Nghệ sĩ không vô can

Nhìn nhận về những trường hợp nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai phạm nhan nhản trên mạng xã hội hiện nay, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng đây là thực trạng đáng lo ngại.

"Đó không chỉ là câu chuyện của thị trường, mà là câu chuyện của lương tâm, của đạo đức nghề nghiệp và của trách nhiệm công dân trong thời đại truyền thông số. Nghệ sĩ không chỉ làm nghề để thỏa mãn đam mê cá nhân, mà còn là người định hình xu hướng tiêu dùng, truyền cảm hứng sống, và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi xã hội, đặc biệt là giới trẻ", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Đề xuất công bố danh sách nghệ sĩ vi phạm quảng cáo ảnh 1

Diễn viên Doãn Quốc Đam quảng cáo cho loại sữa nằm trong đường dây sữa giả bị triệt phá gần đây.

Nghệ sĩ không thể xem nhẹ mỗi lời giới thiệu, mỗi câu quảng cáo của mình, bởi đằng sau đó là hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người hâm mộ đang tin tưởng và làm theo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nghệ sĩ sẵn sàng “bán giọng nói”, “bán hình ảnh”, “bán danh tiếng” để đổi lấy hợp đồng quảng cáo.

Nhiều người thậm chí còn không biết rõ thứ mình đang quảng cáo là gì. Họ chỉ cần biết nhãn hàng trả bao nhiêu tiền, mà không cần biết sản phẩm đó có thực sự tốt, có đúng quy chuẩn hay không.

"Nghệ sĩ luôn phải tỉnh táo. Làm nghề không chỉ có khả năng biểu diễn mà còn phải biết cách gìn giữ danh dự. Mỗi sản phẩm gắn với hình ảnh bản thân là một sự cam kết ngầm với công chúng. Nếu sản phẩm đó sai phạm, người nghệ sĩ không thể chối bỏ trách nhiệm. Không ai có thể vừa nhận tiền quảng cáo, vừa vô can khi hậu quả xảy ra", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đề xuất công bố danh sách nghệ sĩ vi phạm quảng cáo ảnh 2Đề xuất công bố danh sách nghệ sĩ vi phạm quảng cáo ảnh 3

Nhiều nghệ sĩ bị réo tên vì quảng cáo sữa thổi phồng công dụng.

Công bố danh sách các nghệ sĩ vi phạm quảng cáo

Năm 2024, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đề xuất bổ sung điều luật về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Theo đó, hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định như: phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ cần quảng cáo, nếu đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm…

Đề xuất công bố danh sách nghệ sĩ vi phạm quảng cáo ảnh 4

Người nổi tiếng buộc phải có trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm để không phải đánh đổi cả sự nghiệp vì một vài hợp đồng quảng cáo.

Quá trình sửa đổi luật vốn đòi hỏi thời gian cho nghiên cứu, thẩm định, góp ý và ban hành khá dài, trong khi đó, xã hội vẫn "nóng lên" từng ngày với hàng loạt vụ việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.

"Bên cạnh Luật Quảng cáo 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, y tế, thương mại… vẫn còn hiệu lực. Không thể để tình trạng luật có mà không dùng trở thành cái cớ để nghệ sĩ vô tư nhận quảng cáo sai", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Trước khi Luật Quảng cáo sửa đổi được thông qua, không thể để khoảng trống pháp lý trở thành vùng an toàn cho sự gian dối. Cơ quan quản lý cần hành động kịp thời để bảo vệ không chỉ người tiêu dùng, mà còn bảo vệ sự trong sạch của môi trường nghệ thuật, danh dự của những nghệ sĩ chân chính.

"Nghệ sĩ không thể tiếp tục mang tâm thế người đọc kịch bản, rồi sau đó vô can khi khán giả bị lừa, người tiêu dùng bị tổn thương", PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Đề xuất công bố danh sách nghệ sĩ vi phạm quảng cáo ảnh 5

Nghệ sĩ không thể lấy lý do đọc theo kịch bản để che đi hành vi sai phạm của bản thân.

Ngoài xử phạt hành chính, cần tăng cường các hình thức cảnh cáo mang tính răn đe và công khai. Ông Sơn đề xuất công bố danh sách các nghệ sĩ vi phạm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với ông đây không phải là bêu riếu hay hạ thấp hình ảnh nghệ sĩ mà là cách để nhắc nhở họ rằng người nổi tiếng không thể đứng ngoài trách nhiệm đạo đức và pháp luật.

"Khi niềm tin của công chúng bị tổn thương, họ có quyền được biết ai là người đã gây ra điều đó. Nghệ sĩ cần có kiến thức pháp lý cơ bản về quảng cáo. Họ cần hiểu rõ thế nào là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây hiểu lầm, quảng cáo chưa được kiểm chứng và những sản phẩm nào cần có giấy phép trước khi phát sóng", ông Sơn đề xuất.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cần sự hỗ trợ từ những đội ngũ chuyên nghiệp như luật sư, quản lý truyền thông, cố vấn thương hiệu để đánh giá các thỏa thuận quảng cáo một cách bài bản. Nghệ sĩ không nên tiếp tục làm việc theo cảm tính, bởi một sai lầm nhỏ hôm nay có thể trả giá bằng sự nghiệp cả đời trong tương lai.

Theo Tiền Phong