Cao thủ võ thuật khiến Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh phải kính nể là ai?

Không chỉ là thầy giáo, võ sư Ngô Bân còn được mệnh danh là anh hùng võ thuật Trung Quốc và thế giới.

Không chỉ là thầy giáo, võ sư Ngô Bân còn được mệnh danh là anh hùng võ thuật Trung Quốc và thế giới.

Những cống hiến của võ sư Ngô Bân

Ngô Bân sinh năm 1937 tại Hồ Châu, Chiết Giang. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Học viện thể dục Bắc Kinh, Ngô Bân chuyển sang làm giảng viên cho trường đào tạo võ thuật nghiệp dư Bắc Kinh.

Năm 1965, ông được bầu lên làm Tổng thư ký Hiệp hội Wushu Bắc Kinh. Trong cuộc “cách mạng văn hóa” lúc bấy giờ, có hơn 30 người vẫn kiên trì theo đuổi võ thuật, tiêu biểu có Ngô Bân, Lý Bỉnh Từ, Huệ Phong, Lưu Hồng Trì, Ích Dân, Triệu Huệ Minh,...

Những người này sau này đều trở thành những lực lượng nòng cốt trong việc truyền bá võ thuật của Trung Quốc.

Với vai trò của mình, võ sư Ngô Bân đã có rất nhiều những đóng góp cho lĩnh vực võ thuật của Trung Quốc.
 

Võ sư Ngô Bân (thứ hai từ trái sang) đang hướng dẫn Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan.

Năm 1970, Ngô Bân thành lập trường đào tạo võ nổi tiếng Shichahai Bắc Kinh (Thập Sát Hải), bồi dưỡng nên những tên tuổi nổi tiếng như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh, Lý Chí Châu, Nghiêm Quân,… và một số vận động viên nữ như Lý Hà, Hoàng Thu Yến, Trương Quế Phượng...

Năm 1975 – 1985, ông đại diện cho Hiệp hội Wushu Bắc Kinh với tư cách là huấn luyện viên trưởng mang học viên đi thi cuộc thi Wushu quốc gia và mang về 40 huy chương vàng đồng đội và cá nhân.

Ông huấn luyện học viên theo 3 tiêu chí: một là “khổ” - khổ luyện là nền tảng, vượt qua khó khăn, nghiêm túc, ngoan cường và tinh thần chăm chỉ, dũng cảm.

Thứ hai là “thông minh” – nắm bắt lý thuyết để thực hành, tôn trọng những luật lệ được đề ra và nắm chắc những động tác mấu chốt dưới điều kiện thực tế; ba là “tinh” – tinh nhuệ, tinh tường để vươn tới đỉnh cao.

Bản thân người huấn luyện viên cũng cần phải lưu ý ba điểm: thứ nhất là tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm, thứ hai là tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ đào tạo và khả năng quản lý, thứ ba là luôn khiêm tốn và thận trọng.

Chính vì tự đặt ra những tiêu chí riêng cho mình mà võ sư Ngô Bân luôn làm được những điều mà những người cùng thời không làm được và đào tạo nên những ngôi sao võ thuật nổi tiếng nhất.
 

Võ sư Ngô Bân hiện tại.

 
Ông luôn tiên phong đi đầu, tích cực hoạt động đưa võ thuật nước nhà vươn ra ngoài thế giới. Ngô Bân đã dẫn dắt các học trò của mình tới Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nhật Bản, Hồng Kông,… để tham gia thi đấu.

Không chỉ là thầy giáo, võ sư Ngô Bân còn được mệnh danh là anh hùng võ thuật Trung Quốc và thế giới vì những cống hiến lớn lao của mình.

Những đệ tử nổi tiếng

Không chỉ là một huấn luyện viên, là một người am hiểu thực sự về võ thuật Trung Hoa, võ sư Ngô Bân còn người  có công dạy dỗ và phát hiện nên những ngôi sao võ thuật tài năng cho nền điện ảnh nước nhà và toàn thế giới.
 

Lý Liên Kiệt là học trò ưu tú nhất của võ sư Ngô Bân.

 
Đầu tiên phải kể đến đó là Lý Liên Kiệt – người từ nhỏ đã được ông tuyển chọn trong số hơn 1.000 học viên vào lớp học võ thuật chuyên nghiệp tại trường đào tạo võ nổi tiếng Shichahai Bắc Kinh (Thập Sát Hải).

Một lần tới khóa học, Ngô Bân phát hiện Lý Liên Kiệt nhiều ngày không có đến lớp nên nghĩ rằng anh bị bệnh hoặc có lý do cá nhân. Tuy nhiên, điện thoại lúc bấy giờ chưa thông dụng, ông liền tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đến nhà học trò.

