Diễn viên Công Hậu thoát chết khi cả phim trường bốc cháy dữ dội

Mãi đến hơn 45 tuổi, Công Hậu bất ngờ đăng ký tham gia lớp học đạo diễn. Năm 2012, bộ phim tên Giấc mộng giàu sang do anh đạo diễn đã ra mắt, đây là một bộ phim nhựa đầu tiên trong cuộc đời anh.

Mãi đến hơn 45 tuổi, Công Hậu bất ngờ đăng ký tham gia lớp học đạo diễn. Năm 2012, bộ phim tên Giấc mộng giàu sang do anh đạo diễn đã ra mắt, đây là một bộ phim nhựa đầu tiên trong cuộc đời anh.

Công Hậu nổi tiếng như một ngôi sao của dòng phim thị trường và được khá nhiều người thần tượng cùng thời với Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh,… Sở hữu gần 200 vai diễn trên phim, khoảng 60 vở kịch, Công Hậu là cái tên khá đình đám thập niên 90.



Đến thời điểm này, nhiều người đã giải nghệ và đang bắt đầu trở lại nghề diễn, Công Hậu vẫn lầm lũi trên phim trường, đóng đủ loại vai, không ngại gian khó và trở thành một đạo diễn. Có thể khẳng định cho tới bây giờ chân dung một diễn viên Công Hậu vẫn luôn chiếm được tình cảm của người xem, bởi khả năng chuyển tải tâm lý, đưa người xem vào sâu tâm hồn qua sự đồng cảm, hay tạo dựng niềm tin vào nhân vật mỗi khi anh xuất hiện.

Công Hậu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, 10 anh chị em. Ba là công chức, mẹ là thợ may. Hoàn cảnh khó khăn, sau nhiều năm bươn chải, mẹ của Công Hậu mở cửa hàng bán gạo, anh ngày ngày phụ mẹ đưa gạo tới tận nhà cho khách hàng. Công Hậu sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ, anh biết hát và chơi guitar nhưng gia đình khó khăn, ước mơ của anh chỉ đơn giản lớn lên tìm được một nghề gì đó kiếm sống phụ giúp gia đình và giúp đỡ ba mẹ.


Mỗi lần nhớ lại, Công Hậu thường mỉm cười có lẽ nhờ vậy mà anh có được thân hình khỏe mạnh, vạm vỡ. Năm 1980, Công Hậu mạnh dạn nộp đơn thi vào trường Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, anh đã sững người vì thấy ai cũng đẹp nên nghĩ mình sẽ rớt, thế rồi anh đành thi đại. Thật may tiểu phẩm thi đưa ra tình huống bơi ngoài biển gặp sự cố, lại là sở trường của anh, thế là Công Hậu tự do thể hiện động tác bơi cùng những diễn xuất không thoại. Vừa thi xong vì thấy xấu hổ, Công Hậu cúi đầu lao ra khỏi cửa, tức tốc đạp xe chạy thẳng về nhà. Quá bất ngờ khi nhận giấy trúng tuyển, từ đó Công Hậu trở thành chàng sinh viên khoa diễn viên cùng khóa với Thanh Hoàng, Phương Dung, Bích Ngọc.


Tuy vốn xuất thân từ sân khấu nhưng được làm diễn viên điện ảnh đã là một cơ duyên lớn trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Khi mới ra trường, đạo diễn Lưu Bạch Đàn đã cho anh “thử lửa” ngay một vai phản diện nặng ký trong phim Phạm Công Cúc Hoa (1989), đây chính là phim mở đầu cho dòng phim "mì ăn liền" với sự góp mặt của Lý Hùng (vai Phạm Công) và Diễm Hương (vai Cúc Hoa).



Lê Báo trong Phạm Công - Cúc Hoa là một nhân vật hai mặt. Cái khó với anh chính là ngoại hình của y vẫn có vẻ thánh thiện, nhưng bên trong luôn tính toán, bộc lộ sự manh nha và tàn ác. Y si mê Cúc Hoa (Diễm Hương) và muốn chiếm đoạt cô. Hồi đó, quay cảnh “nóng” nhưng không hề dung tục, để lộ liễu cơ thể mà Công Hậu chỉ diễn với phục trang là xé áo. Diễm Hương phải mặc hai lớp áo, còn anh phải khốn khổ tập xé sao cho vừa kịch tính, vừa làm đẹp khung hình. Bộ phim ra mắt tạo nên sự thành công quá lớn, định hình tiếp nối cho loạt vai phản diện của Công Hậu sau này. Hầu hết đạo diễn khi cần đến vai phản diện, gian ác hại người là cứ tìm đến Công Hậu.


