Tranh chấp Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trưng bằng chứng bác bỏ cáo buộc 'giả chữ ký, trộm con dấu'

Phía bà Thảo đã gửi văn bản thông tin quan điểm chính thức về việc này.

Liên quan đến việc phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ  cáo buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo giả chữ ký, trộm con dấu, trưa nay 20.8 phía bà Thảo đã gửi văn bản đến báo Lao Động thông tin quan điểm chính thức về việc này.

Khẳng định là "người đặt nền móng đầu tiên cho Trung Nguyen International tại Singapore"

Trước thông tin liên quan đến việc Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện đã khởi kiện công ty Trung Nguyen International (được đại diện bởi bà Lê Hoàng Diệp Thảo) lên tòa án Singapore, với cáo buộc của TNG cho rằng bà Diệp Thảo đã giả chữ ký, trộm con dấu để chuyển giao trái phép và gian lận 7.520.800 cổ phiếu của ông Vũ. 

Bà Thảo khẳng định việc TNG khởi kiện bà tại Singapore là không có cơ sở, chỉ nhằm triệt hạ uy tín của người sáng lập TNS để buộc bà phải đầu hàng vì tại TNG và TNS  cả hai vợ chồng Trung Nguyên cùng sở hữu chung trên 90% số cổ phần.

Theo thông tin nữ doanh nhân cung cấp, năm 2008, bà Diệp Thảo sang Singapore phát triển mạng lưới kinh doanh quốc tế của Trung Nguyên.

Ngày 28.4.2008, bà Diệp Thảo thành lập Công ty Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd (viết tắt là TNS, sau này đổi tên là Trung Nguyen International Pte., Ltd – viết tắt là TNI) với mã số đăng ký tại Cơ quan quản lý kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA) là 200808224R (đính kèm đăng ký tại ACRA).

Trên Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN ngày 7.7.2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cũng chứng nhận bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án TNS (đính kèm Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN)

TNS có số vốn đăng ký ban đầu tại ACRA là 50.000SGD, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định đây là số tiền cá nhân bỏ ra - nghĩa là TNS chỉ có 1 chủ sở hữu duy nhất là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

 Bà Thảo phản bác lại những cáo buộc của TNS

“Cấu trúc TNS vào Tập đoàn Trung Nguyên

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho hay: "Năm 2010, tôi sinh người con thứ 4. Trong thời gian này, tôi vẫn giữ vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên. Năm 2011, theo đề nghị của ông Vũ, tôi đồng ý chuyển TNS vào hệ thống các Công ty thuộc TNG để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành Tập đoàn. Việc chuyển nhượng này chỉ là chuyển nội bộ trong gia đình, trong cùng Tập đoàn vì hai vợ chồng nắm giữ 93% số cổ phần của TNG."

Cũng theo bà Thảo: Ngày 11.1.2011, bà Diệp Thảo và TNG ký hợp đồng chuyển nhượng. Trong hợp đồng ghi rõ bà Diệp Thảo là Tổng Giám đốc TNS và đại diện duy nhất của TNS đang nắm giữ 520,800 cổ phần (mệnh giá 520,800SGD) mong muốn chuyển nhượng số cổ phần trên cho TNG. Trên thực tế, bà là người ký hợp đồng bán TNS nhưng cũng chính là người ký thanh toán cho chính mình (đính kèm hợp đồng chuyển nhượng).

"Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng TNS này chỉ là hình thức để tái cấu trúc Tập đoàn", nữ doanh nhân khẳng định.

"Việc khởi kiện tại Singapore là không có cơ sở"

Liên quan đến việc TNS khởi kiện bà Thảo vì giả chữ ký và trộm con dấu, bà Thảo phủ nhận đồng thời đưa ra những lập luận trái ngược phản bác lại thông tin từ TNG như sau:

- Theo quy định của TNG, con dấu là do tổ thư ký giữ và bảo quản. Tổ thư ký chỉ đóng dấu khi đã có chữ ký của ông Vũ. Với một tập đoàn được an ninh và bảo vệ nghiêm ngặt như vậy thì làm sao một người khác có thể tùy tiện lấy để đóng lên hồ sơ chuyển nhượng mà ông Vũ không biết và không cho phép.

- Việc nhân sự làm chứng trên hồ sơ chuyển nhượng không tận mắt nhìn thấy ông Vũ ký vào mẫu đơn chuyển nhượng là điều bình thường. Vì theo quy định của TNG, chỉ có tổ thư ký mới được trình hồ sơ cho ông Vũ ký. Vì vậy, nhân sự làm chứng không thể trực tiếp trình hồ sơ cho ông Vũ mà chỉ có thể thông qua tổ thư ký.

- Việc bán các cổ phần với giá tượng trưng 1 đô la Singapore đã được 2 bên thỏa thuận. Giao dịch này hoàn toàn được chấp nhập ở nước ngoài, khi hai bên có mối quan hệ đặc biệt là vợ chồng và đều sở hữu khối tài sản chung ở TNG.

Bà Thảo khẳng định: Cơ quan ACRA của Singapore đã chấp thuận giao dịch này và chuyển lại cho bà là chủ sở hữu TNS vào ngày 10.7.2015.

Nữ doanh nhân cũng cho hay: Tòa án Singapore đã đình chỉ vụ án này, như vậy đứng trên pháp lý của Singapore thì bà đang là chủ sở hữu hợp pháp đối với TNS.

“Giá trị của TNS không đáng kể so với toàn bộ tài sản tranh chấp của hai vợ chồng. Vậy tại sao TNG lại rất quan tâm đến vụ kiện này, trong khi trước đây ông Vũ giao hoàn toàn cho bà Diệp Thảo quản lý mảng kinh doanh quốc tế? Bản thân ông Vũ, kể từ khi thành lập TNS đến nay, cũng chưa một lần bước chân tới văn phòng mà chỉ đến khai trương quán cà phê tại Liang Court rồi trở về Việt Nam ngay?”, bà Thảo đặt câu hỏi. 

Theo Lao Động


Tập đoàn Trung Nguyên

Lê Hoàng Diệp Thảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.