Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng Tất niên đầy đủ và những điều kiêng kỵ cần tránh

Mâm cúng Tất niên tiễn năm cũ cần chuẩn bị như thế nào để không cần quá cầu kỳ nhưng vẫn thể hiện được tấm lòng thành kính của gia chủ đối với trời đất và gia tiên?

Chuẩn bị mâm cúng Tất niên luôn là một nghi thức đặc biệt quan trọng của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Không chỉ để tiễn biệt những điều xấu của năm cũ, chào đón điều lành trong năm mới, mâm cúng Tất niên còn mang ý nghĩa cảm tạ các quan thần linh, thổ công thổ địa, gia tiên nơi mình cư trú thờ cúng đã phù hộ, độ trì năm qua và mong mỏi tiếp tục được bao bọc chở che vào thời gian tới. 

Chính vì vậy, mọi gia đình đều cố gắng sum họp đầy đủ trong ngày cuối cùng của năm, cùng nhau chuẩn bị mâm cúng tươm tất để dâng lên bề trên và tận hưởng bầu không khí ấm cúng, hạnh phúc bên nhau sau một năm làm việc mệt mỏi.

Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng Tất niên đầy đủ và những điều kiêng kỵ cần tránh-1

Mâm cúng Tất niên đầy đủ gồm những gì?

Mâm cúng Tất niên thường được chuẩn bị thịnh soạn hơn bình thường, nhưng cũng không cần quá cầu kỳ mà còn tùy vào kinh tế của mỗi gia đình để thực hiện. Điều quan trọng nhất là mâm cúng phải được chuẩn bị và dâng lên bề trên sao cho thành tâm nhất, đầy đủ lễ nghi và thể hiện được tấm lòng của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh đã phù hộ gia đình trong năm qua. Tuy nhiên, một mâm cúng Tất niên đầy đủ theo cách thông thường cũng cần đảm bảo những lễ vật  như sau: 

- Trái cây
- Hoa
- Nhang rồng phụng
- Đèn cầy
- Gạo, muối
- Trà, rượu 
- Nước lọc
- Giấy tiền vàng mã
- Bánh kẹo
- Trầu cau
- Chè, Xôi
- Gà ta luộc
- Heo sữa quay
- Giò/chả
- Bánh chưng/bánh tét
- Bình hoa, Lư Nhang


Nếu gia chủ muốn làm mâm cúng chay thì cũng cần chuẩn bị đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến theo kiểu chay và bày biện đầy đặn, trang nghiêm. Ngoài ra còn tùy theo phong tục từng vùng miền, thức ăn trong lễ cúng hết năm có thể thay đổi hoặc bổ sung thêm khác nhau. Cụ thể:

Mâm Cúng Tất Niên Miền Bắc thường có: Canh móng giò hầm măng khô, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào, thịt đông, dưa hành, canh bóng thập cẩm…

Mâm Cúng Tất Nên Miền Trung thường có: Bánh chưng, bánh tét, giò lụa Huế, chả Huế, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua, cá chiên hay đĩa ram… 

Mâm Cúng Tất Niên Miền Nam thường có: Bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng tươi, bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, củ kiệu…

Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng Tất niên đầy đủ và những điều kiêng kỵ cần tránh-2

Những điều nên và không nên khi làm mâm cúng Tất niên

Lễ cúng Tất niên mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng nên ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ tươm tất đầy đủ, người Việt cũng rất cẩn thận để quá trình thực hiện chuẩn xác nhất đồng thời tránh mắc phải những điều kiêng kỵ như sau:

Làm cỗ cúng vào chiều và tối

Thời điểm thích hợp nhất để tổ chức lễ cúng Tất niên và sum vầy bên mâm cơm là khoảng chiều hoặc tối ngày 30 Tết. Đây là lúc mọi công việc trong năm cũ đều đã kết thúc, nhà cửa đã được trang hoàng sạch sẽ và mọi người đều kịp trở về nhà. 

Các thành viên trong gia đình nên có mặt đầy đủ, ăn mặc chỉnh tề trong thời điểm làm cỗ cúng để "thưa chuyện" với tổ tiên, người lớn trong gia đình, cùng nhau ôn lại những bước ngoặt xảy ra trong năm và hứa hẹn về điều tốt đẹp trong năm mới.

Mâm cơm cúng không được xuề xòa như ngày thường

Tùy thuộc theo vùng miền và điều kiện gia đình, mỗi nơi sẽ có mâm cơm cúng khác nhau, nhưng, một số vật phẩm nhất định phải có khi cúng theo phong tục của người Việt đó là: mâm ngũ quả, hương hoa, vàng mã, trầu cau, rượu, bánh chưng... Các món ăn trong ngày Tết sẽ được bầy biện trang nghiêm trên bàn thờ khi cúng Tất niên.

Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng Tất niên đầy đủ và những điều kiêng kỵ cần tránh-3

Chuẩn bị lễ cúng trước khi ăn Tất niên

Theo phong tục xưa nay, trước khi cả gia đình ăn Tất niên phải chuẩn bị đồ cúng và khấn vái tổ tiên trước. Tất cả các thành viên trong gia đình nên mặc quần áo đẹp, sạch sẽ cùng tụ họp lại để cùng trình diện trước bàn thờ gia tiên. Bằng không sẽ dễ dẫn đến lục đục trong gia đình trong năm mới, kém tài lộc.

Nghiêm túc, không được đùa cợt khi cúng

Khi làm lễ cúng gia tiên, nếu bạn nói chuyện, cười đùa quá to hoặc chửi bậy, nói tục là thể hiện sự bất kính. Nếu vậy "bề trên" có thể sẽ phật ý và quở trách, dẫn đến những điều không may trong năm mới. Do đó, để mong cầu tiếp tục được bao bọc che chở và phù hộ độ trì trong năm tới, các thành viên trong gia đình cần nghiêm túc thành kính trước bàn thờ tổ tiên.

Không khí vui vẻ trong bữa cơm

Để mong muốn đón nhận một năm mới nhiều niềm vui và cát lành thì ngay tại thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới này mọi việc nên được diễn ra êm thấm, thuận lợi. Chuyện cãi nhau, xô xát trong thời điểm này là điều rất kiêng kỵ, gia chủ nên nói những chuyện vui, những điều tốt lành và câu chuyện chỉ nên xung quanh các thành viên trong gia đình, không nên nói tới người khác.

Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng Tất niên đầy đủ và những điều kiêng kỵ cần tránh-4

Tránh đổ vỡ

Không chỉ trong đầu năm mới mà ở những khoảng thời gian cuối cùng của năm cũ cũng cần kiêng kỵ việc làm đổ vỡ bất kì thứ gì. Theo quan niệm dân gian, những gì đổ vỡ thường đem lại xui xẻo, đặc biệt nếu rượu hoặc dầu đèn bị đổ ra nền nhà có thể thu hút ma quỷ kéo đến nhiều hơn, gây phiền nhiễu nên chúng ta cần hết sức tránh.

Theo V.K - Vietnamnet


Tết Tân Sửu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.