Sà lan cập bến!

Ai cũng mang một nỗi háo hức riêng. Ví như ông chủ thì tay bắt mặt mừng với chủ kho lúa lớn nhất miền Tây Nam Bộ, khấp khởi một món lợi kếch xù. Hải thì cứ nhấp nhổm, nôn nóng khám phá một vùng đất mới lạ với những cô gái quê quê, dịu dàng, và mong là dễ... dụ. Với anh Sơn tài công thì chắc chắn sẽ triền miên những buổi chiều lai rai với hàng lô những món nhậu mà ở thành phố người ta có đốt đuốc chưa chắc kiếm ra.

Nơi này chúng tôi chỉ mới đến lần đầu.

Nơi cập bến là một bãi bồi đầy lau sậy.

Lạ, nhưng quen.

Đối với tôi, miền Tây bao giờ cũng gần gũi, gần như là máu thịt. Cứ đến một nơi, dừng lại một nơi, tôi lại nghe xốn xang nhớ quê mình... Biết rõ là cũng ở đâu đây, lòng vòng ở chín nhánh sông này thôi, vậy mà muốn về cũng không hề dễ.

Lúc này đã xế chiều. Tôi tắm rửa xong, leo lên cabin ngồi nhìn tứ phía. Chiều buồn lạ, ráng chiều in xuống dòng nước, lấp lánh những mảng vàng, bãi bồi đầy lau sậy cũng nhốm vàng hiu hắt. “Đi một vòng chớ anh bạn?”. Hải đã tề chỉnh trong bộ đồ bảnh nhứt, tóc chải năm năm, mắt nheo nheo. Không chờ tôi trả lời, Hải đã nhảy phịch lên bờ, miệng huýt sáo đầy hứng khởi.

Hôm sau, lúa chưa nhập xuống sà lan được do lịt xịt gì đó về giá cả hiện tại so với hợp đồng. Nhưng đó là chuyện của kẻ khác chứ với tụi làm thuê chúng tôi thì đâu có động địa gì. Hải vẫn xăng xái trong bếp. Anh chàng này hay lộn xộn với phụ nữ mà nấu nướng cũng khá vô cùng. Anh Sơn tài công vốn xứng danh ông cụ non trong vai trò ẩm thực, vậy mà cũng phải vỗ đùi khen tài của Hải.

Cơm nước xong, tôi lại leo lên ca-bin ngồi nhìn trời nhìn nước. Hải lại diện đẹp như hôm qua, lên đứng cạnh tôi xỉa răng, chắc là bữa nay sẽ hứa hẹn một đêm đẹp trời của Hải. Khá khen cho anh chàng, nấu nướng ngon mà tán gái càng giỏi. Chắc bởi khéo dùng gia vị, nên lời nói cũng có vẻ thơm ngon dễ làm bùi tai mấy cô nàng hảo ngọt. “Ê, nhìn kìa!”. Hải khều tôi, chỉ ngược dòng nước chảy. Một đám bông vàng rực cạnh bờ sông, và một cô gái mặc chiếc áo bà ba trắng tinh, đang xách nước tưới những luống hoa. Nắng chiều rải đầy trên vai áo cô thêm một màu vàng kỳ ảo. Tôi hỏi: “Nàng tưới gì vậy?”. “Không biết, xa quá nhìn không rõ. Mà nè, đừng nhìn nhiều quá, tôi xí trước rồi nghe cha!”. Ngày thứ ba. Hải tiết lộ là đã dò ra được tung tích cô nàng. Nó còn chê tôi sống mà thụ động quá thì chẳng có gì thú vị, tôi làm thinh và cười. Thấy Hải xăng xái vẹt đám lau sậy đi tìm gái mà phát ham.

Anh Sơn lúc này cũng vừa tắm rửa xong, lên vỗ vai tôi, rủ: “Thả dài vô xóm chơi, chớ đã tới đây mà chỉ ngồi một chỗ nhìn trời nhìn đất hoài, kỳ quá!”. Đồng tình với ý kiến ấy, tôi lững thững theo anh mà lòng thì không thấy hứng thú gì cho mấy.

Những mái nhà la đà nổi khói, người ta đang chuẩn bị buổi cơm chiều. Sơn rẽ vào con lộ đất nhỏ cỏ mọc dầy mịn cả chân, trước mắt là một mái nhà sàn. Sơn tự nhiên cởi giày leo lên hai bậc thang một, gọi to: “Bác Tư ới!”. Trong nhà, một người đàn ông lúp xúp đi ra, tay che mắt nheo nheo hỏi: “Ai vậy cà?”. “Dạ, con Sơn đây, bác Tư còn nhớ không?”. “Sơn nào cà?”. “Dạ, Sơn sà lan lúa...”.

