Doanh nghiệp nào được vay không lãi suất để trả lương?

Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ an sinh, xã hội giúp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Doanh nghiệp có thể được vay tiền miễn lãi suất để trả lương.

Để hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ thống nhất cao dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong dự thảo nghị quyết có một số đề xuất mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nêu ra để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo phương án của Bộ LĐTBXH, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ được vay không lãi suất tiền trả lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải tạm thời mất việc. Lãi suất khoản vay do ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi trả.

Tuy nhiên, điều kiện để được vay là doanh nghiệp có từ 100 người trở lên, đồng thời ít nhất 30% phải luân phiên nghỉ việc cộng dồn từ một tháng trở lên, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản trên.

Doanh nghiệp nào được vay không lãi suất để trả lương?-1
Doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ được vay không lãi suất tiền trả lương. Ảnh: Hoàng Hà.

Thời gian hỗ trợ theo thực tế ngừng việc, từ 1 tháng trở lên nhưng tối đa không qúa 3 tháng trong năm 2020.

Theo Bộ LĐTBXH, sẽ có khoảng 250.000-500.000 lao động ngừng việc cần hỗ trợ với tổng số tiền vay khoảng 5.900-11.800 tỷ đồng. Khi đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trả lãi suất 355-710 tỷ đồng (mức lãi suất tính là 6%/năm).

Trường hợp dịch diễn biến xấu hơn, Bộ LĐTBXH đề xuất gói hỗ trợ có thể phải kéo dài tới 6 tháng. Khi đó, số lao động bị ảnh hưởng là khoảng 2,5-5 triệu người. Số tiền dự kiến cho doanh nghiệp vay là khoảng 55.000-111.000 tỷ đồng.

Bộ LĐTBXH cũng đưa ra đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp phải giải thể, phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp được vay để chi trả chế độ mất việc cho người lao động. Số tiền vay được lấy từ ngân sách địa phương, tạm ứng cho doanh nghiệp để chi trả cho người lao động trước. Nhà nước sẽ thu hồi lại tiền bằng việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Theo phương án này, dự kiến có khoảng 55.000-110.000 lao động được thụ hưởng, kinh phí dự kiến mà Ngân sách tạm ứng ra là 236-1.000 tỷ đồng.

Với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, phải cho người lao động nghỉ việc, được vay vốn không lãi suất để trả tiền trợ cấp thôi việc, hoặc trợ cấp mất việc làm.

Bộ LĐTBXH thống kê hiện có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Nếu dịch kéo dài, số doanh nghiệp có thể tăng lên hơn 25%.

Điều kiện để doanh nghiệp vay trợ cấp thôi việc khi có số lao động bị thôi việc khi có từ 50 động trở lên, đồng thời ít nhất 10% thôi việc. Ngoài ra, điều kiện nữa là sau khi doanh nghiệp huy động các nguồn vẫn không có khả năng thanh toán cho người lao động.

Về thời gian hỗ trợ, Bộ LĐTBXH dự kiến áp dụng từ tháng 4 tới hết năm. Bộ này tính toán số lao động bị thôi việc 80.000-160.000 người, tương ứng số tiền trợ cấp thôi việc khoảng 780-1.560 tỷ đồng. Số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất tương ứng 46-93 tỷ đồng.

Hiện Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTBXH; Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng ký ban hành.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/doanh-nghiep-nao-duoc-vay-khong-lai-suat-de-tra-luong-post1067662.html

Covid-19

vay ưu đãi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.