe Dũng, nhìn đẹp trai hơn hẳn, tôi nói đùa cho nó đỡ ngượng.
Nó cười cười, ngượng nghịu ngó lơ chỗ khác.
- Cưới xong dắt vợ vào đây làm tiệc chiêu đãi anh chị và bạn bè nữa nghe. Mày quen hồi nào mà cưới lẹ vậy? Không giới thiệu để anh chị xem người ta ra sao?
Thằng Dũng cười:
- Nó ưng cưới, em phải làm lẹ không thì mất!
- Ừ, nghe nói vợ em xinh lắm hả? Đây, anh chị cho em một triệu, coi như tiền tàu xe về quê.
- Em cảm ơn chị.
Vợ Dũng hóa ra chẳng ai xa lạ. Đó là nhỏ Phương, làm tổ trưởng trong một công ty may mặc xuất khẩu. Số là cách đây hơn một tháng, nhà tôi tổ chức cho công nhân đi Vũng Tàu. Hôm đó ông xã dẫn mọi người đi. Thằng Dũng gặp con Phương ở bãi biển. Về nhà không thấy nó khoe khoang như mọi lần nên tuyệt nhiên không ai biết chuyện hai đứa hẹn hò.
Thằng Dũng về được một tuần, cô Mái dưới quê gọi điện hỏi thăm, khoe thằng Dũng xấu trai rước về cho bà mẹ nó một con dâu cao ráo xinh xắn. Nghe đâu lúc cưới cô dâu đã mang bầu, hai anh chị đã "ăn cơm trước kẻng" rồi. Để kết thúc cho tràng kể lể của mình, cô Mái kết luận: "Bọn thanh niên bây giờ thoáng nhỉ. Còn mấy đứa chưa vợ, cháu bảo chúng nó cảnh giác không lại bị bọn con gái trong ấy dụ dỗ. Ngoài này khối đứa xinh mà không chịu về xem mặt".
Tuần sau nữa, cô Mái lại gọi điện. Cô nghe mấy đứa kể thằng Dũng mới quen con Phương hơn một tháng, mà lúc cưới đã có bầu mấy tuần rồi: "Cô nghi thằng Dũng bị con kia lừa. Làm gì có bầu nhanh thế. Mà quen nhau còn phải tìm hiểu nữa chứ. Có khi thằng nào ăn ốc, bắt thằng Dũng đổ vỏ. Với lại cô biết tính nó, khờ lắm cháu ơi!". Tôi phải dặn cô không biết chắc đừng nói ra ngoài ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai đứa.
Dũng xin nghỉ hai tuần, nhưng đến hết tuần thứ ba nó mới vô. Cô dâu mới ốm nghén, mặt xanh như tàu lá. Hai đứa thuê một căn nhà bé tí tẹo. Vợ mang bầu mệt đi làm buổi được buổi không, mình thằng Dũng phải cáng đáng chi tiêu cho gia đình nhỏ. Dạo này nó cai thuốc, cà-phê. Lương công nhân có dư dả gì cho cam, lại còn nuôi vợ. Thằng Dũng nhìn già xọm hẳn, khiến ai cũng trêu nó:
- Mày ham hố lấy vợ, bây giờ nếm mùi khổ ải, dại chưa?
Nó vẫn vô tư, ngoác miệng phụ họa:
- Biết lấy vợ khổ thế này, tôi chả thèm lấy. Mọi người đừng có mách vợ em. Nó nghe thế đêm về cho em ngủ ngoài đường.
- Ê cái thằng sợ vợ!
Vợ Dũng thỉnh thoảng loanh quanh ra xưởng chơi. Cô thường ngồi ở hàng hiên sau nhà, lơ đãng ngó đám cây ngải đắng mọc hoang ở hàng rào. Đúng là lạ, nhìn nó trắng trẻo, xinh xắn, cao to hơn cả chồng, mà lại ưng lấy thằng Dũng, người có nhiều nguy cơ ế vợ. Nhiều người cho là thằng Dũng tốt số, nhưng cũng có người như cô Mái, cho rằng nó bị lừa.
Mọi chuyện xoay quanh đám cưới của thằng Dũng cũng lắng lại. Vợ nó gần tới ngày ở cữ, được đưa về quê sinh nở cho ông bà nội chăm. Mình thằng Dũng ở lại làm việc. Nó sắp làm bố nên càng chăm hơn để để kiếm tiền "mua bỉm cho con" như mấy đứa công nhân tếu táo hay đùa.
Hai tháng sau, vợ Dũng sinh một cậu con trai. Nghe tin báo, thằng Dũng mừng rơi nước mắt.
- Chúc mừng nghe Dũng, tôi nói với nó.
- Chị ơi, chắc em về quê kiếm việc làm thôi. Chứ xa vợ xa con sao được.
- Vợ chồng gần nhau là hơn. Nhưng theo chị, mày nên tính kỹ. Ở đâu làm được thì ở. Giờ về quê cũng khó có việc. Không thì hai vợ chồng đợi cháu nó cứng cáp rồi mang vào luôn, ngày gửi bà Năm đầu hẻm trông, tối rước về.
- Em cũng đang bàn với nhà em.
Việc ở đâu chưa kịp bàn xong, dưới quê báo vợ thằng Dũng bỏ nhà đi đã hai ngày nay. Trước khi đi, cô vợ để lại cho Dũng một bức thư dặn chồng nuôi hộ đứa con, sau này có duyên thì gặp lại, đừng tìm vô ích.
Dũng như ngồi trên đống lửa, đòi về quê ngay. Dũng chạy đi hết chỗ bạn bè, họ hàng của Phương để tìm nhưng nửa tháng trôi qua mà bóng dáng cô vợ vẫn biệt tăm.
Dũng rời thành phố trong một ngày mưa tầm tã. Dũng không yên tâm khi để đứa bé lại cho hai ông bà già yếu. "Em về nhà đánh cá, bắt cua, thả gà, nuôi vịt. Em sẽ nuôi thằng bé nên người, biết đâu mẹ nó sẽ về", Dũng nói giọng trầm trầm.
Dáng nó liêu xiêu trong chiếc áo mưa mỏng. Tôi chợt nhớ lời cô Mái nói, đứa bé sinh ea không giống ai trong họ nội...
Theo Nguyệt Minh