Vì sao NSƯT Trung Anh từng từ chối vai diễn "Về nhà đi con"?

"Tên ban đầu của phim “Về nhà đi con” là “Nước mắt gà trống”. Nhưng như thế thì ông Sơn sẽ phải khóc nhiều lắm. Tôi không muốn"

"Tên ban đầu của phim “Về nhà đi con” là “Nước mắt gà trống”. Nhưng như thế thì ông Sơn sẽ phải khóc nhiều lắm. Tôi không muốn xây dựng nhân vật một ông bố như vậy, bởi tính cách người đàn ông trụ cột quá “yếu đuối” sẽ không thể nào trụ được ngần ấy năm…”, NSƯT Trung Anh chia sẻ về vai diễn của mình trong phim “Về nhà đi con”.

Vì sao NSƯT Trung Anh từng từ chối vai diễn Về nhà đi con?-1

Ngay tập đầu ông Sơn do nghệ sĩ Trung Anh thủ vai đã tát con gái út khi cô bé này quá khó bảo. Ảnh: TL

Đóng đinh với những vai buồn khổ

Hơn 40 năm sự nghiệp của NSƯT Trung Anh, trừ vai Lương Bổng trong phim “Người phán xử” thì hầu như vai diễn nào của anh cũng buồn buồn, khổ khổ. Mới đây nhất, trở lại trong phim truyền hình “Về nhà đi con” dù được yêu mến nhiều nhưng không khó để nhận thấy đây vẫn là hình ảnh đã đóng đinh với anh lâu nay.

Chia sẻ về nhận xét này, nghệ sĩ Trung Anh cho biết: “Có lẽ vì khuôn mặt tôi có nét khắc khổ, những nếp nhăn càng hiện rõ hơn khi lên hình nên phù hợp với tạo hình nhân vật. Một phần nữa có lẽ là do các đạo diễn “lười” tìm diễn viên nên cứ có vai nào giống là lại tìm đến tôi thôi. Thực sự, gương mặt tôi nhìn cũng khắc khổ nên khó có thể thoát được dạng vai đó”.

Tuy nhiên anh lại không hề chạnh lòng vì điều đó. Anh nói, anh cũng từng chuyển sang dạng vai khác và thành công, điển hình nhất như vai giang hồ Lương Bổng trong phim “Người phán xử”.

“Tôi rất hứng thú với những kịch bản hay nên dù có cùng dạng vai thì tôi vẫn muốn nhận. Ngay khi đọc kịch bản “Về nhà đi con”, tôi nghĩ, nếu chẳng may mình từ chối thì thật thiệt thòi”, diễn viên Trung Anh chia sẻ. 

Vì sao NSƯT Trung Anh từng từ chối vai diễn Về nhà đi con?-2

Thế nhưng khi mới được mời tham gia phim “Về nhà đi con”, anh đã nghĩ sẽ từ chối: “Đó là thời điểm gần Tết 2019, lúc VFC liên lạc mời làm phim “Nước mắt gà trống” (tên ban đầu của phim “Về nhà đi con”), tôi đang vướng lịch quay của một phim điện ảnh khác. 

Thêm nữa, vào thời điểm đó, tôi có nhiều việc cần sắp xếp, giải quyết ở gia đình nên đã đề nghị với đoàn phim là mời diễn viên khác. Nhưng rất may sau đó phía đoàn phim vẫn nhiệt tình bảo rằng sẽ đợi tôi hoàn thành các công việc rồi gia nhập đoàn sau. Tôi xúc động vô cùng. Không thể nào từ chối tình cảm này được. 

Mọi người dành cho tôi sự yêu quý thì tôi cũng phải đáp lại chứ”, nghệ sĩ Trung Anh cho biết thêm.

Đề nghị với đạo diễn thay đổi tên phim

Chia sẻ về khó khăn khi muốn làm mới mình trong dạng vai “ruột”, nghệ sĩ Trung Anh phân tích: “Cùng dạng vai, có thể có những nhân vật được xây dựng giống nhau tới 60 - 70% cả về tạo hình cho đến nội tâm nên để thoát ra không phải là điều dễ dàng. 

Trừ khi nhân vật có một cá tính khác mới lạ hẳn thì diễn viên có thể tìm tòi, còn na ná nhau thì rất khó. Mỗi khi nhận vai tôi đều cố gắng đọc kịch bản một mạch để nắm nội dung phim, cũng để tìm điểm khác biệt cho nhân vật. Nhiều khi đọc trong một đêm hết luôn kịch bản”.

Tuy nhiên, trong phim “Về nhà đi con”, anh cho rằng mình rất may mắn và phải cảm ơn biên kịch vì đã khéo léo viết lại một kịch bản dựa trên câu chuyện cũ mà vẫn hấp dẫn như mới. “Vai diễn trong phim này rất gần với dạng nhân vật tôi từng đóng nhưng nội dung lại rất cảm động khiến tôi phải khóc rất nhiều lần. 

Dù nói là một nhân vật dễ nhưng vai diễn này lại có những cái khó khi dễ “ru ngủ” tôi theo lối mòn, nên tôi rất lo lắng. Để tạo ra sự thay đổi lớn cũng không được nên tôi bàn với đạo diễn Danh Dũng để trao đổi với biên kịch thay đổi một số chi tiết”, nghệ sĩ Trung Anh tâm sự.

