
"Tiếng sét bên tai" khi nhận tin ung thư vú, Diva Hồng Nhung trải qua những ngày tháng đầy thử thách, từ việc giấu bệnh để hoàn thành liveshow đến quyết định công khai câu chuyện của mình trên giường bệnh.
Trò chuyện với Phóng viên Báo Điện tử VTC News, "cô Bống" trải lòng về hành trình đầy nghị lực, tình yêu âm nhạc và sứ mệnh lan tỏa thông điệp tầm soát ung thư vú.

Hồng Nhung tham dự sự kiện triển lãm ở Hà Nội vào chiều 22/4.
- Thời điểm khi nhận tin bản thân bị ung thư vú, cảm xúc của chị thế nào?
Tôi nhận chẩn đoán ung thư vú vào ngày 1/11/2024. Đó là một cảm giác rất sốc.
Cách đây khoảng 25-30 năm, nếu nghe tin mình bị ung thư chắc chắn sẽ như "bản án tử hình". Đến giờ, khoa học, y tế phát triển suy nghĩ khác đi, nhưng nói thật, khi biết bị bệnh, tôi như thấy tiếng sét bên tai, kinh hoàng quá.
Thời điểm đó, tôi đang làm làm liveshow Hồng Nhung hát về Hà Nội, kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô. Chương trình rất có ý nghĩa với tôi vì là người con Hà Nội.
Tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương vào dịp đặc biệt như vậy. Vì thế tôi quyết định vượt qua khó khăn để làm. Tôi không nói với ai để mọi người thoải mái tinh thần làm nghệ thuật. Trong một tháng chuẩn bị cho chương trình, tôi lặng lẽ uống thuốc.
Sau đêm nhạc, tôi gục ngã cả về thể chất lẫn tinh thần. Bác sĩ nói, với một thể chất yếu, họ không thể mổ ngay được, tôi phải về dưỡng sức 2 tuần thì mới đủ sức để phẫu thuật.
Diva Hồng Nhung công khai thông tin bị bệnh ung thư vào đầu năm 2025.
- Công khai thông tin bị bệnh đối với nghệ sĩ như chị chắc hẳn là quyết định khó khăn?
Đúng vậy. Quyết định đó được tôi đưa ra sau hôm phẫu thuật. Tôi quay video công khai chia sẻ căn bệnh của mình với công chúng trên giường bệnh.
Trước khi mổ, tôi không nghĩ sẽ nói với mọi người về bệnh tình của mình nhưng lúc tỉnh dậy, tôi lại nghĩ mình là người của công chúng, phải có trách nhiệm chia sẻ với khán giả. Vì số đông phụ nữ Việt Nam ở các miền quê, họ không có điều kiện và thông tin về bệnh ung thư nên tôi quyết định công khai chuyện của bản thân
Thường mọi người phẫu thuật xong thì sẽ nằm vật ra ngủ vì còn thuốc mê nhưng đêm đó, tôi thức, suy nghĩ rất nhiều, xem có nên công khai việc bị bệnh không. Phải nói lúc đó tôi rất stress. Không phải ai cũng sẽ hiểu được quyết định này, chỉ có ai bị bệnh rồi mới có thể hiểu khó khăn thế nào.
Khi đó, y tá đi vào phòng bệnh, nhắc nhở tôi nghỉ ngơi. Tôi nói: "Em đang có một quyết định khó khăn". Y tá nói: "Giờ này chỉ nghỉ thôi, đừng nghĩ gì cả".
Nhiều người nổi tiếng như Angelina Jolie chọn sau khi sức khoẻ bình ổn, xuất hiện xinh đẹp trong các talkshow mới chia sẻ, thông điệp truyền cảm hứng. Tôi không làm như vậy. Tôi nghĩ để thông điệp từ trái tim đến trái tim là phải ngay bây giờ, khi mình yếu đuối nhất, không biết tương lai thế nào.
Tôi đã kể sự thật về bệnh của mình và nhận được nhiều chia sẻ. Nhiều người nói: "Hồng Nhung còn bị, biết đâu mình cũng vậy", nên họ đi tầm soát ung thư, kiểm tra sức khỏe.
Sau khi công khai bệnh tình với công chúng, tôi nhận được hàng nghìn tin nhắn sẻ chia của khán giả với tôi. Có những người phụ nữ như tôi, cũng có người kiểm tra sức khoẻ, yên tâm hơn khi biết mình khỏe mạnh. Những điều đó khiến tôi được an ủi phần nào. Tôi trải lòng, họ cho tôi sự đồng cảm.
Từ đó, tôi thấy mình cần phải sống trách nhiệm hơn, xứng đáng với sự yêu thương và quan tâm nhận được trong hơn 40 năm làm người của công chúng. Nguyện vọng của tôi từ giờ đến cuối đời là tuyên truyền cho việc tầm soát ung thư vú với mọi người.
- Người đầu tiên chị chia sẻ việc mình bị bệnh là ai?
Tôi chỉ nói với bác sĩ. Tôi không kể với bố, khi đi phẫu thuật tôi giấu bố. Trước ngày quyết định công khai mình bị bệnh, tôi mới báo cho bố mẹ. Vì ông bà đã có tuổi, nếu nói thì họ sẽ lo lắng gấp 100 lần. Bố lại đang bệnh, khi tôi đi thi Chị đẹp đạp gió, tôi đã đưa ông đi cấp cứu nên không muốn để ông lo lắng nhiều.
Tôi nói: "Con bị bệnh nhưng rất nhẹ, ông yên tâm nhé. Ngày mai con sẽ đưa thông tin này tới mọi người để phụ nữ Việt Nam biết mà đi tầm soát ung thư". Ông thở dài không nói gì. Khi về Việt Nam, nhìn thấy tôi, ông mới nói là bố rất buồn.

Hồng Nhung cho biết quyết định công khai bệnh tật là rất khó khăn với chị.
- Còn hai con của chị thì sao, các bé đón nhận tin này thế nào?
Tôi chuẩn bị tâm lý cho Tôm, Tép bằng cách chia sẻ rất thật tình với các con. Các con rất buồn, lo lắng cho mẹ và cho cả bản thân nữa. Nhưng các con luôn thể hiện tinh thần hỗ trợ mẹ. Các con cũng thường xuyên trêu đùa để động viên tôi. Khi bị bệnh, âm nhạc, nghệ thuật, sự động viên của các con, sự đồng cảm của mọi người đã cứu cánh cho tôi.
Lúc hết đau, tôi tập thở và thích làm đẹp. Khi ngồi trên giường bệnh, tôi vẫn muốn trang điểm. Bác sĩ nói, khi hóa chất vào cơ thể, tôi sẽ có phản ứng phụ như tinh thần đi xuống, bị béo lên… Tôi không phải là tiên hay thần thánh nên nhiều lúc buồn, muốn buông nhưng phải tự đứng lên, cứng cỏi hơn.
- Trong 2 tháng giữ bí mật về bệnh tình, chị phải đối diện với những cảm xúc gì?
Tôi có những người bạn thân để chia sẻ nhưng số đó rất ít, vì tôi không muốn làm người khác lo lắng. Đó có lẽ cũng là tâm lý chung của người bệnh. Không thích bị người khác thương hại rồi nhìn mình không khách quan, kiểu "thôi, nhường đi, vì nó đang bị bệnh".
Mặc dù bị nhưng tôi không muốn sống như một bệnh nhân. Không được đối xử với bản thân như một bệnh nhân. Ngày đầu tiên sau mổ, người nằm bất động, một tay treo lên nhưng tôi vẫn gọi trợ lý đến giúp mình trang điểm, làm tóc (cười).
Khi mổ xong, bác sĩ cho phép tôi đi bộ 15 phút cả sáng lẫn chiều. Tôi nhờ trợ lý dìu đi mua sắm thay vì chỉ đi dạo trong bệnh viện. Tôi thấy cuộc sống rất đẹp và lại thích mua sắm. Về nước, tôi còn mang thêm một vali đồ mới về Việt Nam. Hay khi nằm trên giường bệnh, tôi vẫn mang loa để nghe nhạc và trêu mọi người trong bệnh viện.
Thời gian còn lại, tôi học đủ các kiểu trang điểm mới. Tôi tìm niềm vui riêng trong từng việc, tự chống mình lên để không cảm thấy mình là một bệnh nhân. Những lúc mệt, tôi lại tự nhủ: "Phải cố thôi, không thể nào buông xuôi được".
- Bị ung thư và phải xạ trị ảnh hưởng đến giọng hát của chị thế nào?
Khi xạ trị, bác sĩ khuyến cáo, lá phổi có thể bị cháy 10-15%. Tôi mới hỏi rằng, mình có hát được không, bác sĩ nói không sao, tập dần sẽ ổn.
7 ngày sau ca mổ, tôi bắt đầu tập hát trở lại nhưng không nổi. Vì ảnh hưởng của thuốc mê, giọng hát bị tắc ở cổ, không lên cao được. Thế nhưng, tôi vẫn duy trì tập hát 15 phút mỗi buổi sáng, chiều, tập đến nỗi chảy cả nước mắt.
Từ khi bị bệnh, tôi chưa có ngày nào không làm việc. Những hôm đau quá không thể tập yoga, tôi sẽ ngồi thiền và tập thở. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều trang điểm, làm tóc rồi tập hát, tập thở. Tôi làm tất cả điều đó để giúp mình chống lên.
Kỹ thuật và sự kỷ luật cá nhân đã giúp tôi trở lại. Trong một đêm nhạc hôm 21/2, tôi lại hát veo veo rồi. Tôi cũng đã sẵn sàng cho việc đi lưu diễn, thực hiện các dự án âm nhạc sẽ ra mắt thời gian tới.

Diva cho biết 7 ngày sau mổ, tập hát không nổi, tập đến nỗi chảy cả nước mắt, nhưng không vì thế mà chị buông xuôi, bỏ cuộc.
- Đối mặt với bệnh tật một mình trong khi gánh vác vai trò làm mẹ đơn thân, chị xoay xở ra sao?
Tôi là bà mẹ đơn thân nhưng không đơn độc, luôn có người ở bên chăm sóc.
Tôi sống chan hòa với tất cả nên nếu tôi cần, bạn bè sẽ hết lòng giúp đỡ. Khi tôi đi chữa bệnh, hai em bé ở nhà có cô vú nuôi thân thiết đồng hành từ khi mới chào đời và ông bà thỉnh thoảng qua lại. Các con cũng rất tự chủ, độc lập nên tôi không lo lắng nhiều.
Tất nhiên tôi vẫn có những lúc lo lắng, hoang mang, hoảng sợ nhưng nuối tiếc thì không bao giờ. Vì tôi biết tiếc cũng chẳng để làm gì, phải chấp nhận việc mình bị bệnh để giải quyết thực tại.
- Đối diện với bệnh tật, những ưu tiên trong cuộc sống của chị đã thay đổi như thế nào?
Sau khi bị bệnh, tôi thu xếp lại cuộc đời, xác định cái gì quan trọng hơn thì làm trước. Tôi đặt ưu tiên cho sức khỏe và những việc mình thích. Những thứ quan trọng nhất với tôi hiện tại vẫn là con cái, bố và âm nhạc.
Bác sĩ khuyến cáo tôi nghỉ ngơi nhiều hơn, dịu dàng với cơ thể trong thời gian chữa lành thay vì làm việc quá sức. Bên cạnh đó là dành nhiều thời gian cho con cái hơn, làm những việc mình thích liên quan đến nghệ thuật nên tôi vẫn sáng tác, làm các chương trình.
Hai bạn Tôm, Tép năm nay 13 tuổi, ở ngưỡng dậy thì, không thích chia sẻ nhiều với mẹ như trước nhưng tôi vẫn muốn gần con để mấy mẹ con không mất sự kết nối. Bố tôi già rồi, thời gian còn lại không nhiều nên tôi muốn tranh thủ cơ hội bên ông nhiều hơn.
Dù bác sĩ bảo nghỉ ngơi nhưng âm nhạc và ca hát vẫn là điều tôi thích. Ngoài tập hát, tôi còn sáng tác và ấp ủ các dự án âm nhạc.

Ca sĩ Hồng Nhung học cách chấp nhận hoàn cảnh, tìm niềm vui trong cuộc sống, sáng tác và ấp ủ các dự án âm nhạc.
- Chị có thể chia sẻ về những dự định sắp tới của mình?
Cuối tháng 5, tôi sẽ bật mí về một đêm nhạc bất ngờ diễn ra vào tháng 6. Bên cạnh đó, tôi còn ra mắt MV Chiếc nơ hồng vào tháng 10 với sự tham gia của 10 nghệ sĩ, trong đó có 4 diva, 1 divo, các bạn nhỏ và 100 người phụ nữ bị ung thư vú. Hai con tôi Tôm, Tép cũng sẽ chơi nhạc và hỗ trợ mẹ trong sản phẩm ý nghĩa đó.
Gần đây, tôi có làm việc với Quỹ Ngày mai tươi sáng của Bộ Y tế và Quỹ Mạng lưới phụ nữ kiên cường - là quỹ dành cho phụ nữ ung thư ở 27 tỉnh miền Bắc, cùng truyền thông về vai trò của việc tầm soát ung thư vú với chị em phụ nữ. Căn bệnh này phổ biến nhưng nhiều người chưa biết nên tôi luôn muốn các bệnh nhân hiểu rằng họ không phải chịu đựng nó một mình.
Xin cảm ơn chị!

Theo VTC News