Lần nào vào đến đất Cố đô, tôi cũng phải dành một buổi chiều, chạy xe ra quán Lạc Thiện trước cửa Thượng Tứ để thỏa nỗi nhớ với món bánh khoái ngon tuyệt ở đây.
Cửa hàng bánh khoái nằm sát thành nội, bên dòng sông Hương lững lờ
thơ mộng. Một ngày ở Huế cứ chầm chậm, không vội vã, không ồn ào và khi
chiều buông thư thả, cái nắng không còn oi nồng, cũng là lúc những vị
khách có thể nhàn nhã đi bộ dọc bên sông và dừng lại bên quán hàng có vị
trí tuyệt đẹp này, thưởng thức chút bánh ngon cho đỡ cơn đói ban chiều.
Lần đầu tiên khi đến Huế, tôi được một người bạn dẫn đi ăn bánh khoái
với lời khẳng định nơi đây ngon nhất đất kinh kỳ. Ấn tượng là sao chỉ
vài ba bộ bàn ghế mà quán đông kín khách và nhiều khách tây đến thế. Các
bức tường cũng kín những câu chữ khen tặng cho quán với đủ các thứ
tiếng khác nhau. Các vị khách nước ngoài ngồi chật bên ngoài vỉa hè,
tiếng nói cười xôn xao. Kiếm được một cái bàn nhỏ bên ngoài, tôi vừa
ngồi chờ món bánh sắp ra lò và lần nào cũng hài lòng với món ăn mình
được phục vụ.

Sau
khi xếp cho một bàn trên vỉa hè, tôi được phục vụ ngay món bánh khoái
nóng hổi, vàng ruộm. Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và
lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò
nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Hình dạng bánh hơi giống bánh
xèo. Bánh giòn tan, cuộn cùng bánh tráng, rau sống, chấm với nước lèo
ngon tuyệt.

Giữa
không khí thâm trầm của quán hàng nằm ngay bên cạnh cửa Thượng Tứ vào
Hoàng Thành, món ngon đất Huế thêm đặc biệt nhờ vị trí. Tôi vừa ăn vừa
ngắm dòng người ra vào bên Hoàng Thành, dòng sông Hương dịu dàng với hoa
phượng nở đỏ ối một góc trời. Lạc Thiện cùng Lạc Thạnh, Bạch Yến là ba
quán bánh khoái nổi tiếng của đất Huế, trong đó Lạc Thiện nổi tiếng hơn
cả bởi có từ trước năm 1975 và dường như bánh khoái ngon hơn các nơi
khác.
Lần thứ hai tôi tạt vào hàng bánh khoái ở Huế khi xuyên xe từ Đà Nẵng
về Hà Nội. Giữa trưa hè tháng 8, chiếc xe máy nghếch vội vã trên vỉa
hè, ba lô con cóc ôm theo, quần áo lấm lem bụi đường. Tôi phải xin rửa
mặt rửa tay rồi mới vào ăn bánh. Vẫn hương vị ấy, vẫn người phục vụ ấy.
Quán chỉ có hai bàn khách vì lúc này đang là 3 giờ chiều. Tôi gọi 2
chiếc ăn chơi rồi gọi thêm 2 chiếc nữa để ăn cho no. Hai anh bạn người
nước ngoài bàn đối diện vừa loanh quanh với đôi đũa, vừa chụp ảnh vui
vẻ.

Hôm
nay là lần thứ ba tôi ghé hàng bánh khoái trong dịp đi công tác đến
Huế. Quán đã dọn dẹp, cửa khép hờ nửa bên, bên trong chỉ có hai vị khách
nước ngoài và người làm đang cặm cụi trong góc phòng. Tôi gọi đĩa bánh
khoái và ngồi chờ với cuốn sách vừa moi ra từ trong túi. Tiếng bột bén
mỡ xèo xèo cùng hương thơm quyến rũ, một nhoáng đã có đĩa bánh ngon bốc
khói bày trước mặt.
Người Huế ăn bằng mắt, bằng
mũi trước khi ăn bằng mùi vị. Bánh khoái hấp dẫn bởi cách bài trí món
ăn cùng hương vị đặc trưng, độc đáo khiến ai đã thưởng thức một lần sẽ
coi nó là món khoái khẩu. Cũng có người cho rằng tên bánh là bánh khói
do bánh phải ăn lúc vừa chiên xong, nóng hôi hổi, cắn miếng nào khói bốc
theo miếng ấy. Sau này do người Huế thường hay phát âm sai từ “ói”
thành “oái” nên bánh khói bị gọi chệch thành ra bánh khoái.
Bánh
khoái đã bày trước mặt, tôi không chần chừ gắp bánh cùng rau sống,
chuối xanh, trái vả chấm với nước lèo. Nóng, béo ngậy, giòn tan. Chà, ăn
một miếng thật đã và thật khoái!
Theo Trí thức trẻ
Theo Trí thức trẻ