Thảm họa Hãng phim truyện VN và những phận người nửa đời dang dở

Việc vội vàng cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam ai cũng biết sẽ có kết thúc thảm họa. Tuy nhiên, thảm họa với ai? Ai sẽ được hưởng lợi hoặc nghĩ đơn giản rằng mình sẽ được hưởng lợi? Bao trùm lên tất cả vẫn là những phận người dang dở'.

Các thế hệ nghệ sĩ hôm qua tụ họp tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong số này, nhiều nghệ sĩ thế hệ đầu tiên đã mất, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu từng gắn bó với nhiều bộ phim điện ảnh lớn từ chối góp mặt. Niềm vui không trọn vẹn khi ngày vui của ngành điện ảnh, nhiều nghệ sĩ đã và đang là người của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn nhức nhối câu hỏi về số phận của Hãng vẫn trong cảnh "chết lâm sàng".

Thảm họa Hãng phim truyện VN và những phận người nửa đời dang dở-1

Một góc Hãng phim truyện Việt Nam chụp sáng 16/3. Ảnh: Phạm Hải.

VietNamNet ghi lại ý kiến của 2 đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và Đinh Tuấn Vũ của Hãng phim truyện Việt Nam. Họ nhiều năm qua vẫn phải bươn chải làm các dự án phim ngoài để duy trì đam mê nghề nghiệp khi Hãng gần như không còn việc để làm.

Thảm họa Hãng phim truyện VN và những phận người nửa đời dang dở-2

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói khi nào Hãng phim truyện Việt Nam hoạt động bình thường trở lại thì anh sẽ cười ngay. Ảnh nghệ sĩ selfie tại Hãng ngày 15/3.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (SN 1972): Vội vàng cổ phần hóa, ai cũng biết sẽ có kết thúc thảm họa

Nhìn lại quá khứ, cũng gần thôi, việc vội vàng cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam ai cũng biết sẽ có kết thúc thảm họa. Tuy nhiên, thảm họa với ai? Ai sẽ được hưởng lợi hoặc nghĩ đơn giản rằng mình sẽ được hưởng lợi? Bao trùm tất cả vẫn là những phận người nửa đời dang dở. Họ là cán bộ, công nhân viên chức, nghệ sĩ và kỹ thuật viên cả đời gắn bó với ngôi nhà số 4 Thụy Khuê này, họ sẽ đi về đâu? Đối diện với những câu hỏi đó chỉ là những nhóm lợi ích, sự vô cảm và ngoảnh mặt.

Bạn thử nghĩ xem, bạn học một nghề đặc biệt để thỏa mãn ước mơ. Bạn xin vào một cơ quan cũng đặc biệt như thế, hăng say cống hiến, làm việc chuyên môn đến nửa hoặc 2/3 đời người. Cơ quan gắn bó như gia đình bạn, đồng nghiệp thân thiết như anh em. Rồi một hôm bạn được một tay lạ hoắc từ đâu đó báo là hãy ra đường đi. Bạn bị cắt lương tháng, bảo hiểm xã hội ngưng đóng, bảo hiểm y tế cũng bị cắt. Bạn mất tất cả những gì bạn đã cống hiến. Đó là sức khỏe, tuổi trẻ, và quan trọng nhất là tình yêu thương với cơ quan, với đồng nghiệp và tình yêu nghề nghiệp mà bạn tôn thờ, trân trọng suốt cả cuộc đời.

Tôi nghĩ những người mưu toan chiếm Hãng đã ngây thơ không tính tới điều này. Nghề của chúng tôi liên quan mật thiết đến nhau. Chúng tôi sống và làm việc cùng nhau liên tục nhiều tháng ròng, cùng nhau vượt qua những khó khăn của công việc mỗi ngày. Chúng tôi là lính chiến, là đồng đội và trên hết, chúng tôi giống như một gia đình. Người ngoài rất khó mà hiểu được. Thứ này nó giống như tình yêu dân tộc, nó ăn vào máu thịt và nó được minh chứng qua nhiều cuộc trường chinh ở xứ mình…

Tôi về Hãng năm 2002, tới nay cũng 21 năm. Hãng tôi ngoài đất vàng ở nhiều nơi thì tài sản quý giá nhất vẫn là con người. Mấy chục năm qua, chúng tôi tự hạch toán và trả lương chứ không phải là một đơn vị được bao cấp như mọi người trước đây vẫn lầm tưởng. Cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam là tất yếu nhưng tiến trình thế nào để không bị thất thoát tài sản của Nhà nước lại là một vấn đề.