Ông lão đứng im, ra chiều suy nghĩ. Tôi cảm thấy tình hình không ổn, định thối lui thì ông già Tư reo lên: “Ợ, nhớ rồi, chú Sơn...! Hồi năm kia năm kìa gì đó có tới nhậu với tôi phải hôn?”. “Dạ lâu vậy mà bác cũng nhớ ra, con nể quá!”. “Nhớ chớ, tìm được một người đối ẩm như chú kể cũng khó quá xá, lâu nay sao không tới qua thăm?”. Câu chuyện của họ trở nên rôm rả thì bác Tư gái khệ nệ bưng mâm từ trong đi ra. Tôi bấm Sơn, tỏ ý muốn về để gia chủ chủ dùng cơm, Sơn ra hiệu với tôi, rồi vẻ như thân thiện lắm, chào hỏi: “Bác gái, lâu nay bác vẫn khỏe?”. “Ơ, ai kia?”. “Chú Sơn đó bà, năm kia sà lan lúa chú đậu ở bến Sáu Phê, chiều chiều hay lên lai rai với tui đó mà”. “Vậy hả, nhớ rồi. Thôi sẵn bữa hai chú ở lại lai rai với ông nhà tui cho ổng vui”.

Hóa ra đàn bà ở quê họ khéo chiều chồng lắm. Hầu như mỗi buổi chiều họ đầu chuẩn bị sẵn một mâm mồi và rượu, khi thì vài con khô sặc bổi, lúc lại con cá lóc nướng trui, hoặc vả lúc nào trong nhà túng bấn, không được thịnh soạn lắm thì cũng vài trái dưa leo vừa hái ngoài đồng về, chén mắm linh chưng vội còn nóng hôi hổi... Điều này tôi nghe anh Sơn nói lâu rồi, nhưng bây giờ mới được tận mắt chứng kiến. Má tôi cũng là một người đàn bà quê, nhưng bà không có cái diễm phúc được chuẩn bị từng bữa rượu cho chồng. Tôi, có lẽ bởi thế mà cũng trở nên phiêu bạt tha hương.

Khi rượu đã lưng hơn nửa chai thì ông Tư bắt đầu nói chuyện nhiều và lớn tiếng. Khác hẳn với lúc đầu nói năng chậm rãi kiệm lời, giọng trầm nhỏ nhẹ, bây giờ ông Tư linh hoạt, đôi mắt linh hoạt lia nhanh ra đường, ông gọi lớn: “Con Nhung đi tưới cải về đó hả bây?”. “Dạ, ông Tư”. “Vô lấy chai, về biểu mẹ đong thêm cho ông Tư chai rượu”.

Cô gái từ ngoài rào râm bụt rẽ vô, tay xách thùng tưới, má ửng hồng. Tôi đoán chừng đây là cô gái thường tước đám bông vàng ở bờ sông vào mỗi buổi chiều mà tôi và Hải đã bắt gặp vào buổi chiều hôm nọ, bởi chiếc áo bà ba trắng ôm gọn lấy thân hình mảnh dẻ. Thấy tôi nhìn lâu, Nhung hình như mắc cỡ, tay cầm chai rượu lúp xúp đi nhanh. Ông Tư còn gọi với theo: “Lấy rượu ngon cho ông đãi khách nghe hôn Nhung”. “Dạ!”.

Tửu lượng tôi kém, nên chỉ uống được chừng ba ly thì xin phép nghỉ, chỉ ngồi tiếp chuyện chơi cho vui. Ông Tư cười khà khà, vỗ vai tôi: “Chú em thanh niên mà uống kém, đàn bà họ cười cho”. Sơn xen vô: “Đàn bà đâu biết uống rượu mà để ý người uống kém hay uống nhiều bác Tư”. “Ậy - Ông Tư lại cười khà - Chú Sơn nói vậy coi chừng bị hố lớn. Chú không biết chớ, đàn bà nó uống cạn cả lít đế cốt mà cũng cứ tỉnh bơ”. “Thiệt vậy sao bác?”. “Thiệt, mẹ của con nhỏ hồi nãy, nhà ở xích trên xóm chùa ông Cả. Chú cứ lên đó, hỏi quán nhậu Sáu Phê, ai ai cũng biết. Tôi từng tuổi này, chưa từng biết đặt điều thêm bớt”. “Người đó tên Sáu Phê?”. “Tôi không rành họ tên gì, Sáu Phê là tên chồng, lâu rồi, người ta cứ quen gọi như vậy. Cái giống đàn bà…”.