Năm 1990, khi đoàn phimSự tích con muỗi (Đạo diễn Tiệp Khắc Marian) tuyển diễn viên, Công Hậu quá may mắn được chọn vào vai ngư dân Hải làm chồng Ngọc Hiệp. Anh đã phải hy sinh 3 giọt máu để cứu sống vợ, nhưng sau đó lại bị vợ phản bội. Đúng thời điểm đó, Công Hậu cũng vừa chia tay với một mối tình khá sâu đậm, nên đã mượn cảm xúc thật của mình để nhập tâm nhân vật.

Phân đoạn khó nhất là phải lặn dưới biển mò ngọc trai (quay ở Nha Trang). Tuy sở trường của Công Hậu là bơi, nhưng thực tế cảnh quay lặn tới hơn một phút dưới độ sâu gần 8 mét. Bốn ngày quay liên tục mà chỉ đáo đi đáo lại một cảnh lặn. Càng xuống sâu, áp suất tạo thành nguồn lực mạnh ép chặt cơ thể rất khó chịu. Công Hậu ở trần, chỉ mặc một chiếc khố, mình đỏ như con tôm luộc (trong khi 2 quay phim mặc đồ lặn có bảo hiểm).

Sau đó, da người bị phồng rộp như lớp bánh tráng, Ngọc Hiệp liên tục phải lột bỏ giúp lớp da khô trên lưng. Khi quay Công Hậu thấy biển đẹp quá, quên hết mệt nhọc, thậm chí cả yếu tố cá mập để toàn tâm vào vai. Sau đó là thỏa lòng với những lời khen từ đạo diễn “tôi chọn không sai” cùng 15 giây ngắn ngủi được dựng lại cảnh lặn trong phim.


Người đưa Công Hậu đến với dòng phim võ thuật hốt bạc một thời trong những bộ phim ấn tượng như: Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Nước mắt học trò, Mùa săn máu, Tình và hận, Bước qua quá khứ, Nước mắt buồn vui, Qua mùa giông bão, Cảnh sát đặc khu (hợp tác với Hồng Kông)… là NSND Lý Huỳnh và bạn diễn ăn ý Lý Hùng, mặc dù anh hơn Lý Hùng 4 tuổi.

Vượt qua khuôn mẫu thông thường ở thể loại tâm lý xã hội, Công Hậu phải học võ, rất năng động, dũng cảm trong xử lý diễn xuất. Như một khám phá mới cho mình thêm mốc sáng tạo, anh thích học môn võ Thiếu lâm, vừa nhào lộn, vừa sử dụng binh khí như trường côn, kiếm có đòn thế dài, tạo hình thể đẹp rất có lợi cho một khung hình điện ảnh. Trong thời kỳ vàng son của thập niên 90, Công Hậu còn xuất hiện hầu hết trên các sân khấu tỉnh với vai trò diễn viên giao lưu cùng khán giả. Những dịp như vậy khán giả thấy anh trổ tài ca hát cũng rất sôi động bởi chất giọng khá hùng hồn. Đây cũng là dịp anh kiếm khá bộn tiền từ vai trò bất đắc dĩ này.

Năm 1995, sau hơn một tháng tìm vai Thạch Sanh trong phim Thạch Sanh - Lý Thông, nhờ xem lại 15 giây lặn dưới nước của Công Hậu trong Sự tích con muỗi mà cả bốn đạo diễn (Phan Hoàng, Văn Hồng, Cảnh Đôn và Đạt Hải) đều thừa nhận chỉ có chàng ngư dân Hải mới hội tụ đủ những yêu cầu của nhân vật Thạch Sanh. Đây là lần đầu tiên Công Hậu đóng cặp với Diễm Hương.

Sự cố cháy phim trường của đoàn phim là một trong những nguyên nhân sau này khiến Công Hậu có niềm tin vào yếu tố tâm linh. Toàn bộ phim trường bốc cháy, mọi người chen nhau tìm lối thoát, riêng anh bị kẹt lại trước tấm cửa có ổ khoá to, mười mấy người bị phỏng nặng nhưng cũng lần lượt thoát ra ngoài. Thế rồi, bất ngờ có một em bé chơi lò cò phía ngoài nhìn qua khe hở thấy bên trong bị cháy liền kêu người phá cửa cứu. Khi thoát ra ngoài thì anh không hề nhìn thấy chú bé ấy đâu. Quả thật, có những việc cứ như có bàn tay vô hình che chở.

Thoát ra ngoài, mọi người đều phải cấp cứu riêng anh thì không sao. Lúc này, Công Hậu lại càng tin vào niềm tin của mình. Anh không lý giải được. Những bài học từ sự ám ảnh và niềm tin đó anh nghĩ nó sẽ mãi đi theo cuộc đời của mình. Chính tình huống và sự thoát chết này, là động cơ, niềm tin cho Công Hậu thêm yêu hình ảnh Thạch Sanh huyền thoại mà càng chịu khó, sáng tạo hoá thân.


