Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 với chủ để “ Từ chương trình nghị sự tới hành động”, diễn ra sáng 3/6 tại Hà Nội đã phát đi thông điệp cần phải hành động, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo phát triển.

Đánh giá về tình hình kinh tế trong 6 tháng qua, các đại biểu thuộc VBF cho rằng, đã có tiến bộ trong điều hành kinh tế vĩ mô như lạm phát thấp, lãi suất giảm, duy trì ổn định tiền tệ, tuy nhiên DN vẫn hoạt động rất chật vật. Số DN trong nước ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh, khó tiếp cận vốn ngân hàng, niềm tin kinh doanh trong cả khu vực trong nước và nước ngoài vẫn ở mức thấp.

Những vấn đề trên được cho là hệ lụy của những giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, những giải pháp mang tính dài hạn lại chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những bước khá chậm chạp trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc khu vực DN Nhà nước, ngân hàng, giải quyết nợ xấu... đã khiến những khó khăn mà DN gánh chịu kéo dài hơn.

VBF, DN, hành động, giải pháp, Chính phủ, Việt Nam, kinh tế.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), ông Mark Gillin cho rằng cuộc đổi mới lần thứ nhất từ năm 1986 đã tạo nên một môi trường mà mỗi người dân đều cảm nhận được sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng nay, trong khi GDP của các nước châu Á luôn cao hơn 6%/năm thì Việt Nam lại thấp hơn.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm có nguyên nhân từ thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu, hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực có chất lượng thấp, khiến DN không muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Terry Mahony đại diện Nhóm công tác thị trường vốn thuộc VBF cho rằng ngân hàng yếu kém đang gây ra nhiều nhiễu loạn. Việc phân loại nợ xấu bị đẩy lùi, nếu không giải quyết được nợ xấu sẽ không có tín dụng cho nền kinh tế.

“Tôi sống ở Việt Nam từ năm 2008 khi đó, tôi đánh giá Việt Nam tụt hậu khoảng 10 năm so với Trung Quốc nhưng đến bây giờ tôi đánh giá Việt Nam tụt hậu tới 20 năm so với Trung Quốc. Thay vì trì hoãn Chính phủ cần đưa ra quyết định mạnh mẽ về cải cách DN Nhà nước, ngân hàng...”, ông Terry Mahony nói

Bên cạnh đó nhiều ý kiến còn cho rằng những khuyến nghị của cộng đồng DN về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách thuế, hải quan, cơ sở hạ tầng, lao động… liên tục được đề cập tại các kỳ VBF được tổ chức hai lần một năm trong nhiều năm qua, vẫn chậm được khắc phục.

Sự suy giảm kinh tế, sự kém cạnh tranh của môi trường đầu tư… đã phần nào khiến lòng tin của cộng đồng DN và các nhà đầu tư vào Việt Nam giảm sút. Các DN hầu như mất kiên nhẫn, họ đang cần thấy nhiều thay đổi, cải tổ hơn nữa từ phía Chính phủ.

Thay vì nói, nghĩ về các giải pháp và đưa ra các lời hứa các DN muốn nhìn thấy những hành động thực tế để giải quyết những vấn đề trên.

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên gặp vấn đề về ngân hàng và nợ xấu, không phải là quốc gia đầu tiên bị vấn nạn tham nhũng và quản lý kém làm ảnh hưởng tới nền tảng kinh tế, cũng không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với khó khăn trong việc giải quyết những DN Nhà nước yếu kém. Có rất nhiều kinh nghiệm tích cực từ các nước trên thế giới đã giải quyết những vấn đề này có thể học hỏi.

Theo các đại biểu VBF, đã đến lúc phải tiến lên với những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đây là thời điểm đưa vấn đề nghị sự vào hành động để thúc đẩy kinh tế phát triển. Cộng đồng DN muốn nhìn thấy sự tiến triển liên tục, rõ ràng với những vấn đề đã nêu ra cũng như các quan ngại khác đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam như điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. Đổi mới sẽ mang lại sức sống cho Việt Nam.

Tại VBF lần này, có đại diện 6 Phòng thương mại các nước đặt câu hỏi trực tiếp tới Chính phủ, và đây là những câu hỏi mang tính chính sách liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Các chất vấn liên quan đến những vấn đề về tái cấu trúc ngân hàng; xử lý nợ xấu; hoãn thực thi 1 năm với Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC); gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam; về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà thu nhập thấp; vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), yêu cầu đơn vị này phải tuân thủ những quy định về công bố thông tin; các chính sách thuế, lệ phí với lĩnh vực Khoáng sản, Ôtô xe máy; trần chi phí quảng cáo...

Theo VEF