Hãy hình dung 1 tình huống 2 con người mâu thuẫn (1 người đánh người kia trước) hay va chạm nhau (thậm chí là va chạm về cơ thể khi đi trên đường không phải do cố ý mà chúng ta thấy hàng ngày) thì các khả năng về phản ứng của người còn lại sẽ có thể là:
1. Đánh trả ngay hoặc chửi lại ngay.
2. Chậm lại nghĩ vài giây xem tại sao lại như vậy. Hoặc đưa ra lời xin lỗi như chúng ta gặp hàng ngày trên các đường phố đi bộ ở phương Tây văn minh.
Vâng cái mà tôi đang nói tới là khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân hay còn gọi là EQ mà chúng ta thường nghe. Nó không phải là việc bạn có cảm xúc hay không, nhiều hay ít cảm xúc trước một hoàn cảnh hay tình huống mà là việc bạn kiểm soát cảm xúc đó như thế nào: từ việc đón nhận, cảm nhận và phản ứng.
Người Việt thường tự phong cho mình là thông minh, tức là chỉ số thông minh cao. Nhưng điều đó đôi khi rất gần với sự khôn lỏi và tính toán cho riêng mình, và việc họ phản ứng theo khả năng số 1 ở trên là điều mà chúng ta thường thấy. Chúng ta không có EQ một cách đúng nghĩa nên khả năng số 2 ít khi xảy ra. Vấn đề là, không phải ai vừa sinh ra đã có EQ cao. Nó vừa là một loại hình trí tuệ vừa là một phẩm chất cá nhân cần phải qua một quá trình trải nghiệm và rèn luyện mới có được.
Người phương Tây thường dạy trẻ em biết lùi lại và thừa nhận thất bại hay sai lầm của mình, như là một bài học và dấu mốc cho thấy sự trưởng thành của một cá nhân không chỉ về mặt cảm xúc (EQ), mà còn về mặt nhận thức và giao tiếp xã hội.
Khía cạnh và nội dung giáo dục này đang thiếu vắng hoàn toàn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam ta cả ở trường học, gia đình và xã hội. Vậy nên, chúng ta đang tạo ra một thế hệ trẻ em Việt thông minh nhưng lại không biết sống vì người khác, hay sống cho đam mê của chính mình. Các em thường chỉ biết sống dựa dẫm, lười suy nghĩ. Một thế hệ chỉ biết học và "ngu ngơ" về cảm xúc của bản thân và cả cách kiểm soát cảm xúc.
Các em dù đã lớn vẫn sẵn sàng và vui vẻ ngồi trên yên xe máy để mẹ dắt qua đường ngập nước. Tình yêu của mẹ ư, đứa con ngoan ư? Đều không phải.
Nhìn những đứa trẻ nhỏ phương Tây nhanh nhẹn trong vận động, vui vẻ tự tin trong giao tiếp, nghiêm túc khi làm việc và học tập khi cần. Có bao giờ chúng ta định nghĩa lại cuộc sống của con cái chúng ta nói riêng và trẻ em Việt nói chung không? Chúng ta có dám "dán mác" con mình là những đứa trẻ không chịu lớn hay không? Và có dám thừa nhận đó là do lỗi của chúng ta không? Các bố mẹ Việt có phải đang ngăn cản các đứa con của mình trưởng thành không?
Câu trả lời là "Có". Đáng buồn thay.
"Con cứ lo mà học thôi. Tất cả các việc khác đã có bố mẹ lo" - Tại sao điều ngớ ngẩn và hủ lậu này vẫn cứ được thực hành mãi như vậy?
Vì một lý do đơn giản: sự trưởng thành chưa được các bố mẹ Việt nhận thức là một việc làm quan trọng hàng đầu trong việc nuôi dạy trẻ. Họ còn đang mải rèn con mình thành những đứa trẻ thông minh theo kiểu học giỏi và đầy kiến thức lý thuyết vô dụng trong đầu, như các mẹo và kỹ thuật giải bài tập chẳng hạn. Có bao giờ chúng ta nhìn vào mắt những đứa con chỉ biết học (chúng bị ép buộc như thế và từ đó thành như thế) để biết rằng những đôi mắt đó là vô hồn hay không?
Những đứa trẻ học giỏi của chúng ta không chỉ lười vận động, không biết quan tâm tới người khác mà tệ nhất là các con không biết quản lý cuộc đời của mình, hoặc khi biết được là cần sống và quản lý cuộc đời của mình thì các năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ đã vụt qua.
Như một giấc mơ và quá khứ trở thành một điều đáng tiếc thậm chí là ám ảnh.
Tôi tin rằng những đứa trẻ học giỏi và thông minh nhưng mãi không chịu trưởng thành của chúng ta sẽ không biết làm một việc đơn giản: nói lời xin lỗi hay cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ. Và các bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi tôi tiết lộ rằng: việc biết nói lời cảm ơn hay xin lỗi (cộng thêm chữ : dạ thưa) đúng lúc, đúng chỗ, không chỉ khiến chúng ta và người khác hạnh phúc mà còn khiến chúng ta thành công hơn trong xã hội và cả trong công việc nữa.
Nó chiếm một phần không nhỏ đâu.
Vậy, để hạnh phúc thì ta cần trưởng thành trước đã. Hãy để cho con trẻ xanh khi chúng là những chiếc lá nhé?! Các bố mẹ!