Ông Tư ực cạn ly rượu Sơn vừa rót, nói luôn: “Gò má lúc nào cũng đo đỏ, đôi mắt thì lúng liếng đưa tình, miệng cứ mỉm mỉm cười duyên... ôi thôi, chém chết cũng là thứ buôn chồng người”.

Hải khoe với tôi là đã “truy” được tung tích cô nàng tưới cải. Nhưng lạ một điều, Hải luôn miệng xuýt xoa khen... mẹ của nàng. Nào là đẹp một cách sang trọng và lãng mạn, nào là đôi mắt đa tình, nào là đôi gò má hồng hào xinh xắn như các cô gái Đà Lạt... Sau khi khen ngợi hết lời, Hải kết luận: “Mẹ nàng đẹp hơn nàng nhiều lắm”.

Sơn ngồi kế bên nghe ké cũng buột miệng cười khì: “Tao nghi mày hốt luôn cả mẹ cả con người ta quá”.

Hải chẳng những không phật ý về điều đó, mà còn khoái chí cười nhăn nhở.

Độ này tôi hay có thói quen mỗi buổi chiều thả bộ dọc bờ sông. Bờ sông nhiều lau sậy đến rậm rạp, giữa đám lau sậy đó là một con đường mòn rất hẹp chỉ vừa để cho một người len lỏi xuyên qua. Cuối rừng lau sậy ấy là một bãi đất trống doi nhiều ra phía sông, bãi đất này người ta trồng cải, cải để cho ra bông vàng rực, vàng đến nao lòng. Một vài lần tôi đến đúng lúc cô gái ấy đang tưới cải. Tôi hỏi trồng cải không nhổ cây ăn mà lại để ra bông chi vậy, nàng lí nhí bảo mẹ thích thế, mẹ thích màu hoa cải. Nghĩ cũng lạ, thiếu gì thứ hoa lại không thích, lại thích hoa cải. Một người phụ nữ lẳng lơ có thể nào thích một loại bông quê mùa dung dị như bông cải hay không?

 

Minh họa của họa sĩ Đỗ Dũng. 

Sơn khác hơn Hải. Anh không thích phụ nữ mà chỉ khoái nhậu. Nhất là mấy món mồi nhậu đồng quê, càng quê càng thú vị. Cũng như bữa nay, anh đi đâu cả buổi, khi về hai tay cầm hai túi ni lông. Vào bếp, anh lấy thau dốc ngược hai cái túi ra, toàn túi cá lóc non với tép lóng. Hải há hốc: “Bữa nay anh Sơn định thế chân em hả?”. “Bậy, nấu nướng vẫn là việc của chú, còn chỗ này là mồi nhậu của anh”.

Sơn khệ nệ bắt lên một mẻ than trên có vỉ nướng, chai rượu lớn, mấy trái cóc, chén nước mắm ớt... Anh khuân tất cả lên mui sà lan rồi đi tắm rửa. Đúng năm giờ, vài người bạn mới toanh của anh lục tục kéo đến, tôi nhìn thấy có cả bác Tư mà hôm trước tôi và anh Sơn đã đến nhà bác nhậu. Mùi cá lóc và tép nướng trên than hồng bay khắp mặt sông khiến cho tôi với Hải dù ghét nhậu mấy cũng lò dò leo lên... góp đũa.