Năm 1997, Công Hậu tham gia bộ phim Đôi mắt thái tử Câu Na La ( đạo diễn Xuân Cường) mà Công Hậu thấu hiểu nỗi đau của những người mù. Suốt hai tháng trời thực hiện bộ phim, ngày nào anh cũng phải dậy từ 5 giờ sáng đến phim trường để hoá trang (3 tiếng do nghệ sĩ Xuân Chính thực hiện). Ông cắt miếng bánh tráng dán vào mắt rồi vẽ lên trên, sau đó đâm thủng hai lỗ nhỏ hai bên để Công Hậu thấy đường.

Song thật khổ, cả quá trình quay, đôi mắt của anh luôn trong tình huống nhìn xuống chỉ thấy đôi bàn chân của mình. Diễm Hương đóng công chúa Mađavi nhỏ bé dắt Công Hậu lực lưỡng đi trên triền cát như sa mạc (quay ở Phan Rang) nắng, nóng rát bỏng mà lại phải diễn với đôi chân trần cùng những bước đi chậm rãi. Khi đó đồng bào xem rất đông và thật xót xa cho hai diễn viên sao lại bị đoàn phim “hành hạ” đến thế.


Song dấu ấn hơn cả là bộ phim Ánh đạo vàng (Phật Thích Ca) (1998) của đạo diễn Triệu Hoàng Quân mà anh đóng cùng Việt Trinh, phim được sách kỷ lục Việt Nam Vietbook xác lập là một trong những kỷ lục phim về đề tài phật giáo. Bộ phim như thử thách lòng vàng của anh trong suốt quá trình tham gia, để xây dựng chân dung Phật Thích Ca đầy lòng nhân ái và từ bi, Công Hậu phải ròng rã 5 tháng trời  nghiên cứu sách phật học, ăn chay suốt bốn tháng trời, ban ngày vào chùa đọc sách, tối về không dám ngủ chung với vợ để giữ thân tâm cùng vai diễn và phải ướm thử nhiều lần khi thiết kế đúc tới ba lần cái tai phật bằng silicon mới đeo vừa.


Trong phim, anh được đóng chung với gần 800 ông thầy tu thật trong cảnh ngồi niết bàn, hiểu thêm nhiều ngóc ngách nỗi khổ của chúng sinh cùng với những cảm giác hoàn toàn không phải là mình, không một chút bi quan mà luôn cần tỉnh táo để trải nghiệm với đời. Phim quay xong, anh cùng sư trụ trì chạy khắp nơi để xin giấy phép, tìm đường phát hành, để phim đến với người xem. Sau nhiều gian nan với vai diễn này, có sự kỳ lạ là không ai mời anh đóng vai phản diện, điều mà trước đây hầu như anh đều phải đóng.

Trưởng thành cùng thế hệ “diễn viên ngôi sao” như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh,… nhưng Công Hậu không may mắn như bạn bè. Anh bước vào dòng phim thị trường thời kỳ rực rỡ, “ăn nên làm ra” nhất và xuất hiện trong nhiều bộ phim ăn khách. Tuy nhiên, cái tên Công Hậu chưa bao giờ được xếp vào hàng “sao hot” như các bạn diễn thời ấy. So với bạn bè, Công Hậu ít nổi tiếng hơn, cát-sê cũng không cao bằng nhưng Công Hậu nói anh không chạnh lòng khi luôn xếp sau họ dù cát sê của anh chỉ bằng 2/3.

Khi thời kỳ phim này bị khủng hoảng, lúc này trong anh như vẫn phảng phất sự nuối tiếc về thời điểm của dòng phim “mì ăn liền” - một dòng phim theo anh vẫn đáp ứng đủ cả hai yếu tố nội dung và nghệ thuật (tuy không thuận lợi về máy móc kỹ thuật so với phim truyền hình hiện giờ). Nhớ lại thời đóng phim của mình, Công Hậu vẫn còn rất hào hứng: "Tôi đóng với Lý Hùng khá nhiều phim. Nếu Lý Hùng nhận vai chính bên chính diện thì tôi đóng chính ở bên phản diện. Tôi không hề "nổ" chút nào nhưng thực sự là khi đóng phim cổ trang Thanh gươm để lại ở Hội An năm 1992 bà con khi đó đã nghỉ buôn bán cả ngày chỉ để xem đoàn quay. Họ xin chữ ký, giật áo diễn viên, kéo đến đông như biểu tình khiến chúng tôi không làm việc được. Rốt cuộc là phải lấy 2 chiếc xe Honda chở tôi và Lý Hùng chạy sang hai phía, lấy khoảng trống để đặt máy, đợi bà con tản đi rồi mới diễn được".

