Đừng gọi Hoài Linh là danh hài nữa

Với vai ông Tư trong phim Dạ cổ hoài lang, Hoài Linh chính thức có một thứ anh chưa từng có…

Với vai ông Tư trong phim Dạ cổ hoài lang, Hoài Linh chính thức có một thứ anh chưa từng có…

Nếu những ai vẫn nhớ những suất diễn đầu tiên của vở Dạ cổ hoài lang do anh đóng chính ra mắt ở Tp HCM cách đây gần 10 năm, sẽ nhớ cảnh Hoài Linh phải ngưng diễn, chắp tay xá, xin khán giả đừng cười để anh có thể hoàn thành vở diễn.

Có lẽ thời gian đó, anh từ hải ngoại về chưa lâu, khán giả quá yêu thích anh qua những vở hài cùng nét mặt tếu táo duyên dáng. Thành ra khán giả cứ thấy Hoài Linh là… cười, dù anh đang diễn bi.


Ấy thế mà bây giờ, nhìn Hoài Linh qua poster thôi đã thấy khổ. Hôm ra mắt phim, Hoài Linh dường như rất hạnh phúc khi tận mắt thấy ước mơ thành thực.

Anh cười tươi rạng rỡ song đường nét vẫn có chút khắc khoải mếu máo. Dĩ nhiên anh cũng có tuổi rồi nhưng cái chính nằm ở những nét khắc khổ của thời gian (hoặc cuộc đời) in hằn lên mặt anh.

Đừng gọi Hoài Linh là danh hài nữa - Ảnh 2.

Hoài Linh có thể yên tâm tự hào vì đã có vai điện ảnh để đời.

Song có lẽ vì thế, Hoài Linh đã có một vai diễn để đời, một dấu son ghi nhận anh với tư cách diễn viên điện ảnh và diễn xuất điện ảnh – điều anh chưa từng có dù đã đóng không ít phim chiếu rạp.

Và từ sau phim Dạ cổ hoài lang, khán giả sẽ nhớ đến anh diễn bi nhiều hơn là diễn hài.

Hoài Linh như một ông Tư sống, khiến khán giả ngồi rạp hết cười lại khóc.

Nếu nhìn qua sẽ thấy cuộc đời anh ít nhiều giống ông Tư: rất đỗi mộc mạc, chân chất, nhiều năm tháng sống viễn xứ nhưng chưa từng thôi nặng tình với quê nhà.

Từng dáng đi dáng đứng, cái nhíu mày, cái vụt miệng chửi đổng: “Bà mẹ nó”… là những điểm giao mà lúc ấy không rõ trên màn ảnh là Hoài Linh hay nhân vật do anh thủ vai.

Để làm được điều này, không thể không kể đến ‘Năm Triều’ Chí Tài. Kể ra, anh chưa tạo được chiều sâu trong vai diễn bằng Hoài Linh nhưng vai ông Năm của anh cũng rất đáng ghi nhận.

Trong phim, hai người đàn ông quen nhau từ thuở còn thơ đến lúc bạc đầu.

Nếu không phải là ‘cặp bài trùng’ đã diễn cùng nhau gần 20 năm trên sân khấu, rất thật và rất tình như Hoài Linh – Chí Tài, thì khó mà ăn ý đến như vậy.

Ban đầu, Hoài Linh và Chí Tài ‘chặt chém’ nhau không cả nể, chọc khán giả cười ngất. Vậy mà chỉ 1/3 thời lượng phim, từ đó về sau, không ai cười nổi vì Hoài Linh.

Khi mà hai phân đoạn lấy nước mắt nhiều nhất, lúc ông Tư nghẹn hát dứt câu: “Mau trở lại gia đàng cho én nhạn liền đôi í i” rồi ngã khuỵu, và cuối phim, lúc ông nhắm mắt mãi mãi, đều là của Hoài Linh.

Đừng gọi Hoài Linh là danh hài nữa - Ảnh 3.

Anh ‘bi’ đến nỗi xuyên suốt phim không hề rơi lệ, mắt mới ngân ngấn nước thôi thì khán giả đã khóc rồi.

Tư Lành của Hoài Linh trong phim cũng ‘đời’ hơn trên sân khấu. Ông giận cháu gái hỗn hào, hờ hững trước tổ tiên, nguồn cội nhưng không chán ghét hay oán trách.

Dường như hơn ai hết, ông hiểu chính ông lẫn cháu nội đều kẹt trong bi kịch của chính mình.

Nhất là, Mỹ Tâm không thôi ám ảnh vì hiểu nhầm bị ông xâm phạm tình dục thuở nhỏ. Cũng không có cú tát trời giáng nào khi giọt nước tràn ly. Ông chỉ bỏ đi vì bất lực.

‘Đời’ không có nghĩa dữ dằn, cay nghiệt. Tư Lành trên phim ‘đời’ vì ông hiểu thấu. Với con trai và cháu nội, ông thương nhiều hơn giận.

Dù chưa một lần ông nói ra điều này, thậm chí đến lúc ra đi. Ông Năm cũng rất ‘đời’ vì hiểu thấu bạn già, đã thay người khuất mặt nói ra câu: "Tâm ơi, ông con tha lỗi cho con rồi" để kẻ ở được thanh thản, mà người đi cũng yên tâm.

Có điều, cuối phim, lúc phát hiện ông Tư ngừng thở thì số phận của ông Năm cũng bị bỏ lửng ngay khoảnh khắc đó.

Trong phiên bản kịch, cái ngồi đâu lưng của hai ông trên mái nhà, chính là mang hàm nghĩa nương tựa. Ông Tư – người bạn, người anh em, tình địch và giờ là hình bóng quê nhà cuối cùng ông Năm còn thấy trên đất Mỹ.

Họ tựa vào nhau để sống mòn. Thành ra khoảnh khắc ông Tư chết cóng, ông Năm có nói một câu: "Thôi, mấy đứa về đi, để ông ngồi với ông nội bây thêm chút nữa" chính là để chờ đi cùng người tri âm duy nhất của cả đời mình.

Đừng gọi Hoài Linh là danh hài nữa - Ảnh 4.

Cái tựa vai đầy ám ảnh của Hoài Linh…

Kết phim, Nguyễn Quang Dũng cho phóng ống kính ra, nhìn thấy một quang cảnh rộng lớn của phố New York. Hai ông trở nên thật nhỏ bé, nhạt nhoà.

Kể ra, có hay không một ông lão người Việt giữa thành phố sầm uất và đông đúc như vậy, cũng không có ý nghĩa gì. Cái tựa đầu cuối cùng của Tư Lành càng thêm cô đơn, dường như chìm khuất vào cơn bão tuyết lạnh lẽo mịt mùng.

Nhưng chắc chắn Tư Lành không bận tâm điều đó vì ông đã tìm được một nơi ấm áp hơn, nơi có vợ ông ở đó – trong tim của con trai và cháu nội của mình.

'Dạ cổ hoài lang' ra rạp từ 24/3.

Theo VietNamNet


Hoài Linh

Dạ cổ hoài lang


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.