Bỏ Tết hay không không quan trọng, phụ nữ hãy giải phóng bản thân trước đã

Trước khi yêu và lăn xả vì người khác, hãy yêu lấy mình đầu tiên.

Trước khi yêu và lăn xả vì người khác, hãy yêu lấy mình đầu tiên.

Tết có là gì, khi quanh năm chị em vẫn thi nhau làm nữ cường nhân

Tết năm nay đến sớm hơn mọi năm. Gặp nhau chớp nhoáng trong giờ nghỉ trưa, tôi được dịp tâm sự chuyện Tết nhất với mấy nàng bạn thân. Hỏi han ngày Tết các nàng có phải bận rộn chuẩn bị gì không, và đây là các câu trả lời:

- Giời ơi, từ 28 đến 30 Tết, mỗi ngày xác định rửa mặt bằng trăm cái nem, đánh răng bằng chục con gà để mẹ chồng vừa bán hàng vừa biếu xén vừa để nhà ăn, rồi quay cuồng dọn nhà, lau nhà, sắm sửa đồ ăn bánh kẹo đồ trang trí…

- Tao á, quần quật lo kiếm tiền để biếu ông bà hai bên, năm nay chồng làm ăn chẳng được mấy, cuối năm chịu khó cày kéo kiếm thêm được đồng nào thì được. Cả tháng rồi có tối nào được chơi với con đâu vì về nó ngủ lăn quay từ lúc nào rồi. Mình cũng mệt phờ râu trê.

- Năm nay chắc (lại) không được về quê sớm ăn Tết với ông bà ngoại rồi. Ông bà nội với bố cu Bi (tên con trai nàng ấy) muốn cả nhà ở đây rồi đến mùng 3 mới được về quê.

Còn nhiều câu chuyện nữa, nhưng nghe kể thì thấy chuyện nào cũng nhuộm đầy mà tiêu cực, chán nản, thậm chí là vô cùng bi kịch! Tết nhất gì chả thấy vui vẻ gì, ai cũng quay cuồng với đồ ăn thức uống, với tiền nong, công việc, rồi lo đối nội đối ngoại… Phụ nữ, từ đó mà sợ Tết vô cùng. Khi mà mỗi ngày là một mâm cơm cúng, là vài mâm bát đĩa phải dọn rửa, là làm gì cũng phải vội vàng tranh thủ vì còn lo cho con, cho chồng trong khi thấy ai cũng vểnh râu ngồi đón Tết. Nhưng ngẫm lại, thì những người phụ nữ ấy, 360 ngày còn lại cũng đều sắm vai nữ cường nhân cả mà.

Bỏ Tết hay không không quan trọng, phụ nữ hãy giải phóng bản thân trước đã - Ảnh 1.

Thay vì gồng mình lên, sao chị em không thoải mái chiều chuộng bản thân hơn?

Của đáng tội, nhiều nàng cũng mê được khen, được khoác những tấm huy chương vô hình của nhà chồng, của họ hàng nội ngoại, thậm chí của hàng xóm hay đồng nghiệp lên người, kiểu như "Ôi con bé ấy đảm đang lắm, một tay nó lo Tết cho cả nhà!", thế là lại mắm môi mắm lợi gồng người lên để đóng "siêu nhân" cho tròn vai.

Họ là những người mà ngày thường hay ngày Tết cũng không khác nhau là mấy, lúc nào cũng xấp xấp ngửa ngửa chợ búa cơm nước, đi làm, đón con, chăm con, nghĩ kế chiều chồng, chiều nhà chồng… Thế nên đừng trách Tết làm chị em phát mệt. Chính chị em đang tự làm mình mệt khi cứ bị hai chữ "hi sinh" nó làm mụ mị cả đầu!

Ngày Tết, quan trọng nhất vẫn là tinh thần và tình thân

Ngày Tết, đáng quý nhất vẫn là không khí. Là cảm giác muốn trở về sum họp cùng gia đình, hay cảm giác "một khởi đầu mới tinh", tựa như cuộc đời cho chúng ta một cơ hội lớn để làm lại mọi thứ. Ý nghĩa của Tết thiêng liêng, cao quý và thắm đượm tính nhân văn như vậy. Chúng ta đừng vì những vất vả, những phú quý sinh lễ nghĩa kia mà tự gán cho Tết cái mác "mệt mỏi", "tốn kém" hay "thừa thãi, không cần thiết".

Có rất nhiều cách để đón Tết.

