Bạn đã bao giờ nói dối người nhà chưa?
Chắc hẳn, từ hồi còn nhỏ xíu xiu, dù có thương bố mẹ cỡ mấy thì bạn cũng biết nói dối để… lấy tiền mua kẹo rồi. Lớn lên, khi đã ra ngoài sống, luôn nói dối bố mẹ rằng tháng này tiền lương con xông xênh để chi tiêu, con có cuộc sống thoải mái ở thành phố; nhưng thực chất ấm lạnh no đói ra sao chỉ mình bạn là cảm nhận rõ nhất. Ngẫm lại, chúng ta nói dối với người nhà còn nhiều hơn với người ngoài. Nhưng lời nói dối khi trưởng thành thường xuất phát từ mong muốn giảm đi những nỗi lo, muốn người nhà được an tâm, giữ cho không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm.
Thế nên, người lớn hay nói dối hơn trẻ con.
Và có những lời nói dối, khi biết được sự thật - người nhà không nỡ trách nhau. Bởi họ biết cao hơn sự thành thật với gia đình là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Huế, Linh, Thành, Tâm, Đào - quá nửa những bạn trẻ tình nguyện đi vào tâm dịch trong bài viết này, đã nói dối gia đình họ. Sau khi “chốt" tên trong danh sách thiện nguyện, gia đình của họ mới ngã ngửa ra rằng: Con mình đi vào tâm dịch. Những cảm xúc xáo trộn, vừa lo sợ vừa tự hào, vừa xót con vừa thương cộng đồng… đành gói trọn trong lời dặn dò tiễn con lên đường của các vị phụ huynh: Nhớ giữ sức khoẻ nghen con!
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, những tâm sự đầy xúc động của những bạn trẻ xa nhà đi đến vùng dịch; cũng như trăn trở của người thân khi trong nhà có thành viên đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, sẽ cho bạn ngắm nhìn rõ hơn nữa chiều sâu của bức tranh: Gia Đình.
“Quê mình ở Lục Nam, Bắc Giang nên khi nghe tin tâm dịch đang cần sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế, mình liền đăng ký xung phong lên đường.
Nhà có cô con gái cưng, thế nên, dù từ đầu đã chắc chắn với ý định đi vào tâm dịch song mình lại không biết mở lời với ba mẹ ra sao. Thậm chí, hồi đó mình còn dự định giấu luôn không định nói bố mẹ con sẽ lên tuyến đầu chống dịch hay sao cả.
Vậy mà khi biết rồi, bố mẹ chỉ dặn dò mình giữ gìn sức khoẻ. Cố gắng hết mình, giúp đỡ quê hương chiến thắng dịch bệnh rồi về. Những ngày sống trong khu chữa trị cho F0 thật sự là những ngày dài với mình. Nỗi nhớ ba mẹ, nhớ nhà chỉ vơi đi phần nào qua những cuộc gọi hỏi han. Được nghe giọng nói của những người thân yêu, mình như được tiếp thêm sức mạnh để gắng sức cùng mọi người vượt qua khó khăn, chờ ngày đất nước đẩy lùi dịch bệnh”.
Đó là tâm sự của Phạm Thị Huế, nữ điều dưỡng xinh đẹp 23 tuổi, là người trẻ nhất trong số 20 cán bộ, y, bác sĩ từ nhiều bệnh viện của Quảng Ninh lên đường đến chi viện cho Bắc Giang. Ngày 5/ 6 vừa qua, Huế bắt đầu tham gia chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân F0 tại Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Để thuận tiện hơn trong việc khoác lên mình bộ đồ bảo hộ suốt ngày dài, Huế đã quyết định cắt đi mái tóc dài của mình.
“Mình tham gia làm tình nguyện viên trực chốt ở chợ Bình Điền, Q.8, TP. Hồ Chí Minh, nơi vừa thành ổ dịch mới trong cộng đồng. Mình muốn mang sức trẻ ra cống hiến, để cùng các anh chị và cô chú đẩy lùi dịch bệnh khó ưa. Nhưng có một lý do phụ xíu xiu nữa là mình cũng muốn thông qua những đợt tình nguyện này mà được làm quen thêm nhiều bè bạn, để tuổi trẻ thiệt là đáng nhớ!
