Cúng Vu Lan và cúng cô hồn phải biết điều này

Rất nhiều người vẫn nhầm lẫn lễ Vu Lan với lễ Xá tội vong nhân là một nên thường làm một mâm cơm cúng gia tiên trong nhà và mâm cúng chúng sinh ở ngoài sân.

Rất nhiều người vẫn nhầm lẫn lễ Vu Lan với lễ Xá tội vong nhân là một nên thường làm một mâm cơm cúng gia tiên trong nhà và mâm cúng chúng sinh ở ngoài sân.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tâm linh, lễ cúng gia tiên nên làm buổi trưa và cúng chúng sinh thì làm buổi chiều tối thì cô hồn mới nhận được.

Các Phật tử cài bông hồng vào áo để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Ảnh: U.H
Các Phật tử cài bông hồng vào áo để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Ảnh: U.H

Điểm khác của lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân

Theo nhà nghiên cứu tâm linh, TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA), với người Việt, đại lễ Vu Lan cũng là lễ báo hiếu thiêng liêng của Phật giáo, nhà nhà sắm lễ đi chùa cầu siêu cho bố mẹ và gia tiên. Các tăng ni, Phật tử cài bông hồng vào áo để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Các gia đình thắp hương, biện cỗ cúng bái.

Theo tích Vu Lan nhà Phật, ngài Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ bị đày làm quỷ đói, nhưng không cứu được mới cầu xin Phật giúp mẹ ra khỏi cảnh giới khổ đau. Nhưng Phật cũng không thể dùng phép thuật thần thông cải nghiệp để cứu, mới dạy mời các chư tăng tu hành chánh đạo sau khi kết thúc mùa an cư kiết hạ sẽ tinh tấn về đạo lực đúng Rằm tháng 7 tham gia đăng đàn chẩn tế thì mới có thể cứu được. Đúng ngày, các vị chư tăng đăng đàn chẩn tế đạt thành tựu viên mãn đã cứu được mẹ của Mục Kiền Liên ra khỏi địa ngục.

Từ đó về sau, những người con hiếu thảo theo gương ngài Mục Kiền Liên, cúng lễ Vu Lan và cúng dường trai tăng, tụng kinh cầu siêu… cầu nguyện để cứu độ cha mẹ, gia tiên. Đồng thời chẩn tế, bố thí công đức cho thập loại chúng sinh. Đó chính là ý nghĩa cao đẹp của Lễ Vu Lan, sau này bị các thầy, bà mê tín làm biến dạng, vẽ ra nhiều nghi thức cúng lễ khác sa vào mê tín dị đoan, bói toán, đốt mã, sát sinh… nhiều.

Lễ Vu Lan xuất phát từ tâm nguyện hiếu thảo, hồi hướng cho người đã khuất.

Quan trọng nhất là thực hành hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà họ đang còn sống, phát nguyện hồi hướng công đức cho họ khi đã khuất sớm chấm dứt đau khổ, nuôi dưỡng lòng hiếu thảo cho người đang sống đối đãi với cha mẹ, người thân thuận hòa, an vui. Mọi người nên tham dự lễ Vu Lan mỗi năm một lần, không vì mưu sinh mà quên công ơn cha mẹ, nhất là người đã khuất dịp này. Đối với người con quanh năm hiếu thảo với ông bà cha mẹ, làm điều thiện với mọi chúng sinh thì ngày nào cũng là lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan trùng vào ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông, gọi là ngày cúng cô hồn (Tết quỷ). Theo tích "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh", ngài A Nan Ðà (A Nan) đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả lửa vào báo 3 ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. Nhưng nếu thí cho bọn ngạ quỷ mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì quỷ mà cúng dường Tam Bảo thì sẽ được tăng thọ và quỷ cũng sẽ được sanh về cõi trên.

A Nan bạch với Phật, và được cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng, sau này gọi là lễ cúng Phóng diệm khẩu (bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa) và dân gian hiểu rộng ra là cúng cô hồn (cúng thí cho vong hồn không có thân nhân cúng bái) và lễ cúng tha tội cho tất cả những người chết và mới có “ngày Rằm xá tội vong nhân". Cũng theo truyền thuyết dân gian, Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan từ mùng 2/7 âm lịch kéo dài tới 12 giờ đêm ngày Rằm tháng 7 mới đóng lại. Trong những ngày đó ma quỷ trở về dương gian, người dân thường đốt nến, hóa vàng, cúng quỷ đói để ma quỷ không phá hoại.

Thời điểm cúng Vu Lan và cúng chúng sinh tốt nhất

Các nhà tâm linh cho rằng, lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan nhưng có thể thực hiện trong cùng một ngày.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người), cúng Vu Lan báo hiếu bố mẹ, tổ tiên nên làm buổi sáng ngày Rằm tháng 7. Mọi người nên vào chùa tham dự lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên vào ban ngày, sau đó về nhà làm một mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên.

Vu Lan báo hiếu cúng chay hay mặn là do tín ngưỡng của mỗi người. Nhưng theo nhà Phật, dâng cúng đồ sát sinh thì vong linh sẽ tham luyến tiếc cõi trần, khổ cho gia tiên trong các kiếp tái sinh sau này. Nếu cúng chay, thân thức các linh hồn sẽ hiền lương, nhân ái khi tái sinh trong kiếp sau. Vật phẩm tùy ý, quan trọng là khi cúng lễ cần tỏ lòng thành kính, các cụ “trách bỏ giỗ chứ không ai trách giỗ mọn”. Cha mẹ cũng không đòi hỏi con cháu phải phụng dưỡng, dâng biếu phẩm vật đắt tiền tốn kém, mà chỉ cần con cháu hiếu thảo.

Ngoài cúng lễ chay, con cháu chú ý làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ. Nhắc nhở cho con cháu sống theo truyền thống hiếu đạo. Bất cứ khi nào ta sám hối và tiêu trừ được nghiệp chướng thì lúc đó địa ngục tự mở. Tâm an lạc thì địa ngục tự tiêu tan.

Cúng cô hồn nên làm vào buổi chiều tối, thực hiện ngày nào tùy gia chủ. Nhưng cúng ở ngoài nhà và cúng khoảng từ 17 giờ tới trước 22 giờ. Mâm lễ cúng cho những vong hồn lang thang chưa được siêu thoát gồm cỗ chay (hoặc mặn), với tiền vàng, hoa quả bánh kẹo, bỏng nẻ, cháo, quần áo chúng sinh…

Sở dĩ phải cúng vào chiều tối vì quan niệm dân gian cho rằng, ban ngày làm các vong hồn suy yếu tới sẩm tối mới tích tụ lại. Cúng buổi tối thì các cô hồn mới nhận được phẩm cúng bố thí. Lưu ý là nếu cúng trước ngày Rằm tháng 7 là cúng cô hồn, không phải cúng Vu Lan.

Theo GĐXH


rằm tháng bảy

Vu Lan

tháng cô hồn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.