Hình như khi có rượu người ta hay sinh ra nhiều chuyện. Họ nói tất tật chuyện mình rồi tới chuyện người, đề tài cộm nhất vẫn là người phụ nữ chủ quán rượu xóm chùa ông Cả. Anh Bảy Tùng tỏ ra rành hơn ai hết chuyện gia đình cô Sáu, khẳng định: “Cha Sáu Phê bị cắm sừng mà hổng biết rên la. Chả còn huênh hoang với hàng xóm nào là vợ chả đẹp người đẹp nết, khéo làm dâu, giỏi chìu chồng, thiệt không biết nhục”. “Anh Bảy nói trật - Anh khác xen vô - chả tự hào bởi vì có con vợ làm ra tiền không biết mệt. Mấy cha có tin không? Cả căn nhà bự đồ sộ với của cải giá trị trong nhà toàn do một tay con vợ chả kiếm ra, vậy không khen sao đặng”. Anh Sơn nhìn Hải đầy ngụ ý, rồi bảo: “Mấy anh nói vừa để thằng Hải nó buồn, dù gì cũng là bà già vợ tương lai của nó”. Anh Bảy huơ tay: “Thôi thôi, cho tui can. Thằng nào léng phéng tới quán định ghẹo con Nhung cũng đều bị mê mồi con mẹ nó ráo”. Hải trâng tráo: “Cả mẹ cả con đều đẹp, con thì ngây thơ, mẹ thì lẳng lơ, thiệt làm em... khó xử quá”.

Điệu bộ của Hải làm mọi người cười ồ. Trên đời này hiếm có kẻ nào tham lam một cách thật thà như Hải. “Ê, tui nói nhỏ nghe mấy cha, tui hẹn con Nhung rồi, bữa nào ra chợ thị xã coi phim. Con nhỏ mới đầu từ chối, tui năn nỉ riết nó mới hẹn tối thứ Năm, mẹ nó sai đi bổ hàng thì nó sẽ đi với tôi. Chuyến này...”.

Hải nói tới đó rồi im bặt. Đôi mắt nó lờ đờ, nét mặt đầy vẻ nôn nóng, nó tỏ rõ bản năng một cách trắng trợn. Tôi chợt thấy buồn, mục đích cả đời của một con người chỉ vậy thôi sao?

Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng tôi quyết định đến gặp mẹ của Nhung. Người phụ nữ ấy lúc đầu tôi sững nhìn rất lâu, không hiểu vì lẽ gì.

Tôi tỏ vẻ như là một khách nhậu, gọi một chai bia và mấy chú khô. Vừa nhấp bia tôi vừa suy nghĩ cách đề cập đến câu chuyện. Có lúc tôi chợt muốn đứng lên bỏ về, vì thấy không dưng xía vào việc của người khác thì quá vô duyên... Nhưng lại thấy nao lòng khi nghĩ đến việc một cô gái trắng trong chớm lớn sắp bị một gã vô lương tâm rắp lòng dụ dỗ... Gần hết chai bia rồi mà tôi chưa biết nói như thế nào. Cho đến khi mẹ Nhung ra kéo ghế ngồi cạnh, hỏi xã giao: “Trước giờ tôi ít thấy cậu đến quán này”. “Dà, tôi chỉ ở dưới sà lan”. “Vậy ra cậu là bạn của cậu Hải?”. “Dà!”. “Cậu tên Vinh?”. “Dà!”.

 

Nói chuyện loanh quanh một lúc, tôi đề nghị tính tiền để về, người phụ nữ ấy cười: “Không đáng là bao, thôi cứ để đó”. “Sao vậy? - Tôi lấy làm lạ, định hỏi bộ ai tới quán cũng được hậu đãi như vậy cả sao, nhưng kịp suy nghĩ lại, tôi nói - Cô Sáu không sợ tôi trốn luôn hay sao?”.

Cô lại cười, nụ cười duyên dáng lạ: “Người như cậu, tôi không sợ!”. “Cô rành tôi vậy sao?”. “Không, nhưng tôi có lòng tin. Cậu cứ yên tâm”.

Người phụ nữ này khéo quá, đây cũng là một nghệ thuật “câu khách” đáng được ghi vào sổ tay. Sau khi nói cảm ơn, tôi đứng tần ngần một lúc. Nhìn quanh, tôi thấy không có ai, tôi nói nhanh: “Cô Sáu à, tối thứ Năm chớ cho Nhung đi bổ hàng”.

Nói rồi, không kịp để cô hỏi gì thêm, tôi rảo bước đi như chạy. Đi được một quãng, tôi dừng lại vì nghĩ nếu nói một cách úp mở như thế, sợ cô ta không hiểu mà bỏ qua không chịu để tâm đến chuyện này thì cũng hoài công, tôi xoay người lại, nhắc lại đúng câu nói mình vừa nói khi nãy: “Tối thứ năm chớ cho Nhung đi bổ hàng, cô Sáu nhớ!”.

Người phụ nữ ấy đứng ngây người thêm một lúc, rồi gật mạnh đầu, tỏ cho tôi biết là cô đã hiểu. Tôi hài lòng, quay lưng bước tiếp.