Tới nơi thì ông được biết rằng, nguyên nhân là do mẹ Lý Liên Kiệt sợ con trai ham mê luyện tập võ công mà trễ nải học hành nên tính toán cho con rời khỏi trường võ. Võ sư Ngô Bân phải nhiều lần thuyết phục mẹ Lý Liên Kiệt mới đồng ý cho anh trở lại trường.

Cũng may nhờ có Ngô Bân kiên trì “không bỏ lỡ một mầm non tốt” mới có được ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt như ngày hôm nay.
 

Chân Tử Đan cũng là do một tay Ngô Bân dạy dỗ mà thành tài.

 
Một ngôi sao khác là Chân Tử Đan cũng là học trò của võ sư Ngô Bân.

Ông nhớ lại: “Năm đó, thời điểm lần đầu tiên tôi nhìn thấy Chân Tử Đan, tôi nghĩ rằng thân thể của hắn không tệ lắm, có tư chất học võ.

Nhưng cậu ta lại có nền tảng võ thuật tương đối kém, cơ thể không linh hoạt và không phải lúc nào cũng biết nghe lời.

Thế nên thời điểm bắt đầu liền để cho Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ. Nhưng vì để cậu ta không giảm ý chí học hành, chúng tôi phải lừa gạt rằng để cậu ta vào nhóm đó là học luyện chân.

Tử Đan là một người chăm chỉ, luôn chăm chú học hỏi sư phụ và các huynh đệ. Thông thường, khi mọi người đều rời khỏi trường, chỉ còn một mình Chân Tử Đan vẫn kiên trì luyện tập”.
 

Ngô Kinh và sư phụ Ngô Bân.

 
13 tuổi, Ngô Kinh được đưa đến học Wushu ở trường Thập Sát Hải và gặp HLV trưởng của trường là Ngô Bân. Đây là người đã dạy dỗ và đào tạo nên hai ngôi sao võ thuật nổi tiếng là Chân Tử Đan và Lý Liên Kiệt.

Khi mới đến Thập Sát Hải, Ngô Bân mặc dù rất hài lòng với thân hình, tư chất của Ngô Kinh nhưng nhìn vào ngón cái tay trái mất nửa đốt của anh đành phải ngậm ngùi lắc đầu.

“Trong “Bá Vương Biệt Cơ”, Trình Diệp Y trời sinh có 6 ngón, không được cho lên vũ đài. Ngô Kinh ngón cái tay trái lại cứ thiếu mất nửa mẩu. Lực ở ngón cái thực chất là mấu chốt, học võ chính là sử dụng nó để làm vũ khí”, ông tâm sự.

Với người học võ, lực ở ngón cái là điểm mấu chốt, các cao thủ hơn thua nhau thực chất là ở nửa ngón này.

Đó là vũ khí mạnh nhất và cần thiết của mỗi người học võ. May mắn, trong thời khắc quyết định, đệ tử ruột của Ngô Bân là Lý Kim Hằng đã nói đỡ “Đứa nhỏ này không tồi, trước tiên cứ giữ lại” và Ngô Kinh được nhận vào học.

Sau đó, để bù đắp lại những thiếu sót vốn có của bản thân, Ngô Kinh còn chăm chỉ thức khuya dậy sớm đứng tấn và rèn luyện sức bền. Nhờ thế mà võ công tiến triển rất nhanh.

Chính vì thế, sư phụ Ngô Bân đã rất tâm đắc với anh và nhận định đây sẽ là người kế thừa hoàn hảo cho võ công cũng như bản lĩnh của Lý Liên Kiệt.

Năm 21 tuổi, Ngô Kinh có mặt trong đội tuyển võ thuật Bắc Kinh. Một hôm, đạo diễn Viên Hòa Bình đến tìm gương mặt mới cho bộ phim Thái cực quyền 2.

Viên đạo diễn hỏi huấn luyện viên Ngô Bân, người trước đây đã giới thiệu Lý Liên Kiệt: “Đội tuyển có ai mới không anh?”.

Vì không muốn mất thêm một đệ tử nào nữa, lại đúng vào lúc toàn đội đang được nghỉ ngơi nên huấn luyện viên trả lời: “Không có ai”.

Sau khi đi một vòng nhiều nơi khác vẫn không tìm được một gương mặt nào vừa ý, Viên đạo diễn trở lại gặp huấn luyện viên Ngô Bân. Vốn là chỗ bạn bè nên võ sư bảo: “Có anh chàng Ngô Kinh cũng được mã, không biết có đóng phim được không”.

Ngô Kinh được gọi đến, chụp ảnh, quay hình và biểu diễn vài thế võ. Nửa tháng sau, anh chính thức nhận được bản hợp đồng đóng phim, bắt đầu sự nghiệp đóng phim và trở thành ngôi sao võ thuật nổi tiếng.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.