"Đánh cược" sang Hàn Quốc lao động, cô gái nghèo có cuộc sống như mơ

Quyết không thi lên đại học vì nhà nghèo, Ánh nhờ bố mẹ vay mượn hơn 200 triệu để sang Hàn Quốc. Giờ đây cô gái "con nhà nghèo" năm ấy đã có cuộc sống mà nhiều người ngưỡng mộ.

Lựa chọn chông gai nơi xứ người

Từ khi học cấp 3, Lê Thị Ngọc Ánh (22 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) hạ quyết tâm không thi lên đại học, cô gái trẻ nói với bố mẹ muốn đi nước ngoài kiếm tiền vì nhìn thấy cơ hội có thể thay đổi cuộc đời khi đi xuất khẩu lao động.

"Gia đình em nhà nông, điều kiện kinh tế khó khăn, nhà lại đông con nên bố mẹ rất vất vả nuôi 3 chị em ăn học. Vì thế, ngay từ khi học cấp 3 em đã quyết tâm không thi lên đại học để đi xuất khẩu lao động.

Khi đó em nghĩ 4 năm học tốn của bố mẹ khá nhiều tiền, cũng bằng một "vé" đi xuất khẩu lao động mà học xong không biết có xin được việc hay không. Vì vậy, em đề xuất nhờ bố mẹ vay mượn giúp để em được đi nước ngoài làm việc", Ánh đã thuyết phục được bố mẹ vay mượn ngân hàng, anh em cho hơn 200 triệu để sang Hàn.

Đánh cược sang Hàn Quốc lao động, cô gái nghèo có cuộc sống như mơ-1

Học hết cấp 3, Ánh quyết định không thi lên đại học, cô nói với bố mẹ muốn đi nước ngoài kiếm tiền vì nhìn thấy cơ hội có thể thay đổi cuộc đời khi đi xuất khẩu lao động (Ảnh: NVCC).

Năm 2020, thấy những người cùng quê sang Nhật Bản lao động nhưng công việc có phần bấp bênh, thu nhập không ổn định, Ánh quyết định đi Hàn Quốc theo con đường du học visa (thị thực) D2.

Ánh tâm sự, khó khăn lắm thời điểm đó gia đình mới vay mượn đủ tiền cho cô sang Hàn. Áp lực trả nợ, phụ giúp bố mẹ đè nặng lên vai cô gái 18 tuổi. Ngày đặt chân sang Hàn, cô hạ quyết tâm bằng mọi cách phải cố gắng "làm việc, làm việc và làm... thật nhiều việc".

"Em sang Hàn đi theo diện du học, visa D2 có thời hạn lưu trú 2 năm, sau khi học tiếng xong có thể gia hạn để ở lại học tiếp. Nói là du học chứ thật ra 70% mọi người sang đây đều để làm kinh tế, mưu sinh.

Hơn nữa em biết khả năng của bản thân tới đâu, nên khi qua đây em chỉ mong gia hạn thêm thời gian ngày nào thì đi làm thêm ngày đó, để kiếm tiền gửi về quê đỡ đần bố mẹ", Ánh kể, thời gian đầu cô từng làm thêm 2 công việc mỗi ngày.

Đánh cược sang Hàn Quốc lao động, cô gái nghèo có cuộc sống như mơ-2

Ánh cho biết, quyết định năm ấy giúp cô thay đổi hoàn toàn cuộc sống (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, Ánh đang theo học chuyên ngành du lịch tại một trường đại học ở Seoul (Hàn Quốc). Ngoài thời gian lên lớp, cô bắt đầu đi làm thêm ở quán ăn từ 16h-22h tối với mức thu nhập 13.000 won/giờ. Mỗi tháng Ánh kiếm được 2,2 triệu won, tức gần 40 triệu đồng, tính theo tỷ giá hiện tại.

