'Các bác giảng hòa với bố tôi để tới tắm nhờ'

Nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều người ở khu vực Hà Nội phải chống chọi bằng các biện pháp tạm thời như mua nước tích trữ, đi tắm nhờ...

Nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều người ở khu vực Hà Nội phải chống chọi bằng các biện pháp tạm thời như mua nước tích trữ, đi tắm nhờ hoặc chuyển sang nhà người quen ở.

Cả năm trời không nói chuyện với nhau do bất đồng, tối 16/10, nhà Hoài Thư (Yên Phụ) bỗng được đón tiếp gia đình anh trai của bố tới thăm. Qua đoạn chào hỏi, bố mẹ và Thư mới vỡ lẽ ra mọi người muốn tới tắm nhờ.

Nhà các bác Thư ở khu Thanh Xuân - vùng trũng của cơn khủng hoảng mất nước. "3 không: Không ăn - không tắm - không vệ sinh", bác cả của Thư kết luận.

Con gái bác đang ở cữ sau khi sinh con, không có nước đồng nghĩa với việc đám quần áo, khăn xô của đứa nhỏ 3 tháng tuổi chồng chất ở góc phòng.

Hai hôm nay, hai ông bà hơn 60 tuổi thay nhau xếp hàng lấy nước cho con tắm giặt. Nước đóng chai bán ở các siêu thị gần nhà cũng cạn kiệt.

Hết cách, mọi người đành tới nhà chú út. Khu vực này dùng nước của nhà máy nước Yên Phụ, may mắn không bị ảnh hưởng bởi sự cố của nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Các bác giảng hòa với bố tôi để tới tắm nhờ-1
Người dân tại một số khu dân cư ở Hà Nội phải vất vả đi xách nước. Ảnh: Hoàng Việt.

Thấy anh chị tới chơi, cha mẹ Hoài Thư sau giây phút bất ngờ cũng nhiệt tình mời mọi người ngủ lại 1 đêm. Gia đình cũng sắp xếp phòng trống để hai mẹ con cô cháu gái mới sinh ở lại vài ngày.

"Đầu năm nay bố và bác cãi cọ vài chuyện gia đình, hai nhà giận nhau từ đó. Hóa ra sự cố mất nước lại giúp gia đình mình giảng hòa", Hoài Thư kể.

Giống như câu chuyện của gia đình người bác, những ngày này, hình ảnh dân chung cư ở Hà Nội xách xô chậu xếp hàng nhận nước như thời bao cấp, quầy bán nước trong các siêu thị "sạch bong", những cốp ôtô chất đầy nước đóng chai... ngập tràn mạng xã hội.

Tất cả đều là hậu quả vụ việc nước sạch được cấp ra từ nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm nặng.

Người phải vật vã đi sang nhà bạn tắm nhờ giữa đêm, hàng chục nhân viên chịu cảnh nhịn đi vệ sinh cả sáng ở công ty vì sợ không có nước xả hay cô nàng công sở suýt trễ giờ họp vì không có nước đánh răng là điển hình cho những câu chuyện bi hài mà người dân thủ đô đang nếm trải.

Deadline không đáng sợ bằng ngày mai bị cắt nước

Thuê trọ trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), Hà Trang (24 tuổi) cảm thấy may mắn khi nhà mình không rơi vào khu vực bị ô nhiễm nước suốt những ngày qua.

Tòa nhà cô làm việc trên đường Nguyễn Cơ Thạch gần đó có dùng nguồn cấp nước từ sông Đà, nhưng cô an tâm nó không mấy ảnh hưởng vì cô không dùng nước ấy để uống hay nấu ăn. 

Thế nhưng, "niềm vui chẳng tày gang" khi sáng 17/10, vừa đặt chân đến cơ quan, cô nghe tin cả tòa nhà bị cắt nước. 

Mọi chuyện vẫn yên bình cho đến khi Trang cảm thấy muốn đi vệ sinh. Chợt nhớ ra không có nước, cô đành nín nhịn. Những đồng nghiệp xung quanh cô cũng rơi vào "thế bí". Suốt buổi sáng, cả văn phòng không thể tập trung làm việc gì. 

"Đến trưa, mình cùng mọi người bỏ cơm canteen, đi ăn ở ngoài, tranh thủ tìm chỗ đi vệ sinh. Cả hội nhắc nhau vào nhà hàng phải chọn món nào ít nước để buổi chiều về còn làm việc", Trang hài hước kể.

Chỉ mới bị cắt nước một ngày, Trang cảm thấy "hành trình" đi làm thật sự gian nan.

"Điều bọn mình lo nghĩ nhất không phải là deadline mà chính là ngày mai đi làm không biết có nước không", cô nói.

Các bác giảng hòa với bố tôi để tới tắm nhờ-2
Những người dân chung cư mệt mỏi khi phải tìm cách trữ nước sinh hoạt. Ảnh: Nhóm phóng viên.

Sáng thứ 5, Thanh Huyền (nhân viên truyền thông) thức dậy từ lúc 6h để hoàn thành báo cáo còn một chút dở dang cho cuộc họp lúc 8h.

Thấy em gái cũng dậy chuẩn bị đi học, Huyền nhắc: "Nước trong chai lavie, nhớ để một ít cho chị rửa mặt".