Lý do đơn giản vậy thôi nhưng mà để có thể đường đường chính chính đến nơi đang là ổ dịch thì cũng phải đấu tranh tâm lý nhiều lắm. Khó nhất là ải xin phép mẹ. Từ ngày đặt bút đăng ký cho đến tận đêm trước ngày ra quân, mình không hề để lộ chút ít thông tin nào, chỉ thông báo với mẹ khi mọi sự đã rồi. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi mẹ gật đầu cho mình lên tuyến đầu chỉ với một điều kiện duy nhất: Nhớ giữ an toàn!
Dù đồng ý với quyết định của mình, song, mình biết mẹ không hoàn toàn thoải mái với lựa chọn đó, vẫn lấn cấn những lắng lo trong lòng. Mình đăng ký ca trực từ 14h - 22h mỗi ngày. Từ một người có thói quen ngủ sớm, mẹ mỗi ngày đều đặn đợi cửa, chỉ khi con trai về nhà an toàn thì mới yên tâm nghỉ ngơi.
\Khi tham gia vào công tác hỗ trợ phòng dịch, mình cũng đã được trải qua rất nhiều thử thách dành cho sức trẻ. Nhưng mình không thấy mệt, chỉ thấy vui thôi, bởi ở đây luôn có sự quan tâm của những người dân ở xung quanh và những cuộc gọi của mẹ động viên tinh thần mình vững vàng hơn.
Hôm chợ Bình Điền có F0, mình cũng tham gia vào đội lấy mẫu cho người dân. Lo lắm, nhất là khi phải tiếp xúc với những ca khả nghi. Từ lâu rồi, mình không lo cho mỗi bản thân mà còn lo cho cả mẹ nữa. Tất nhiên những cái này, không bao giờ mình dám kể cho mẹ, vì mẹ đã nhiều nỗi lo rồi.
Mình chỉ muốn nói là mình yêu mẹ nhiều lắm. Mình cũng muốn cảm ơn các cô chú ở đây (chợ Bình Điền, Q.8) đã giúp đỡ những đứa như tụi mình, quan tâm và lo lắng như con cái trong nhà."
Tâm sự cảm động này là của Trần Nam Linh (21 tuổi) - tình nguyện viên tham gia trực chốt ở chợ Bình Điền, Q.8, Tp. Hồ Chí Minh. Cậu bạn không chỉ có những suy nghĩ trưởng thành hơn khi tham gia chiến dịch vì cộng đồng, mà còn biết thương mẹ hơn khi bước ra ngoài va chạm với xã hội. Tin rằng không riêng gì Nam Linh, tất cả chúng ta đều sẽ trân quý gia đình mình hơn khi biết rằng dù mọi thứ có mệt mỏi thế nào - phía sau lưng vẫn còn một người đợi cửa, một tổ ấm sáng đèn để quay về.
\
“Xin chào mọi người, mình là Nguyễn Minh Tuấn, đang là 1 thành viên trong đoàn công tác chống dịch của Học viện Quân y ở Bắc Giang và quan trọng là chưa có người yêu (cười). Đùa chút thôi chứ mình đã ở Bắc Giang từ tối 16/5 rồi, công việc chủ yếu của mình là lấy mẫu trong cộng đồng và vẫn đang tiếp tục ở đây thực hiện đúng nhiệm vụ của cấp trên.
Mình học tập trong môi trường Quân đội nên đã quen với việc xa nhà rồi. Nhưng phải thú thật là cũng nhớ nhà lắm, thèm cơm mẹ nấu nữa. Vì từ khi có dịch đến nay mình ít về nhà, tính thời gian ở nhà chắc được khoảng 2 tuần. Trong đó Tết 2021 mình không được về vì có lịch trực ở viện, rồi vì dịch nên cấm trại toàn quân, ở lại trực cũng là nhiệm vụ chung nên mình đã nói với bố mẹ để xác định tư tưởng từ khi mới có dịch rồi.
Trong những ngày đi chống dịch này, khoảng 2-3 ngày mình lại gọi về nhà 1 lần, cũng chẳng có chuyện gì nhiều nhưng vẫn gọi để thông báo công việc với sức khỏe cho bố mẹ an tâm.
Thật ra bố mình nghiêm lắm, mình ít nói chuyện với bố. Sau này đi học, đi chống dịch mới hiểu bố mẹ vất vả và lo lắng cho mình nhiều thế nào nên khoảng cách giữa 2 bố con cũng thu hẹp chút chút nhưng mình thành thói quen rồi, vẫn hay gọi mẹ trước rồi mới gọi bố.