"Em may mắn hơn các bạn khác khi dịch Covid-19 mọi người không có việc làm thêm nhưng công việc của em ở quán vẫn ổn định, chủ lại tốt. Nhờ đó mà sau 2 năm, trừ chi phí ăn, ở, học phí thì số tiền em gửi về, bố mẹ cũng đã trả hết nợ và có tiền nuôi 2 em ở nhà ăn học.

Tuy sang Hàn Quốc không như những gì em từng tưởng tượng nhưng ở đây công việc mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với cùng công việc ở Việt Nam. Làm vất vả nhưng nếu chăm chỉ thì số tiền kiếm được đủ để lo cho tương lai sau này", Ánh tâm niệm.

Nói về dự định sắp tới, Ánh cho biết cô sẽ cố gắng hoàn thành 4 năm đại học và khoảng thời gian đó là đủ để cô hoàn thành ước nguyện xây nhà cho bố mẹ.

"Cho đến giờ em cảm thấy quyết định đi Hàn Quốc thực sự đã làm thay đổi cuộc sống, suy nghĩ của em. Nếu ngày ấy thi đại học rồi đi học thì giờ em vẫn không thể giúp được gì cho gia đình.

Còn sang đây, sau vài năm chăm chỉ vừa học vừa làm, em có thể xây cho bố mẹ ngôi nhà khang trang hơn, để bố mẹ và các em ở nhà cũng đỡ vất vả hơn", Ánh nói.

Giằng xé ở lại hay bỏ trốn

Học cùng trung tâm tiếng Hàn với Ánh, anh Bùi Xuân Đồng (quê Tam Nông, Phú Thọ) học xong đại học chuyên ngành báo chí, quyết định không xin việc ở Việt Nam mà lựa chọn sang Hàn Quốc để kiếm tiền.

Từ khi ra trường, mất hơn 2 năm anh mới sang được Hàn Quốc. Hơn 3 năm trước, anh dự định đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản nhưng do hồ sơ trục trặc, 2 lần anh không thể xin được visa đi Nhật.

Đánh cược sang Hàn Quốc lao động, cô gái nghèo có cuộc sống như mơ-3

Học xong đại học, anh Đồng không xin việc ở Việt Nam mà lựa chọn đi du học Hàn Quốc để có cơ hội kiếm tiền (Ảnh: NVCC).

"Có lẽ mình có duyên với Hàn Quốc hơn nên 2 lần học tiếng Nhật, làm hồ sơ để xin visa mình đều bị trượt. Trong khoảng thời gian đó, ban ngày mình chạy xe ôm, tối đến làm trợ giảng giúp các thầy ở trung tâm tiếng Nhật. Đến giữa năm 2019, mình quyết định học tiếng Hàn thì đi được luôn. Thời điểm đó không có bạn bè bên Hàn nhưng quyết tâm đi nước ngoài lớn quá nên khi được, mình không nghĩ ngợi gì, "chốt" luôn", anh chia sẻ.

Gần nửa năm sau khi sang Hàn Quốc, khi việc học tập dần ổn định, anh xin được việc làm thêm tại một quán ăn. Đó cũng là lúc số tiền mang sang đã cạn sạch. 

"Làm được 2 tháng, ông chủ người Hàn cứ bớt tiền lương nên mình nghỉ việc, xin làm ở một quán ăn khác. Bên này nếu chịu khó thì kiếm việc làm thêm không có gì khó.

Mình sang đi du học nhưng kiếm tiền mới là cái đích mình hướng đến. Bố mẹ đã vất vả nuôi mình 4 năm đại học, lại vay mượn thêm để cho mình đi. Ai ở trong hoàn cảnh đó cũng đều phải nỗ lực kiếm việc, kiếm tiền thôi", anh Đồng chia sẻ.

Đánh cược sang Hàn Quốc lao động, cô gái nghèo có cuộc sống như mơ-4

Ngoài thời gian đi học, anh Đồng làm thêm tại một quán ăn. Với thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng, anh vừa trang trải được cuộc sống bên Hàn, vừa có tiền gửi về cho gia đình (Ảnh: NVCC).