Mấy ngày nay, căn nhà trọ khu Mỹ Đình nơi cô ở nước bị nhiễm bẩn nặng, Huyền phải đi mua nước đóng chai về dùng tạm. Hai chị em cô dặn nhau phải tiết kiệm từng cốc nước.

Không để ý em có nghe mình nói không, cô miệt mài gõ tiếp số liệu còn sót. Ngồi làm đến hơn 7h mới xong, Huyền mới đứng dậy chuẩn bị đánh răng rửa mặt để đi làm, tự xác định trong đầu hôm nay lại lỡ mất bữa sáng.

Đi vào nhà vệ sinh, nhìn thấy chai nước 5 lít cạn trơ, cô tá hỏa. Rõ ràng đêm qua bình nước vẫn còn đầy, cô thắc mắc không biết em gái mình đã dùng kiểu gì mà hết.

Cửa hàng tạp hóa khá xa, nếu chạy đi mua nước về dùng, chắc chắn cô sẽ bị muộn giờ họp. Bực mình nhưng không biết xử lý thế nào, Huyền đành bỏ bàn chải và kem đánh răng để lên công ty "dùng ké". 

Đi tắm nhờ, tạm 'di cư'

Nguyễn Hằng (nhân viên văn phòng) lao đao khi khu vực Mỹ Đình cô đang ở cũng gặp tình trạng ô nhiễm vì dùng nguồn cấp nước lấy từ sông Đà.

Tối 16/10, vừa từ quê trở lại Hà Nội để làm việc, cô bất ngờ khi khu nhà của mình bị cắt nước.

Mệt mỏi vì vừa đi đường xa, Hằng vẫn phải sang nhà bạn tắm nhờ giữa đêm.

"Sáng ra đi làm, mình vẫn hoang mang, chưa nắm rõ chuyện gì đang xảy ra. Không nắm được thông tin liệu nhà mình có được cấp nước viện trợ từ xe bồn của thành phố không. Nghe nói phải gọi đăng ký thông tin gì đó mới được lấy nước nhưng không có ai thông báo gì với mình", Hằng chia sẻ.

Điều cô lo lắng nhất hiện tại là nhà bị cắt nước nhưng không biết đến bao giờ có lại.

Các bác giảng hòa với bố tôi để tới tắm nhờ-3
Chị Yến cùng người dân ở KĐT Linh Đàm phải xếp hàng lấy nước như thời bao cấp. Ảnh: Ngọc Yến.
 

Vừa qua "cơn bão" ô nhiễm thủy ngân do cháy nhà máy Rạng Đông chưa lâu, Nguyễn Phương (23 tuổi, nhân viên văn phòng) đang ở trọ khu vực Thanh Xuân lại lo lắng vì tình trạng nước nhiễm dầu, độc hại.

Trước đó nhiều ngày, cô thấy nước sinh hoạt xuất hiện mùi lạ. Lướt trên khắp các diễn đàn mạng cô mới hoảng hốt biết khu vực nhà mình bị ô nhiễm.

"Lúc đầu thấy có mùi hơi lạ nhưng mình vẫn sử dụng bình thường, tưởng đó là mùi hóa chất xử lý nước. Đến khi đọc tin tức thấy nói nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu, mình tá hỏa", Phương nói.

Những ngày gần đây, mỗi chiều tan ca, bên cạnh "chống chọi" với tắc đường, Nguyễn Phương còn phải ì ạch ghé vào cửa hàng mua vài bình nước đóng chai.

"Mỗi ngày mình phải xách 2 bình nước 5 lít leo bộ lên tầng 5 vì nhà mình ở không có thang máy. Nước sạch mua về, mình chỉ dám để uống, dùng đánh răng, rửa mặt. Muốn tắm rửa, mình phải đi sang nhà bạn ở đó khá xa để tắm nhờ", cô chia sẻ.

Các bác giảng hòa với bố tôi để tới tắm nhờ-4
Người dân mua nước đóng chai để đối phó tạm thời với mất nước. Ảnh: Nhóm phóng viên.

Không chỉ Nguyễn Phương mà một số đồng nghiệp ở chỗ làm cũng mệt mỏi vì rơi vào hoàn cảnh chung.

"Hôm qua đi làm, có một chị cùng công ty đang sống ở khu Hà Đông xin nghỉ phép vì sốt. Chị ấy bảo chắc do dùng phải nước nhiễm bẩn nên da chị nổi mẩn, không biết phải xử lý như thế nào", cô kể.

Sau một ngày bị cắt nước hoàn toàn, vì lo lắng, Nguyễn Phương quyết định chiều đi làm về sẽ mang đồ sang ở nhờ nhà bạn ở Cầu Giấy ít hôm.

"Mình hy vọng tình hình sớm được giải quyết vì không thể ăn nhờ ở đậu mãi. Hết nhiễm độc thủy ngân hôm cháy nhà máy đến vụ này. Bạn mình bảo hay chuyển trọ đi chỗ khác nhưng khắp Hà Nội, mình không biết được nơi mình đến liệu có ô nhiễm hay không. Đành sống chung với nó vậy", Phương bày tỏ.

Theo Zing


nước ô nhiễm

Nước bẩn

Mất nước

nước sạch


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.