Đóng cảnh tự tử phải lao vào đoàn tàu thật đang chạy và những chuyện đáng sợ sau màn ảnh

Với phim hành động, diễn viên bị chảy máu miệng, máu mũi, sưng mặt, tím mắt, gẫy sống mũi là bình thường.

Đóng cảnh tự tử phải lao vào đoàn tàu thật đang chạy và những chuyện đáng sợ sau màn ảnh-1
(ảnh minh họa)

Phía sau ánh hào quang của nghề diễn viên, được cả triệu người nhớ mặt nhớ tên và yêu mến qua từng vai diễn là những cực khổ mà không phải ai cũng biết. Nhất là với những diễn viên trẻ mới vào nghề, cái "nếm mật nằm gai" có khi gấp cả trăm ngàn lần so với người nổi tiếng.

Tự bỏ tiền túi để mời cascadeur

Khoảng chục năm về trước, các đoàn phim ở Việt Nam rất ít khi dùng cascadeur. Đa số các cảnh quay từ nguy hiểm tới cảnh nóng, diễn viên đều phải tự thực hiện. Chuyện diễn viên Đào Vân Anh từng phải thực hiện cảnh tự tử, lao vào đoàn tàu đang thật đang chạy khi đóng phim "Thảo Sida" là một minh chứng rất rõ ràng cho chuyện đó.

Và dĩ nhiên, khi diễn viên tự thực hiện hết các cảnh nguy hiểm thì chuyện tai nạn nghề nghiệp cũng xảy ra như cơm bữa, đặc biệt là ở dòng phim hành động.

Có những cảnh đạo diễn đòi đã mắt nên diễn viên phải làm thật dù khả năng sát thương rất cao. Ví dụ như quay cảnh đụng xe. Ống quyển là chỗ rất dễ gẫy, thế nên, khi xe lao gần tới, diễn viên giật chân lên. Đạo diễn nói như vậy bị giả, yêu cầu phải để xe tông trúng thật.

Diễn viên C chia sẻ, tai nạn nghề nghiệp trong gần 20 năm đi diễn của anh nhiều không kể hết. "Có lần tôi quay ở đèo Prenn trên Đà Lạt. Tôi và 2 bạn diễn đóng cảnh ăn cướp, giật vòng của người ta và đổ đèo khúc đó. Những cảnh đó mình cũng phải làm, tính mạng gần như treo sợi tóc. Quãng năm 2007 đến 2013, tôi chịu rất nhiều trường hợp như thế. 

Khi đã trải qua nhiều năm trong nghề, tôi cảm nhận được là, những cảnh đó đã cho đạo diễn nhưng ngay chính họ cũng không lường trước được nguy hiểm với diễn viên. Sau này, gặp đạo diễn biết nghĩ cho diễn viên thì họ sẽ dùng cascadeur nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề".

Đóng cảnh tự tử phải lao vào đoàn tàu thật đang chạy và những chuyện đáng sợ sau màn ảnh-2
Dòng phim hành động luôn khiến diễn viên... bầm dập nhiều nhất. (ảnh minh họa).

Diễn viên C thừa nhận, hồi còn trẻ, mới ra nghề nên C không dám nói. Vì muốn chiều lòng đạo diễn, nhà sản xuất để có thể tiếp tục đi phim nên anh cứ ngậm đắng nuốt cay như vậy.

Sau này, khi đã có tên tuổi, có tiếng nói trong nghề, C phản kháng lại. Với những cảnh quay quá nguy hiểm, C yêu cầu đạo diễn và nhà sản xuất mời cascadeur với lý do, anh lớn tuổi, không thể vì đã mắt, vì làm hài lòng ai mà để bị chấn thương. Bởi C còn cuộc sống sau này, còn gia đình, vợ con.

C chỉ thực hiện những cảnh nguy hiểm đó nếu đạo diễn và nhà sản xuất ký cam kết sẽ lo hoàn toàn cho anh nếu có điều gì không may xảy ra. Dĩ nhiên, chẳng có đạo diễn hay nhà sản xuất nào dám ký. 

Dẫu vậy thì họ cũng đưa ra lý do không có kinh phí thuê cascadeur để không chấp nhận đề nghị này của C. 

Để giữ sự an toàn cho mình, anh phải tự bỏ tiền túi ra. "Tôi từng trích tiền lương của mình ra để thuê cascadeur thực hiện cảnh nguy hiểm vì nhà sản xuất bảo không có tiền.