Nhưng rồi khó khăn nhanh chóng ập đến, giữa năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát khiến việc học tập của anh phải gác lại, công việc làm thêm cũng ít đi.

"Khi chưa làm được gì phụ giúp bố mẹ thì lại phải xin tiền nhà gửi sang để đóng học. Nhiều bạn học cùng mình khi đó không chịu được, phải về nước, còn mình thì cố bám trụ lại đợi xin việc làm thêm.

Trước khi chưa có dịch, mình làm thêm 9 tiếng ở quán ăn, từ 2h chiều đến 11h đêm. Đợt Covid, quán ăn ít khách nên thời gian mình làm chỉ còn 5 tiếng. Thời gian này mình may mắn gặp được người chủ tốt, được giữ lại làm nên tháng cũng kiếm được khoảng 25 triệu đồng, số tiền không nhiều nhưng đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách", anh Đồng kể.

Theo anh Đồng, lúc khó khăn, không ít du học sinh tại Hàn lựa chọn bỏ học, trốn ra ngoài đi làm thêm vì áp lực phải gửi tiền về cho gia đình trả nợ. Một lần, anh cũng suýt bỏ học ra ngoài đi làm khi được bạn rủ.

"Thời gian ấy đi làm thêm việc ít, thu nhập thấp nên nhiều người bỏ học, trốn ra ngoài làm việc. Việc bỏ trốn ra ngoài nhiều rủi ro, lựa chọn như vậy rất mạo hiểm nhưng nhiều người tính, bỏ học thì 1 năm tiết kiệm được khoảng 10 triệu won (tương đương 180 triệu đồng) học phí, với thêm 15 triệu won tiền bảo hiểm", anh nói.

Đánh cược sang Hàn Quốc lao động, cô gái nghèo có cuộc sống như mơ-5

Anh Đồng và bạn gái hiện tại nên duyên nhờ quyết định sang Hàn (Ảnh: NVCC).

Giữa việc không đi học vẫn phải đóng học phí, tiền bảo hiểm và không có tiền gửi về cho gia đình với bỏ trốn ra ngoài làm việc, kiếm được khá tiền, không ít du học sinh như anh Đồng lựa chọn bỏ trốn.

Có người bỏ trốn nhiều năm không bị phát hiện, có người trốn ra ngoài 2 tháng bị bắt, bị trục xuất về nước. Nghĩ đến tương lai, anh Đồng không theo bạn, quyết định ở lại vừa học vừa xin đi làm thêm.

"Nhiều người mình biết bỏ trốn ra ngoài làm shipper, tháng kiếm được hơn 100 triệu đồng, có người làm xây dựng thu nhập cũng từ 100-120 triệu đồng/tháng. Bỏ ra ngoài kiếm được nhiều tiền nên nhiều người ham, mạo hiểm.

Nhưng bỏ trốn thì nỗi lo lắng lúc nào cũng đeo bám, đi trên đường thoáng thấy bóng lực lượng chức năng, mặt ai nấy đều tái mét. Chưa kể trốn ra ngoài thì mình không có bảo hiểm, ốm đau đi viện mà không có bảo hiểm thì chi phí cực kì đắt đỏ", anh Đồng cho biết, không ít người sang Hàn Quốc trải qua cảnh giằng xé, đấu tranh giữa việc học hay trốn ra ngoài, đi làm "chui".

Trải qua hơn 3 năm ở nước bạn, anh Đồng hiện tại có cuộc sống ổn định. Vừa học vừa làm thêm, mỗi tháng anh thu nhập không dưới 40 triệu đồng. Anh thở phào: "Nếu ngày ấy nghe theo bạn trốn ra ngoài không biết cuộc sống hiện tại như thế nào". 

 

Theo  Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/danh-cuoc-sang-han-quoc-lao-dong-co-gai-ngheo-co-cuoc-song-nhu-mo-20230321183130420.htm?fbclid=IwAR3DDEoE65UPFkZtFT7ZMVdTQxsC0cCqKN7THGd5w8IQoIzbjbVpAfUR9l8

xuất khẩu lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.