 

Tôi vừa làm một việc thiện. Thế nhưng đối với Hải tôi vô cùng đáng tội.

Tối thứ Năm, dĩ nhiên là Nhung không được ra khỏi nhà. Hải trở về, mùi nước hoa thơm nức lúc chiều giờ trộn lẫn thêm mùi rượu. Tôi vờ ngủ say, mặt quay vào vách. Hải chửi tục mấy câu rồi thả người nằm phịch xuống giường. Hôm sau, không hiểu vì sao Hải biết được chuyện Nhung không đi chơi được với nó là... tại tôi. Nó bỏ nấu bữa sáng, đến trưa thì say mềm. Ban đầu nó còn chửi đổng một mình, sau nhè thẳng tôi mà chửi: “Ban đầu tao tưởng mày là thánh, bây giờ tao mới hiểu, mày cũng chỉ là một thằng người hám gái ti tiện. Mày thích con Nhung chớ gì, vậy sao từ đầu không chịu nói ra, giỏi thì đấu tay đôi với tao nè, vậy mới ngon. Âm thầm mày cưa tao, để rồi mày chiếm đoạt Nhung của tao, mày chỉ là thằng tồi”.

Tôi lặng thinh. Tôi không muốn cãi cũng không muốn lý giải gì cả. Để mặc cho nó chửi mắng thỏa, đến khi anh Sơn ra lôi nó vô nhà vệ sinh, đóng cửa lại. Xong, anh trở ra hỏi tôi: “Có phải Vinh đã báo cho mẹ Nhung biết?”.

Tôi gật đầu, rồi chẳng nói gì, lẳng lặng bỏ đi. Tôi không cho mình là thánh, bởi tôi rõ biết mình xuất thân từ đâu. Tôi chỉ muốn sống làm sao để đừng trở thành kẻ ác, và tôi càng không muốn thấy người khác làm điều ác.

Đi một lúc, tôi nhận ra trước mặt là những liếp vàng hoa cải. Cái mùi ngai ngái nồng nồng khiến tôi khụt khịt mũi, nhìn xuống mới phát hiện ra mình đã đạp gãy mất mấy cây.

Khi tôi còn nhỏ, má tôi cũng thường gieo hạt cải. Nhưng má không để cho ra bông nhiều như vầy, chỉ vừa có ngồng là má nhổ đem làm dưa. Dưa cải chấm nước cá linh kho hành, dưa cải cuốn bánh tráng, thêm một lát thịt luộc, một miếng dưa leo, chấm một chút nước chấm chua ngọt... Cái gì kéo tôi ra khỏi má, cái gì làm tôi quên mùi dưa cải... để rồi sực nhớ, buồn nao trong lòng? “Ừ ưmn.......!”.

Tôi giật mình. Người phụ nữ đứng lẫn trong đám hoa, nón lá nghiêng, mặt ửng hồng dưới nắng chiều, cạnh sắc vàng hoa cải. Tôi khẽ khàng: “Cô Sáu!”. “Chiều nào Vinh cũng lội ra đây hết, chi vậy?”. “Tôi buồn, với lại rảnh nên đi cho khuây”. “Buồn sao?”

Tôi quay đi. Tôi sợ ánh mắt của người phụ nữ ấy. Đôi mắt có đuôi, cứ lúng la lúng liếng, ánh nhìn sắc lẻm. Người ta nói quá nhiều rồi. Về người phụ nữ quán nhậu nức tiếng cả xóm chùa ông Cả. Về những lời thị phi, những câu cạnh khóe... Tôi không muốn để tai, nhưng ít ra, cái đôi mắt kia cũng khiến tôi chột dạ... “Tôi biết rồi, chắc đi lâu quá, nên chạnh lòng nhớ người yêu phải hôn? Tôi nghe nói người yêu Vinh đẹp lắm, lại giàu? Mà người ta không chịu về làm dâu...”. “Ai nói cho cô biết?”.

Cô Sáu lùi hai bước, có lẽ tôi lớn tiếng quá. Cảm thấy mình hơi vô duyên, tôi nhẹ giọng: “Xin lỗi cô Sáu!”. “Tôi biết người ta chẳng thích ai tò mò về mình. Nhưng tôi thiệt tình muốn biết vì sao Vinh buồn”. “Tôi nhớ má tôi, cô Sáu à! Mà chuyện của tôi, cô để ý làm gì?”. “Vinh đa cảm vậy sao?”.

