Hai mặt của U22 Việt Nam

Thất bại trước U22 Indonesia đến sau 90 phút thầy trò HLV Troussier thể hiện hai hình ảnh hoàn toàn đối lập trong việc kiểm soát bóng và phòng ngự.

Hai mặt của U22 Việt Nam-1

Phan Tuấn Tài và đồng đội không thể bảo vệ tấm HCV SEA Games. Ảnh: Y Kiện.

Được thi đấu ở một mặt sân tốt hơn, khả năng tạo ra cơ hội ăn bàn của các cầu thủ trẻ Việt Nam cũng được cải thiện một cách rõ rệt. Song, chừng ấy là chưa đủ để khỏa lấp đi hạn chế lớn trong khả năng kiềm tỏa sức mạnh và tốc độ của đối phương.

Hoàn thiện khả năng kiểm soát bóng

HLV Troussier chỉ tạo ra duy nhất một sự thay đổi đáng chú ý với đội hình vốn được coi là tối ưu nhất của U22 Việt Nam, khi trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng có mặt trong danh sách 11 cầu thủ đá chính sau màn thể hiện ấn tượng trước U22 Thái Lan.

Trên một mặt sân đảm bảo hơn, những gì các cầu thủ áo trắng thể hiện ở thời điểm có bóng có thể đánh giá là ấn tượng.

Vẫn là hướng triển khai bóng quen thuộc ở hành lang cánh trái, Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng và Lê Văn Đô cho thấy sự ăn ý trong thời điểm di chuyển và chuyền bóng của mình bằng việc thường trực giúp U22 Việt Nam tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân ở trạng thái chủ động.

Hai mặt của U22 Việt Nam-2

Những tình huống triển khai quen thuộc của U22 Việt Nam ở hành lang cánh trái, với Tuấn Tài và Minh Trọng.

Hai mặt của U22 Việt Nam-3

Văn Tùng cho thấy sự áp đảo về thể chất trong khu vực 16m50.

Ở trung lộ, Văn Tùng có một trận đấu cực kì sung mãn, khi không chỉ có mặt đúng thời điểm ở các vị trí có thể tạo ra pha dứt điểm trong khu vực 16m50 của đối phương, mà còn tỏ ra cực kì gọn gàng ở khả năng liên kết với các đồng đội xung quanh.

Hai mặt của U22 Việt Nam-4

U22 Việt Nam triển khai bóng gọn gàng qua cầu nối Văn Tùng để chuyển hướng tấn công.

Hai mặt của U22 Việt Nam-5

Tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân với trạng thái tốt để đưa bóng vào khu vực 16m50.

Ngay cả khi thường xuyên phải ở trong thế bám đuổi, U22 Việt Nam vẫn bình tĩnh chơi thứ bóng đá mà mình được huấn luyện, và có trận đấu tốt nhất ở khả năng tiếp cận khung thành đối phương bằng những phương án tấn công của mình.

Hai mặt của U22 Việt Nam-6

U22 Việt Nam đã tạo ra không ít những cơ hội rõ ràng trước U22 Indonesia.

Sự xuất hiện của trung vệ Ngọc Thắng cũng giúp sự cân bằng và đa dạng khi có bóng của U22 Việt Nam được cải thiện. Những cơ hội không chỉ được tạo ra từ khu vực hoạt động của Tuấn Tài, mà được trải đều trên khắp mặt sân.

Hai mặt của U22 Việt Nam-7

Ngọc Thắng giúp U22 Việt Nam có được sự đa dạng và cân bằng khi triển khai bóng.

Hai mặt của U22 Việt Nam-8

Thế trận tấn công tốt được U22 Việt Nam tạo ra với nhiều thời cơ đưa bóng vào vòng cấm địa.

Chính cầu thủ mang áo số 5 là người đã tham gia vào tình huống triển khai tấn công cùng Văn Đô và Văn Trường để tạo nên tình huống gỡ hòa 2-2 của U22 Việt Nam.

Những gì đã diễn ra trước U22 Indonesia sẽ là hình ảnh còn được lặp đi lặp lại với các ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier. Một đội bóng có tính tổ chức cao khi kiểm soát bóng, với các phương án tấn công đa dạng và có nhịp độ tốt.

Điểm yếu ở khả năng phòng ngự

Dẫu vậy, sự cải thiện ở khả năng kiểm soát bóng của cả tập thể không thể khỏa lấp đi hạn chế đến từ khả năng phòng ngự cá nhân của lứa cầu thủ trẻ này.

Một trong những tồn tại lớn nhất không chỉ diễn ra trong cuộc đối đầu với U22 Indonesia mà còn là xuyên suốt kì SEA Games 32 với U22 Việt Nam là việc chúng ta không thường xuyên thắng trong những tình huống tranh chấp cá nhân.

