Mang theo chút nhọc nhằn trong gánh hàng buổi sớm, người phụ nữ ấy đã rảo bước khắp các nẻo đường của khu phố người Hoa tấp nập trong suốt gần 20 năm qua. Gặp chị trong cái duyên tình cờ của người hỏi đường, chị đã đãi tôi ly sữa "mở hàng" buổi sớm. Lớn lên cùng gánh sữa đậu nành của mẹ, giờ đây chị lại "nối nghiệp" bà. Cái "nghề" tưởng chừng không thể gọi là nghề nhưng cũng lắm long đong, vất vả. Theo chân chị suốt dọc đường buổi sáng, đến khoảng tầm 10 giờ, "hàng" đã hết nhẵn. Chị bảo: "Thứ sữa bình dân này thay cho sữa hộp đắt tiền nhưng ngon, bổ không kém". Trong đôi mắt của người phụ nữ chân chất, ánh lên nét nhìn hồn hậu nhưng thoáng lo âu. Những điều tiếng không hay về đậu nành đường phố đã đẩy dạt những cuộc mưu sinh chân chính thu mình vào thế giới của những người bình dân. Nhưng đâu đó, vẫn còn những con người nhẫn nại, cần mẫn sớm hôm xay từng hạt đậu, rây từng giọt sữa trong mát ngon lành bán cho khách muôn nơi.
Quà sáng của người bình dân
Chẳng lạ gì khi thấy xe sữa đậu nành có mặt khắp các hang cùng, ngõ hẻm của đường phố để rồi nếu muốn dừng chân tìm, chỉ cần đảo mắt một lượt là đã thấy dăm ba xe sữa kề cận. Để rồi có lời đùa rằng: đây là loại sữa phổ cập. Có thể thấy, chẳng gì dễ tìm và dễ tiêu hóa bằng sữa đậu nành. Một ly sữa chỉ đáng giá vài nghìn, bỏ ra mua chẳng mấy ai mất công suy tính. Món sáng của người lao động đôi khi chỉ cần vắt xôi con, kèm theo bịch sữa đậu nành lủng lẳng là quá đủ. Thậm chí tiết kiệm, nhiều người xem đây là món chính, chẳng cần ăn xôi hay bánh mì lót dạ. Cái tên gọi sữa bình dân hay sữa nhà nghèo cũng phát xuất từ đó. Rẻ, nhanh và tiện, chẳng ai nỡ kì kèo với ly sữa ấy bao giờ.
Người bán sữa đậu nành thường mở hàng sớm. Khi đã được nấu xong, sữa được cho vào nồi to giữ nóng bằng lớp than bên dưới và chất lên xe đẩy, bắt đầu cuộc hành trình. Không khó để tìm những xe sữa buổi sáng nhưng đến quá trưa thì hơi chật vật vì đa phần đã được tiêu thụ hết khoảng tầm 9 đến 10 giờ. Cứ như thế, từng xe sữa lưu động suốt dọc những chặng đường mà không có ý định mở mang thành hàng quán. Có chăng đó chỉ là những quán cóc nghiêng nghiêng khi chủ hàng không muốn lông bông xuôi ngược.
Quán xá Sài Gòn đóng thành khu, thành điểm nhưng sữa đậu nành dường như chẳng có điểm dừng chân. Bất cứ góc phố nào cũng có thể là điểm "tập kết" của những cư dân "hè phố" này. Thế cho nên, chẳng bao giờ món ấy kén hàng, kén khách. Vội vàng thì tạt ngang mua bọc sữa nhạt về pha, nhẩn nha hơn thì thưởng thức tại chỗ như kiểu uống sâm, kén chọn một chút thì tìm quán xá chọn một góc riêng để tiện thể ngắm phố. Và dù uống kiểu nào thì đậu nành vẫn cứ nguyên một vị: thơm mùi hạt và có vị béo hơi sương. Nhiều người thích gọi sữa đá cho mát lòng trong những ngày nắng nóng, người không thích thì uống sữa nóng cho ấm bụng. Sữa dùng trong ly hay "túm bịch" đều tiện, nói chung là... dễ tính, không cầu kỳ, câu nệ.
Công phu người xay đậu
Có thể nói, chẳng loại thức uống nào có cách chế biến vừa đơn giản vừa phức tạp như sữa đậu nành. Đơn giản vì ai cũng biết chỉ cần có đậu nành xay là có thể nấu lên cho ra một mẻ sữa. Tuy nhiên, nấu thế nào cho thơm, cho ngon, cho bùi, cho béo là một bí quyết không dễ học. Người nấu sữa lâu năm chẳng bao giờ đong định lượng bằng cân cho chuẩn xác, chỉ cần những vốc tay, những ước lượng dè chừng là đã đủ.
Đậu nành ngon phải chọn hạt mẩy, vàng bóng, sáng đều, không lâm thâm mối mọt. Trước khi xay, đậu cần ngâm mềm. Thời gian ngâm có thể kéo dài vài tiếng đến nửa ngày. Đôi khi vì vội, người ta chỉ cần rửa sơ đậu, đem xay là được. Người nấu sữa thâm niên còn bỏ công rang đậu cho hơi thơm cháy trước khi xay, sữa sẽ dậy mùi, thơm ngon và dễ uống. Tỉ lệ kết hợp giữa đậu và nước thường là 200g cho nửa lít nước hơn, sữa sẽ béo đậm và có thể cảm vị bùi của hạt đậu tan. Chất nước bột trắng này sẽ được lược qua rây để lọc lấy phần xác đậu, phần nước thu được chỉ cần nấu lên là đã có nồi sữa nguyên chất, không cầu kỳ nhiều công đoạn.
Muốn sữa ngon và có lúc lợn cợn xác cái, người nấu sữa còn cho vào ít đậu xanh tán mịn để món sữa béo đậm đà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích đậu nành thanh đạm vì dễ uống, dễ tiêu. Ở thôn quê, người ta chuộng món đậu nành lá dứa, tức khi nấu, đến lúc đem bán, người bán sẽ cho vào bó lá dứa cột gọn, đậy nắp âm kín để mùi thơm lá dứa quyện vào mùi sữa đậu. Mỗi lần nhắc nắp sữa lên, hơi sữa phả ra, xộc theo hơi gió, thơm ngát.
Dù là ở nông thôn hay thành thị, sữa đậu nành vẫn là thức uống bình dân ngự trị như một món quà quê khó bỏ trong thói quen của nhiều người. Và hẳn ít thức uống nào có thể dễ dàng tìm mua dọc khắp các nẻo đường như sữa đậu nành.
Theo Minh Thư