Lúc đăng ký tham gia chống dịch, mình cũng tự làm rồi mới thông báo cho bố mẹ. Vì mình biết bố mẹ luôn ủng hộ mình cống hiến sức khỏe và trí tuệ khi nhân dân cần. Ngược lại bố mẹ cũng dặn dò làm việc cẩn thận, giữ an toàn cho bản thân trước, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Đó là những dòng tâm sự xúc động của Nguyễn Minh Tuấn (SN 1998), quê Lạng Sơn, học viên năm 5, lớp DH50A, Hệ 4, Học viện Quân y, nếu ai chung hoàn cảnh đọc vào có thể ứa nước mắt theo. Minh Tuấn mang tâm sự của một người con xa nhà lâu ngày, thèm lắm những điều giản dị.
Cũng bởi vì hoàn cảnh chung mà vẫn chưa hẹn ngày về với gia đình. Nhân đây, cậu cũng gửi lời đến gia đình mình theo cách chân thành mà đầy ấm áp:
“Con cảm ơn bố mẹ đã luôn tin tưởng, động viên con, cho con thêm động lực cống hiến sức trẻ, trí tuệ mỗi khi đất nước và nhân dân gặp khó khăn. Con hứa sẽ giữ sức khỏe, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa, quyết tâm cùng đồng đội, nhân dân cả nước đẩy lùi đại dịch. Hết dịch con sẽ lại trở về nhà, ăn bữa cơm mẹ nấu, trò chuyện với bố như trước”.
“Nhiệm vụ chính của mình kéo dài gần 4 tháng qua, chủ yếu là trực gác vòng ngoài gồm những công việc như nhận đồ tiếp tế cho người dân, đảm bảo an ninh khu cách ly và an ninh các chốt giao thông vùng dịch. Cũng vất vả nhưng bản thân mình luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của một người chiến sĩ công an. Mình rất vui và tin tưởng rằng các y bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
Do tính chất công việc cũng như yêu cầu an toàn mùa dịch nên mình phải xa nhà khá thường xuyên. Xa gia đình thì ai mà chẳng buồn. Mình làm nhiệm vụ từ Tết, nên Tết rồi mình cũng không được về nhà mà ở lại cùng các y bác sĩ và các anh bộ đội trên khu cách ly luôn.
2 tháng gần đây mình cũng chưa được về nhà lần nào. Nhà mình đang mùa vải thiều chín đỏ, mình cũng muốn giúp bố mẹ bẻ vải bán lắm. Mẹ mình bị thoát vị đĩa đệm mới mổ năm trước nhưng vẫn lao động tích cực. Thương bố mẹ nhiều nên nhớ nhà là điều đương nhiên, tuy nhiên mình biết và ý thức được nhiệm vụ mình đang làm.
Những lúc nhớ nhà mình thường bật mấy bài nhạc buồn nghe. Bài mình hay nghe nhất là bài “Cha già rồi đúng không" trong phim Bố Già rồi hát theo. Thỉnh thoảng, mình lôi ảnh hồi nhỏ ra ngắm lại. Có một điều khá tiếc nuối nữa là mình có hứa ôn đại học cho em trai mình, vì năm nay nó thi. Mà do dịch nên em mình lại phải tự ôn mà không có mình hướng dẫn.
Nói thì nói vậy nhưng gia đình luôn luôn là điểm tựa vững chắc nhất, luôn định hướng đúng đắn cho mình. Dù xa nhà nhưng bố mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm mình vào cuối tuần. Bà nội mình cũng hay gửi lời chúc, động viên mình cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mình biết gia đình mình luôn tự hào về công việc mình đang làm và mình biết ơn vì điều đó.
Giờ mình chỉ có một mong ước duy nhất là dịch bệnh sẽ sớm kết thúc, để được về nhà ăn cơm mẹ nấu, để nghe bố kể chuyện, để được mắng cậu em trai, và tuốt lá vải thiều. Cảm giác về nhà tuyệt lắm!”.
Phạm Văn Minh Thành (sinh năm 1998), mới tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân (C500), đang công tác tại Công an huyện Sơn Động (Bắc Giang) chia sẻ câu chuyện của mình.
“Nhà có hai cô con gái song sinh, từ nhỏ mình với chị Xuân như hình với bóng, chuyện nhỏ chuyện to gì cũng đều tỉ tê tâm sự hết. Hồi mới nghe chị sẽ lên đường đi vào vùng dịch, mình vừa lo lắng vừa thương chị nữa. Nhưng mà ý chị đã quyết, gia đình chỉ có thể đồng ý cho chị tham gia chi viện, hỗ trợ Bắc Giang mà thôi.
