Bác sĩ ở Hà Tĩnh tên như vua bóng đá, kể chuyện hài hước ở phòng khám

Nhiều năm qua, bác sĩ Trần Pê Lê (SN 1997, quê Hà Tĩnh) luôn tự hào khi cái tên của mình mang theo sở thích và niềm đam mê bóng đá của bố. Cũng nhờ cái tên này, anh thấy cuộc sống sinh động, thú vị hơn nhiều.

Bố mê vua bóng đá, đặt tên con là Pê Lê

Bác sĩ ở Hà Tĩnh tên như vua bóng đá, kể chuyện hài hước ở phòng khám-1

]Cả ba anh em Pê Lê đều có tên gọi độc lạ

Pê Lê kể, bố anh là “fan cứng” của huyền thoại bóng đá Brazil – Pelé. Khi anh còn trong bụng mẹ, bố anh đã ấp ủ đặt cho con trai cái tên liên quan đến cầu thủ nổi tiếng này.

Ngày đi làm giấy khai sinh cho con trai, bố Pê Lê nhất quyết đặt tên con là Pelé, nhưng cán bộ xã từ chối nên phải để tên theo phát âm tiếng Việt là “Pê Lê”.

Pê Lê có một người anh trai và một người em gái. Hai người này cũng được bố Pê Lê gửi gắm niềm đam mê bóng đá vào cái tên.

“Bố mình mê bóng đá, nên đặt tên con theo tên cầu thủ yêu thích. Anh trai mình tên Trần Pa Panh, đặt theo tên cầu thủ Pháp – Jean Pierre Papin, em gái mình tên Trần Jenny, đặt theo tên vợ một cầu thủ khác”, Pê Lê chia sẻ.

Chàng trai Hà Tĩnh luôn cảm thấy cái tên đã “vận” vào người mình. Mang tên giống cầu thủ bóng đá nổi tiếng, anh cũng có niềm đam mê đặc biệt với bóng đá. Thời sinh viên, anh từng là đội trưởng đội bóng của khoa.

“Ngặt một nỗi, khi mình sút trúng lưới thì không sao, còn sút trượt là mọi người lại hô tên vua bóng đá Pelé”, anh chàng hài hước kể.

Bệnh nhân nhầm là bác sĩ ngoại quốc

Cái tên đặc biệt đem đến cho Pê Lê nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Thuở đi học, Pê Lê luôn là cái tên đầu tiên được thầy cô gọi lên trả bài. Mỗi lần được điểm danh, anh chàng đều cảm nhận xung quanh là những ánh mắt tò mò.

Thế nhưng, Pê Lê ít khi phải trả lời câu hỏi: “Tại sao lại tên là Pê Lê?”. Bởi, đa phần mọi người đều đoán được tên gọi của anh liên quan đến huyền thoại bóng đá Pelé.

Cán bộ làm giấy tờ thường cười khi nghe thấy cái tên Pê Lê. Có lần đi nhậu, anh phải chìa thẻ căn cước công dân để chứng minh Pê Lê là tên thật, không phải biệt danh. 

Pê Lê học ngành Y học cổ truyền của trường Đại học Y Dược Huế. Sau khi ra trường, anh công tác tại Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Tĩnh. Năm 2022, anh chuyển sang công tác tại Bệnh viện đa khoa TTH Hà Tĩnh. Hiện anh làm việc tại khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chứng năng đơn nguyên Thần kinh – đột quỵ.

Khi đi làm, mỗi lần giới thiệu tên, Pê Lê lại được thấy vẻ mặt ngạc nhiên của bệnh nhân. Một số người vì cái tên mà nhầm tưởng anh là bác sĩ ngoại quốc.

“Có lần mình ngồi phòng khám, bệnh nhân vào thấy mình trẻ quá liền hỏi: ‘Cháu lấy áo của bố mặc à?’. Mình giới thiệu là bác sĩ, ông ấy vẫn không tin, hỏi: ‘Thế cháu là điều dưỡng à?’. Mình đành đưa thẻ tên cho ông xem.

Nào ngờ thấy cái tên Trần Pê Lê, ông lật đật ra ngoài hỏi nhân viên bệnh viện: ‘Khám bác sĩ nước ngoài có phải trả thêm phí không? Bác có đăng ký khám chuyên gia nước ngoài đâu’. Tình huống ấy khiến mình dở khóc dở cười”, Pê Lê kể.

Pê Lê và bạn gái đã có 2 năm yêu. Cả hai gặp gỡ và nên duyên trong trường đại học nên bạn gái không quá lạ lẫm về cái tên Pê Lê. Thế nhưng, ngày theo bạn gái về nhà ra mắt, anh chàng vẫn khiến mẹ bạn gái bất ngờ.

Dù gặp nhiều tình huống oái oăm, nhưng Pê Lê luôn hãnh diện về tên gọi của mình. Anh thấy cái tên Pê Lê rất đẹp vì gửi gắm trong đó là niềm đam mê bóng đá của bố.

Với chàng trai Hà Tĩnh, tên gọi gắn liền với cuộc đời của mỗi người. Tên dù xấu hay đẹp, dù giản dị hay độc lạ cũng là món quà đầu đời bố mẹ trao tặng cho mình nên đáng được trân trọng.

Pê Lê tiết lộ thêm, anh đặc biệt hâm mộ cầu thủ Ricardo Kaká – cầu thủ Brazil nên ấp ủ dự định sau này sẽ đặt tên con là Trần Ka Ka.

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bac-si-o-ha-tinh-ten-nhu-vua-bong-da-ke-chuyen-hai-huoc-o-phong-kham-2304167.html

đặt tên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.