Tại sao bây giờ anh em cascadeur sống được với nghề là vì khoảng 5,7 năm gần đây, các đoàn phim bắt đầu "mở cửa". Giờ hầu như đoàn phim nào cũng có cascadeur nhưng ngày xưa thì không. 

Đạo diễn và nhà sản xuất hiểu rằng, việc dùng cascadeur vừa đảm bảo an toàn cho diễn viên, vừa có những cảnh quay mãn nhãn người xem nên giờ diễn viên và cascadeur đều khá khỏe.

Còn ngày xưa, cảnh nguy hiểm đều tự diễn viên làm hết. Với dòng phim hành động, diễn viên bị chảy máu miệng, máu mũi, trầy tay, trầy chân, sưng mặt, tím mắt, gẫy sống mũi là bình thường. Đó là chưa kể, đang đánh mà... "quên bài", bị đánh trúng là bình thường", diễn viên C nói.

Đóng cảnh tự tử phải lao vào đoàn tàu thật đang chạy và những chuyện đáng sợ sau màn ảnh-3
Chuyện đóng cảnh đánh nhau hay cảnh nguy hiểm, diễn viên bị bầm mặt, trầy xước chân tay là chuyện... cơm bữa ở đoàn phim. (ảnh minh họa.)

Ngấm ngầm chịu đau vì không muốn đồng nghiệp mất chén cơm

Không chỉ phải chiều lòng đạo diễn vì miếng cơm manh áo, người diễn viên đôi khi còn phải ấm ức chịu đau vì sợ đồng nghiệp mất chén cơm.

Diễn viên D phải quay cảnh bị rượt đuổi và đánh ngoài đường 2 ngày liên tiếp. Mỗi lần nghe đạo diễn hô "chạy" là anh sợ. 

Đã thế, bạn diễn của anh ở mấy cảnh bị đuổi đánh này không có kinh nghiệm tập với cascadeur. Cảnh quay phải chạy giữa trưa nắng lại ngoài đường đã mệt, D còn bị trúng đòn thật từ bạn diễn. Sau 2 ngày quay, D bầm dập cả người, chân đi không nổi.

D kể: "Bạn diễn biết đánh thì mình đỡ đau, không biết đánh là mình đau thật. Tôi vẫn thường nói với các bạn diễn viên phụ là, nếu các bạn thật sự coi đây là một nghề để kiếm sống, mưu sinh hay đam mê thì nên đi học ở câu lạc bộ cascadeur để biết những kiến thức cơ bản về các pha hành động.

Như vậy thì khi quay, bạn diễn sẽ đỡ bị chấn thương và bản thân các bạn cũng vậy. Các bạn có kinh nghiệm và kỹ thuật thực hiện các pha rượt đuổi, đánh đấm hay té ngã thì sẽ biết cách dừng đòn, nương nhau trong lúc diễn. Nếu không có kiến thức cơ bản về cascadeur thì toàn bộ chấn thương sẽ thuộc về mình và bạn diễn cũng dính".

Diễn viên D cho biết, anh bị chấn thương vì bạn diễn rất nhiều. Tuy nhiên, D chỉ góp ý với bạn diễn chứ không phàn nàn với đạo diễn, nhà sản xuất. D xác định đã làm nghề thì phải chấp nhận những rủi ro đó.

D chia sẻ: "Nếu mình sợ đau mà nói không quay với người ta, nhà sản xuất buộc phải đẩy họ ra, vô tình mình làm người ta mất miếng cơm manh áo. Mình không nỡ nên cứ ráng ngấm ngầm chịu".

Ai cũng hiểu rằng, đạo diễn, nhà sản xuất phải ưu tiên diễn viên chính. Nếu diễn viên chính chấn thương, sưng tay, sưng mặt thì sẽ không quay được. Lúc đó buộc lòng, nhà sản xuất sẽ cho diễn viên phụ nghỉ để tìm người có kỹ thuật cascadeur. Như vậy, chính diễn viên phụ mới là người chịu thiệt.

Thế nhưng không phải ai cũng nhận ra lý lẽ này để đi trau dồi thêm kiến thức cascadeur cho công việc của mình thuận lợi hơn và bạn diễn cũng bớt... khổ hơn.

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/dong-canh-tu-tu-phai-lao-vao-doan-tau-that-dang-chay-va-nhung-chuyen-dang-so-sau-man-anh-82020115135428655.htm

phim hành động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.