Người chọn ĂN TẾT sẽ chỉ nặng nề những bữa ăn, làm sao cho ngập đầu, ngập mồm, ngập miệng. Ngày Tết vì thế quanh đi quẩn lại toàn bánh chưng bánh tét thịt gà thịt lợn, ngấy và đáng sợ vô cùng.

Người chọn CHƠI TẾT sẽ nghĩ đến việc đi chơi ở đâu, du lịch chỗ nào trong mấy ngày Tết được nghỉ. Khi ấy, chúng ta sẽ không quá đặt nặng vấn đề ăn uống, mà sẽ nghỉ ngơi, thư giãn được nhiều hơn. Khi ấy, Tết sẽ thực sự trở thành dịp lễ đáng mong chờ.

Bỏ Tết hay không không quan trọng, phụ nữ hãy giải phóng bản thân trước đã - Ảnh 2.

Hãy cứ tận hưởng mọi thứ theo cái cách bạn muốn.

Người chọn LỄ NGHĨA sẽ nghĩ Tết chỉ đơn giản là dịp để thể hiện tình cảm với cấp trên, với gia đình hai bên, vậy là xong. Không nghỉ ngơi, không chia sẻ, không cùng gia đình sum họp đoàn viên. Tất cả chỉ là nghĩa vụ. Tết khi ấy sẽ nhạt nhẽo vô cùng.

Người chọn TẬN HƯỞNG TẾT chắc chắn sẽ là người có được cái Tết trọn vẹn nhất. Với những bữa cơm đơn giản nhưng ấm cúng, đầy đủ thành viên trong gia đình. Với những chuyến du xuân, đi lễ đầu năm. Với những lần tụ tập cùng bạn bè, cho một năm mới rộn ràng tiếng cười vui và không còn cảm giác cô đơn lạc lõng vì cả năm chẳng có thời gian gặp gỡ ai.

Bỏ Tết hay không không quan trọng, phụ nữ hãy giải phóng bản thân trước đã

Chị em thấy không, Tết nặng hay nhẹ, mệt hay nhàn, vui hay chán, ngắn hay dài đều do chúng ta mà thành.

Đừng biến mình thành một con rô-bốt làm việc quanh năm không mệt mỏi. Tết cũng quay mòng mòng chỉ để làm vừa lòng người khác. Khi ấy, công sức vừa không được coi trọng, mà lỡ chẳng may nói dại làm mệt quá rồi ốm gục ra đấy, cái bạn nhận được sẽ chỉ là những lời phàn nàn, chép miệng kiểu "Tết nhất lại lăn ra ốm, chán đời!", vậy thôi.

Bỏ Tết hay không không quan trọng, phụ nữ hãy giải phóng bản thân trước đã - Ảnh 3.

Trước khi yêu và lăn xả vì người khác, hãy yêu lấy mình đầu tiên.

Cũng đừng quá quan trọng việc Tết có được về nhà ăn Tết cùng bố mẹ đẻ hay không. Chúng ta hay làm quá lên khiến mỗi chuyến tàu dịp Tết cứ như cuộc li biệt không ngày gặp lại. Nếu thực sự muốn về thăm bố mẹ, thì quanh năm lúc nào cũng có dịp để bạn về. Xấu đều hơn tốt lỏi. Thà mỗi cuối tuần về thăm bố mẹ còn quý hơn rất nhiều mấy ngày Tết không được về hay về ít ngày rồi lại nước mắt ngắn dài cứ như phim Hàn Quốc.

Và quan trọng nhất, hãy để Tết là dịp NGHỈ LỄ, để xả hơi và bắt đầu năm mới thật phấn khích, chứ không phải là dịp THỂ HIỆN, hay lấy le với nhà chồng, với họ hàng. Đã đến lúc chị em cần phải phóng tư tưởng khỏi cơn nghiện các loại mề đay công nhận tài nữ công gia chánh của mình nữa. Hãy làm điều khiến mình thoải mái và vui vẻ, chứ không phải làm người khác thoải mái và vui vẻ.

Chừng nào chị em còn ngại ngùng không dám giải phóng bản thân và tư tưởng, chừng nào còn ngậm bò hòn làm ngọt chuẩn bị đến cả chục mâm cỗ rồi lại ôm gối hậm hực cả tối vì không ai thông cảm quan tâm, thì khi ấy Tết còn đáng sợ!

Theo Trí thức trẻ


phụ nữ

Tết

Tết cổ truyền


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.