Tôi giật mình: “Bộ cô trông tôi khô cằn lắm?”.

Cô Sáu cười nhẹ rồi nhìn mông lung. Gió thổi, lau sậy vi vu. Tôi không nhớ rõ lúc mới trưởng thành trông tôi như thế nào, có non nớt, có măng sữa như những cậu thanh niên khác không? Chứ bây giờ, đôi khi nhìn vào gương tôi còn phải giật mình. Cuộc sống dãi dầu đã giũa cho bộ mặt của tôi nhẵn thín và lạnh lùng như một tảng băng. Hèn nào, người đối diện hay hiểu lầm tôi là kẻ xấu. “Con người là cây sậy yếu đuối nhất của tạo hóa, nhưng là cây sậy biết tư duy”.

Tôi nói bâng quơ khi nhìn ra bờ sông, gió lùa những cây sậy cong quắp. “Chính vì biết tư duy mà họ không thích sống thành đám, thành bụi, họ muốn sống độc lập, đôi khi lại ác ý khều ghẹo nhau chơi”.

Tôi bị giật mình vì lời của cô Sáu. Người đàn bà quá đặc biệt này khiến tôi phải nhiều nghĩ ngợi. “Tôi biết ơn Vinh về việc của con Nhung vừa rồi”. “Cô khỏi cảm ơn tôi. Thấy em Nhung ngoan hiền nên tôi không nỡ để người ta hại mà thôi”.

Cô Sáu thở dài, rồi nhìn mông lung. Người phụ nữ ấy lúc suy tư nhìn sao giống má tôi nhiều quá, đôi mắt đẹp buồn rười rượi ngập những ánh hoàng hôn. Không dưng tôi nhớ má, nhớ cái dáng má ngồi nhìn xa, cùng với những tiếng thở dài. Những lúc ấy, má thường nhắc về ba tôi, người đàn ông đã bỏ má con tôi không lần quay về với sự hy vọng và đợi chờ son sắt.

“Một đứa con gái, chỉ là sự nhắc nhở của một niềm đau chịu đựng lâu dài, một hình bóng trẻ trung hơn của chính mình, sẽ lặp lại tất cả những hành động mà mình đã trải qua, rồi cũng sẽ khóc những giọt nước mắt mà mình đã khóc”.

Hình như cô đọc một đoạn tiểu thuyết, giọng buồn không thể tả.

Những ngày tiếp sau đó, tiến độ nhập lúa tăng cao, tổng kho đang hối thúc các sà lan con, công chuyện sổ sách của tôi ngày càng nhiều theo số lượng lúa nhập sà lan. Dạo này, trời bắt đầu đổ mưa hôm nào trời cũng mưa suốt ngày, các con đường bị sình lầy, ngập úng dơ bẩn. Tôi sinh lười, không còn cái thú tản bộ dọc bờ sông nữa.

Đến ngày thứ tư, trời vẫn còn mưa.

Quyết định nhổ neo.

Sà lan lừ đừ rời bến. Bỗng nhiên chững sựng lại. “Neo mắc rễ cây”.

Có người kêu to: “Cho ga máy lớn lên!”.

Tiếng máy hụ dài, sà lan cũng chưa nhích tới được.

“Lặn đi!”.

Sau câu ra lệnh, một người nhảy ùm xuống nước. Năm phút, mười phút... Bóng người trồi lên: “Xong rồi”.

Là Hải. Anh chàng ướt lóp ngóp, răng khua vào nhau lộp cộp, vậy mà cũng ráng văng tục một câu: “Mẹ kiếp, cái xứ khỉ”. Mọi người phì cười.

Anh Sơn cao hứng bấm còi. Một hồi còi hụ dài.

Ngang qua doi đất hoa cải vàng, tôi đứng hẳn lên, vẫy tay chào bâng quơ. Khi sà lan qua rồi, tôi nhìn ngoái lại mới nhận ra hai bóng người... Cô Sáu! Có lẽ cô đã đứng đó lâu rồi, tôi thấy cái dáng run run. Nhung đứng cạnh, cao hơn mẹ đến nửa cái đầu, mảnh dẻ và thanh tao. Không biết Nhung khao khát điều gì, nhưng tôi vẫn thấy mình chẳng có gì sai khi làm hỏng cuộc hẹn hò đầu tiên của cô với Hải.

Trời vẫn mưa lất phất. Một nỗi buồn nao chạy dọc vào lòng.

Theo Lao Động cuối tuần