Người tiêu dùng kêu trời vì giá sữa luôn trong tình trạng chờ tăng với hàng loạt lý do như: chi phí quảng cáo cao (chiếm ước khoảng 30% so với doanh thu), đổi bao bì… Còn nếu không nâng giá thì chỉ có trời mới biết doanh nghiệp làm gì để bù vào giá đã chi phí.
Một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các loại trà (xin được gấu tên) khi bàn tới câu chuyện giữa quảng cáo các loại nước giải khát, trà và chất lượng thực của nó, ông đã cười và nói: "Sao phải phân tích nhiều làm gì, hãy cứ nhìn giá thành là biết độ đậm đặc của các thành phần thảo dược trong một chai nước giải khát".
Ông phân tích, nếu nói đến một chai nước trà có thể giúp cơ thể thanh lọc, giải độc cơ thể, hãy khoan phân tích về mặt câu chữ ở đây mà chỉ bàn về tác dụng và giá.
Đơn cử, một thang thuốc đông y có chứa các thành phần (cam thảo, hoa mộc miên, la hán quả, kim ngân hoa…)… giá khoảng 20.000-30.000 đồng/thang.
Một người bệnh, cần sử dụng loại thuốc thanh nhiệt này phải uống theo đúng liều bác sĩ kê. Chắc chắn không thể chỉ uống một thang thuốc. Vậy, một chai nước giải khát giá 8-10 nghìn đồng liệu có thể đạt được tác dụng như công bố?
![]() |
Cũng là thanh nhiệt, giải độc, dạng cao lỏng sẽ khác, thuốc sắc sẽ khác và hòa chế theo dạng nước giải khát pha loãng sẽ khác |
“Cũng là thanh nhiệt, giải độc, dạng cao lỏng sẽ khác, thuốc sắc sẽ khác và hòa chế theo dạng nước giải khát pha loãng sẽ khác”, vị này nói.
“Tôi không dám nói đến chuyện lừa đảo nhưng phải thừa nhận quảng cáo bây giờ khác xa sự thật quá”, ông nói.
Hay như nói về một loại hạt nêm nhưng lại ngon từ thịt, ngọt từ xương, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) tính toán: 1 kg thịt lợn nạc, sau khi thủy phân để làm thành bột thịt khô sẽ được 300g. Như vậy, thử tính với giá khoảng hơn 30.000 đồng/gói hạt nêm 450g sẽ có bao nhiêu % bột thịt, xương, tủy trong đó để doanh nghiệp có lãi (?!).
“Người mua hãy tỉnh táo và nghe, giữa cách nói, ghi khác nhau, ví ngon như thịt, ngọt như xương khác với việc làm từ thịt, xương”, PGS Thịnh cảnh báo.
Phân tích này cũng dễ hiểu khi xem hình ảnh trên bao bì gói hạt nêm Maggi 3 ngọt (ngọt thịt, ngọt xương, ngọt tủy) là một nồi hầm chứa đầy sườn heo. Thế nhưng, trong thành phần ghi trên một kg hạt nêm chỉ có 19g là (bột thịt heo sấy, nước cốt xương, tủy hầm và thịt).
Số còn lại là đường, tinh bột sắn và 2 chất “siêu bột ngọt” (độ ngọt gấp từ 10 – 15 lần bột ngọt thông thường), được sử dụng phổ biến trong công nghiệp chế biến là Disodium guanylate E627 và Disodium inosinate E631.
Nói vậy mà không phải vậy
Từng công bố trên báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, giá sữa bột cao là vì có 2 yếu tố bất hợp lý là chi phí bán hàng quá lớn. Chi phí quảng cáo chiếm ước khoảng 30% so với doanh thu.
Theo thuế thu nhập doanh nghiệp thì chi phí cho quảng cáo trên 10% là bất hợp lý. Cách tính giá sữa hình thành dựa trên hơn 10 yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất là chi phí quảng cáo cao.
Giá sữa bột luôn cao ngất ngưởng nhưng chất lượng tốt đến đâu lại chưa thể khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chia sẻ, chất lượng và giá sữa là câu chuyện dài dòng, cần phải tìm hiểu cái gốc của vấn đề.
![]() |
Có rất nhiều vấn đề giữa chất lượng sữa và giá sản phẩm mà các chuyên gia cho rằng cần phải tìm hiểu kỹ hơn |
Theo ông Thỏa, hiện nay việc quản lý giữa giá và chất lượng đang gặp những trục trặc nhất định.
Về chất lượng, Bộ Y tế là cơ quan được Chính phủ giao kiểm soát hàm lượng dinh dưỡng, công thức sữa… Dựa trên phê duyệt công bố chất lượng của Bộ Y tế, Bộ Tài chính mới quy định giá. “Như vậy, giữa giá và chất lượng thực của sữa rất khó để kiểm soát”, ông Thỏa cho biết.
Thực tế đã cho thấy, hàng loạt các quảng cáo về sữa khiến người xem có con nhỏ như muốn mua ngay vì uống sữa sẽ giúp cho con trở thành bác học, thông minh, tài giỏi…
Nhưng soi giữa quảng cáo lại trái với thực tế ngay trong việc công bố các nhãn sữa có hàm lượng đạm thiếu một cách trầm trọng, gần như là sữa giả, rồi nhãn sữa có kết quả kiểm nghiệm chỉ chênh lệch thấp hơn từ 1-2% so với giá trị trên bao bì; rồi sữa tươi nguyên chất 100% nhưng lại pha từ… sữa bột.
Hay như mới đây nhât là vụ lùm xùm về nhãn hàng thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait. Nếu như nhìn trên nhãn mác, người tiêu dùng nào cũng sẽ hiểu đây là sữa chứ không biết rằng chỉ là thực phẩm bổ sung.
![]() |
Với nhãn mác này người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm sữa dê |
Những câu chuyện ‘nhãn tiền’ để minh chứng quảng cáo vậy nhưng chất lượng không phải vậy.
Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, doanh nghiệp có quyền công bố chất lượng hàng hóa do mình sản xuất hoặc phân phối, vấn đề là việc công bố đó phải phản ánh đúng thực tế chất lượng hàng hóa. Nhưng có lẽ, đây cũng chỉ là mong ước của các nhà quản lý.
Còn với doanh nghiệp, lợi nhuận vẫn là tiêu chí thượng tôn.