Chuyên gia luật cho rằng, lập luận chưa đủ chặt chẽ, thuyết phục là lí do khiến việc đưa nước ngọt có ga không cồn vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bị phản ứng mạnh mẽ và chưa đạt được đồng thuận trong các lần lấy ý kiến.
Lập luận chưa đủ mạnh
Liên quan đến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu TTĐB, nhiều tranh cãi đã nổ ra, phần lớn là xoay quanh nội dung bổ sung “nước ngọt có ga, không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% từ ngày 1/7/2015.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho rằng: “Có ý kiến trái chiều cũng dễ hiểu, bởi sửa đổi này dự kiến có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của những đối tượng chịu thuế. Điều đáng nói ở đây, những giải trình, lập luận từ Ban soạn thảo vẫn chưa thực sự thuyết phục, do đó chưa tạo sự đồng thuận của tất cả các bên.
Chẳng hạn như với nước ngọt có ga không cồn, theo Ban soạn thảo thì lý do để đưa mặt hàng nào vào diện đánh thuế là để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, bởi việc sử dụng hàng ngày hoặc quá mức đối với nước ngọt có ga không cồn có thể gây ra một số loại bệnh như béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư … Tuy nhiên, các lập luận này đúng với cả nước ngọt có ga và nước ngọt không có ga (trong khi nước ngọt không có ga lại không phải chịu thuế này).”

Góp ý cho dự thảo thuế TTĐB, LS. Vũ Xuân Tiền, công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng: “Việc xác định danh mục hàng hóa chịu và không chịu Thuế TTĐB còn mang tính áp đặt, thiết sức thuyết phục. Câu hỏi được đặt ra là: thế nào là “tiêu thụ đặc biệt”? Những tiêu chí nào được sử dụng để phân loại hàng hóa, dịch vụ này thuộc diện “tiêu thụ đặc biệt” và ngược lại? Tiếc thay, Luật Thuế TTĐB đã không đề cập đến vấn đề này. Đây là cái “nút” quan trọng nhất của Luật Thuế TTĐB và chưa được tháo gỡ.”
LS. Tiền cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ căn cứ khoa học cho lập luận về việc đưa nước ngọt có ga không cồn vào danh mục đánh thuế.
Hệ lụy nguy hiểm
Chính những lập luận dường như đúng với cả 2 loại nước ngọt nhưng chỉ chọn một loại để đánh thuế khiến giới chuyên gia quốc tế băn khoăn về ‘động cơ’ đánh thuế.
Luật sư Sesto Vecchi cho rằng: “Không quốc gia nào khác trên thế giới lại chỉ nhắm vào nước có gas để đánh thuế. Một số nước áp thuế với đồ uống có hàm lượng ca-lo cao, nhưng không nước nào đánh thuế nước soda chỉ vì có chứa CO2 như Dự thảo tại Việt Nam. Thuế chỉ đánh trên nước ngọt có gas sẽ vi phạm các cam kết của Việt Nam với quốc tế, vì tạo ra sự bất bình đẳng với các sản phẩm của những nhà đầu tư nước ngoài.”
VCCI chỉ ra nguy cơ cáo buộc phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời cho rằng những lập luận của ban soạn thảo “không thích hợp để sử dụng trong giải trình về việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga mà không áp dụng thuế đối với nước ngọt không ga”.
Trong khi đó, LS. Vũ Xuân Tiền cho rằng, đánh thuế nước ngọt có ga không cồn dựa trên những lập luận chưa đủ mạnh sẽ tạo ra một ‘tiền lệ’ xấu. “Nếu những lập luận “nửa vời” như với nước ngọt có ga không cồn đã nêu ở trên, sẽ có “một ngày đẹp trời” nào đó, một quan chức của Bộ Tài chính cho rằng, một hàng hóa, dịch vụ nào đó, chẳng hạn là du lịch quốc tế, là sản phẩm cao cấp, chỉ dành cho những người nhiều tiền, cần điều tiết thu nhập do đó phải đưa nó vào đối tượng chịu thuế TTĐB và ra sức thuyết phục để Quốc hội thông qua thì thật là nguy hiểm!”, ông nói.
Minh bạch để luật đi vào cuộc sống
Đánh giá và góp ý cho dự thảo, LS. Vũ Xuân Tiền cho rằng: “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, không thể áp đặt theo ý chí chủ quan hoặc vì lý do tận thu cho ngân sách, mà rất cần sự khách quan, minh bạch. Chỉ khi đó, luật mới thực sự đi vào cuộc sống”.
Tán đồng quan điểm về sự minh bạch, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: “Có lẽ không có gì bàn cãi về mục tiêu của Luật thuế TTĐB. Vấn đề là các chính sách ẩn sau Luật Thuế phải hợp lý, minh bạch, được giải trình rõ ràng và được áp dụng theo cách thức ổn định và dự đoán trước được. Chỉ như vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư với kế hoạch kinh doanh dài hạn của mình mới yên tâm làm ăn kinh doanh.
Vì vậy chúng tôi mong là với mỗi sản phẩm đưa vào diện chịu thuế, Ban soạn thảo có lập luận đầy đủ, thuyết phục và với mỗi dự kiến thay đổi các mức thuế Ban soạn thảo có tính đến lộ trình hợp lý và không để các doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại quá lớn trong cạnh tranh với các hiện tượng buôn lâu hoặc vi phạm pháp luật khác”.
H.M