9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, 'biến' thành tranh chân dung người cao tuổi

Từ những món đồ gỗ đã cũ hoặc không còn sử dụng đến, Thùy Giang ở Sa Pa (Lào Cai) đã "hô biến" thành loạt tranh chân dung người già vùng cao.

“Sa Pa là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như H’Mông, Dao, Tày, Xá Phó, Giáy. Bà con ở đây vẫn giữ được văn hóa truyền thống thông qua đời sống sinh hoạt và trang phục hàng ngày.

Là người con của Sa Pa, mình mong muốn quảng bá và lan tỏa nét đẹp văn hóa, con người nơi đây qua những bức tranh”, Phạm Thùy Giang (27 tuổi, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) chia sẻ với VietNamNet.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-1

Thùy Giang vẽ tranh người cao tuổi ở Sa Pa trên chất liệu gỗ cũ, mong muốn quảng bá du lịch quê nhà tới du khách trong và ngoài nước

Để lấy cảm hứng sáng tác, Thùy Giang cùng chồng thuê mảnh đất rộng 800m2, nằm lọt thỏm giữa những thửa ruộng bậc thang ở bản Giàng Tả Chải, xã Tả Van.

Tại đây, cặp đôi dựng căn nhà nhỏ từ các vật liệu quen thuộc ở địa phương, làm chốn nghỉ ngơi, vẽ tranh và kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-2

Xung quanh nhà, khắp các phòng, Giang đều trang trí bằng loạt tranh tự sáng tác. Cô mong muốn không gian sống mang đậm màu sắc văn hóa bản địa, đồng thời quảng bá hình ảnh và con người Sa Pa tới du khách ghé thăm nơi đây.

“Mình chọn vẽ tranh chân dung người cao tuổi vì tin rằng, họ chính là ‘minh chứng sống’ cho nền văn hóa, bản sắc tại mỗi vùng đất. 

Từng nhân vật mình gặp đều mang một câu chuyện, một nét đẹp riêng, qua đó giúp mình có cảm hứng sâu sắc và chân thực nhất để gửi gắm vào mỗi bức vẽ”, 9X bày tỏ.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-3

Hàng tháng, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Thùy Giang cùng chồng rong ruổi quanh các bản làng, đến từng nhà tìm mua những món đồ cũ hoặc không còn sử dụng để làm chất liệu sáng tác.

Đó có thể là chiếc mâm, thớt gỗ, thùng đựng gạo, bàn uống nước,… những vật dụng sinh hoạt quen thuộc gắn liền với đời sống của bà con địa phương.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-4
Tranh của Giang đa số được vẽ trên chất liệu gỗ, kích cỡ khác nhau

Cô gái trẻ cũng lựa chọn vẽ tranh trên giấy, vải đay,… với đủ hình dáng, kích thước.

“Mình cố gắng chỉn chu từ những công đoạn, chi tiết nhỏ nhất để hình ảnh, vẻ đẹp Sa Pa hiện lên thật mộc mạc nhưng vẫn đủ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới đây.

Một số món đồ mà các gia đình không còn dùng đến nhưng với mình lại có nhiều giá trị. Bởi qua đó, du khách – những người thưởng thức tranh có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn về đời sống của bà con địa phương”, 9X chia sẻ thêm.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-5

Theo Thùy Giang, các vật dụng cũ bằng gỗ khi mua về sẽ được xử lý, làm sạch cẩn thận rồi sơn lại, phủ bóng và phơi khô trước khi vẽ. Trong quá trình vẽ, cô cũng phủ thêm lớp bóng để tranh bền màu và trông đẹp mắt.

Thông thường, 9X dành vài tiếng đến vài ngày, thậm chí tốn cả tháng để hoàn thiện một bức tranh. Cô gái trẻ cảm thấy công đoạn khó và tốn công nhất là vẽ mắt.

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và cũng là yếu tố quyết định thần thái của cả bức tranh. Vì vậy, mình tập trung nhiều thời gian và công sức vào chi tiết đó”, Giang nói.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-6

Sau khi hoàn thiện chân dung, Thùy Giang vẽ thêm chi tiết trang sức như vòng cổ, hoa tai và khăn thổ cẩm để tạo điểm nhấn, giúp du khách phân biệt được trang phục của từng dân tộc ở Sa Pa

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-7
Nhóm du khách Hà Lan mua tranh chân dung người cao tuổi ở Sa Pa do Giang vẽ

9X cũng dành nhiều tâm huyết khắc họa trang phục truyền thống sao cho chân thực và sống động. Đây cũng là điểm nhấn giúp bức tranh thêm độc đáo và “có hồn” hơn.

Cô gái trẻ còn vẽ tranh trên những đồ vật lưu niệm như túi, áo để khách tiện mua về làm quà. “Mỗi bức tranh là một thông điệp để du khách biết nhiều hơn về văn hóa và vùng đất Sa Pa”, 9X bày tỏ.

Joei Lim (26 tuổi, đến từ Singapore) cùng bạn gái ghé thăm Sa Pa hồi tháng 8/2024. Họ đã có khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng ý nghĩa khi được tham gia vẽ tranh cùng Thùy Giang tại ngôi nhà nhỏ giữa những thửa ruộng bậc thang.

9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, biến thành tranh chân dung người cao tuổi-8
Lim và bạn gái trải nghiệm vẽ tranh trên vải đay ở Sa Pa

Theo chàng trai 26 tuổi, Sa Pa không chỉ có khung cảnh đẹp như tranh mà còn gây ấn tượng bởi những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

“Chúng tôi đã thực hiện hai bức vẽ trên chất liệu vải đay do chính tay người địa phương dệt thủ công. Đây là trải nghiệm tôi chưa từng biết đến và chỉ khi tới Sa Pa mới có cơ hội làm điều này.

Tôi thấy rất thú vị và quyết định sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân về văn hóa, con người nơi đây. Tôi cũng hi vọng sẽ có dịp trở lại Sa Pa và tận hưởng bầu không khí đậm đà bản sắc”, Lim chia sẻ.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/9x-sa-pa-gom-mam-thot-go-cu-bien-thanh-tranh-chan-dung-nguoi-cao-tuoi-2334417.html

tranh nghệ thuật

Sa Pa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.