Đi đến tâm điểm của dịch nên khả năng lây bệnh rất cao lại thêm phải mặc bộ đồ bảo hộ giữa thời tiết nóng nực của miền Bắc, gia đình mình rất thương và lo lắng cho chị. Mỗi ngày, ba mẹ đều cập nhật từng tin tức về dịch bệnh, không sót một tin nào. Cứ mỗi lần gọi điện an ủi, động viên tinh thần mà nhìn thấy chị mặc bộ đồ bảo hộ dưới cái nóng, mồ hôi ướt sũng mình đều không kìm được nước mắt.
Ngày chị gọi về báo tin kết thúc đợt hỗ trợ, sắp được về lại Quảng Ninh và chỉ đợi cách ly tập trung xong rồi đoàn tụ với gia đình, mình như vỡ òa trong hạnh phúc. Nhà có người đi chống dịch, lại còn ở Bắc Giang thì lo lắng lắm nhưng mà cũng tự hào không kém, vì chị đã góp được một phần công sức cho đất nước”.
Hồng Đào - cô em gái nhỏ có chị là một trong 200 y bác sĩ của bệnh viện Thụy Điển - Việt Nam (Uông Bí, Quảng Ninh) tham gia đợt chi viện cho tâm dịch Bắc Giang nghẹn ngào kể lại nỗi lo lắng và nhớ thương cho chị gái trong những ngày vừa qua.
“Mình bắt đầu lên Bắc Giang từ ngày 1/6, công việc chính là hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine. Mình chưa bao giờ xa nhà lâu như vậy, thấy cũng hơi nhớ nhớ nhưng tự động viên rằng mình lớn rồi. Tuy vậy mỗi tối nếu có thời gian nghỉ, mình sẽ tranh thủ gọi điện cho bố mẹ đầu tiên.
Khi mình đăng ký tham gia chống dịch, bố mẹ khá lo lắng nhưng cũng không ngăn cản gì, chỉ động viên mình cố gắng và thận trọng trong công việc để bảo vệ bản thân. À, mình đăng ký xong mới thông báo với bố mẹ *cười*. Tại mình sợ nếu nói trước thì chưa chắc đã được bố mẹ đồng ý, bố mẹ nào cũng lo con cái đi vào vùng dịch và gặp nguy hiểm ấy.
Thật ra những hôm nắng nóng, phải mặc đồ bảo hộ thì ai cũng mệt. Nhưng không sao cả, tụi mình được nhà trường và huyện quan tâm lắm, từ đồ ăn đến vật dụng sinh hoạt đều được cấp đầy đủ, không thiếu gì hết. Chọn nghề này là đã chấp nhận cả những lúc vất vả thế này rồi. Thế nên ai cũng rất vui, không hề hối hận khi đăng ký tham gia chống dịch, luôn nghĩ bản thân chỉ đang góp vào chiến dịch chung một phần sức nhỏ xíu thôi”.
Thanh Tâm, 20 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai nói về những ngày trong tâm dịch. Ở tuyến đầu, ngày nào cũng dài và căng như dây đàn. Nhưng người ở nhà nhìn người thân mình đi vào nơi ấy, cũng không dễ chịu gì. Vẫn biết là nguy hiểm đấy, mệt mỏi đấy nhưng… biết thế nào được, tất cả vì mục tiêu chung của đất nước.
Thế Bang - anh họ Tâm cho biết: “Nhà mình có một group chat của gia đình. Biết tin em xung phong đi chống dịch thì không ai phản đối mà ngược lại, nhiệt liệt ủng hộ và cổ vũ tinh thần cho em. Thật ra mọi người cũng có chút lo lắng vì biết em sẽ phải xa nhà trong thời gian dài, khoảng hơn 1 tháng mà Tâm từ bé đến giờ chưa xa bố mẹ bao giờ. Nhưng không sao, gia đình mình tin rằng em sẽ hoàn thành tốt công việc và về nhà sớm thôi”.
Không được về nhà trong ngày cuối cùng của tháng 6 này, Thanh Tâm nhắn nhủ đến gia đình: “Con biết mọi người lo lắng nhưng bố mẹ và gia đình ở nhà yên tâm nhé! Chúng con ở đây được nhà trường và mọi người quan tâm nên chúng con không thiếu thốn gì cả. Con hứa sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao và an toàn về nhà. Mọi người ở nhà hãy chờ con!”.
THEO PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC