Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày rằm tháng 8 - Tết Trung thu, các con phố bày bán đồ chơi cho ngày này đã tấp nập người mua kẻ bán. Khảo sát các loại đồ chơi phục vụ dịp này cho thấy, năm nay hàng Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường.

Đồ chơi Trung Quốc đắt khách

Tính đến hôm nay (17/9) thì chỉ còn 2 ngày nữa là đến Trung thu. Khảo sát trên nhiều con phố tại Hà Nội, như Hàng Mã, Hàng Cót, Hàng Rươi, chợ Đồng Xuân...các mặt hàng đồ chơi phục vụ Trung thu được bày bán khá nhiều, tuy vậy, chiếm đa số và trông bắt mắt vẫn là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chị Loan, bán hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đi nhập hàng, vì lượng người mua khá lớn, đặc biệt là buổi tối người ta đi mua sắm đồ chơi nhiều. Các mặt hàng đồ chơi nhập ở Trung Quốc như các loại đồ chơi mặt nạ, đèn lồng, cánh bướm, đồ chơi có lắp đèn nhấp nháy rực rỡ sắc màu,... được bán khá chạy. Năm nay, mặt nạ hình nam ca sĩ Psy của Hàn Quốc với cặp mắt kính màu đen quen thuộc đang được bán chạy nhất...”.

Đồ chơi Trung Quốc khá phong phú đa dạng

 
Các loại mặt hàng Trung Quốc có kiểu dáng phong phú, màu sắc bắt mắt nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng dù giá chênh lệch khá nhiều so với các loại đồ chơi Việt. Các loại đèn lồng có đèn sáng nháy có giá từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/ chiếc tùy kích cỡ, Các loại mặt nạ hình ca sỹ Psy, các hình mặt kỳ quái, tóc giả dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/ chiếc. Con vật mèo Tom có ghi âm giọng nói giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/con.

Mặt nạ đang hút khách mùa Trung thu năm nay


Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em, Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ, sản phẩm nhập khẩu phải có tem, nhãn hợp quy (CR) bao gồm 6 yếu tố như: tên sản phẩm; tên, địa chỉ nơi sản xuất, nhập khẩu và phân phối; thành phần; thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng; thông tin cảnh báo an toàn.
 
Thế nhưng hầu hết các loại mặt hàng đồ chơi tại đây đều không có tem hay nhãn mác cụ thể. Các mặt hàng thiếu tính giáo dục, bạo lực như súng nhựa, kiếm nhựa, lựu đạn nhựa sản xuất từ các loại vật liệu nhựa và nhựa tái chế có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em được bày bán tràn lan.
 

Các loại mặt hàng đồ chơi tại đây đều không có tem hay nhãn mác về chất lượng


Bạn Nguyễn Minh Hạnh, sinh viên Đại học Văn hóa vui vẻ nói: “Năm nào em cũng đi chơi chợ Trung thu trên phố cổ. Đồ chơi Trung Quốc nghe đồn là có hại nhưng vì nhiều sản phẩm đẹp và bắt mắt nên em vẫn thích mua những thứ đó về cho trẻ con ở nhà và chụp ảnh kỷ niệm. Con gái thì thích các chiếc bờm có đèn nháy, các chiếc kính nhựa hình kitty. Đa số mọi người đến đây cũng chỉ mua các loại hình thù đặc sắc. Chứ đèn ông sao hay trống thì chúng em cũng không thích mua.”

Ế ẩm đồ chơi Việt
 
Trong khi các loại mặt hàng Trung Quốc được bày bán khá rộng rãi thì các loại mặt nạ và đồ chơi sản xuất trong nước còn khá nghèo nàn và sức tiêu thụ kém hơn hẳn.  Mặt nạ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng, Hằng Nga… giá chỉ từ 7.000đồng/chiếc. Các loại đèn ông sao 5 cánh chỉ có giá từ 6.000 đồng (loại nhỏ) đến 10.000 đông/ chiếc (loại to). Các loại trống cũng chỉ có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/ chiếc. Giá cả rẻ hơn hẳn nhưng sức mua vẫn không cao. Các loại đồ chơi truyền thống như tò he chỉ có giá từ 10.000 đến 20.000 đồng/ chiếc.

Các loại mặt hàng Việt ít ỏi và vắng bóng người mua.


Anh Nguyễn Chiến Thắng (Hòa Mã – Hà Nội) đưa con đi chơi tại phố Hàng Mã cũng chia sẻ: “Mình biết và đọc rất nhiều thông tin về các đồ chơi Trung Quốc độc hại, đã kiên quyết là chỉ mua cho con các đồ chơi Việt Nam thôi. Tuy nhiên khi đến đây, thực sự bản thân mình là người lớn còn thấy hấp dẫn với các loại đồ chơi Trung Quốc rực rỡ màu sắc chứ nói gì tới trẻ con. Thằng con trai nó nài nỉ cứ thích hình người Psy và cái búa hơi của Trung Quốc, không chịu chọn cái nào khác nên đành chiều con trai.”
 

"Tò he" vắng khách.


Các loại đồ chơi truyền thống của Việt Nam cũng được các cửa hàng bày bán nhưng không nhiều. Các loại đồ chơi chỉ có đầu lân, sư, rồng, trống mặt da, đèn kéo quân, đèn ông sao…kiểu dáng và mẫu mã còn nhiều hạn chế nên sức mua cũng kém hẳn.

Chị Nguyễn Thị Mai (Nam Định) là người bán hàng rong các loại đèn ông sao và các hình quả bóng nhựa trên phố Hàng Mã nói: “Giờ nhiều đồ chơi Trung Quốc nên các mặt hàng như đèn ông sao thì ít người hỏi, chủ yếu là phụ huynh mua cho trẻ con. Chứ khách hàng tuổi thanh thiếu niên thì không ai hỏi han. Cả tối may ra cũng chỉ bán được 20 chiếc”.

Theo Trần Hằng (Nld.com.vn)