Đo đường huyết sau ăn quan trọng thế nào với người bệnh tiểu đường?

Theo các chuyên gia y tế, chỉ số đường huyết sau khi ăn phản ánh được nồng độ đường trong cơ thể có tăng lên hay không sau khi tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định, đặc biệt là những loại thực phẩm cung cấp nhiều đường cho cơ thể.

Đo đường huyết sau ăn, chỉ số đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chỉ số đường huyết có thể thay đổi tại nhiều thời điểm trong ngày. Sau khi ăn, cơ thể có thể nạp vào một lượng thức ăn có chứa đường nên có thể chỉ số này sẽ tăng lên.

Lúc này, đo chỉ số đường huyết rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. Dựa vào chỉ số đường huyết, người bệnh tiểu đường có thể theo dõi loại thức ăn mình nạp vào, từ đó tham khảo ý kiến bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Đo đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường?

Theo các chuyên gia y tế, chỉ số đường huyết trong cơ thể chúng ta không cố định mà luôn biến động. Vì vậy, để đánh giá một cách chính xác về tình trạng sức khỏe qua chỉ số đường huyết, cần phải tiến hành đo nhiều lần trong nhiều ngày vào thời điểm bất kỳ, lúc đói và sau ăn.

Chỉ số đường huyết sau ăn 30 phút

Đường huyết sau khi ăn 30 phút ở người không mắc đái tháo đường thường tăng nhẹ so với mức đường trong máu lúc đói. Thông thường, sau khoảng 30 phút kể từ khi ăn, chỉ số này có thể dao động từ 140 đến 160 mg/dL (7,8 đến 8,9 mmol/L). Điều này là do cơ thể đang xử lý glucose từ thức ăn.

Tuy nhiên, chỉ số glucose máu sau khi ăn của người bình thường có thể thay đổi tùy thuộc vào loại thực phẩm bạn tiêu thụ và cơ chế điều tiết insulin của cơ thể.

Chỉ số đường huyết sau ăn 1 giờ

Đường huyết sau 1 giờ sau ki ăn ở người không mắc đái tháo đường thường dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L). Đây là phản ứng bình thường khi cơ thể xử lý glucose từ thức ăn đã tiêu thụ. Insulin được tuyến tụy tiết ra để điều hòa và hạ đường huyết sau khi ăn.

Nếu đường huyết sau ăn 1 giờ vượt quá 140 mg/dL, điều này có thể chỉ ra sự phản ứng insulin chậm hoặc suy giảm, có thể là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin hoặc tiền tiểu đường. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.

Đo đường huyết sau ăn, chỉ số đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ

Chỉ số đường trong máu sau ăn 2h đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng quản lý đường huyết của cơ thể.

Ở những người không mắc bệnh tiểu đường: Kết quả thử đường huyết sau ăn 2 giờ thường dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L). Đây là mức đường huyết bình thường và phản ánh cơ thể có khả năng quản lý hiệu quả sau bữa ăn.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu sau khi ăn 2h nên dưới 180 mg/dL (10,0 mmol/L) theo hướng dẫn của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA). Tuy nhiên, đối với một số người, mục tiêu có thể khác nhau tùy vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các yếu tố cá nhân khác.

Nếu chỉ số đường huyết sau khi ăn 2 giờ vẫn cao hơn mức bình thường, đặc biệt là nếu mức đường trong máu vượt quá 180 mg/dL có thể là dấu hiệu của tình trạng tiểu đường hoặc tiền tiểu đường (tương tự cho chỉ số đường huyết sau ăn 3 giờ hoặc chỉ số đường huyết sau ăn 4 giờ).

Theo Gia đình và Xã hội