So với những Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình, các chốt chặn ở hàng phòng ngự trong tay ông Troussier vừa có ít kinh nghiệm trận mạc, vừa thiếu về sức mạnh thể chất và độ lì lợm ở từng tình huống phòng ngự cá nhân.

Không khó để nhận ra những tình huống các cầu thủ áo trắng đánh mất lợi thế tranh chấp ở 2 tới 3 nhịp chạm bóng liên tiếp của đối thủ, hay những tình huống U22 Việt Nam để U22 Indonesia khai thác khoảng trống sau lưng một cách tương đối dễ dàng.

Hai mặt của U22 Việt Nam-9

Hồ Văn Cường không thể thắng trong pha tranh chấp.

Hai mặt của U22 Việt Nam-10

Ngọc Thắng cũng không thể đoạt bóng trong tình huống dâng cao đồng bộ.

Đó là những pha tranh chấp cá nhân mà nếu thắng, sẽ mang lại lợi thế rất lớn về mặt tâm lý cũng như thể lực cho đội nhà. Còn nếu để đối thủ vượt qua, sẽ khiến toàn bộ đội hình phải tiếp tục di chuyển một quãng đường dài để thiết lập cấu trúc phòng ngự và giúp đối phương lấy lại được nhịp chơi.

Hai mặt của U22 Việt Nam-11

U22 Việt Nam vẫn để cho đối thủ khai thác các khoảng trống sau lưng.

Đỉnh điểm của sự non nớt ở khả năng phòng ngự chắc chắn là tình huống mở tỉ số của U22 Indonesia. Khi U22 Việt Nam đang bắt nhịp với trận đấu ấn tượng bằng khả năng kiểm soát thế trận của mình, thì chúng ta để đối phương có được lợi thế về tỉ số trong một pha ném biên.

Thanh Nhàn không thể làm tốt nhiệm vụ kiểm soát cá nhân lao vào từ tuyến 2 của mình, trong khi trung vệ Quang Thịnh thất bại trong việc cản phá đường bóng bổng ở tư thế hoàn toàn chủ động.

Hai mặt của U22 Việt Nam-12

Tình huống dẫn đến bàn thua thứ 1 của U22 Việt Nam, khi Thanh Nhàn không thể hạn chế cầu thủ dứt điểm, còn Quang Thịnh phán đoán bóng bổng không chính xác.

Hành trình tại SEA Games 32 lần này của HLV Philippe Troussier và các học trò cho thấy, chiến lược gia người Pháp hoàn toàn có thể thay đổi thói quen chơi bóng của lứa cầu thủ tiềm năng trong tay mình theo cách chủ động. Tuy nhiên, tâm lý và bản lĩnh thi đấu lại là thứ cần thời gian và trận đấu để các cầu thủ có thể tích lũy.

Trong bối cảnh được chơi hơn người và thậm chí đã có bàn gỡ hòa, U22 Việt Nam đã tạo ra không dưới 2 cơ hội rõ rệt để có thể giành vé vào chơi trận chung kết. Huỳnh Công Đến và các đồng đội tỏ ra quá nôn nóng để giải quyết trận đấu trong thời gian chính thức.

Tiền vệ mang áo số 15 đáng ra phải là người làm chậm các đồng đội lại, bình tĩnh và tỉnh táo hơn trong thời điểm cuối cùng của hiệp thi đấu thứ hai. Song, chính Công Đến lại là người để mất bóng dẫn đến tình huống U22 Indonesia ghi bàn ấn định tỉ số trận đấu. Đáng nói hơn, chỉ một phút trước pha bóng ấy, ông Troussier từ đường piste đã yêu cầu các cầu thủ phải làm chậm nhịp độ lại.

Dừng chân tại bán kết có thể xem là một thất bại với U22 Việt Nam tại SEA Games 32. Tập thể các cầu thủ trẻ trong tay HLV Troussier đã cho thấy những sự tiến bộ đáng ghi nhận trong hai tháng vừa qua, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế lớn ở bản lĩnh thi đấu.

Hy vọng, chính họ sẽ có thể cạnh tranh và được ra sân đều đặn hơn ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp, bởi đó mới là nền tảng vững chắc nhất cho vị chiến lược gia người Pháp trên con đường xây dựng một hình ảnh mới mẻ cho ĐTQG Việt Nam, một lối chơi không chỉ yêu cầu trình độ và tư duy kĩ chiến thuật, mà còn là bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/hai-mat-cua-u22-viet-nam-post1431129.html

SEA Games 32

U22 Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.