Anh cũng nhấn mạnh, trong quá trình quay phim anh trao đổi với đạo diễn liên tục để đạt hiệu quả vai diễn tốt nhất. Anh cho rằng: “Nhiều phân đoạn, nếu cứ giữ như kịch bản thì tôi nghĩ không thể nào ông ấy can đảm đứng im nuôi ba cô con gái trưởng thành. 

Tôi đề nghị sửa phần nào đó nhưng vẫn giữ được cốt. Ví dụ như tên ban đầu của phim là “Nước mắt gà trống”. Nhưng như thế thì ông Sơn sẽ phải khóc nhiều lắm. Tôi không muốn xây dựng nhân vật một ông bố như thế, bởi tính cách người đàn ông trụ cột quá “yếu đuối” sẽ không thể nào trụ được ngần ấy năm. 

Chính sự bản lĩnh của người cha mới là điểm nhấn cho nhân vật trong bộ phim này. Vậy nên sau phim được đổi thành “Về nhà đi con” - đúng nghĩa phim gia đình”.

Tất nhiên, bên cạnh những góp ý, sửa đổi nhân vật, nghệ sĩ Trung Anh chia sẻ cũng đã khóc không ít lần trong phim. “Theo đó tôi muốn tiết chế cảm xúc của nhân vật người cha hơn, từ kịch bản gốc ông Sơn khóc 2/3 phim, sau khi chỉnh sửa, tôi và đạo diễn cùng đội ngũ biên kịch đã thống nhất xuyên suốt bộ phim ông Sơn chỉ khóc đúng 4 lần vì 3 người con và vợ. 

Có hai đoạn cực kỳ quan trọng tôi dồn diễn xuất nước mắt, trong đó có đoạn hồi tưởng khi vợ chết ở bệnh viện. Ít khi phim nào tôi khóc kiểu như thế, đó là kiểu khóc bục ra chứ những phim khác tôi ghìm nước mắt ở lại. Đúng là diễn vai này khá mệt!”, nam diễn viên nhớ lại cảnh trong phim.

Cảm thấy “đau” khi tát thật các con

Bên cạnh những phân đoạn gây cảm động bởi tình cảm của gia đình, trong phim, khán giả cũng khá ấn tượng với những cái tát “dạy bảo” của ông Sơn với các con. Chia sẻ về những cảnh quay “động chân động tay” này, nghệ sĩ Trung Anh cho biết bản thân anh cũng thấy “đau” sau mỗi cảnh như thế.

“Đáng ra, trong phim này, tôi sẽ phải tát các con nhiều lần. Tuy nhiên, tôi thấy chỉ nên tát để răn đe và dạy dỗ chứ không nên lạm dụng bởi bản thân ông Sơn là người rất thương con. 

Vì thế 3 cái tát trong phim là đủ. Đó là khi các con quá hỗn hào và khiến ông Sơn bực tức tột độ. Điểm đặc biệt là cả 3 cái tát đều là tát thật chứ không phải diễn”, nghệ sĩ Trung Anh tâm sự.

“Vì buộc phải tát thật nên tôi biết Bảo Thanh, Bảo Hân... rất đau. Tôi cũng có con gái nên hiểu chuyện con gái không thể chịu đau được như con trai. 

Đó là lý do tôi ngại đóng những cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với phụ nữ trên phim. Nhưng sau mỗi cảnh, tôi vẫn động viên các con của mình (trong phim) và chính “các con” cũng động viên ngược lại tôi vì ai cũng muốn cảnh quay chân thật nhất”, nghệ sĩ Trung Anh cho biết thêm.

Ngoài đời, nam diễn viên sinh năm 1961 là ông bố 2 con (một nam, một nữ). Chúng tôi hỏi anh có giống người cha trong phim khi bộc lộ cảm xúc với các con không? Anh cười: “Chuyện gia đình hay con cái chưa bao giờ làm khó tôi. 

Các con rất ngoan, vâng lời nên hầu như tôi chỉ phải dạy bảo bằng lời chứ không động tay chân. Ngoài đời hầu như tôi không khóc từ khi còn bé cho tới lúc trưởng thành. Duy chỉ có khi tôi quá bức xúc trong công việc, như bị phản bội lại con đường nghệ thuật tôi mới khóc 1- 2 lần”.

Về việc lần đầu đóng phim cùng khá nhiều diễn viên mới, nghệ sĩ Trung Anh cho biết, anh khá ấn tượng với các diễn viên miền Nam. Tuy nhiên, anh đánh giá cao cô con út Bảo Hân. 

Nghệ sĩ Trung Anh đánh giá: “Cô bé trên phim trường làm việc rất nghiêm túc, luôn có sự cầu tiến dù trước đó chưa có nhiều kinh nghiệm đóng phim. Tôi đánh giá cao cô bé nhưng không ngờ khi phim phát sóng, nhân vật Ánh Dương của Bảo Hân lại tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn cả mong đợi như vậy. Tôi mong rằng Bảo Hân sẽ là một diễn viên tài năng của điện ảnh”.

Theo Trí thức trẻ


Về nhà đi con

NSƯT Trung Anh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.