Mỗi năm một chủ đề

Bắt đầu từ năm 2019, đề Ngữ văn lớp 10 TPHCM đổi mới mạnh mẽ. Đề thi chỉ có 3 câu hỏi tương ứng với 3 phần: Đọc hiểu (30%), Nghị luận xã hội (30%), Nghị luận văn học 40% (trong đó có 2 câu chọn 1). Đề được đánh giá "xa mà gần": Xa những khuôn mẫu, lối học tủ, học vẹt, gần gũi với cuộc sống, với tâm lý học sinh. 

Nhiều giáo viên nhận định “cầm đề là muốn viết ngay” khi cấu trúc hợp lý, bám sát nội dung chương trình, tạo điều kiện cho học sinh phát huy sự sáng tạo. Đặc biệt việc cho học sinh quyền tự chọn hướng làm bài hoặc câu hỏi nghị luận văn học được đánh giá là giúp các em phát triển kỹ năng, bộc lộ quan điểm, cảm xúc, đồng thời tránh việc học văn theo lối khuôn sáo, học tủ, học văn mẫu. 

Sự đột phá bắt đầu năm 2020, từ đó mỗi năm, TPHCM chọn 1 chủ đề cho đề thi Ngữ văn lớp 10. Ở lần đầu, đề thi hệ thống theo chủ đề Lắng nghe (Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết). Đề thi khoa học, logic và bám sát tính thời sự, vừa đảm bảo phần hỏi về kiến thức tác phẩm, kiểm tra kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng lập luận, vừa tạo độ mở cho học sinh sáng tạo. Ngay cả câu 1 nghị luận văn học cũng có tới 3 lựa chọn, không gây khó với kiểu học tủ, học theo văn mẫu.

Năm 2021, do dịch Covid-19, TPHCM không tổ chức thi lớp 10. Đến năm 2022, đề thi lớp 10 Ngữ văn có chủ đề: Bức thông điệp của thời gian, hướng thí sinh đến những suy nghĩ sâu sắc. Cấu trúc đề thi hòa trộn giữa đề thi năm 2019 và 2020 (theo trục chủ đề và đọc hiểu 2 văn bản), có khả năng phân hóa học sinh tốt. 

Học sinh TPHCM.jpg
Học sinh TPHCM trong kỳ thi lớp 10. Ảnh: Nguyễn Huế

Để những suy nghĩ cất lên thành lời là chủ đề năm 2023. Đề thi được đánh giá là một hướng đi mới. Sự phân hóa được đảm bảo phù hợp với thực tế tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Thoạt nhìn đề thi có vẻ dài nhưng lại không khó, nội dung gần gũi, dễ hiểu, thiết thực. Chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh tuổi 15. Các câu hỏi sáng tạo, không trùng lặp các năm trước. Nhiều giáo viên cho rằng đây là một đề thi hay, có nhiều sáng tạo, tạo điều kiện để học sinh thể hiện năng lực, sức viết.

Năm 2024, đề thi Ngữ văn có chủ đề Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình, được đánh giá gần gũi với thí sinh, không đánh đố nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. “Cấu trúc theo trục chủ đề được giữ ổn định, định dạng các câu hỏi quen thuộc, ngữ liệu đọc hiểu và tác phẩm ở phần nghị luận văn học gần gũi. Đây thực sự là những vấn đề, tác phẩm giá trị, phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm lý của lứa tuổi. Đó chính là sự trân trọng, nâng đỡ đầy nhân văn dành cho học sinh”, một giáo viên nói.

Giáo viên ngoại tỉnh: Đề Ngữ văn thi lớp 10 TPHCM ấn tượng và thích thú

Thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh, Giáo viên Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) theo dõi đề thi lớp 10 môn Ngữ văn của TPHCM khoảng 5 năm gần đây, nói rằng rất ấn tượng và thích thú. 

“Tôi cho rằng, TPHCM là một trong những nơi đầu tư nghiêm túc, có đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ trong cách ra đề thi môn Ngữ văn, tạo được sức hút mạnh mẽ cho giáo viên và học sinh cả nước", thầy Minh nói.

Thầy Minh chỉ ra những ưu điểm như: Thứ nhất, sự tích hợp trong đề thi được thể hiện rất rõ khi cả phần đọc hiểu, câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học đều cùng hướng về một chủ đề. Ví dụ, chủ đề năm 2022 là "Bức thông điệp của thời gian", năm 2024 là “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình”. Sự tích hợp này tạo điều kiện để học sinh tư duy có hệ thống, có sự liên hệ cần thiết giữa các phần, các câu khi bài làm. 

Thứ hai, ngữ liệu cho đề thi hay, sâu sắc, đảm bảo có sự hài hòa giữa những văn bản trong chương trình (đề thi từ năm 2024 về trước còn sử dụng văn bản trong SGK) và văn bản mới có ý nghĩa thiết thực, mang hơi thở của đời sống thường nhật. Điều này cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng và sự đầu tư nghiêm túc của người làm đề. 

Thứ ba, cách hỏi trong đề thi sáng tạo và có độ mở cao. Cả câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều không gò ép học sinh vào những nhận định, ý kiến có sẵn, mà chỉ đưa ra gợi ý để các em tự do thể hiện quan điểm, suy nghĩ riêng, từ đó phát huy tư duy độc lập, thỏa sức thể hiện sức nghĩ, sức viết. 

Tuy nhiên, theo thầy Minh, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của TPHCM tương đối khó so với trình độ chung của học sinh lớp 9. “Có lẽ người ra đề đã tính đến khả năng cạnh tranh trong mục đích thi tuyển sinh. Với những đề thi dạng như vậy, công tác chấm thi cũng cần cởi mở, linh hoạt, tránh gò ép, máy móc”, thầy Minh nêu.

Theo VietNamNet