Đại án OceanBank: Những dấu hỏi về nghiệp vụ mua ngân hàng 0 đồng?

Sau kiến nghị của TAND Hà Nội về việc xem xét, đánh giá lại việc mua 3 ngân hàng 0 đồng

Sau kiến nghị của TAND Hà Nội về việc xem xét, đánh giá lại việc mua 3 ngân hàng 0 đồng (trong đó có OceanBank) đã khiến nhiều chuyên gia đặt những dấu hỏi về cơ sở pháp lý và vấn đề nghiệp vụ cho việc mua ngân hàng 0 đồng.
   
dai an oceanbank: nhung dau hoi ve nghiep vu mua ngan hang 0 dong? hinh anh 1

Ngày 29.9, trong bản án, TAND Hà Nội cho rằng Luật Ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng (mới) không có quy định về việc mua bắt buộc các TCTD với giá 0 đồng. Việc mua bán cũng chưa được quy định trong các các văn bản pháp luật khác.

Với các phân tích trên, tòa kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại việc mua lại một số TCTD (trong đó có OceanBank) cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ năm 2011 – 2015, từ tháng 3.2015, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành mua 0 đồng lần lượt với 3 ngân hàng: Ngân hàng Xây Dựng (VNCB, nay đổi là CB), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Cơ sở pháp lý mua ngân hàng 0 đồng

Trao đổi với PV, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc mua 3 ngân hàng 0 đồng, trong đó có OceanBank thời điểm đó giống như cái nhà đang bị cháy, cần phải tập trung chữa cháy trước, cho nên có thể không đủ ngay cơ sở pháp lý.

Ông Lực cũng thừa nhận trong luật của các TCTD không quy định chi tiết là cho mua ngân hàng 0 đồng nhưng cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được dùng biện pháp công cụ để xử lý những TCTD có vấn đề nhằm tránh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Đó là một ý quan trọng.

“Nhưng việc mua ngân hàng 0 đồng, NHNN cũng phải xin ý kiến của Chính phủ và có văn bản chấp thuận mới được mua”, ông Lực cho biết.

Theo ông Lực, việc toà kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại là vì họ chưa co cơ sở pháp lý để kết luận, muốn Chính phủ giải trình thêm, chứ không phải để kết tội.  

Ông Lực cho rằng việc mua 0 đồng với OceanBank thời điểm đó là hợp lý, vì họ đã huy động vượt trần một thời gian dài và liên tục từ 2009 – 2014. Mãi đến tháng 7.2015 NHNN mới mua 0 đồng với OceanBank vì họ đã bị lỗ trước thuế hơn 10,1 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu, tức âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần (tính đến 31.3.2014).

“Nếu không bị mua lại với giá 0 đồng, liệu OceanBank có lãi hơn 1.000 tỷ đồng hay đã bị phá sản gây hiệu ứng domino cho cả hệ thống ngân hàng đang rất mỏng trong thời điểm đó”, ông Lực phân tích thêm.

Về câu chuyện mua ngân hàng 0 đồng, NHNN cũng đã nhiều lần giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, cụ thể, trong Điều 149 Luật Các TCTD.

Việc thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng còn được dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể, trong Điều 149 Luật Các TCTD nêu rõ, NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực thiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.

Trên cơ sở pháp lý này, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2013/QĐ-TTg (ngày 1.8.2013) về việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định.

Việc thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng còn được dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, qua đó nêu rõ quyền của NHNN sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc buộc các TCTD yếu kém hợp nhất, sáp nhập, mua lại.

Ngoài ra, Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số biện pháp bổ sung về tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, trong đó có nêu rõ chưa áp dụng các biện pháp phá sản theo quy định Luật Phá sản để giữ vững thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị.

Những dấu hỏi quanh ngân hàng 0 đồng

Trong Quyết định 48 có nêu rõ phải thực hiện thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị doanh nghiệp của ngân hàng, trên cơ sở đó xác định giá trị cổ phiếu của các ngân hàng một cách độc lập, khách quan.

Dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt thì NHNN sẽ quyết định mua lại trên cơ sở định giá độc lập. NHNN cũng yêu cầu các chủ sở hữu của các TCTD đó thực hiện việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực về an toàn vốn tối thiểu. Nếu TCTD không tăng được vốn thì NHNN sẽ mua. Còn mua giá nào thì phải dựa trên cơ sở giá trị DN đã được NHNN quyết định.

Tuy nhiên, trường hợp OceanBank lại bị đặt ra nhiều nghi vấn quanh chuyện có 2 báo cáo tài chính do Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam phát hành cùng ngày 10.4.2014.

Trong đó, một bản không có cơ sở kết luận do số liệu chưa có kiểm chứng chưa được đánh giá, còn một văn bản cùng ngày cùng giờ cùng mục đích kiểm toán như thế xác định rõ là nhằm mục đích yêu cầu đặc biệt của NHNN và chỉ dùng cho NHNN không công khai.

Và chỉ sau 1 năm sau khi bị mua lại 0 đồng, OceanBank chỉ đi thu nợ mà lãi hơn 1.000 tỷ đồng, một mức lãi nhiều ngân hàng mơ ước. Kết quả này đã khiến không ít người đặt câu hỏi về việc Oceanbank đáng bị mua 0 đồng?

Không những thế, tại toà, Hà Văn Thắm có khai là không biết việc OceanBank bị mua 0 đồng cho đến khi toà đề cập đến. Với tỷ lệ tỷ lệ sở hữu 62,97% (vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng) tại OceanBank, Hà Văn Thắm là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này tại sao lại không được biết quyết định mua 0 đồng của NHNN?

Ngoài ra, về nghiệp vụ, việc mua ngân hàng 0 đồng đều là vì những ngân hàng này đã thua lỗ và âm vốn điều lệ lớn không thể tăng vốn để đáp ứng mức vốn pháp định. Vậy khi mua lại 0 đồng, NHNN tiếp quản và là chủ sở hữu duy nhất buộc phải bổ sung vốn nhằm đảm bảo vốn chủ sở hữu của 3 ngân hàng này không thấp hơn vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Số tiền này NHNN lấy ở đâu, nếu không dùng tiền ngân sách?

Còn nếu NHNN không bổ sung vốn mà cho phép các ngân hàng này hoạt động bình thường thì có phải NHNN đã làm sai luật? Với trường hợp của OceanBank, NHNN bổ sung vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng bằng nguồn nào?

Với những câu hỏi này, chúng ta hãy chờ ý kiến chính thức từ Chính phủ.

Theo Dân Việt


Đại án OceanBank


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.