Thời kỳ hoàng kim của anh khi mới ngoài 20 tuổi, Công Hậu chia sẻ: "Lúc đó tôi và Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh... đóng phim nhiều. Phim lúc đó ra rạp lúc đó người xem đón nhận rất nhiều. Tôi nghĩ nếu tổ chức liên hoan phim vào thời đó thì không khí khác hoàn toàn vì khán giả đón nhận. Họ thích phim rồi thích diễn viên. Bất cứ cái gì dính đến phim là họ đổ xô tới coi".


Năm 2009, Công Hậu được mời vào vai vua Lê Chiếu Thống trong phim Tây Sơn hào kiệt của gia đình Lý Hùng. Được đóng phim với những người bạn cũ như Lý Hùng, Mộng Vân, Công Hậu hào hứng lắm. “Tôi luôn mơ ước được đóng phim cùng những người bạn cũ. Thời chúng tôi đóng phim khác xa bây giờ. Chăm chỉ, nghiêm túc, và thực sự mê nghề”. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Công Hậu chưa bao giờ bỏ nghề diễn.

Mặc dù thời hoàng kim đã qua, nhiều diễn viên ngôi sao xưa đã lui về với cuộc đời riêng, không một tiếng vang. Công Hậu vẫn miệt mài, thuỷ chung. Lúc đầu, anh được mời đóng trong các phim cổ tích dành cho thiếu nhi. Khi phim truyền hình phát triển, mỗi năm anh nhận đều đặn năm, bảy dự án phim dài tập. Khán giả vẫn thấy anh trong những vai diễn đại gia, ông chủ sang trọng, giàu có, một người chồng, người cha,…Tiếp tục với những vai diễn ở những cung bậc cảm xúc khác nhau, Công Hậu luôn tìm thấy sự kết hợp ăn ý giữa nhân vật kịch bản và cuộc sống đời thực, đó là cái lõi diễn xuất linh hồn mà mỗi diễn viên phải đạt đến.

Trong cuộc sống anh luôn nghiêm khắc với bản thân, mong cầu tiến để phát huy sự nghiệp cũng như gìn giữ tổ ấm gia đình. Về chuyện làm nghề, Công Hậu nói anh không bao giờ xem thường bất cứ vai diễn nào, dù là nhỏ nhất. "Diễn viên có đứng được lâu hay không là nhờ khán giả. Còn được khán giả yêu thích thì còn làm nghề được. Khán giả quên đi hoặc không thích bạn về cách sinh hoạt, về đạo đức, về cuộc sống. Chính vì thấy được điều đó mà tôi luôn giữ mình. Tôi thấy nhiều diễn viên nay tự tạo scandal và có lối sống thác loạn. Khán giả thì có nhiều thành phần nên nếu họ mà không thích thì mình thua. Chính vì thế tôi luôn cố gắng sống chuẩn mực. Thêm nữa muốn dạy được con mình thì mình phải là người đàng hoàng".

Có lẽ chính vì điều này mà Công Hậu dù đóng phim hàng chục năm mà không có scandal, không điều tiếng. Về cuộc sống riêng, anh cũng may mắn có một gia đình yên ấm bên người vợ là diễn viên Bích Ngọc. Công Hậu thừa nhận, anh cũng đủ đào hoa để có không ít cô theo đuổi từ hồi chưa lập gia đình hay đã có vợ. Tuy nhiên, anh tự biết điều chỉnh mình bằng cách suy nghĩ thật cặn kẽ. Anh hiểu, có nhiều người ngộ nhận bởi những nhân vật anh thể hiện trên màn ảnh mà thương anh thôi.





Mãi đến hơn 45 tuổi, anh bất ngờ đăng ký tham gia lớp học đạo diễn. Năm 2012, bộ phim tên Giấc mộng giàu sang do anh đạo diễn đã ra mắt, đây là một bộ phim nhựa đầu tiên trong cuộc đời anh.

Đến năm 2014, anh lại tiếp tục đạo diễn phim Con đường giác ngộ cũng về đề tài phật giáo. Ở tuổi ngoài 50, trút bỏ hào quang quá khứ, Công Hậu chăm chỉ đóng phim truyền hình, đóng kịch, làm đạo diễn và dành nhiều tâm huyết cho đề tài phim lịch sử.

Theo VietNamNet


Cảnh phim vô duyên của Thúy Diễm
Vào vai tiểu thư Mỹ Đình nhiệt tình vì bạn, Thúy Diễm gây tranh cãi với hình tượng ồn ào, xốc nổi trong "Trạm cứu hộ trái tim". Bên cạnh đó, cô còn bị đánh giá là kém duyên trong mối quan hệ giữa Nam và bạn gái.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.