Chúng tôi chỉ kiếm sống bằng nghề nên việc kiếm tiền trả lương cho anh em ở Hãng, theo tôi là một việc đơn giản. Tuy nhiên, không hiểu sao từ khoảng 2010 trở đi, chúng tôi có rất ít phim làm cho các hãng bên ngoài. Đây là nguồn sống chính của tất cả anh chị em. Ngoài một số phim của tôi và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đưa về thì chỉ lẻ tẻ được một số phim của các đạo diễn khác. Có phim do Hãng tôi tự bỏ tiền sản xuất bỗng thành thảm họa do vay tiền doanh nghiệp để làm. Làm xong phim bán mãi không ai mua. Đời sống anh chị em trở nên tồi tệ khiến nhiều vấn đề nảy sinh rồi thì cổ phần hóa, việc dường như được dư luận xã hội lúc đó hiểu, là tất yếu.

Tuy nhiên, sau này thì chúng tôi hiểu, kịch bản này đã được dàn dựng từ lâu với nhiều mưu toan có hệ thống. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa được Chính phủ kết luận là có nhiều sai trái và đã bị hủy bỏ này, đã diễn ra đầy kịch tính và có cái kết thảm họa cho cả chính diện, phản diện như bây giờ thì hình như cả biên kịch và đạo diễn phi vụ này đều không tính được.

Mong rằng mọi việc sẽ sớm được giải quyết chứ hôm qua, nghe NSND Trà Giang và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đau lòng lắm. Hiện nay, Hãng đang chết lâm sàng, tuy nhiên mọi người vẫn đang làm việc ở các phim trường của các công ty khác. Tôi cũng đang làm phim và các anh chị em vẫn đang đi làm phim với tôi. Hãng phim truyện Việt Nam rồi sẽ trở lại như xưa, như cánh chim đầu đàn thôi. Tôi tin rằng trời cao có mắt, lòng người có nhân.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ (SN 1989): Phải có câu trả lời cho Hãng, không thể bỏ mặc như bấy lâu nay

Thảm họa Hãng phim truyện VN và những phận người nửa đời dang dở-3

Đinh Tuấn Vũ bận rộn trên phim trường.

Tôi nghĩ với bất cứ người làm điện ảnh nào, 15/3 cũng là một ngày thiêng liêng. Với những người thuộc Hãng phim truyện Việt Nam - số 4 Thụy Khuê như tôi, đó còn là một ngày khiến chúng tôi được gợi lại một quá khứ hào hùng của Hãng.

Hình ảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam (clip do đạo diễn Bùi Tuấn Dũng quay ngày 15/3)

Tôi rất tiếc khi mình không thể tham gia lễ kỷ niệm tại Nhà hát Lớn vì đang bận quay bộ phim mới ở xa. Trong đoàn làm phim của tôi cũng có một số anh em quay phim, kỹ thuật từng làm việc cho Hãng. Chúng tôi vẫn thường ôn lại rất nhiều kỷ niệm thời kỳ vàng son. Và tôi tin nếu những con người của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn làm phim, còn cống hiến, cái tên đó sẽ không bao giờ biến mất.

Với Hãng phim truyện Việt Nam, tôi nghĩ dùng từ “sống dở chết dở” là chưa chính xác. Bởi vì gần như toàn bộ anh chị em nghệ sĩ, nhân viên đã không nhận lương, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ 5 năm nay. Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là tìm kiếm cơ hội làm việc bên ngoài và chờ đợi một phép màu cho Hãng của mình.

Phim cuối cùng của Hãng phim truyện Việt Nam là Cuộc đời của Yến do tôi đạo diễn, cũng là bộ phim đầu tiên tôi được nhận vai trò này trong khoảng thời gian công tác tại Hãng. Phim được hoàn thành cách đây gần 8 năm. Nghĩa là trong gần 8 năm qua, Hãng đã gần như “đóng băng”. Đó là một thời gian dài kỷ lục và là nỗi đau của rất nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam.

Có rất nhiều cô chú (cả những NSND) trong thời gian qua đã đến tuổi về hưu và họ phải ngậm ngùi chia tay nơi mình đã cống hiến suốt cuộc đời, nơi họ đã đóng góp nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian mà không có một chế độ đãi ngộ đúng mức. Hãng phim truyện Việt Nam xứng đáng được nhận câu trả lời chính thức về tương lai chứ không phải bị bỏ mặc như bấy lâu nay.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/hang-phim-truyen-viet-nam-va-nhung-phan-nguoi-nua-doi-dang-do-2121065.html

Nhà hát Lớn Hà Nội


Giải mã cơn sốt ‘Quật mộ trùng ma’
Phim kinh dị “Quật mộ trùng ma” có hướng đi đúng đắn khi khai thác yếu tố kinh dị tâm linh đậm chất Á Đông. Song, kịch bản phim còn một vài hạn chế khiến câu chuyện chưa thực sự thuyết phục.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.