Jonathan Hạnh Nguyễn: 'Tràng Tiền không chết đâu'

“Chúng tôi không hề thua lỗ và không chết đâu”, là những chia sẻ của ông Jonathan Hạnh Nguyễn trước loạt thông tin không hay về Tràng Tiền.

“Chúng tôi không hề thua lỗ và không chết đâu”, là những chia sẻ của ông Jonathan Hạnh Nguyễn trước loạt thông tin không hay về Tràng Tiền.

Tràng Tiền được biết đến là TTTM nằm ở “khu đất kim cương” của thủ đô Hà Nội, được đầu tư nâng cấp hoành tráng, lại được thiết kế sang trọng, kết nối hài hòa với các bố cục không gian khác, trở thành khu vui chơi, mua sắm đệ nhất Hà thành. Thế nhưng, gần đây, dư luận đang xôn xao về số phận của TTTM Tràng Tiền, khi ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyên nhủ: Tràng Tiền Plaza cần cân đối, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh hoặc ngưng một thời gian, thay vì đổ thật nhiều tiền vào đó để rồi không gượng lên được. Tôi nghĩ Tràng Tiền Plaza nên tìm chỗ núp trong thời điểm này, hoặc tìm 1 con đường khả thi hơn để có thể kinh doanh được. Đừng phóng lao rồi theo lao để rồi dẫn tới bước đường cùng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Ảnh: Lê Linh

Để tìm hiểu thêm về những thông tin trên chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện riêng với người trong cuộc đó là ông Jonathan Hạnh Nguyễn - người được mệnh danh là ông chủ của đế chế hàng hiệu - "tái sinh" Tràng Tiền hồi tháng 4 vừa qua sau 4 năm đóng cửa.

- Thưa ông hiện nay báo chí đang xôn xao việc TTTM cao cấp Tràng Tiền ảm đạm và gặp rất nhiều khó khăn, ông có nhận xét gì không?

- Mỗi TTTM có đặc thù riêng, thường TTTM nằm trong khu chung cư hay nằm trong các dự án cũng khác với TTTM nằm lẻ loi ở ngoài và TTTM cao cấp còn khác nhiều hơn nữa. Hiện nay, trên báo chí nhiều thông tin không được chính xác lắm vì họ không biết thực tế bên trong và vì chúng tôi không muốn khoe khoang, không muốn đưa thông tin ra ngoài. Người quyết định sống còn của Tràng Tiền do 2 ông chủ là Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC - chiếm 90% vốn) và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - chiếm 10% vốn) và kết quả kinh doanh từ tháng 4 đến tháng 12 tất cả đều nở nụ cười khi có báo cáo cuối cùng, có nghĩa là lãi gấp 5 lần trước kia.

- Nhưng nhiều thông tin đưa ra rằng TTTM Tràng Tiền vắng khách, sao báo cáo có thể lãi được?

- Đúng, đúng tại vì ngành nghề này rất khác, mọi người đều biết Tràng Tiền là trung tâm mua sắm hàng hiệu, kinh doanh các thương hiệu lớn như Burberry, Cartier, Dior, Lancôme, Louis Vuitton, MAC Cosmetics, Parfums Christian Dior, Rolex, Miluxe Boutique…Các mặt hàng này không giống như ở siêu thị cứ thấy người người xếp hàng mua sắm tấp nập, các túi xách ra chỉ từ 200 ngàn đến 1 triệu thôi. Nhưng ở Tràng Tiền các túi xách từ 1.000 - 5.000 USD, thậm chí có cái lên đến 25.000 USD thì một ngày chỉ cần bán một túi xách là đủ vốn cho 10 triệu USD/năm rồi.

TTTM Tràng Tiền.

Ước mơ của tôi mở Tràng Tiền là nơi để mọi người dân Hà Nội tới để giải trí và mua sắm. Hiện nay, điều này đã thành hiện thực rồi còn việc lãi, lỗ chúng tôi tự biết chứ không cần phải báo cáo cho báo chí hay những ông địa ốc muốn tư vấn chúng tôi vì ngành nghề này chúng tôi đã làm hơn 30 năm rồi.

Còn chuyện kinh tế khó khăn sức mua giảm, nhất là trong các mặt hàng cao cấp thì chuyện đó là đương nhiên, các ông cổ thụ hàng hiệu như Burberry, Cartier, Dior, Lancôme, Louis Vuitton…có doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ USD, thì việc tồn tại trong thời buổi kinh tế khó khăn đối với họ là chuyện nhỏ.

Thật sự cho đến lúc này, theo báo cáo doanh số của các thương hiệu họ đều “happy” vì doanh số của họ ở Tràng Tiền so với TTTM khác gấp 2 - 3 lần, như vậy sự thành công của Tràng Tiền không thể hiện được vì nếu chúng ta chỉ nhìn Tràng Tiền dưới con mắt thường chứ không phải con mắt chuyên môn thì chúng ta sẽ không đánh giá được chính xác. Thậm chí, có nhiều người còn lo lắng cho tôi khi thông tin Tràng Tiền thua lỗ nữa.

Hiện nay, ở Tràng Tiền ngoài kinh doanh thì tôi còn cho khách hàng thuê, như vậy tôi đã thu tiền về an toàn rồi, doanh thu thì tăng gấp 2-5 lần so với trước kia. Còn những người kinh doanh trong Tràng Tiền thì họ đều có chiêu của họ, họ biết cách đưa khách hàng vào gian hàng của mình như thế nào. Ở nước ngoài, các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, MAC Cosmetics hay Parfums Christian Dior… nếu khách tới mua hàng quá nhiều thì họ sẽ không cho vào và bắt đứng ở ngoài chờ, việc này nhằm phục vụ cho từng khách hàng được chu đáo hơn. Vì thế họ không cần hô hào hàng chục ngàn người xếp hàng đi mua sắm mà vẫn bán hàng được tốt.

- Nói như thế nhưng kinh tế khó khăn và nhiều dự báo năm 2014 sẽ còn tiếp tục khó khăn, vậy ông có những biện pháp nào để đẩy mạnh sự phát triển của Tràng Tiền hơn nữa?

- Năm 2014, tôi sẽ có một số thay đổi như lắng nghe những ý kiến hay và cơ cấu một số mặt hàng, qua hơn 8 tháng hoạt động chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm và thay đổi lại những mặt hàng khác để phù hợp hơn với người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ mời những công ty có nhiều mặt hàng được ưa chuộng tại Việt Nam dành cho giới sinh viên, học sinh, nội trợ để người tiêu dùng có thể đến Tràng Tiền mua những mặt hàng còn đang thiếu, để sản phẩm ở Tràng Tiền ngày càng đa dạng hơn, đó là những sự thay đổi sẽ khiến Tràng Tiền càng ngày càng lớn mạnh trong tương lai. Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng: “Tràng tiền vẫn sống khỏe, chúng tôi không hề thua lỗ và chúng tôi không chết đâu”.

Theo Tri Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.